Tình cờ đọc một vài tư liệu về dư địa chí Bình Định, sợ
nhầm lẫn nên xem tiếp tập Nước Non Bình Định của Quách Tấn, sách Huyền Tích
Kinh Xưa- Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế
của Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang và Lịch sử Đảng bộ An Nhơn
để đối chiếu, kiểm chứng. Không còn nghi ngờ gì nữa, “nói đã có sách...”, sau
nhiều thế kỷ biến động, năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thân-1832) đổi trấn Bình
Định thành tỉnh Bình Định và cho lập phủ An Nhơn, chia huyện Tuy Viển là một
trong 3 huyện thuộc phủ Hoài Nhơn thành 2 huyện là Tuy Viễn và Tuy Phước trực
thuộc phủ An Nhơn. Vì vậy, tên An Nhơn chính thức có từ đó, đến nay đã tròn 180
năm(1832- 2012) với bao thăng trầm.
Xin dành một chút thời gian để ngược
dòng lịch sử xa xưa hơn, đến ngàn năm có dư, kể từ khi người Chiêm Thành di
chuyển từ Quảng Nam vào Bình Định và định đô tại An Nhơn, phía nam xây thành
Cha, phía đông dựng thành Thị Nại, kinh thành Đồ Bàn tồn tại ngót 5 thế kỷ(938-
1470) với nền văn hóa Chăm Pa rực rỡ, dày đặc di tích tháp Chàm cổ kính và một
kho tàng cổ vật đồ sộ. Đến năm 1741, nước Đại Việt mở rộng bờ cõi đến núi Thạch
Bi (Phú Yên), địa phận vùng đất Bình Định ngày nay được đặt là phủ Hoài Nhơn,
gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Phủ lỵ Hoài Nhơn rồi đến phủ lỵ Quy
Ninh(1651), phủ lỵ Quy Nhơn(1742) đều đóng tại Đồ Bàn, đến năm 1744 dời về làng
Châu Thành thuộc xã Nhơn Thành ngày nay. Năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn đánh
chiếm phủ thành Quy Nhơn và cho mở rộng thành Đồ Bàn cũ làm Hoàng Đế
thành, kinh đô của vua Thái Đức- Nguyễn Nhạc trên đất này 16 năm(1778-1793).
Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm được đổi là Bình Định thành, năm 1802 nhà Nguyễn đặt
dinh Bình Định, năm 1809 đổi dinh làm trấn Bình Định gồm một phủ Quy Nhơn. Năm
1814 thành Bình Định dời vào khu vực trung tâm phường Bình Định ngày nay và tồn
tại 132 năm suốt 13 đời vua triều
Nguyễn. Năm 1831 đổi phủ Quy Nhơn thành phủ Hoài Nhơn, năm 1832 đổi trấn
Bình Định thành tỉnh Bình Định và đặt phủ An Nhơn, lúc bấy giờ có hai phủ là
Hoài Nhơn gồm ba huyện Bồng Sơn, Phù Cát và Phù Mỹ; phủ An Nhơn gồm hai huyện
Tuy Viễn và Tuy Phước. Năm Tự Đức thứ 5 bỏ phủ An Nhơn, hai huyện Tuy Viễn và
Tuy Phước lệ vào phủ Hoài Nhơn, đến năm thứ 18 đặt lại phủ An Nhơn. Năm Thành
Thái thứ 18 huyện Tuy Phước được nâng lên thành phủ, đến thời điểm này tỉnh
Bình Định có ba phủ, sáu huyện. Phủ An Nhơn gồm hai huyện Tuy Viễn và Bình Khê,
tồn tại đến Cách mạng tháng Tám-1945.
Huyện Tuy Viễn của phủ An Nhơn xưa
tương đương với phần đất An Nhơn sau này, nằm trong lòng đất trời Bình Định,
trên dãi đất Nam Trung Bộ thừa nắng gió, lắm bão lũ của non nước Việt Nam yêu
dấu. Hai chữ An Nhơn nói lên khát vọng
nhân hòa, yên bình, hưng thịnh... Tên gọi của mỗi cộng đồng làng- xã đã thể hiện
hòa hợp, nghĩa tình. Trước cách mạng,
phủ An Nhơn có các tổng: Mỹ Đức, Nhơn Nghĩa, An Ngãi, Háo Đức (năm 1939
tách hai tổng Nhơn Nghĩa và Háo Đức thành 4 tổng là Nhơn Nghĩa thượng, Nhơn
Nghĩa hạ và Háo Đức thượng, Háo Đức hạ). Sau Cách mạng tháng Tám, đổi cấp phủ
thành huyện, bỏ cấp tổng, điều chỉnh sáp nhập các làng thành 31 xã nhỏ với
những tên gọi : Nhơn Ái, Hòa An,Nhơn Thiện, Ái Đức, Ân Hậu...Đến năm 1947 sắp
xếp lại thành 12 xã, đều đặt chữ Nhơn ở trước như: Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn
Thọ, Nhơn Hòa, Nhơn Hậu, Nhơn Hưng, Nhơn An v.v...Năm 1950, do yêu cầu phục vụ
kháng chiến, tách vùng đất nghề phía đông
bắc xã Nhơn Hậu lập xã mới Đập Đá ( mang tên con đập Thạch Đề ), do tính
chất đặc thù nên tỉnh trực tiếp quản lý.
Từ năm 1955-1975, chính quyền Sài Gòn đổi cấp huyện thành quận, trung tâm quận
lỵ là đất thành Bình Định xưa, thuộc xã Nhơn Hưng. Sau khi thống nhất đất nước,
cách mạng tiến hành điều chỉnh, tách nhập nhiều thôn ở một số xã. Năm 1979,
chia tách phần phía nam xã Nhơn Hưng thành lập thị trấn Bình Định, trung tâm
huyện lỵ. Năm 1986, cắt phần đất phía nam xã Nhơn Lộc và một phần xã Nhơn Thọ
lập xã mới Nhơn Tân. Năm 1997, xã Đập Đá trở thành thị trấn, và cuối năm 2010
thị trấn Bình Định được nâng lên đô thị
loại 4 mở rộng, tạo bước đệm cho huyện An Nhơn lên thị xã.
Đáp ứng mong đợi của người dân ở vùng
đất có bề dày văn hóa- lịch sử và truyền thống cách mạng, đã và đang trên đà
đổi mới, phát triển, tiến tới những đỉnh cao thành tựu, ngày 28.11.2011, Chính
phủ ban hành Nghị quyết thành lập thị xã An Nhơn, gồm có 5 phường nội thị, và
10 xã nông thôn vùng ven ngoại thị. Trong không khí chuẩn bị mừng xuân Nhâm
Thìn, mừng Đảng ta tròn 82 tuổi, mừng 37 năm giải phóng quê hương và hoàn toàn
miền Nam, thống nhất Tổ quốc - và, như là điểm hẹn lịch sử, đúng 180 năm vùng
đất này mang tên An Nhơn, sáng ngày 01.01.2012, giữa rừng hoa, rừng cờ, rừng
người tại công viên Quang Trung, phường Bình Định diễn ra buổi lễ hoành tráng,
lãnh đạo tỉnh long trọng công bố và trao cho lãnh đạo thị xã Nghị quyết của
Chính phủ về thành lập thị xã An Nhơn. Sau thành phố loại I Quy Nhơn, từ nay
địa danh thị xã An Nhơn được ghi đầu tiên trên bản đồ tỉnh Bình Định. Thế là,
lịch sử An Nhơn sang trang mới.
Thiên nhiên và lịch sử đã ban tặng cho
mảnh đất An Nhơn độ dày, chiều sâu văn hóa mà các nhà văn, nhà nghiên cứu gọi
chung xứ sở núi sông, đền đài, thành xưa, tháp cổ...là “ Vùng thành Hoàng Đế” - nơi từng in dấu chân bao vua chúa,
văn thần, võ tướng, nhà hoạt động cách mạng, nhà văn, nhà thơ và cả mỹ nữ
v.v...Sông Côn từ ngàn xưa lưu thông tích thủy, như dòng sữa ngọt phân chi,
chia nhánh bồi lắng phù sa cho lưu vực. Mảnh đất An Nhơn màu mỡ được bàn
tay khối óc con người nâng niu, vun trồng thành mùa màng xanh
tươi, cho lúa trĩu bông, hoa thơm trái ngọt, cùng với làng nghề, phố chợ tạo
nên vóc dáng hình hài quê hương mạnh
giàu, yên bình, no ấm.
Đất lành chim đậu, qua nghìn năm hưng vong, bao lớp
người từ nhiều nơi ở phương Bắc đã về đây khẩn hoang lập làng quê, phố thị, ghi
dấu nhiều cuộc hợp lưu của dòng người mở đất phương Nam. Ngai vàng của vua chúa, bùn
đất của thứ dân, kinh kỳ và làng mạc, thôn dã và phố thị, máu đào và nước
mắt...Bao thế hệ người con quê hương từ các bậc
sĩ phu, chí sĩ yêu nước, nhà cách mạng, anh hùng dũng sĩ, cho đến người
dân tay lấm chân bùn nhưng giàu lòng yêu
quê hương, đất nước đã kiên trung, đoàn
kết chống chọi với thiên tai, địch họa
chỉ vì lẽ sống sinh tồn trong độc lập- tự do, cùng nhau làm nên bao kỳ tích
nhằm gìn giữ và dựng xây quê hương giàu đẹp. Như vẫn còn đó âm vang hào khí Quang Trung- Tây Sơn cùng vó ngựa
quân reo trên đất phủ thành Quy Nhơn, từ Đại bản doanh thành Hoàng Đế, đại binh
Tây Sơn đã tiến quân đánh Nam dẹp Bắc, thống nhất sơn hà. Lịch sử vẫn còn khắc ghi nghĩa khí của phong trào Cần
Vương cứu nước, rồi phong trào kháng thuế ở miền Trung nổ ra sục sôi ngay tại
thành Bình Định...Và, khi có Đảng lãnh đạo, ánh sáng Hồng Lĩnh từ cái nôi cách
mạng ở làng Đại An- Nhơn Mỹ nhanh chóng lan tỏa ra cả phủ, cả vùng, cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng mùa Thu
lịch sử-1945, rồi tiếp tục bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp,
chống Mỹ ròng rã 30 năm và kết thúc vẻ vang bằng chiến dịch thần tốc mùa Xuân
năm 1975 toàn thắng, thu giang sơn về một mối, đi tiếp chặng đường xây dựng và
bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đổi mới, hội nhập và phát triển.
Những trang sử
sáng ngời của quê hương đã gắn liền với
từng giai đoạn lịch sử vẻ vang của cả dân tộc. Xứ sở của “Đất võ, Trời văn”, từng
hai lần đất vua, đất lúa, đất nghề, đất chữ... sát cửa ngõ thành phố Quy Nhơn,
nằm trên hành trình di sản miền Trung, hành trình thiên lý Bắc- Nam theo chiều
dài đất nước và hành lang kinh tế Đông- Tây. Mảnh đất từng chứng kiến bao cuộc
hội ngộ lịch sử, chứng nhân của bao nhiêu đổi thay thời cuộc vượt ra khỏi tầm
của một phủ- huyện, một tỉnh. Một trong số ít địa phương sớm có tổ chức Đảng
Cộng sản và phong trào cách mạng phát
triển mạnh mẽ ở Bình Định, góp phần vào
thắng lợi chung của cách mạng. Nơi hội tụ, giao thoa, sàng lọc, ấp yêu nhiều
dòng văn hóa, nhiều chứng tích vàng son của nhiều thời đại, nhiều tộc người:
Việt- Chăm- Hoa đã hòa quyện, thống nhất
trong đa dạng, cùng phấn đấu vì mục tiêu mạnh giàu của quê hương, của đất nước và hạnh phúc của
nhân dân.
Sắc màu rực sáng
vụt lên bầu trời của muôn ngàn chùm pháo hoa ở công viên Quang Trung
trong thời khắc giao thừa mừng xuân Nhâm
Thìn, mừng Đảng quang vinh, mừng thị xã sẽ mãi còn lung linh, lắng đọng trong
tâm trí và niềm tin của mỗi cán bộ và người dân thị xã An Nhơn trên bước đường
đi tới./.
Xuân Nhâm Thìn-2012.
T.D.Đ
.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét