Ai muốn đắm chìm giữa hồn hoang Tây Nguyên
mà chưa thể bước chân đến mảnh đất này, có thể mượn cuốn bút ký Các bạn tôi ở trên ấy (NXB Trẻ, 2013) của nhà văn Nguyên
Ngọc để thỏa nỗi ước mong.
Nhà văn
Nguyên Ngọc, người đã ghép tên mình với Tây Nguyên bằng tài năng văn chương
cùng tình yêu mê đắm.
Nhạc trầm trong cõi lòng
24 bài ký về Tây Nguyên, như 24 nốt nhạc
trầm lắng trong cõi lòng ông, giữa bao dùng dằng nửa ở nửa đi từ khi tóc còn
xanh, gương mặt còn trẻ, nụ cười còn tươi roi rói. Nhiều nhà văn - thế hệ đàn
em, đàn con, đàn cháu của nhà văn Nguyên Ngọc - đã theo chân ông đến với mảnh
đất này, rồi say mê theo và viết. Lạc rừng của nhà văn Trung
Trung Đỉnh, cũng gợi lên nỗi nhớ Tây Nguyên mà trong các câu chuyện kể, kiểu gì
cũng nhắc đến tên “anh cả”.
Mê Tây
Nguyên, sau Nguyên Ngọc, có Trung Trung Đỉnh. Cả hai ông, thi thoảng chợt nhớ
gọi điện hỏi han, giữa sóng điện phập phào, tiếng được tiếng mất, thể nào cũng
thấy nhắc đang uống rượu với bà con trên ấy. Không còn nhiều dịp anh em đi cùng
nhau, mà vẫn dừng chân ở chốn quen, nơi con người sống với nhau bằng cái tình
trọn vẹn.
Nhà văn
Nguyên Ngọc viết về Tây Nguyên, không chỉ dừng lại việc phác thảo vẻ đẹp thiên
nhiên, không gian văn hóa, lòng người chân thành, để bạn đọc có thể mường tượng
được theo hình dung địa lý và nét ký, mà ông thổi vào đó góc riêng trong tâm
hồn mình. Nhẹ nhõm mà sâu lắng.
Trong một đêm, nơi nhà rông, “hầu như cả
làng đều có mặt, các cụ già, con trai, con gái, trẻ em” ngồi quanh bếp lửa để
nghe “Một ông già quắc thước, tóc ngắn, râu quai nón, đẹp như một dũng sĩ trong
các trường ca hùng vĩ của Tây Nguyên” kể sử thi, nhà văn đã để trái tim mình
đắm chìm theo từng xúc cảm. Khi đọc bút ký Những chiều kích của rừng,
có thể hình dung ra một ông già người Kinh nhỏ bé, tóc ngắn bạc, mặc đồ giản
dị, ngồi co chân để cằm tựa vào, hai bàn tay đan ngón nhẹ vào nhau ngồi trong
góc nhà sàn, rung động theo từng nhịp thở đêm, những tiếng nói cười đùa se sẽ,
tiếng rì rầm chuyện trò nương rẫy rừng hoang mùa vụ ngày thường, tiếng hát vút
cao của niềm yêu sáng bừng từ bên trong một sơn nữ rồi vụt tắt. Ông tựa hồ nhắm
mắt, để tập trung toàn tâm ý vào các chuyển động tế vi của cõi người đang xoay
chuyển xung quanh ông, nhận thức tinh tế cùng tỉnh táo, ông khắc sâu chúng
không phải vào não, mà là rung động nhịp co thắt tim, để khi ngồi trước trang
giấy hoặc màn hình máy tính, chỉ cần một thoáng hình dung, những hình ảnh lung
linh xen kẽ bao âm thanh hoang u đó, tràn ra, tạo thành muôn câu văn đặc sánh
ngọt ngào.
“Không có nhạc cụ nào đệm theo lời kể,
nhưng vẫn là có nhạc đấy. Đúng hệt như khi ta nghe nhạc giao hưởng, hết một
chương là một khoảng lặng khá dài, và ta sẽ rất ngạc nhiên thấy mọi người vẫn
im phắc khi ta lại tưởng câu chuyện đã kết thúc, bản giao hưởng đã hết và suýt
chút nữa đã vội vỗ tay”. (Những chiều kích của rừng, Tr.15)
Hồn nhiên thanh xuân
Vì sao mà
Nguyên Ngọc lại mê say Tây Nguyên đến thế? Phải chăng đến đó, ông gột rửa được
bụi bặm bon chen nặng nề phố thị, để khoác lên mình chiếc áo hồn nhiên thanh
xuân. Tuổi tác, thời gian có thể làm phai nhạt tóc xanh và bàn tay nhăn nheo
lấm chấm vệt đồi mồi, nhưng lại không làm già nua mỏi mệt đi tình yêu thương
giữa người và người mà chỉ có người mới mang lại được cho người toàn vẹn.
Những dòng
ký của Nguyên Ngọc đẹp mong manh mơ hồ long lanh như bức tranh tâm trạng vẽ
muôn giọt sương mai, đọng trên ngàn đầu lá cỏ xanh thẫm, giữa bình minh đang
lên trên cửa rừng. Nhà văn đi chầm chậm từng bước, nhận thức từng chỗ đặt chân
sao cho không lay động vào thảm thiên nhiên xanh thẳm. Hòa mình vào không gian
thâm u nhưng không để vì bản ngã mà làm vướng bận, phai mỏng sắc nắng tươi.
Các ban tôi ở trên ấy là ai?: Núp, già làng của cả Tây Nguyên;
Tháng Ninh Nông; A Bốc ở Mường Hon; Người hát rong giữa rừng; Người nghệ sĩ vô
danh đã sinh ra cây K’Nia; Người về Kônh Chro… Hay những giá trị văn hóa có được từ
lòng người?: Tượng gỗ rừng
già; Hiền minh của rừng; Nước mội, rừng xanh và sự sống; Nhà rông, hồn của
làng; Sáu linh hồn của người Xteng, Lễ thổi tai và rượu cần. Tản mạn nhớ và
quên; Sấm và Sét, Đàn ông và Đàn bà, lạ lùng Gia Rai…
Nhiều câu chuyện mà Nguyên Ngọc kể trong Các
bạn ở tôi trên ấy, là những nỗi lòng, tư tưởng mà nhà văn mong bày tỏ. Có
khi, đong đầy nỗi niềm trắc ẩn, nhưng lắm lúc lại đơn giản như việc nhớ hay
quên trong tâm trí con người:
“Hình như trong cái trò chơi kỳ diệu này
của con người Tây Nguyên đối với sự sống có một triết lý nào đó thật uyên thâm.
Nhớ và quên, ngẫm mà xem, phải chăng nói cho cùng đó là hai lẽ sinh tồn tuy hai
mà một, hai mặt chủ yếu không thể tách rời của công cuộc làm người ở đời. (…)
Cuộc đời này, phải chăng lắm lúc đáng quên biết bao nhiêu, quên phứt đi cho
rảnh, cho rồi, mà ngẫm cho cùng cũng lại đáng sống để mà nhớ lấy biết bao
nhiêu” (Lễ thổi tai và rượu cần. Tản mạn nhớ và quên. Tr.312)
Việt Quỳnh
(Nguồn:YuMe)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét