Mấy hôm nay trời mưa to quá, đổ ào ào suốt cả ngày...
Sáng ra đường, dù đã chạy xe rất
chậm, nước mưa vẫn che khuất hết tầm nhìn, ướt sũng. Nước sông Hương đã chuyển
sang màu vàng đục, lờ đờ. Nghe đài thông báo, cũng sắp lụt tới nơi. Nước hồ sau
nhà đã dâng cao ngang bờ, mớ rau muống theo đó mà lên, sắp lan vào tận vườn.
Đã mười mấy năm trôi qua, sau cái
tuổi bé dại ngày ấy, tôi không còn mong những ngày lụt chợt đến, chợt đi của
mỗi mùa mưa về. Nỗi lo mỗi năm một khác, lớn dần theo năm tháng, theo sự già
dặn trong suy nghĩ. Mười mấy năm trước, lúc ấy đang học lớp sáu, cũng vào thời
gian như bây giờ, mưa thì to và gió thì lớn, tôi xắn ống quần chạy lon ton sang
nhà mấy bạn cùng trang lứa trong xóm ríu rít, "sắp lụt rồi, sắp lụt rồi,
sẽ được nghỉ học đi lội lụt tụi bây ơi…". Lúc ấy, dù đã có ý thức trong
đầu nhưng chẳng đủ lớn để hiểu rằng mỗi lần lụt, bố mẹ cực nhọc biết chừng nào.
Nhà chỉ có bố mẹ, tôi và một anh trai
sàn sàn tuổi. Khi nước lên, bố mẹ vừa tranh thủ kê dọn đồ đạc, vừa canh chừng
chúng tôi khỏi nghịch nước hay ra sau hồ hái rau muống. Loay hoay với mớ bàn
ghế ngổn ngang, nước dâng lên rất nhanh. Tôi và anh trai sợ quá, chẳng còn hứng
thú với nước, nghe lời bố mẹ, leo tót lên giường ngồi im re sau khi đã được kê
mười hai viên táp lô cho bốn góc. Chừng mười phút sau, nước dâng cao khiến một
số đồ đạc trong nhà đổ ầm xuống. Cả xóm khi ấy cũng nhốn nháo theo cơn lũ, hì
hục kéo nhau sang những nhà cao hơn trú ẩn.
Khi con nước dâng ngang mép giường,
bàn kê ti vi và một số đồ dùng điện tử ở giữa nhà cũng sắp lung lay, bố mới bảo
mẹ đưa hai anh em tôi sang nhà chú ruột (một trong hai nhà của xóm có tầng
lầu). Hai anh em tôi lóng ngóng leo lên chiếc xuồng con, mẹ chỉ kịp dúi vào tay
tôi một cái đồng hồ và một nắm tiền bảo tôi giữ kỹ rồi bơi trong màn nước lạnh
đẩy chúng tôi đi. Không kịp mang theo áo quần, dẫu được an toàn, hai anh em tôi
vẫn ngồi co ro một góc vì lạnh và đông đúc. Chừng vài ba tiếng đồng hồ sau, mới
thấy bố mẹ tôi chèo thuyền sang, trú ở một căn gác lửng (nơi dành cho người
lớn, khác tầng lầu chúng tôi đang ở vì cầu thang lên xuống đã bị ngập nước).
Sau này nghe mẹ kể lại, bố tôi vì cố
gắng thu xếp mớ sổ sách và buộc chặt đồ đạc trong nhà nên khi nhìn lại con lũ,
nước đã ngập gần nút cửa ra vào, không đủ khe hở cho thuyền đi ra. Chẳng còn
cách nào khác, bố bảo mẹ tôi nằm sấp dọc theo chiếc thuyền, bố lặn xuống nước,
dùng hết sức kéo thuyền xuống cho lọt qua khe hở. Thuyền vừa ra khỏi nhà, đã
nghe bên trong đổ ầm một cái. Bố đi trốn lũ được ba đêm, nước hạ đôi chút, lại
lò dò về nhà trông coi đồ đạc. Nước lại lên, bố lại trốn. Trong những ngày ấy,
tôi chứng kiến nhiều cảnh tượng nhìn rất buồn. Như ngôi nhà phía trước nhà chú
tôi, có một cái gác nhỏ, nước lên ngập, chẳng còn cách nào khác là dỡ mái tôn
chui ra. Giơ tay vẫy vẫy kêu cứu. Mưa trắng trời...
Một tuần sau nước rút hẳn, phố phường
tan hoang như có chiến trận. Đồ đạc trong nhà tôi trôi đi nhiều, cả cái tủ bàn
thờ đặt giữa nhà đã được bố cột chặt bằng mấy lần dây thép cũng trôi đi. Nhưng
thứ mà tôi và bố tiếc nhất là gần hai trăm quyển tạp chí "Kiến thức ngày
nay", bố đặt mua mỗi tháng ba số từ rất nhiều năm rồi, đóng bìa và giữ gìn
cẩn thận, đã bị thấm nước và nhão nhoẹt. Mẹ bảo: "Thôi, vứt hết đi con à,
giữ cũng chẳng còn đọc được". Tôi tiếc của, xếp chồng lại, đợi nắng lên,
lụi hụi đem phơi đầy sân, đầy vườn. Khi chúng khô đi, giở tới trang nào, giấy
vỡ vụn ra trang ấy. Hoảng quá, tôi để chúng y vị trị cũ, lâu dần, giấy mềm đi,
chỉ đọc được những dòng ở giữa trang sách. Giờ, trong mấy kệ sách, vẫn còn mấy
chục quyển tạp chí ngấm nước lũ ấy. Mỗi khi giở ra, ký ức xưa quay về, nước mắt
chảy xuống, thấm chung với nước lũ.
Năm ấy, ngoại trừ cái túi nhét đầy
sách vở bên trong được mẹ tôi treo trên cột nhà, mấy cuốn truyện tranh của tôi
cũng theo lũ mà ra đi. Hai thứ tôi lo lắng nhất là mớ búp bê, đồ chơi trẻ con
và xấp giấy khen từ lớp một nằm im lìm trong rương, đã bị uống nước no nê, ủ
bùn vàng vọt. Nhìn chúng thật thảm hại, tôi đắn đo rất lâu việc có nên vứt
chúng đi để dọn dẹp nhà cửa hay không? Nhưng rồi chẳng hiểu sao, tôi quyết định
giữ chúng lại, đặt vào một góc riêng với một nỗi buồn rất lớn.
Nắng lên, lụi hụi phơi sách, tôi lôi
mớ giấy khen ra, lật từng cái một, mừng rỡ khi thấy chúng vẫn... có thể đọc
được dù lề đã bị rách bươm. Tôi luýnh quýnh chạy lại khoe với bố mình trong sự
hồ hởi, chẳng nhớ lúc ấy bố tôi nói gì nhưng từ trong tim, tôi luôn tự nhủ, sẽ
quyết định giữ chúng theo bên mình đến suốt đời. Sau này, tôi xén gọn lề mớ
giấy khen và đi ép nhựa. Cứ mỗi mùa lụt về, việc đầu tiên khi dọn nhà là tôi
cất chúng vào nơi an toàn nhất. Trong những cái giấy khen ấy, tôi biết có sự
tần tảo của mẹ, có cả những giọt mồ hôi của bố và cả niềm tự hào về cô con gái
của mình.
Bây giờ, sau bao năm ngồi trên ghế
nhà trường, xấp giấy khen của tôi đã nhiều lên nhưng tôi chẳng quý chúng bằng
mớ giấy khen bị ngấm nước lũ của ngày xưa. Lũ năm ấy, nhà tôi mất mát nhiều
nhưng tình cảm cũng nhiều. Như thấm sự tảo tần của bố mẹ, lần đầu tiên, tôi
không còn thích lũ lụt và bớt nghịch nước hơn mỗi mùa mưa về. Lũ năm ấy, bố mẹ
tôi còn trẻ và rất khỏe mạnh, khác bây giờ. Năm ấy - năm 1999 với cơn “đại hồng
thủy” đã đi sâu vào ký ức mỗi người dân quê tôi đầy nước mắt và nhọc nhằn.
Năm ấy, năm nay... khác nhiều rồi.
Nhưng dẫu sao, tôi vẫn mong một mùa mưa đi qua không có lũ, không có lụt và thật
yên bình cho quê hương.
H.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét