Vừa qua, tôi đã cùng cô em gái du xuân một chuyến ở đảo quốc Singapore và nước láng giềng bên cạnh là Malaysia. Qua một tuần lễ đi liên tục nhiều nơi, vì khả năng có hạn nên khó có thể ghi lại được hết những gì mà tôi đã mắt thấy tai nghe, đã cảm nhận về những điều mới lạ; vì thế chỉ xin chia sẻ với quý bạn đọc những gì lắng đọng, đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất mà thôi.
Lần đầu tiên đi trên máy bay hướng về vùng trời nam biển Đông, từ máy bay nhìn xuống tôi vô cùng xúc động khi thấy rõ những nhánh lớn của sông Mê kông đổ ra biển, chỉ tiếc là tôi không thấy được mũi Cà Mau như lời của người hướng dẫn viên (HDV) du lịch. Vượt qua hơn một giờ rưỡi trên biển mênh mông xanh thẳm một màu ngọc bích, thấy rõ cả những bọt sóng biển trắng xóa dưới ánh nắng ban mai- nhưng khi bay vào vùng trời của đảo quốc sư tử thì mọi người mới thật sự choáng ngợp trước vẻ đẹp kì thú của một hòn đảo, một thành phố, và cũng là của một quốc gia có lịch sử non trẻ nhưng đã phát triển ngang tầm với nhiều thành phố hiện đại khác trên thế giới.
Vì máy bay lượn mấy vòng quanh đảo nên thấy rõ đây là một thành phố Xanh- Mát và có quy hoạch tổng thể rất hài hòa. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Chang gi, mọi người trong đoàn bắt đầu trầm trồ về sự hoành tráng của nó và không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến sân bay Tân sơn nhất ở quê nhà.
Sau hai ngày hai đêm đi liên tục để tham quan và thưởng ngoạn nhiều nơi (từ sáng 29 đến sáng mồng 1 tết ÂL), điều mà ai cũng thấy rõ là trình độ khoa học- công nghệ nơi đây phát triển cao, đặc biệt là một hệ thống giao thông hợp lí với luật lệ xử phạt rất gắt gao và rất khác ở Việt nam nên HDV luôn nhắc nhở mọi người –nhất là những lúc đi riêng lẻ không đi chung cùng đoàn. Nhìn trên mặt đất thấy rất ít người đi trên vỉa hè, hầu như mọi người đều đi xuống…lòng đất để đi làm, đi học,… bằng tàu điện ngầm không người lái, ngay cả mua vé và vào cửa cũng đều là tự động hóa. Ngoài ra còn có tàu điện trên không cũng không có người lái và trên mặt đất mới là đường bộ dành cho ô tô với nhiều làn xe rất trật tự. Họ đã xây dựng được một nếp sống văn minh nơi đô thị, ngay cả chờ xe taxi mà mọi người đều tự giác xếp hàng để ai có mặt trước thì đi trước, hơn nữa còn qui định địa điểm để đón xe taxi. Tuy vậy khi nhóm chúng tôi bị lạc đường và có nguy cơ bị bỏ lỡ vài địa điểm tham quan theo đoàn thì viên cảnh sát đã can thiệp để chúng tôi được lên taxi trước. Ôi! biết bao giờ các thành phố lớn ở nước ta mới thoát được cảnh một rừng người và xe gắn máy với khói bụi, âm thanh ồn ào, xô bồ và vấn nạn kẹt xe như cơm bữa!
Qua đó, điều làm tôi suy nghĩ nhiều không phải là những tiện nghi, văn minh vật chất cao sang hiện đại với những tòa nhà chọc trời đủ mọi kiểu dáng, phong cách đứng chen chúc nhau để làm tôn lên vẻ đẹp cho nhau- nơi mà các kiến trúc sư, các nhà thiết kế mặc sức thi thố tài năng chuyên môn và óc thẩm mĩ- mà chính là do những điều kiện nào, cơ chế như thế nào để đảo quốc này vươn lên nhanh chóng và thần kì như vậy?. Có một vài câu chuyện và con số biết nói thể hiện cách làm hiệu quả của các nhà quản lí: nếu con cái mà mua nhà ở gần cha mẹ sẽ được giảm giá đáng kể (để tiện đi lại chăm sóc, phụng dưỡng); nếu nhà hàng, quán ăn nào bị bắt quả tang thuê sinh viên đến làm thêm thì sẽ bị buộc đóng cửa (để bảo đảm chất lượng đào tạo và uy tín của giáo dục)
… Ngoài ra, việc xử phạt không nương nhẹ chút nào, ví dụ: hút thuốc, mang trái sầu riêng hoặc xả rác ở tàu điện ngầm, nơi công cộng… ghi rõ phạt từ 1000 đến 2000 đô la (đơn vị tiền tệ của Sing gần bằng đô la Mỹ)… với hệ thống camera “giám sát” ở nhiều nơi. Chính chúng tôi đã thấy một người dân đi đường tự giác nhặt rác bị rơi vãi bỏ vào thùng. Tôi chưa từng được thấy một thành phố nào xanh và sạch hơn ở đây. Trên vỉa hè, có những cây xanh ở ngay mặt tiền của ngôi nhà hay cửa hiệu vẫn được giữ nguyên chứ không dễ bị phá bỏ như ở bên ta.
Điều đáng nói nữa là các nhà quản lí và đầu tư ở đây rất biết khai thác và tận dụng các lợi thế về dịch vụ du lịch. Từ đó mà sản sinh ra các nơi vui chơi giải trí, thưởng lãm nổi tiếng như công viên Sư Tử Biển, khu Casino công khai với kiểu kiến trúc ấn tượng, Bảo tàng Sáp, sân khấu nhạc nước “ Songs of the Sea", công viên các loài chim và các màn biểu diễn rất đặc sắc của chúng… Từ đó có quyền hi vọng về tương lai của du lịch Việt Nam nếu biết khai thác và đầu tư đúng hướng vì nước ta có nhiều di sản thiên nhiên và di sản văn hóa của thế giới vừa nhiều phong cảnh đẹp, môi trường sinh thái phong phú, đa dạng.
Ở một đất nước gần 70% là người Hoa và bộ máy nhà nước chủ yếu cũng là người Hoa, với truyền thống và sở trường "PHI THƯƠNG BẤT PHÚ” của người Trung Hoa thì việc thương mại hóa, tính toán chi li cũng là điều dễ hiểu. Ví dụ: cả người gọi và người nghe điện thoại ở đây đều bị trừ tiền, xe hơi đi từ Sing qua Malay phải đổ đầy xăng trước khi qua biên giới nếu không muốn bị phạt (để bảo vệ thương mại trong nước vì xăng ở Malay rẻ hơn rất nhiều)…
Tuy nhiên, mặt trái của cuộc sống công nghiệp hóa ấy đã có những biểu hiện mà du khách trong một thời gian ngắn ngủi có thể thấy được ở chỗ ngày càng nhiều phụ nữ nghiện thuốc lá do áp lực công việc và bị stress ( thỉnh thoảng lại có vài phụ nữ mặc trang phục công sở tìm một góc vắng nào đó để hút thuốc). Có lẽ con người ở đây đã phải quay cuồng theo quỹ đạo: lo học tâp- làm việc kiếm tiền- hưởng thụ một cuộc sống rất tiện nghi - và sau đó họ được và mất những gì? (chỉ biết chắc chắn là hiếm có thì giờ cho những giây phút tĩnh lặng quay về với nội tâm hoặc trải lòng mình để mà mơ mộng, hòa quyện với thiên nhiên )
Trưa mồng một Tết, xe buýt đưa chúng tôi đến cửa khẩu phía Malaysia để làm thủ tục nhập cảnh. Đường biên giới giữa hai nước- theo lời của HDV là một con sông- nhưng xem lại trên bản đồ thấy đó là eo biển thì đúng hơn, một chiếc cầu dài nối liền hai quốc gia với những nét văn hóa vừa tương đồng vừa khác biệt (trước đây hơn một thế kỉ đảo Sing là một phần lãnh thổ của Malay). Cũng giống như bên Sing- khi vừa làm xong thủ tục nhập cảnh là đã có ngay một HDV du lịch thứ hai ở phía đối tác- người địa phương- cùng đồng hành với HDV chính VN và với đoàn khách trong suốt cuộc hành trình. Tất cả các HDV đều trao đổi, giao tiếp với nhau và với khách du lịch bằng tiếng Anh, ngoại trừ HDV và khách du lịch VN với nhau, vẫn cứ nói nửa ta nửa Tây rất buồn cười vì không phải khách du lịch nào cũng thông thạo tiếng Anh. Rất may là tôi đã có cô em gái bên cạnh làm phiên dịch, chứ nếu không thì cũng như mù chữ và chỉ biết nghe như vịt nghe sấm! Tôi nhớ hôm đi cáp treo tham quan cao nguyên Genting, sau khi cả đoàn thống nhất địa điểm và giờ hẹn tại nơi quy định, mỗi người được tự do đi lại trong cả khu vui chơi giải trí náo nhiệt có nhiều tầng bên cạnh một khách sạn tầm cỡ đến hơn 6000 phòng. Tôi quyết định tách khỏi cô em để thử khả năng giao tiếp của mình. Tôi đi dạo một lát rồi ghé vào một cửa hàng bán đồ lưu niệm .Hãy tưởng tượng một người mua hàng không nói được tiếng Anh và một người bán hàng Malai không biết tiếng Việt sẽ xoay sở thế nào? Đầu tiên tôi hỏi cô ta giá tiền bằng tiếng Anh (tôi chỉ thuộc được một vài câu giao tiếp sơ đẳng ), cô ta trả lời một tràng bằng tiếng Anh (hầu hết các nhân viên ở các khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí… đều giao tiếp bằng tiếng Anh), tôi lắc đầu tỏ ý không hiểu, thế là cô ta giơ hai bàn tay lên và có lẽ số tiền vượt quá mười ngón tay nên lại giơ tiếp một bàn tay nữa. Tôi đành viết lên giấy những con số theo đơn vị tiền tệ của Malay (ringgit) cho đến khi hoàn tất cuộc mua bán.
Quay lại cuộc hành trình, đến quá trưa thì xe dừng ở thành phố biên giới Johor Bahru để ăn trưa rồi lại tiếp tục lên đường đến Malacca, một thành phố cổ có khu cảng biển nổi tiếng của Malay từ mấy thế kỉ trước. Đây là một thành phố vừa có nét cổ của phương Tây (do từng là thuộc địa của người Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh), vừa có nét cổ của phương Đông (do ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa) nên được công nhận là di sản văn hóa của thế giới. Đoàn được tham quan con tàu hàng hải, chiếc quạt gió còn sót lại, pháo đài, nhà thờ cổ… và khu phố cổ của người Hoa với những đèn lồng đỏ giống phố cổ Hội An của ta. Tôi chỉ thấy không khí Tết ở những vùng có nhiều người Hoa sinh sống vì họ ăn Tết cùng một thời điểm với người Việt.
Đêm ấy tại Malacca, nhóm chúng tôi thuê taxi dạo quanh phố đêm lung linh, bắt mắt với những đèn lồng đỏ và những chiếc xe đạp lôi được trang trí bởi hoa và đèn điện đủ màu sắc sặc sỡ chạy khắp các đường phố gợi nhớ những chiếc xe lôi một thời trên quê hương Việt Nam.
Dọc con đường thiên lí hơn 500 km từ biên giới đến thủ đô Kuala Lumpur, chúng tôi như đi giữa màu xanh miên man bất tận của những rừng dừa cọ chạy dài, được xem là loại cây kinh tế mũi nhọn của Malay, tạo nên cảnh quan thật là mát mắt. Nhà cửa của hầu hết người dân ở đây không quay mặt ra sát đường quốc lộ để có “mặt tiền” mà làm ăn buôn bán giống như ở nước ta mà được quy hoạch ở tít mãi bên trong với những ngôi nhà mái ngói đỏ san sát giống nhau theo kiểu chung cư.
Đến Kuala Lumpur, ngoài việc thăm viếng các nơi theo chương trình, tôi ấn tượng nhất là tòa Tháp Đôi Petronas 88 tầng, cao 403m, trước kia đã từng là tòa nhà cao nhất thế giới nhưng kể từ 2010 tòa tháp Burj ở Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã phá kỉ lục này với 160 tầng cao 828m (xem ra các nước Hồi giáo rất thích chinh phục độ cao). Những công trình kiến trúc đặc sắc in đậm dấu ấn của đạo Hồi: những nhà thờ, tòa án Hồi giáo, cung, điện hoàng gia, đài tưởng niệm… với đỉnh vút cao, mái vòm uốn cong thanh thoát và ẩn chứa bao điều huyền bí. Khi viếng thăm Đài Tưởng niệm Quốc gia, HDV người Malai còn chỉ rõ những tượng đài của Hồi giáo ở bên cạnh tượng đài của người Anh- chính phủ họ cho phép bởi vì lịch sử nó là như vậy. Nói cách khác, mặc dù giành được độc lập từ người Anh, nhưng người Malai vẫn biết ơn những gì mà người Anh đã làm được cho họ. Điều này khiến ta không thể không nghĩ đến cái gọi là “khai hóa" gần một thế kỉ của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam!
Cuộc sống về đêm ở Kuala Lumpur hết sức sống động với những buổi biểu diễn ca nhạc, văn hóa nghệ thuật độc đáo kết hợp phong cách truyền thống và đương đại với sân khấu dã chiến ngoài trời lại kề cận một quán bar. Do đó, du khách có thể chọn cho mình một vài món ăn, thức uống lạ miệng của người bản xứ vừa thưởng thức ca nhạc trong một không khí cực kì sôi động mà vẫn trật tự đến ngạc nhiên, lại vừa có thể chiêm ngưỡng tòa tháp truyền hình chọc trời với ánh điện nhấp nháy hòa lẫn ánh sao trên nền trời.
Malay cũng là một nước đa văn hóa, đa sắc tộc giống như Sing nhưng ngược lại ở chỗ tỉ lệ: nếu ở Sing gần 70% là người Hoa, còn lại là Malai, Ấn Độ và châu Âu thì bên Malay gần 70% là người Malai, 30% còn lại là người Hoa, Ấn và các dân tộc khác.
Hình ảnh đã để lại nhiều cảm nghĩ đặc biệt trong tôi mà đi đâu tôi cũng thấy đó là các phụ nữ theo đạo Hồi, lúc nào cũng trùm kín đầu và cổ bằng chiếc khăn choàng dù họ là công nhân dọn vệ sinh hay đang mặc trang phục công chức để làm việc tại cơ quan nhà nước. Thi thoảng còn thấy một vài cô gái trẻ mặc quần jean bó sát hoặc váy ngắn nhưng vẫn trùm kín khăn choàng như một tập tục, hoặc được chiêm ngưỡng những quý bà có nước da ngăm đen rất đặc trưng của người Malai, vẫn choàng khăn kín đầu nhưng để lộ một khuôn mặt đẹp như một pho tượng. Với chiếc khăn choàng biến tấu lấp lánh ôm lấy khuôn mặt chuẩn đến từng nét ấy khiến tôi phải ngẩn ngơ nhìn.
Khi đi dạo ở một trung tâm mua sắm, nhóm chúng tôi tình cờ được gặp gỡ và chuyện trò với một nhóm nữ sinh trung học khi các em này đang thực hiện một chương trình ngoại khóa theo chủ đề “Phỏng vấn khách du lịch về đất nước Malay” Qua đó, cho thấy trình độ giao tiếp tiếng Anh của người Malai nói chung là rất khá, và rất phổ biến trong đời sống xã hội.
Chúng tôi trở về từ sân bay quốc tế Klia ở Kuala Lumpur, một trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Á, kết thúc một chuyến đi đầy ấn tượng.
Trông người lại ngẫm đến ta. Việt Nam đang phấn đấu trở thành một nước có khoa học công nghệ tiên tiến. Nhưng để làm được điều đó phải có cơ chế thu hút chất xám thay vì để lãng phí, chảy máu chất xám, có biện pháp hữu hiệu đối với những vấn nạn như hiện nay. Hơn nữa, ước ta còn nghèo (một phần do chiến tranh kéo dài, một vài người trong đoàn du lịch còn bảo hầu hết các thuộc địa của Anh không đến nỗi nghèo nàn và lạc hậu như thuộc địa của Pháp, trong đó có Việt Nam) lại đông dân, dân trí chưa cao nên con đường đi sẽ còn ắm gập ghềnh, gian khổ. Đi một ngày đàng tôi đã học thêm được những điều hay trong văn hóa giao tiếp ở xứ người. Hình ảnh một viên cảnh sát tận tình chỉ dẫn, gọi taxi và can thiệp giúp khi chúng tôi bị lạc đường ở Singapore, những khuôn mặt khả ái với nụ cười thân thiện của các cô bán hàng Malaysia, và còn lịch sự cảm ơn chúng tôi đã ghé lại dù chúng tôi chỉ xem chứ không mua gì – thực sự đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bao du khách.
Mùa xuân 2011
Nguyễn Đoan Tuyết (Pleiku)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét