Trong
các thời mốc lịch sử của xứ Đồ Bàn, thì ngày 01/01/2012, cách đây một năm, cũng
là một mốc khó quên. Đó là ngày Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức trọng thể Lễ công
bố Nghị quyết số 101/NQ-CP của Chính phủ về việc thành lập thị xã An Nhơn.
Vào
thời điểm cuối năm âm lịch, trời mưa tầm tã, ban tổ chức lễ chuẩn bị mọi điều
kiện che chắn trên lễ đài, mỗi đại biểu được phát một áo mưa, sẵn sàng hành lễ
dù thời tiết xấu. Vậy mà cả buổi sáng hôm ấy trời quang mây tạnh, công viên
Quang Trung của phường Bình Định rợp cờ hoa và rừng người dự lễ, diễu hành dưới
bầu trời bừng sáng, se se lạnh. Không ít đại biểu tham dự lễ nói rằng xứ sở này
từ lâu đã hội tụ đủ các yếu tố: “Thiên
thời, địa lợi, nhân hòa” của một vùng đất Huyền tích kinh xưa, đầy
ắp những sự kiện vàng son trong lịch sử, sâu dày và đan xen nhiều tầng văn hóa,
vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí cách mạng kiên trung, bất khuất.
Mới đó mà thị xã An Nhơn đã tròn một năm tuổi.
Một năm trong 180 năm trước (1832- 2012) kể từ khi vua Minh Mạng năm thứ 13 đổi
trấn Bình Định thành tỉnh Bình Định và cho lập phủ An Nhơn, địa danh An Nhơn
chính thức có từ ấy. Và, một năm trong cả tiến trình lịch sử hơn một ngàn năm
có dư, từ thời hoang sơ, những người dân bản địa có mặt ở đây, cho tới khi vùng
đất này trở thành kinh đô vương quốc Chămpa, rồi đế đô của vương triều Tây Sơn,
tỉnh lỵ Bình Định và phủ- huyện- thị xã nằm trong đất trời Bình Định, mang ngữ âm xứ Nẫu.
Thị xã mới tròn một năm tuổi, nhưng lại là
mảnh đất từng chứng kiến bao cuộc hội ngộ lịch sử vượt ra khỏi tầm của huyện-
tỉnh; từng in dấu chân của bao vua chúa, văn thần, võ tướng, sĩ phu yêu nước,
nhà hoạt động cách mạng, nhà văn, nhà thơ; và cả mĩ nữ “ lá ngọc cành vàng”- Huyền
Trân công chúa trong cuộc hôn nhân chính trị, mối tình lịch sử Việt- Chăm. Từ ấy, văn hóa Đại Việt theo bước vu quy của
Huyền Trân vào cung đình Chămpa và tạo ra mối quan hệ giữa hai dân tộc.
Là nơi có lịch sử phát triển lâu đời,
từ xứ Đồ Bàn, vùng thành Hoàng Đế, thành Bình Định, phủ Tuy Viễn, phủ An Nhơn,
phủ Nguyễn Trọng Trì, rồi huyện An Nhơn và thị xã An Nhơn, một chuỗi dài lịch
sử đã đọng lại trên mảnh đất “trong văn
có võ, trong võ có văn” bao kỳ tích, sự tích mà lịch sử đã kiểm chứng, xác
nhận. Và, đã hình thành một phong cách, một sắc thái văn hóa, một bản lĩnh
riêng mà hội tụ, kết tinh, thăng hoa và có sức lan tỏa quanh vùng, nằm trong
chiều sâu văn hóa và tiến trình lịch sử của dải đất duyên hải Nam Trung bộ thừa
nắng mưa và dư bão lũ.
Thị xã tròn một tuổi mà chứa đựng đầy
ắp những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong nhiều thế kỷ ấp iu, vun
đắp, tôn tạo và gìn giữ. Vẫn chưa phai mờ vì lớp bụi thời gian của một thời
trận mạc vó ngựa quân reo từ các cuộc khởi nghĩa trước kia, và gậy gộc gươm dao
cùng với súng kíp, súng trường chống giặc ngoại xâm trong những năm dài kháng
chiến giữa thế kỷ 20, với ý chí và quyết tâm cao nhất là cùng cả nước giành độc
lập tự do, giang sơn quy về một mối. Xứ này còn tự hào một thời là trung tâm
học vấn của tỉnh với cả hệ thống Văn miếu, Văn chỉ, Trường thi Bình Định- một
trong 7 trung tâm của cả nước tuyển chọn nhân tài cả văn lẫn võ. Dòng sông Côn
hiền hòa đã bồi đắp phù sa cho sự sống sinh sôi, nuôi dưỡng, hội tụ những bậc
hiền tài, danh sĩ, nhà yêu nước, cách mạng.... Mạch nguồn của mảnh đất trọng
văn, thượng võ đã tạo nên nghĩa khí của các bậc anh hùng dũng sĩ trước quân thù
và sự mẫn cảm, mặn mà, thiết tha, bén duyên với văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ để lại
một kho tàng văn học mà không dễ gì nơi nào cũng có, góp phần xứng đáng vào nền
văn học Việt Nam.
Sẽ là miên man khi chưa nói gì về
những kết quả đạt được sau một năm An Nhơn lên thị xã, nhiều thời cơ thuận lợi,
nhưng cũng không ít khó khăn thách thức. Những thành tựu về kinh tế- xã hội
tích lũy từ bao nhiêu năm nay, nhất là hơn 25 năm đổi mới đến độ chín muồi để
nâng cấp đô thị, tạo thế và lực cho thị xã An Nhơn có đà chuyển biến mạnh mẽ
hơn nữa với tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân 10% trong 5 năm qua, thu
nhập đầu người nhỉnh hơn mức bình quân chung của cả tỉnh (trên 20 triệu
đồng/người/năm). Mô hình xây dựng nông thôn mới từ xã điểm của tỉnh ở Nhơn Lộc,
rồi xã điểm của thị xã ở Nhơn Phúc, Nhơn An đang được đẩy mạnh gắn với quá
trình đô thị hóa nông thôn, lan tỏa ra các xã khác cũng xúc tiến lập dự án và
từng bước triển khai thực hiện để thúc đẩy phát triển “tam nông” dần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.
Các hoạt động văn hóa- xã hội có những tiến bộ đang kể, nhất là giáo dục, một
điều đáng mừng là gần đây tỷ lệ học sinh ở vùng nông thôn vào giảng đường đại
học ngày càng nhiều và nhiều em đậu với số điểm cao. Ý nghĩa biết bao đối với
những gia đình nghèo phải chạy lo từng đồng tiền, bát gạo mà có con chăm học, có hiếu cha mẹ và hẳn
là người có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, cũng còn bao điều trăn trở,
An Nhơn lên thị xã rơi vào thời điểm tình hình chung của thế giới, cả nước và
địa phương gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về thắt chặt
tiền tệ và cắt giảm đầu tư công, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh
doanh và tăng trưởng kinh tế, nhất là ngành nghề- dịch vụ, hạn chế nguồn lực
đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có chỉnh trang đô thị, trước hết là
trung tâm thị xã.
Mặc dù quy hoạch tổng thể vào những
năm 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020- 2030 đã được xác định đường nét, tập
trung cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng cải tạo,
nâng cấp và xây dựng mới, đặc biệt là mạng lưới giao thông, các công trình phúc
lợi xã hội; nhiều dự án đã và đang triển khai thực hiện, bước đầu có kết quả
như hình thành 5 khu đô thị mới, 2 trung tâm thương mại ở hai phường Bình Định,
Đập Đá; tiếp tục hoàn chỉnh khu công nghiệp Nhơn Hòa của tỉnh có quy mô gần 300
hecta, xúc tiến xây dựng hơn chục cụm công nghiệp của huyện và xã tổng cộng hơn
100 hecta, phần lớn đã đưa vào sử dụng có hiệu quả như Gò Đá Trắng (Đập Đá),
Thanh Liêm (Nhơn An), Nam phường Bình Định, Trung Lý (Nhơn Phong)...
Còn bao nhiêu dự án đang được khởi
động hoặc vẫn còn nằm trong dự định, có những dự án cần đầu tư lớn về nguồn lực
như dự án xử lý chất thải rắn ở phía nam; dự án nghĩa địa nhân dân phía tây
bắc; dự án xây dựng cảnh quan, nhà hàng, khách sạn dọc sông Trường Thi; dự án
du lịch sinh thái Hồ Núi Một; dự án khu liên hợp thể thao và sân vân động trung
tâm; dự án đào tạo nghề và giải quyết việc làm; dự án quy hoạch, xây dựng, khai
thác và quản lý di tích lịch sử thành Hoàng Đế...Đó là những điểm nhấn quan
trọng trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị để nhanh chóng làm thay đổi
diện mạo của thị xã.
Bộ mặt phường Bình Định- trung tâm
chính trị và hành chính của thị xã và phường Đập Đá- trung tâm động lực kinh tế
đã và đang được chỉnh trang tương đối rõ nét. Nhà đã có số, đường phố đã có
tên, những trục đường chính trong nội thị dần dược thông thoáng hơn, trật tự xã
hội, trật tự giao thông, vệ sinh cảnh quan đường phố có tiến bộ hơn. Ba phường
còn lại là Nhơn Hưng, Nhơn Hòa, Nhơn Thành tiếp tục khảo sát, quy hoạch và từng
bước xây dựng để xứng tầm với cấp phường. Trong đó có việc chuẩn bị lập phương
án đặt tên đường và xác định số nhà, nhưng do địa bàn rộng, ngoài những vùng
tập trung đông dân, còn lại dân cư phần lớn ở theo địa bàn nông thôn phân tán,
nên việc đặt tên đường và ghi số nhà sẽ khó khăn hơn so với hai phường trung
tâm.
Nói đến việc đặt tên đường lại nghĩ
tới chuyện đặt tên trường, cũng nằm trong trong quá trình chỉnh trang đô thị,
trước hết là hai phường Bình Định và Đập Đá. Thiết nghĩ, trước mắt ở một số
trường nên chọn đặt tên danh nhân, anh hùng dân tộc, anh hùng cách mạng...thay
cho tên gọi theo địa danh, mà nhiều thành phố, thị xã trong và ngoài tỉnh đã
làm, sẽ có tác dụng giáo dục truyền thống thiết thực hơn. Ví dụ như trường PTTH
An Nhơn 1 thay bằng trường PTTH Hồ Sĩ Tạo hoặc trở lại tên trường Đào Duy Từ,
trường PTTH An Nhơn 2 thay bằng trường PTTH Nguyễn Trọng Trì,v.v... Họ đều là
những bậc khoa bảng, yêu nước, đã từ bỏ chốn quan trường quyền cao chức trọng
để đứng về phía nhân dân. Tương tự như vậy, ở các trường, các cấp học, các thế
hệ học sinh sẽ tự hào trường của mình được mang tên một danh nhân, một anh
hùng, dũng sĩ...
Thị xã An Nhơn vừa tròn một năm, chỉ là bước khởi đầu
hay mới điểm xuất phát từ một huyện đồng bằng tiến lên xây dựng và phát triển
đô thị. Hành trang trong lý trình đi tới không gì khác hơn là tạo ra sự đồng thuận
giữa ý Đảng với lòng dân, sự xăn tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, khơi
dậy lòng nhiệt huyết ở mỗi người vì quê hương...Từ đó, mọi tiềm năng sẽ biến
thành sức mạnh vật chất và tinh thần để đưa An Nhơn thành một thị xã giàu đẹp,
văn minh.
T.D.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét