Tin VN: Lễ kỷ niệm 100
năm ngày sinh Hàn Mặc Tử
Nhân dịp kỉ niệm 100 năm
ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử (22.9.1912 - 22.9.2012), lần đầu tiên Hội Nhà văn
Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức những hoạt động kỉ niệm
tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - nơi nhà thơ đã gắn bó tâm hồn và thể
phách để làm nên cả một không gian thơ của riêng mình!
Trong dịp tổ chức lễ kỉ niệm này, nhiều
hoạt động sẽ được tổ chức:
- 19 giờ 30 ngày 20 tháng 9 năm 2012, tại Hội
trường Trung tâm Văn hóa tỉnh (Hội trường Quang Trung), một đêm thơ nhạc Hàn
Mặc Tử sẽ diễn ra với sự tham gia đông đảo văn nghệ sĩ trong cả nước và những
người yêu thơ Hàn Mặc Tử. Các nghệ sĩ trong tỉnh sẽ thể hiện những bài thơ và
bản nhạc phổ thơ Hàn Mặc Tử: NSƯT Băng Châu, NSƯT Kim Thành, Thùy Dung, Minh
Hoàng, Tăng Tri, ca sĩ Kiều Lệ... Trong chương trình còn có sự tham gia của nhà
thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà thơ Thanh Thảo,
nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ Văn Công Hùng...
- Từ 8 - 9 giờ sáng ngày 21.9.2012, các nhà thơ
và nhà nghiên cứu trong cả nước sẽ làm lễ dâng hương tại mộ Hàn Mặc Tử tại
Ghềnh Ráng. Từ 9 giờ 30 đến 16 giờ cùng ngày là cuộc hội thảo về cuộc đời và sự
nghiệp của Hàn Mặc Tử tại khách sạn Hải Âu.
- Nhân dịp này, như mọi năm, nghệ sĩ Bút lửa Dzũ
Kha - người giữ lửa thơ Hàn 30 năm qua - sẽ tổ chức sinh nhật Hàn Mặc Tử tại
quán cà phê dưới chân dốc Mộng Cầm. Đây sẽ là tiệc sinh nhật trọng thể nhất do
một người yêu Hàn đứng ra tổ chức, sẽ quy tụ nhiều người yêu nhà thơ tài hoa
của mảnh đất Bình Định đến tham dự.
Nguồn: CLB Xuân Diệu –
Quy Nhơn
Năm 1936, Hàn Mặc Tử xuất bản tập thơ Gái quê. Tập này được in tại nhà in Tân
Dân, Hà Nội. Sách gồm 48 trang, khổ 12,5x19,4 với 34 bài thơ do tác giả tự phát
hành.
Năm 1992, nhằm khẳng định những đóng góp
của phong trào Thơ Mới cho nền văn học nước nhà, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và
Hội Nghiện cứu giảng dạy văn học TP HCM đã in và giới thiệu lại một số tập thơ
tiêu biểu của các nhà thơ đại diện cho dòng Thơ Mới. Riêng với Hàn Mặc Tử, tập
thơ Gái quê bản in năm 1936 của ông không tìm được
nên NXB đành sử dụng bản thảo theo bản chép tay của nhà thơ Chế Lan Viên do nhà
văn Vũ Thị Thường trao lại. Từ đó, tập Gái quê (bản in ở nhà in Tân Dân năm
1936) luôn được NXB tiếp tục tìm kiếm.
Năm nay, đúng dịp 100 năm mừng sinh nhật
thi sĩ tài hoa bạc mệnh, công ty sách Phương Nam có tin vui khi đơn vị này may
mắn được ông Đặng Tiến, việt kiều sống tại Orléan, Pháp, trao lại bản sao tập Gái quê đầy đủ. Bản thảo thơ này đã lưu
lạc qua tay nhiều người trước khi đến tay bà Hoàng Thị Kim Cúc (Huế). Sau đó,
bà này trao lại cho người cháu là Hoàng Thị Quỳnh Hoa, hiện sống ở Maryland,
Mỹ. Chính bà Quỳnh Hoa gửi lại bản thảo cho nhà nghiên cứu Đặng Tiến.
Công ty Phương Nam in trọn vẹn bản thảo
này trong tập sách cùng tên liên kết cùng NXB Hội Nhà văn ấn hành, nhằm mừng
100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử. Tập sách Gái quê ấn bản mới còn có các bài viết mang
tính khảo cứu, ghi chép lại những câu chuyện, kỷ niệm có liên quan đến cuộc đời
và sự nghiệp thơ văn của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Nhân ra mắt tập sách, chương trình Đêm
thơ Hàn Mặc Tử cón diễn ra tại Nhà sách Phương Nam Nguyễn Oanh, Gò
Vấp, TP HCM vào 18h30 ngày 16/9 với các tiết mục thơ nhạc, ngâm diễn thơ tưởng
niệm thi sĩ tài hoa bạc mệnh.
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí.
Ông sinh ngày 22/9/1912, tại làng Lệ Mỹ, nơi cửa biển Nhật Lệ, thị xã Đồng Hới,
tỉnh Quảng Bình.
Hàn Mặc Tử là người yêu thích thơ văn,
thích đọc sách, nghiên cứu, sáng tác thơ văn từ rất sớm, có thơ đăng nhiều ở
các báo Tiếng Dân, Phụ Nữ Tân Văn… Năm 1934-1935, ông thôi việc theo bạn bè vào
Sài Gòn làm báo, phụ trách trang văn chương báo Sài Gòn, viết cho báo Công Luận, Trong Khuê Phòng…Từ
lúc bắt đầu sáng tác thơ văn ông sử dụng các bút hiệu sau: Minh Duệ Thị, Phong
Trần, PT, Lệ Thanh, Hàn Mặc Tử…
Năm 1937, khi bệnh phong bắt đầu phát lộ,
nhà thơ vẫn sinh hoạt văn nghệ, chủ trương đặc san Nắng Xuân, thành lập Trường
Thơ Loạn.
Năm 1938, ông tập họp các tác phẩm của
mình thành tập thơ Điên,
sau đổi là Đau thương nhưng không tìm ra được nhà xuất bản,
và cũng không còn khả năng tự xuất bản như tập Gái quê trước đó. Năm 1940, do bệnh tình ông
trở nên nguy kịch, gia đình đưa vào bệnh viện Quy Nhơn. Ngày 20/9, ông được
chuyển vào trại phong Quy Hòa.
Ông qua đời lúc 5h45 phút sáng 11/11/1940,
được mai táng tại nghĩa trang bệnh viện. Năm 1959, mộ phần Hàn Mặc Tử được cải
táng, dời về Gành Ráng, Quy Nhơn.
Sau khi ông mất, có nhiều tập thơ, nhiều
chương trình ngâm diễn thơ, sáng tác nhạc phổ thơ, các vở kịch, phim được lấy
cảm hứng về sự nghiệp sáng tác, các cuộc tình, nỗi đau vì cơn bệnh ngặt nghèo
cùng cái chết cô đơn của thi nhân Việt Nam này.
Nguồn: EVAN
***
Nhân kỷ niệm 100 năm
ngày sinh của Hàn Mặc Tử (22/09/1912 – 22/09/2012), HQN xin được chép và chuyển
đến các bạn 2 bài thơ của người thi sĩ tài hoa bạc mệnh này.
MÙA XUÂN CHÍN
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi...
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây...
Thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây...
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
H.M.T
ĐÂY THÔN VĨ DẠ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
H.M.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét