Lẽ
ra đấy có thể dệt nên một tình yêu đẹp, lãng mạn, nếu người nữ trong câu chuyện
tình không là… “cô gái tốt”.
Hoàng
và Lan sống chung trong một ngôi làng quê quê, cho dù ven quốc lộ ì ầm xe cộ
ngược xuôi. Hoàng chính tông trai làng: trồng rau, nuôi cá.. quanh năm. Ngược
lại, Lan được ăn học tốt, và đã là một y sĩ khoác blu trắng muốt. Khi nhỏ, cả
hai cùng lớn lên, đến một ngã rẽ, Hoàng tiếp tục cuộc đời quen thuộc với cánh
đồng, Lan lên thành phố học, nhưng họ vẫn duy trì tình bạn đẹp.
Lan
tan vỡ một cuộc tình ở trường trung cấp y, và khóc… với Hoàng! Cậu trai quê
lặng lẽ đau nỗi đau của bạn. Ngày người yêu Lan song hành với tân giai nhân ở
trên thành phố, Lan thẫn thờ, hẫng hụt, khóc than. Chính Hoàng cho cô ấy tựa bờ
vai, để đứng, chứ không ngã khuỵu xuống như trong những câu chuyện tình.
Rồi
họ yêu nhau, mấy năm sau đó, như sự nối tiếp tình bạn, nỗi cảm thông và thấu
hiểu. Hai chiếc điện thoại Nokia 1280 cùng màu là chứng nhân những bức thư tình
điện tử SMS đi lại như con thoi. Và cho dù không được ăn học như bạn gái, song
Hoàng từng là quán quân môn văn thời trung học, nên những cánh thư SMS của cậu
luôn đậm đà bay bướm. Có ngày Hoàng đã gửi cho Lan 100 tin nhắn, mà độ dài mỗi
tin có khi vượt mức cho phép của nhà mạng! Tình yêu đẹp, trong men say, Hoàng
rũ sạch cho Lan những muộn phiền trĩu nặng, và thân ái gọi cố ấy (lặp đi lặp
lại): “Em là một cô gái tốt”. Lan rất thích cụm từ này, mà thực ra làm người
con gái, ai lại không thích bạn trai chân thành gọi như thế?
Hoàng
làm tất cả những gì có thể cho người yêu: những món quà xinh xinh, những buổi
cà phê lãng mạn nơi xa, những chiếc áo vào dịp valentine hay sinh nhật…
Nhưng
qui luật tình cảm, qui luật cuộc sống dường như muôn đời vẫn thế. Cái mà triết
học hiện đại gọi là “tính giai cấp trong tình yêu”, cái mà văn chương cũ gọi là
tình giàu tình nghèo… lại xuất hiện, chỉ một năm sau. Lan không còn thấy những
bài thơ tình mà Hoàng tặng có cái gì hay ho như đã từng thấy, cô khó chịu với
những món quà nhỏ xíu lại được gói cẩn thận thái quá, và những tin nhắn phản
hồi ít dần đi. Cô đưa ra những yêu sách: em thích chiếc xe kia, cái nhà nọ, một
công việc khác… Hoàng im lặng những lúc ấy, im lặng ngay cả bây giờ- mấy năm
qua rồi- khi nhớ lại những lúc như vậy. Khi những yêu sách không có hồi đáp,
Lan lạnh lùng buông “anh không như em nghĩ”. Đấy là một nhát chém rất sâu.
Lan
hẹn hò với một cậu trai có tiền nước ngoài, ban đầu chỉ nghe nói, sau công
khai. Hoàng tê tái nhìn thoáng qua người mình yêu tay trong tay với người con
trai khác- chỉ sau một năm yêu đương… Và cặp đôi ấy dắt nhau lên xe hoa nhanh
chóng, mấy tháng sau. Cô gái bắn tin: “Anh dự đám cưới không, em mời”. Hoàng
nín thinh…
Đám
cưới, một cái gì vỡ tan. Trong đầu Hoàng chỉ có mỗi một cụm từ còn sót lại: “Em
là một cô gái tốt”. Nam
nhi lưu huyết bất lưu lệ, nhưng Hoàng đã khóc, một mình. Tin nhắn cuối cùng mà
Lan nhận được từ người yêu cũ: “Em không có lỗi, người ta kết hôn còn có quyền
ly dị mà”. Hoàng ra đi…
Nhà
Phật trong triết lý mênh mông và sâu sắc về cuộc đời có một khái niệm sâu lắng
lắm: Nghiệp. Chút nghiệp văn chương còn sót lại, Hoàng viết văn, những câu chuyện
còm cõi, những truyện ngắn dở dang… Vậy mà cũng có tờ báo này đăng, biên tập
kia khen ngợi! Và trong những tác phẩm được may mắn lên trang in, có câu chuyện
tình mang cái tựa nhức nhối, với Hoàng, “Em là một cô gái tốt”.
Cô
ấy không có lỗi. Không ai có lỗi. Và cô ấy là một cô gái tốt, vậy thôi. Nhưng
cớ sao lại buồn….
Mới
đó mà đã năm năm rồi…
Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét