Mưa ùn ùn trút xuống, tôi trên lưng cha giữa cánh đồng ngun ngút nước mưa cộng với nước mắt mặn đắng là cảm giác duy nhất còn sót lại giữa tôi và cha tôi… Đó ngày mà cha mẹ tôi được tòa phán xử cho ly dị, tôi và em trai được phán quyết theo cha, em gái tôi theo mẹ. Mẹ tôi lên chiếc võ lãi chạy trên sông ngược về nhà ngoại, tôi và cha đón chiếc đò chạy dọc theo sông về nội. Mùa mưa bầu trời tối sầm đầy sấm sét.
Nhà tôi ở gần chợ huyện, cha tôi là một y sĩ làm ở trong ban bảo vệ sức khỏe của huyện, mẹ tôi mở bán quán cà phê nhỏ mở bán tại nhà… nhưng từ nhỏ tôi sống với ông bà nội ở quê mà tôi cũng chẳng biết lý do vì sao, nghe nói cha mẹ tôi để tôi và em trai sống với ông bà nội để ông nội dạy chúng tôi học thêm. Trong tiềm thức con cháu trong nhà rất sợ ông, nên chúng tôi không có cảm giác là phải đòi theo ở gần cha mẹ vì nỗi sợ lấn át, ông tôi được xem là một ông giáo không chuyên ở làng, dạy rèn chữ và toán cho con em trong làng… Có lẽ vì thế những năm cấp một tôi là một trong những học sinh đứng đầu lớp, thời đó mỗi lớp chỉ có trên dưới ba học sinh được nhận giấy khen cuối năm.
Lên lớp năm tôi được chuyển về ở với cha mẹ ở huyện đi học. Cha tôi được xem như là một người có chút thành công đối với những người ở quê, những bạn bè cùng thời thời đa số về làm nông, nhưng cha tôi được học hành và làm việc cho nhà nước, có lẽ vì thế ở quê bà con hàng xóm láng giềng khi có việc hoặc cần sự hỗ trợ đều ghé nhà tôi và cha tôi luôn tận tình giúp đỡ, mối thâm giao được gắn chặt bằng những bữa tiệc, cuộc nhậu.
Không biết khi nào, ngoài việc làm ở cơ quan, thời gian còn lại của ông chỉ là những cuộc nhậu, hết bà con hàng xóm dưới lên ghé chơi, đến những người cùng làm trong cơ quan, bạn bè… và mỗi khi gặp nhau đều họ đều kết thúc bằng chầu nhậu.
Bình thường cha tôi là người hiền lành, nói năng ngọt ngào từ tốn nhỏ nhẹ, hay giúp đỡ mọi người khi có việc cần rất nhiệt tình nên rất nhiều người quý mến, nhưng khi có rượu vào là trở thành như con người khác và anh em chúng tôi mỗi lần thấy cha nhậu đều tìm cách trốn không để ông thấy mặt vì chắc chắn tôi phải bị bắt chạy đi mua rượu còn em gái tôi bị bắt hát múa để ông khoe với mọi người, lúc đầu chúng tôi đều nghe lời nhưng dần dà nhiều lần nó trở thành nỗi sợ hãi …
Những trận cãi vã của cha mẹ thường xuyên hơn, những lý do không đầu đuôi, lần nào cũng vậy có rượu vào là sinh ra tranh cãi, lúc đầu nhỏ sau lớn tiếng dần và hàng xóm có thể nghe thấy tiếng cãi nhau và tiếng khóc thét sợ hãi từ em gái tôi.
Mẹ tôi ôm gương mặt bầm tím đôi mắt đỏ hoe vì khóc, lúi cúi sau bếp nấu bữa ăn buổi chiều, cha tôi nằm lăn ra bộ ván ngáy pho vì xỉn sau cuộc nhậu, mẹ bảo bị cha đánh vì lời qua tiếng lại câu chuyện cự cãi bắt đầu từ những lý do không đầu đuôi, em gái tôi khóc thút thít quấn quýt sau lưng mẹ.
Cơ quan nơi cha tôi làm việc gọi kiểm điểm… lần một, lần hai, rồi lần và rồi cha tôi bị luân chuyển công tác, ông uống rượu ngày càng nhiều và mỗi lần như vậy gọi mẹ tôi ra mắng chửi bảo là do mẹ tôi nên nên uy tín bị ảnh hưởng, bị điều chyển công tác. Những trận ẩu đả xảy ra liên tục, mẹ tôi bỏ về ngoại nhiều lần, ông bà nội tôi phải tất cả gặp ngoại tôi xin mẹ tôi về vì anh em chúng tôi còn nhỏ, cha tôi cũng nhiều lần xin lỗi hứa và hứa sẽ không uống rượu nửa. Nhưng không bao lâu thì cũng đắm chìm trong men rượu, khi đã ghiền thứ gì thì việc bỏ là rất khó khăn.
Và một ngày kia cơ quan nơi cha tôi làm việc quyết định cho ông ấy nghỉ việc.
Mẹ tôi khóc nhìn chúng tôi nước mắt ướt đẫm lá đơn ly hôn, ngày ấy chúng tôi không ý thức được ly hôn là như thế nào, chỉ nghe mẹ nói nhà mình không sống với nhau nửa, anh em tôi là con trai theo cha về sống với ông bà nội, em gái tôi theo mẹ về bên ngoại. Em trai tôi lúc ấy vẫn đang ở với ông bà nội, còn tôi với em gái bốn tuổi nhìn xung quanh ngơ ngác, tôi đứng yên nhìn mẹ đắt em gái tôi cùng với giỏ quần áo ra khỏi nhà. Cha tôi ngồi lặng yên không nói gì, không biết lúc ấy ông nghĩ gì nhưng đôi mắt cũng đỏ hoe bảo tôi theo ông lên chuyến đò về nhà nội giữa cơn mưa.
Tôi về ở với ông bà nội, cảm giác không quá lạ vì từ nhỏ anh em tôi sống đã sống với ông, tôi chỉ có hai năm sống chung với cha mẹ cho đến khi gia đình không còn nửa. Mẹ đi ngang nhà nội lúc không ai ở nhà mẹ bảo anh em tôi ở lại ráng học, mẹ đi làm kiếm tiền để lo lắng cho tương lai anh em tôi, nhìn chúng tôi mẹ khóc rồi quay đi, tôi và em nhìn mẹ khuất xa… tiếng con chim chích lạc bầy kêu giữa trưa kêu chíu chít.
Rồi tin mẹ tôi cùng với một số người bạn đi vượt biên, ông bà nội nhìn chúng tôi không nói gì rồi thở dài… Cha tôi bỏ quê đi từ khi đưa anh em tôi về sống với ông bà nội, chúng tôi cứ thế lớn lên trong tình yêu thương của ông bà, gia đình không dư dả gì nhưng tôi may mắn được đi học hết lớp 12 rồi lên Sài Gòn học đại học… Tin tức về mẹ tôi hình ảnh về cha tôi mờ đi trong lòng chúng tôi.
Chúng tôi đến thành phố học và làm việc, em tôi không may mắn học hành như tôi nhưng cũng nghề lái xe và có công việc ổn định. Tôi có gia đình và việc làm tuy không giàu có nhưng đủ nuôi sống gia đình, tôi chon mình một lối sống không sa đà vào bia rượu dù ít bạn bè, dù rằng các mối quan hệ làm việc bạn bè, đối tác… thường kết thúc bằng bữa tiệc có bia rượu. Tôi cũng ít về quê, thật ra gần như không có quê để về, ông bà tôi mất hết chỉ còn lại bà con họ hàng, mỗi lần về đều bị ép bia rượu và khi có chút men vào thì gần như là có chuyện không hay, tôi hạn chế tối đa việc về quê nếu không có sự kiện gì lớn. Không hiểu vì sao người Việt lại rượu bia nhiều như thế.
Tôi có hai con gái và ngoài thời gian làm việc tôi cùng các con mình đến trung tâm thể thao tập luyện, nhìn chúng cười vui tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc. Tôi không muốn hình ảnh gia đình tan vỡ vì men rượu và rùng mình nhớ lại hình ảnh nằm trên lưng cha tôi giửa đồng đầy mưa lạnh, cái ngày tôi có cha mẹ mà cũng như không có.
T.T
(Thủ Đức – TP.HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét