Đó là
ngôi nhà gần biển tới mức lúc nào ở đó cũng nghe thấy tiếng sóng, lúc thì ì ầm
giận dữ lấn lướt xô đẩy nhau, lúc lại nhẹ nhàng mơn man như hơi thở trẻ thơ...
Nhà có khoảng vườn nhỏ. Chính giữa sân, ông lão chủ nhà đã trồng một cây khế
cành lá nom sum suê. Không biết cây khế đầy những quả ngọt kia có từ khi nào,
lúc Hạ quen Thuyên, cô đã thấy nó đứng ở đó vươn dài những cành lá xanh đung
đưa cơ man nào là những chùm trái tròn căng mọng. Người ta hay bảo khế ngọt
thường ít nõn nà hơn khế chua, thế nhưng cây khế nhà Thuyên thì ngược lại: Nó
vừa mướt mát mà vừa ngọt thanh dễ chịu. Thủa còn đi học, mỗi bận Hạ đến nhà
chơi, Thuyên thường làm quà và lấy lòng Hạ bằng những trái cây vườn nhà Thuyên
trồng. Vườn cây ấy nhỏ thôi, song cha Thuyên đã trồng khá nhiều cây ăn trái:
Những quả ổi xanh cắn vào giòn rụm, lựu thì ngọt lịm hạt lại đỏ hồng trông thật
hấp dẫn. Có cả những quả mảng cầu to tướng nên Hạ khó lòng mà...từ chối. Thế
nhưng chẳng hiểu sao cho đến khi Hạ và Thuyên đã cưới nhau rồi cô vẫn còn mê
mãi với cây khế nhà Thuyên.
Hồi
bé Mi còn nhỏ xíu, những buổi chiều mùa hè có gió nồm mát rượi, Hạ thường treo
võng, hai mẹ con nằm ru nhau dưới tán cây tỏa bóng xanh dịu, che khuất hẳn cái
nắng chói chang. Một cơn gió thoảng qua cũng làm hoa khế rụng tím trùm lấp cả
mặt sân. Rồi những đêm rằm, trăng sáng phả màu vàng lấp lánh xuống mặt biển.
Phía sau nhà Thuyên, từ trên gác qua cửa sổ, cô mới thật sự tận hưởng vẻ đẹp
của biển về đêm. Tiếng gió lùa xào xạc vào những nhánh lá thoáng qua tóc Hạ,
càng làm tăng thêm hương vị đặc biệt của đêm trăng ở ven biển. Mùi tanh nồng
pha vị mặn chừng như hòa quyện với hương hoa khế thơm dìu dịu làm cho Hạ như
ngây ngất lâng lâng...
Thời gian
Thuyên còn dạy học ở Mỹ Thắng, nhờ hương biển, hương cây giúp Hạ cảm giác lúc
nào cũng có Thuyên bên mẹ con Hạ. Ngôi nhà đó, sân vườn đó đối với Hạ khắc đậm
biết bao là kỉ niệm. Thế rồi sau khi bé Đa ra đời được ba hôm thì ba Thuyên
mất. Ông lão chăm sóc vườn cây tận tình không còn nữa. Hạ nghe má Hạ nói rằng
người chủ cây chết mà không cho cây để tang thì trước sau gì cây đó cũng sẽ
chết theo! Không hiểu má Hạ nói đúng hay do thiếu bàn tay chăm bón của cha
chồng Hạ mà dần theo thời gian: cây ổi tàn héo, cây lựu trụi lá, rồi cây mảng
cầu đang độ sung sức cũng biến mất khỏi khu vườn nhỏ nhà Thuyên. Tuy nhiên điều
Hạ lo lắng nhất cho số phận cây khế đã không xảy ra. Cô xiết bao vui mừng khi
từng ngày trôi đi, cây vẫn xanh tốt, không có biểu hiện gì chứng tỏ nó sẽ rời
xa nơi nó đã từng đâm chồi nãy những nhành lá đầu tiên.
Hai đứa
con gái lớn của Hạ đã bao lần đùa chơi dưới bóng cây thân quen ấy. Những ngày nhà
Thuyên có đám giỗ, xong đám, cánh đàn ông ung dung ngồi uống trà trong ánh nắng
nhảy nhót xuyên qua bóng lá, mấy người phụ nữ cùng quây quần ngồi núp dưới gốc
cây tránh nắng vừa trò chuyện vừa rửa chén bát.
Hạ nhớ như
in có một đêm khu vực nhà Thuyên bị cúp điện, bầu trời hôm ấy không có trăng,
ngay cả chút ánh sao nhấp nháy cũng chẳng thấy. Mấy đứa cháu gọi Thuyên bằng
chú, tụi nhỏ nhát gan có tiếng, cùng cả nhà xúm xít lại bên nhau. Chính giữa là
rổ khế đầy nhóc, bên cạnh còn có một chén muối ớt đâm nhừ- mới nhìn đã muốn
chảy nước miếng! Ngoài sân trời tối đen, cây khế với cành lá bỗng trở nên xám
xịt và mờ ảo, chừng như rờn rợn...tất cả như bao trùm lên những con người bé
nhỏ đang cố thu mình lại. Gương mặt chị Giao, chị ruột của Thuyên, phảng phất
khi tỏ khi mờ qua ánh sáng leo lét của cây nến nhỏ, càng làm tăng vẻ ghê sợ:
Chị đang kể chuyện... ma! Những hình người máu me, những chiếc răng nanh nhọn
hoắt, những cái đầu lâu treo lơ lửng đầy kinh sợ. Câu chuyện kết thúc đã lâu
thế nhưng mấy đứa cháu và Hạ vẫn không sao chợp mắt. Cành lá đu đưa nhập nhoạng
trong đêm làm mọi người cứ tưởng tượng đến gương mặt méo mó đẫm máu của con ma
trong câu chuyện chị Giao kể. Đêm cứ thế trôi dần chậm chạp, tưởng như có tiếng
bước chân ai đang lướt nhẹ ngoài sân. Ngoài xa những con sóng nhỏ xô nhau vào
bờ nhẹ nhàng liếm cát.
Tất cả và
tất cả những hình ảnh xung quanh cây khế: Bao lần vợ chồng Hạ và gia đình ngồi
ăn cơm, bao lần mấy đứa con Hạ chạy đuổi nhau dưới vuông sân ấy đã trở nên quá
thân quen đến sâu đậm. Khi đứa con út ra đời, nhóc này lúc nhỏ nghịch và quậy
hết biết! Nó từng một mình leo lên gác nhà để vươn tay ra ban công hái khế,
công việc mà trước đây chỉ có mình Thuyên thường làm. Đến tuổi đi học, có chút
thời gian rảnh rỗi, mấy đứa nhỏ còn rủ bạn về nhà nội để ăn khế. Theo suy nghĩ
của tụi nhỏ, chắc không nơi nào có khế ngọt như nhà nội. Những điều đã diễn ra,
Hạ tưởng như sẽ và vẫn còn tiếp tục. Cho đến một ngày... Chiếc xe hai vợ chồng
Hạ vừa dừng trước cổng, chị Giao từ trong nhà đã lên tiếng trước:
- Nhà mình
ở trong diện giải tỏa, có giấy ở phường mời đi họp kìa!
Rồi tiếp
theo đó là ở ngay đầu ngõ xuất hiện một cột ghi rõ ranh giới phần đất nằm trong
khu vực giải tỏa. Cái cột vôi nhỏ màu trắng chữ đỏ lạnh lùng và dửng dưng trước
những ánh mắt của bao người qua lại, soi mói vào nó. Con đường Nguyễn Lạc chắc
chắn nằm ngoài ranh giới bị san phẳng, đột nhiên được nới rộng. Những ngôi nhà
sửa sang lại, xây cao thêm. Từng ngày Hạ về lại mỗi đổi thay. Từng lớp nhà nhỏ
nằm sát biển trước đây lần lượt biến mất. Hạ, cho tới bây giờ khi mà thằng em
Thuyên đã chuẩn bị nhận đất nhận tiền đền bù, cô vẫn khó có thể hình dung trên
vùng đất quá quen thuộc này lại chẳng có sự hiện hữu ngôi nhà của gia đình
Thuyên, càng không tưởng tượng nỗi nơi đây về sau, cô sẽ mãi mãi mất đi hình
ảnh cây khế mà bao lâu nay nó vốn đã in đậm trong tâm trí cô.
Con Phai
cháu Thuyên đã nhận tiền đền bù và giấy tờ nhà. Nghe chừng nó sẽ đi lên xóm
Tiêu. Hạ nghe em Thuyên nói nhà mình chắc sẽ chuyển tới vùng đất mới trên đường
Võ Thị Sáu. Nơi này rồi sẽ như thế nào? Chắc chắn sẽ được thay vào đó là một
cảnh quan đẹp hơn, thoáng đảng hơn phù hợp với du lịch biển hơn. Thẳng đường
tới nhà Thuyên có trường tiểu học- trước kia là Trần Phú giờ là Ngô Văn Sở-
trường có vẻ như được giữ lại. Hạ thấy sau thông báo qui hoạch, trường vẫn giữ
nguyên thậm chí còn xây lầu cao thêm, khang trang và đẹp hơn nhiều. Mai này khi
đến đoạn đường Nguyễn Huệ, đoạn có nhà thờ Hòa Ninh, nếu có ai hỏi thăm nhà,
câu trả lời sẽ như thế nào? Có còn cái điệp khúc quen thuộc: đi thẳng đến
trường Trần Phú, rẽ trái thấy nhà có cây khế đích thị là nhà Thuyên...Và cái
giếng nước lâu nay cả xóm vẫn dùng chung, mỗi năm cứ cận Tết lại có một ngày
cảo giếng. Những cánh tay vung lên rồi hạ xuống. Những cái gầu được sử dụng hết
lực, tiếng gầu va đạp xen với tiếng đùa ghẹo của mấy anh chàng miền biển cứ
oang oang...Cây khế hiền lành dễ tính, cứ thế che chắn bóng râm cho bao con
người dưới cơ thể khỏe mạnh lực lưỡng của mình, cho cả cái giếng nước ngọt ở sát
bờ biển mặn ấy.
Hạ không
sao hiểu được cô có thể thản nhiên nói với mọi người rằng: Hôm nay là lần giỗ
cuối cùng của ông nội các cháu ở trong chính ngôi nhà này. Ngôi nhà cũ với sân
vườn bé xinh đã lưu giữ trong cô bao điều ấm áp. Mai rồi Hạ sẽ tìm ở đâu được
chứ? Hết thảy: ngôi nhà ngói nhỏ cũ kỹ và cây khế dịu dàng ấy, nơi Thuyên và Hạ
đã từng sống qua thời son trẻ đẹp đẽ nhất.
Mọi thứ
chỉ còn lại qua vài tấm ảnh hiếm hoi và trong trí tưởng của Hạ mà thôi. Hạ
thoáng một tiếng thở dài...
03/6/05
Đ.T.H (Bình Định)
Để có những đổi mới, đôi khi người ta phải tàn nhẫn xóa đi cái cũ, dù nó thân quen, máu thịt với một số người. Trong trường hợp ấy, nhớ về kí ức cũng là một cách để hâm nóng tình yêu. Động lực để vui sống có khi chỉ là những cái cớ nhỏ xíu ấy, Hòa ạ.
Trả lờiXóaBạn tôi viết hay và sâu sắc lắm.
Cảm ơn bạn hiền với những lời nhận xét có cánh.
Trả lờiXóa