1. Dạo đầu
"Tội ác và trừng phạt" là một tác phẩm phân tích sâu sắc về tâm lý con người. Tác giả Fyodor Dostoyevsky đã tạo nên một nhân vật chính phức tạp và đầy mâu thuẫn là Raskolnikov. Anh ta tự cho mình là một "người phi thường" và cảm thấy có quyền đặc biệt để vi phạm luật pháp. Do vậy anh đã giết chết một người đàn bà mà anh cho là độc ác nhằm mục đích phục vụ cho “mục tiêu cao cả” của mình.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện tội ác, Raskolnikov bị vùi dập bởi lương tâm và tội lỗi. Anh sống trong sự liên tục lo âu, sợ hãi, cô đơn và luôn đối đầu cảnh ác mộng, dần trở nên đến mức không thể chịu đựng được. Đó cũng chính là hình phạt không khác chi hình phạt giam trong nhà tù.
Và năm đó Rodion Raskolnikov đã 20 tuổi, làm tôi liên tưởng tiểu sử của Dostoievski mà tôi có đọc, cứ ngỡ chuyện được xây dựng dựa trên chính tác giả - người mà những năm đầu tiên của cuộc đời có quan điểm cực đoan tương tự, nhưng sau đó lại đổi sang quan điểm bảo thủ.
Trái với tiêu đề, tiểu thuyết này không thực sự tập trung vào tội ác hoặc hình phạt mà tập trung vào sự đau khổ bên trong của Raskolnikov, cũng như tác động của nó đến trí tuệ và cảm xúc của anh ta. Cho đến cuối cùng, do sự dày vò tội lỗi áp đảo Raskolnikov và anh ta ra đầu thú và kết thúc sự tha hóa của mình.
*
2. Khắc họa rõ nét những nhân vật
- Razumikhin, một con người cần cù, thiện lương, bao dung và nhân ái. Anh luôn tìm cách ở bên cạnh Raxcolnicov những lúc nguy nan nhất, ngay cả khi bạn phản ứng và cự tuyệt một cách gay gắt. Sau này trở thành chỗ dựa chính cho mẹ và em gái của Raxcolnicov.
- Sonya, con gái của một công chức mà Rasconikov vô tình gặp ngoài quán rượu, cô tạm quên liêm sỉ của mình để làm những công việc được cho là mạt rẻ để kiếm tiền nuôi con của dì ghẻ. Sonya tưởng như tìm được bình an bên Raxcolnicov - người đã từng là ân nhân của gia đình, dùng những đồng tiền cuối cùng của mình giúp ma chay cho bố cô. Nhưng rồi lời trần tình thú tội của anh đã làm cô bàng hoàng, và chính tình yêu của cô đã thức tỉnh anh, để sau những ngày bị dày vò lương tâm, anh đã ra tự thú và bị phạt tù ở Siberia trong 8 năm.
- Lão địa chủ Svidrigailov đã đối xử rất thô bạo, vô lễ và nhạo báng Dunhia, em gái Rasconhikov khi cô đến làm gia sư nhà lão rồi ve vãn và dùng tiền âm mưu chiếm đoạt cô, nhằm thỏa mãn dục vọng của mình. Anh ta sống một cuộc sống đa nghi và đã kết thúc đời mình bằng một phát súng sau khi ban phát tài sản cho những cô gái mình đã từng liên quan.
Và cứ như vậy, xuyên suốt tác phẩm “Tội ác và trừng phạt” cho thấy giá trị đạo đức không còn mà mọi cán cân của xã hội đều cân đo đong đếm qua đồng tiền. Khi đồng tiền thống lĩnh mọi mặt cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần thì con người không còn giữ được thiên lương nữa, họ lừa dối nhau, chà đạp lẫn nhau để có được nó.
Thông điệp ở đây là không có bất cứ lý do gì để có thể biện hộ cho tội ác, chỉ có trừng phạt là cách thức duy nhất. Trừng phạt không chỉ nằm ở tâm trí của tội nhân mà là ảnh hưởng đến cuộc sống của những người liên quan.
*
Tôi thật sự ngưỡng mộ tài năng phân tích tâm lý con người sâu sắc tinh tế đến kỳ diệu, tác giả đã xây dựng được con người “nhị nguyên” thông qua nhân vật Raxcolnicov. Giá trị của cuốn tiểu thuyết nằm ở việc mô tả trạng thái tâm lý của nhân vật chính Rodion Romanovich Raskolnikov. Tội ác mà Raxkolnikov gây ra không phải chỉ là một hành động bộc phát mà đã được nhen nhóm ấp ủ trong tiềm thức để rồi khi các điều kiện tụ hội đầy đủ thì tội ác được thực hiện. Những đoạn độc thoại trước và sau khi xảy ra vụ án phản ánh được sự mâu thuẫn và tâm lý phức tạp của nhân vật. Những mẫu độc thoại này được nhà văn lồng ghép tài tình vào tình huống và mạch kể của truyện. Con người nhân vật chính đầy những mâu thuẫn nội tại, tàn nhẫn và lạnh lùng khi phạm tội nhưng cũng có sự cảm thông, yêu thương đối với những thân phận bất hạnh. Biểu hiện ở chỗ, nghèo là vậy mà Raskolnikov sẵn sàng đem những đồng tiền cuối cùng để giúp một người bạn học nghèo túng và ho lao; lo ma chay cho bác công nhân nghèo Marmeladov. Trái tim nhận hậu còn giúp anh nhìn ra được phẩm giá của Sonya- một cô gái phải bán mình để nuôi gia đình. Anh ngưỡng mộ chân thành trước sự hi sinh của cô. Anh khóc thương chú ngựa già yếu bị hành hạ đến chết bởi lũ người vô nhân tính. Mặt khác anh lại sẵn sàng thực hiện một hành vi giết người hết sức man rợ.
Tình yêu như liều thuốc giải độc trong mọi tiểu thuyết của Dostoevsky, ở các tác phẩm nhỏ thì đó là tình yêu trai gái. Còn trong những kiệt tác thì đó là tình yêu dành cho Thiên Chúa, cuốn Phúc Âm mà Raskolnikov gối đầu trong suốt tám năm chuộc lỗi đã nói lên tính nhân văn cao cả của Dostosvsky khi cứu chuộc những con người ở tận cùng tầng lớp xã hội Nga lúc bấy giờ.
Tình yêu sâu sắc, sự hy sinh cao cả và tấm lòng nhân hậu của cô gái Sonya cùng sự quan tâm, yêu thương giúp đỡ của mọi người đã thức tỉnh Rasconikov. Từ đó anh đã chấm dứt những giằng xé nội tâm, đưa ra quyết định: thà bị giam cầm về thể xác còn hơn bị tù đày về tâm hồn. Qua đó, “Tội ác và Trừng phạt” đã dạy tôi rằng hãy luôn nhìn vào những mặt tốt của con người, và hãy bớt hoài nghi, đừng vì xã hội quá thực dụng hay một vài vết xước mà để tâm hồn mình vẩn đục.
*
4. Khai thác tâm lý học tội phạm
Cuốn tiểu thuyết đề cập đến tội phạm và hình phạt theo một phương cách độc đáo. Tội ác được diễn ra ở phần đầu của câu chuyện, nhưng hình phạt không xảy ra liền ngay sau đấy mà tác giả dẫn ta vào trọng tâm vấn đề - không phải là hậu quả mà là sự khám phá sâu sắc về tâm lý của một tên tội phạm.
Những suy nghĩ của Raskolnikov, với tất cả những nghi ngờ, mê sảng, sợ hãi và tuyệt vọng, đối mặt với cảm giác tội lỗi giày vò. Điều đó cho thấy hình phạt thực sự ít quan trọng mà quan trọng là sự căng thẳng và lo lắng khi cố gắng trốn tránh hình phạt. Bởi vì một tên tội phạm mang trong mình cảm giác tội lỗi phải trải qua sự tra tấn tinh thần, cuối cùng hắn sẽ thú nhận hoặc phát điên.
Dostoyevsky, một nhà tâm lý học có óc phân tích nhạy bén, đã chỉ ra sự khác biệt giữa những người phụ nữ trong truyện biết hy sinh bản thân mình, và những người đàn ông bạo lực vì lợi ích của bản thân mà ảo tưởng rằng họ là phi thường, và có những quyền đặc biệt ngoài luật pháp. Đó là sức mạnh của thiên tài kể chuyện Dostoyevsky, đã tạo ra những nhân vật có những khuyết điểm lớn và những vị trí rất khác nhau, và cho tất cả họ không gian, tiếng nói, khoảnh khắc trên sân khấu. Và khi họ xuất hiện, họ thu hút toàn bộ sự chú ý của khán giả. Dostoevsky kết nối các trạng thái cảm xúc của các nhân vật, tạo ra sự chuyển tiếp liền mạch giữa các cảnh hoặc từ tâm trí của nhân vật này sang nhân vật khác một cách đầy cảm xúc.
Có những cảnh tượng đáng kinh ngạc ám ảnh tôi và làm tôi thích thú, chẳng hạn cảnh thoát khỏi hiện trường vụ án trong gang tấc khiến tôi lo lắng, hay cảnh buồn thảm tại một bữa tiệc tang lễ, hoặc một cuộc gặp gỡ lạnh lùng giữa Dunya và Svidrigaïlov. Raskolnikov điên cuồng khi nhận ra sự khác biệt về ưu thế của mình, vì anh ta tưởng mình là một Napoléon bình thường. Nhưng anh ta bị khuất phục trước những ý tưởng phàm trần của chính mình và mở ra cái nhìn trên cơ sở đạo đức. Không thể vượt qua tính ích kỷ của mình, anh ta vẫn tin rằng mình chỉ đơn giản là loại bỏ một ký sinh xã hội, vẫn tin rằng mình đã làm điều đúng và trở thành người hùng trong mắt những người bị đau khổ. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với những người bình thường, anh ta trở nên nhỏ bé và các phân tích logic hiển nhiên trông giống như những biểu hiện của tính ích kỷ và kiêu ngạo.
*
5. Những lời biện minh
Vài tháng trước, tôi đã đọc "Đỏ và đen" của Stendhal và nhận ra có nhiều điểm tương đồng với “Tội ác và trừng phạt”. Cả hai nhân vật chính đều là anh hùng sinh ra trong tầng lớp lao động và được định sẵn cho những điều lớn lao và tốt đẹp. Cả hai đều coi Napoléon là anh hùng của cá nhân họ. Cả hai đều nghĩ ra những kế hoạch mà họ tin rằng sẽ đặt họ trên con đường hướng tới sự vĩ đại của Napoléon. Và cả hai đều có những người phụ nữ thánh thiện yêu thương họ trong tất cả sự khốn khổ. Thật thú vị khi so sánh hai cuốn tiểu thuyết, cách các nhân vật khác nhau, địa lý khác nhau nhưng vấn đề lại là tương tự.
Chẳng phải tất cả chúng ta đều biện minh cho bản thân và cuộc sống của mình mỗi khi gặp thử thách sao? Theo nhiều cách, tác phẩm đã đưa ra hành động được xây dựng từng giai đoạn thể hiện rõ một tên tội phạm không tin mình là tội phạm. Ai trong số chúng ta sẵn sàng thừa nhận rằng mình là tội phạm? Do đó, theo chân nhân vật chính Raskolnikov, trải qua quá trình diễn giải, đánh giá và biện minh cho những việc làm của mình, tôi hiểu rõ hơn về hành động tâm lý xuyên suốt cuốn sách này.
*
Hình phạt được đúc kết qua một câu ngắn gọn: “Người mà có lương tâm thì sẽ đau khổ nếu nhận thức được lỗi lầm. Đó chính là hình phạt rồi, không nói chi đến ngục tù nữa.” Sự dày vò lương tâm đáng sợ hơn so với hình phạt bề ngoài của pháp luật nhà nước và cũng hiệu nghiệm hơn trong việc cứu vớt con người. Lương tâm con người còn lạnh lùng tàn nhẫn hơn pháp luật, nó trừng phạt con người một cách đau đớn nhất. Và thông qua đau khổ con người mới vươn cao lên được, đau khổ là thước đo chiều sâu của tâm hồn con người.
Raskolnikov đã cho mình cái quyền tự do quyết định sinh mạng người khác và tạo ra giá trị đạo đức cũng như tầm vóc của bản thân. Đó là cái tự do ảo, tự cho mình bước ra ngoài luật pháp, tách rời khỏi quy luật tự nhiên, nó sẽ đẻ ra cái ác nếu hệ quy chiếu sai ngay từ ban đầu. Kết quả anh đã sa vào cái tự do sai lầm, biến thành tự tung tự tác, vị kỷ và nổi loạn. Tự do đó chống lại chính anh, bằng chứng là cơ thể anh đã không chịu nổi những phát xét từ lương tâm.
6. Kết
Đọc "Tội ác và trừng phạt" không phải là một công việc dễ dàng, nhưng theo nó đến cùng tôi mới thấy đây là một cuốn sách đầy triết lý và sâu sắc về tâm hồn con người. Nó khám phá bản chất nỗi đau trong tâm hồn con người thông qua cuộc phiêu lưu của một kẻ giết người và hành trình cứu rỗi linh hồn của mình. Rằng con người không phải là một cỗ máy mà là một sinh vật sống động luôn chịu áp lực từ những ảnh hưởng xã hội, tâm lý, và cảm xúc. Dostoyevsky đã cho chúng ta trải qua những dòng suy nghĩ phức tạp của Raskolnikov, từ tội ác gớm ghiếc, đau khổ đến sự cứu rỗi. Tất cả các gam màu của đói nghèo, khốn cùng và sự suy đồi của con người không thể chạy thoát khỏi lương tâm, không ai vứt bỏ đi đạo đức của mình được và cuối cùng tội lỗi phải được trả giá.
"Tội ác và hình phạt" là một kiệt tác về tâm lý học con người và là một cuộc phiêu lưu khám phá bản chất của sự đau khổ và lòng trắc ẩn của nhân loại. Tác giả Fyodor Dostoevsky đã tạo ra một câu chuyện đầy cảm xúc và tinh tế, với các nhân vật đầy sức sống và sâu sắc, khiến tôi suy ngẫm về cuộc đời và bản chất của chính mình.
Dostoievsky có khả năng vượt trội khi viết về thân phận con người mà hơn 157 năm sau vẫn còn mới mẻ và hấp dẫn. Đôi khi nó tẻ nhạt, không phải đoạn nào cũng thú vị, không phải lúc nào cũng có nhịp độ nhanh, nhưng nếu kiên trì đọc cuốn sách này cho đến khi kết thúc là điều xứng đáng. Các nhân vật được vẽ lên tràn trề sức sống đến mức ngay cả những nhân vật tưởng chừng như nhỏ nhặt cũng cho tôi lý do để quan tâm khi họ xuất hiện. Không có quá nhiều nhân vật phụ nhưng đều được viết rất đẹp, cho dù tôi có thích chúng hay không.
N.P
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét