Chúng tôi hành quân vào chiến trường miền Nam theo đường giao liên bộ. Nói là
đường nhưng thực chất chỉ là những vệt mòn không liên tục, nhiều khi phải cắt rừng đi theo dấu “bẻ cò” của giao liên. Mỗi ngày chúng tôi phải đi một trạm. Chả biết bên giao liên bố trí thế nào mà trạm ngắn, trạm dài. Nhiều hôm đi từ sáng sớm đến tối mịt mới đến nơi. Ba lô nặng trĩu trên vai, trèo đèo, lội suối suốt ngày, đau nhức toàn thân, nhiều người trong số chúng tôi đã có biểu hiện kiệt sức. Thế nhưng có hôm chỉ đi bốn năm tiếng đồng hồ là đã đến bãi khách, những hôm như thế anh em chúng tôi sướng lắm. Đặt ba lô xuống là mọi người
tranh thủ ra suối tắm giặt, rồi chia nhau người đào bếp Hoàng Cầm nấu cơm,
người đi hái rau rừng về cải thiện. Thức ăn của chúng tôi mang theo toàn đồ
hộp, đồ khô nên ai cũng thèm rau xanh. Nhiều vật kỷ niệm như giấy bút, bưu ảnh,
mùi xoa thêu, xà phòng … Thôi thì bất cứ thứ gì cho là không cần thiết lắm đều
có thể mang đối được là đem đổi lấy rau xanh. Một hôm, không rõ vì lý do gì mà
ông trời ưu ái chúng tôi làm vậy. Đã được nghỉ sớm, lại được nghỉ chung bãi
khách với mấy chị bộ đội cùng hành quân đi vào. Trông các chị đẹp lắm, phải nói
là đẹp vô cùng tận làm chúng tôi mê mẩn ngắm nhìn. Mấy cậu đoán già, đoán non
đây là đoàn văn công quân khu vào phục vụ chiến trường. Buồn cười quá;
khi anh giao liên đưa các chị đi qua, mấy cậu máu me cứ suýt soa ra chiều tiếc lắm.
Khi biết họ được bố trí nghỉ ở cuối bãi khách cạnh tiểu đội tôi các cậu vui
sướng ra mặt, reo lên khe khẽ: “Nhất rồi chúng mày ơi”.
Quên cả mệt mỏi họ vội vàng đi tắm rửa, ăn mặc gọn gàng rủ nhau sang nhận đồng hương. Đang hưng phấn các cậu bị trung đội trưởng nhắc nhở, không
được sang chơi để đoàn bạn nghỉ ngơi lấy sức, hôm sau còn hành quân tiếp. Các
cậu tiu nghỉu, nhấm nháy nhau để đến tối.
Vào khoảng bốn giờ chiều hôm đó, từ hướng nam có một anh thanh niên ăn vận quần
áo bộ đội cũ, vai đeo Cà pha(Gùi) đựng đầy rau xanh đi qua.
Các chị vẫy vẫy tay gọi rối rít:
- Anh gì ơi! Vào đây, vào đây chúng em bảo cái này.
Anh bộ đội có nước da đen nhẻm, tóc xoăn tít có vẻ bờ lô nhếch lắm không ra dáng vẻ của anh bộ đội Việt Nam. Các chi đoán là đồng bào Lào. Một chị lấy tờ mười đồng tiền Việt Nam đỏ chót vừa nói vừa ra hiệu xin mua rau xanh. Anh thanh niên cười hiền lành, nói tiếng Việt bằng một giọng lơ lớ khó nghe:
- Khôông! Mình khôông ban đau.
Lúc này các chị biết chắc đây là một thanh niên Lào đi làm nương qua.
Các chị bèn sử dụng vốn ngôn ngữ Lào học lỏm pha lẫn ngôn ngữ Việt.
- Thế có biên biên(đổi đổi) cái này không?
Một chị cầm bánh xà phòng thơm huơ huơ cho anh thanh niên xem.
- Khôông! Mình khôông cầng cáy nay đau; anh thanh niên vừa nói vừa lắc đầu hóm
hỉnh.
- Thế mày cần cái gì?
Anh thanh niên tỏ vẻ bẽn lẽn nói:
- Vơ minh đe coong, mình cầng cay nay cho no mắc đáy. Vừa nói anh vừa làm động
tác để các chị hiểu được là dụng cụ nâng hai “bình sữa” của phụ nữ. Các chi
hiểu ngay, phì cười vì các động tác diễn tả của người thanh niên. Đăm chiêu suy
nghĩ một lúc, thèm rau quá một chi lấy từ ba lô ra một chiếc mới tinh đưa cho
anh thanh niên xem rồi nói:
- Đây đẹp lắm đấy, biên đi.
Anh thanh niên ngắm đi, ngắm lại; vẫn nụ cười hiền lành trên môi, anh gãi gãi đầu rụt rè nói:
- Cay nay la đo gia đay, khôông phai la đo thát đay. Mình khôông đói đau.
Anh thanh niên phải nói đến lần thứ ba các chị mới hiểu là:"Cái này là đồ giả, không phải là đồ thật; mình không đổi đâu".
- Thế cái nào mới là đồ thật? chị bộ đội nọ có phần bực giọng nói.
Anh thanh niên như đắn đo, một lúc mới nói:
- Cai mai đang đéo mơi la đo thát.
- Sao, mày nói gì?
- Anh thanh niên phải nói ba bốn lần mà các chị vẫn không hiểu. Về sau anh phải vừa nói, vừa làm động tác chỉ trỏ vào một chị đứng cạnh, khi đó các chị mới hiểu ra là: “cái mày đang đeo mới là đồ thật”.
Vừa tức, vừa buồn cười cho cái ngây ngô của anh thanh niên, một chị trong số họ cũng thuộc diện máu me, đi ngay ra phía sau một cây to trong bãi khách cởi phăng chiếc áo con đang mặc còn ướt đẫm mồ hôi mang ra đưa cho người thanh niên, nói:
- Đây! đồ thật đây, đổi đi!
Anh thanh niên cầm lấy áo, làm động tác hít hít từ xa nhăn mũi nở nụ
cười mãn nguyện. Anh bốc ra một bó rau to dễ đến ba bốn cân đưa cho các chị; rồi để cái áo con cẩn thận vào cà pha đi về phía trạm khách.
Hôm sau cung đường ngắn, hai đoàn chúng tôi xuất phát muộn. Khoảng hơn sáu giờ
lại thấy anh thanh niên đổi rau hôm qua đi về phía cuối bãi khách; đến khu vực các chị bộ đội anh dừng lại gọi to:
- Chị Lan đoàn trưởng đoàn B4 chuẩn bị cho đoàn lên đường ngay nhé!
Chị gì hôm qua đổi rau ra nhận lại áo.
Tiếng anh nói dõng dạc, rõ ràng không ngọng nghíu ngọng ngô như ngày hôm qua.
Nói rồi anh cười ngất ngưởng đặt cà pha xuống ngồi chờ./.
Hà Nội, tháng 10 năm 2010
Hải Thăng
Chuỗi ngày qua của TRƯỜNG SƠN một thời...là gian nan nhưng không thiếu phần hài hước để quân và dân ta đi đến thắng lợi này...là những mảnh chuyện thật của đời thật đó...cảm ơn Hải Thăng và Hữu Duyên viết và đăng lên!
Trả lờiXóa