Bà lặng lẽ đi ra vườn thẫn thờ ngắm gốc đào đang mùa ủ nụ. Năm nay đào ra nhiều nụ mà nụ nào cũng to cũng đẹp. Bà tưởng tượng đến đầu xuân một cây đào thắm nở bung rực rỡ cả khu vườn. Nếu ông còn sống chắc là ông vui lắm vì cái thú ngắm hoa ngày tết của ông bao nhiêu năm rồi vẫn đắm đuối nồng nàn. Ông thường bảo bà rằng hoa đào nở giống như bộ váy rực rỡ của cô thiếu nữ giữa vườn xuân, giống như bà của mấy mươi năm về trước. Mới năm ngoái thôi còn thấy ông đắm đuối bên đào thắm mà năm nay chỉ còn lại mình bà. Thằng cả là bộ đội chuyên nghiệp cũng vừa nhận nhiệm vụ ra đảo Đá Đông, còn cô con gái đã lấy chồng thì chắc phải ra giêng mới về nên tết này nhà vắng vẻ. Nhưng bà vẫn không quên chăm sóc khu vườn rồi thấp thỏm trông từng nụ hoa, ngóng từng mầm biếc.
Tết năm nay không có ông cùng cọ lá dong, đong gạo nếp gói bánh chưng. Không có người cùng ngồi canh nồi bánh ấm áp cả góc sân đêm hai bảy tết. Bà mua mấy bó lá dong về dựng ở góc vườn, vài ba lá đã úa vàng chờ tết. Hàng xóm thấy bà buồn nên mấy nhà rủ nhau nấu bánh chung làm lòng bà cũng chộn rộn lên đôi chút. Thanh niên ở xóm qua giúp bà dọn dẹp nhà cửa, bổ củi, giặt giũ chăn màn. Thực ra tất cả những việc đó bà vẫn tự làm được nhưng các cháu đến có tiếng nói tiếng cười cho vui cửa vui nhà. Cũng may ở đây nhà cửa san sát nhau, bà ngồi ở hiên mà nghe thấy nhà bên giục nhau đi tắm tất niên, giục nhau ăn cơm, giục nhau đi mua phong bao lì xì. Tuổi già cũng dễ buồn tủi vì những âm thanh sum họp ấy. Thằng cả gọi điện về bảo:
- Tết này dù bố đã đi xa, dù vắng cháu con, mẹ cũng phải ăn tết cho tươm tất để con ngoài này thấy yên tâm.
Tiếng sóng biển to quá, bà nghe tiếng con câu được câu chăng nhưng thấy ấm lòng. Biết con ở ngoài đảo còn gian khổ thiếu thốn nhiều thứ nên càng không muốn để con buồn. Bà cười bảo:
- Con cứ yên tâm đón tết cùng anh em đồng chí. Mẹ ở nhà còn có xóm làng, bà con họ mạc. Mà qua tết vợ chồng cái Hiên cũng đưa cháu về nên mẹ cũng thấy đỡ buồn. Mà năm nay hoa đào nhiều nụ lắm tiếc là con không được ngắm.
- Một năm rưỡi cũng nhanh thôi mà mẹ. Rồi nhất định sẽ có tết con dẫn con dâu về ngắm hoa cùng mẹ.
- Anh đi làm nhiệm vụ của đất nước đừng có quên nhiệm vụ của mẹ giao. Làm gì thì làm chứ bằng tuổi anh con cái người ta đeo khăn quàng đi học rồi đấy. Anh thương nhớ ai thì liệu mà tính cưới đi cho mẹ nhờ. Mẹ thèm có cháu nội lắm rồi, sau này anh đi công tác xa cứ để cháu nội ở nhà mẹ chăm cho.
Tiếng sóng lại lấn át cả tiếng con, bà nghe cứ thương nhớ bùi ngùi. Giá mà ông còn sống chắc ông đã biết cách động viên bà. Bao nhiêu năm nay con cái lớn khôn cứ biền biệt xa nhà chỉ có hai ông bà vò võ ngóng chờ, tự vỗ về nhau và làm cho nhau vui. Bà bất chợt ngoảnh sang bên cạnh, chỗ ông ngồi cùng bà mỗi chiều còn đây vết nhẵn vậy mà ông đã đi xa. Tất cả mọi thứ trong ngôi nhà, mọi ngõ ngách ngoài vườn cây ao cá đều in bóng hình ông. Mấy mươi năm sống với nhau bao nhiêu vui buồn hằn lên cả đời người, ông không khi nào để cho bà phải cô đơn hết. Ngay cả lúc này dù thương nhớ ông quay quắt nhưng bà vẫn không cảm thấy cô đơn. Ông vẫn như vẫn dõi theo bà, rất gần gũi quanh quẩn đâu đây bên gốc đào bên ấm trà xanh nóng ấm.
Cây đào bích này ông được một đồng đội cũ mang đến tặng, dễ cũng được gần chục năm. Thế đào đẹp, hoa thắm đỏ, hoa chen nụ, nụ đỡ hoa tạo cảm giác nồng nàn ấm áp. Hoa đào thường gợi cho ông hoài niệm về những năm tháng đón tết trong chiến trường miền Nam thèm đến cháy lòng một sắc hoa đào. Ông bảo ước mơ về sắc hoa khi ấy là ước mơ của hòa bình, của Bắc Nam nối liền, của nhà nhà đoàn tụ. Trong giấc ngủ lả đi vì mệt khi tiếng đạn bom còn vang ở phía xa, ông từng mơ thấy gốc đào sau vườn mẹ ra hoa. Màu hoa phớt hồng gặp trận gió lay, cánh hoa rụng bay như một vùng cổ tích. Cái vùng trời cổ tích bé nhỏ ấy đã trở lại nhiều lần trong giấc mơ bên hình ảnh mẹ già em thơ, bên đàn gà con kêu chim chíp. Bên cái nắm tay vụng dại, mái tóc đen dài và ánh nhìn sâu thẳm của cô thiếu nữ đã qua tuổi đôi mươi. Mấy chục năm đã đi qua, cô thiếu nữ ngày ấy giờ tóc đã bạc trắng, da đã nhăn nheo, lưng đã bắt đầu còng xuống đang ngồi đây một mình nhìn sắc đào mà nhớ thương ông.
Bà vẫn thương ông mùa lạnh. Khi những vết thương chiến tranh còn găm lại trong người, cứ trở trời lại lên cơn đau nhức. Qua những ngày đông dài ông mong cho mùa xuân mau đến, trời ấm áp cơ thể cũng khỏe khoắn hơn. Khi ấy các khớp xương của bà cũng đỡ nhức mỏi nên khu vườn thường được chăm sóc kĩ hơn. Ông thường bảo:
- Cây cối cũng như con người, được tưới tắm yêu thương thì mầm mới xanh tốt hoa mới rực rỡ. Mùa nào có hoa ấy để các con đi xa về chỉ cần nhìn thấy khu vườn cũng đã thấy thảnh thơi, quên đi bao mệt nhọc. Mà các con bây giờ ra ngoài cuộc sống phức tạp gặp biết bao nhiêu là khó khăn, tôi với bà không giúp được gì thì cũng nên làm cái bến đỗ bình yên cho chúng.
Bây giờ, bà cũng sẽ chăm sóc khu vườn của ông thật tốt, để đợi ông về vui bên hồn cây ngọn cỏ. Để mỗi chiều vẫn có thể chuyện trò cùng ông về chuyện của các con về anh em chòm xóm. Ngày ông mất, bà khoanh một vạch vôi xung quanh gốc cây đào như để nó chịu tang ông. Bà cứ lo năm nay đào sẽ vắng hoa nhưng ơn trời đào vẫn khoe sắc như cô gái đôi mươi nhiều nhiệt huyết.
* * *
Chiều ba mươi, bà ngồi nhớ nồi nước tắm tất niên do tự tay ông chuẩn bị cho bà. Thoang thoảng hương bưởi, vài ba nụ hoa nhài khô, ít lá hương nhu và cả vài ba nắm cỏ có mùi thơm rất lạ. Tóc bà đã rụng đi nhiều, ông tiếc nuối mái tóc của ngày xưa đen láy một vùng kí ức. Tết đến ông vẫn không quên nấu nồi nước gội đầu bằng bồ kết vườn nhà cho bà gội. Ông bảo những năm tháng chiến tranh mùi quê hương gói gọn vào hương tóc của những người phụ nữ. Bao nhiêu năm vẫn vậy, những gì thân thuộc nhất ông vẫn thấy đang ở rất gần. Ông là người sống bằng hoài niệm, chứa đầy ăm ắp một thế giới vừa giông dữ vừa bình yên ở trong lòng cho tận đến lúc xuôi tay. Giờ bà ngồi đây thắp lửa trong lòng bằng kí ức về ông. Khẽ xoa bóp hai khớp gối bà quay sang bên cạnh nói nhỏ: “Tối nay ông muốn ăn món gì để tôi nấu cho ông? Hay để tôi nấu cho ông một bát canh măng với nấm hương thật ngon nhé. Chờ tôi một lúc, tôi nấu nhanh thôi mà”.
Rồi bà lặng lẽ vào bếp, nhóm lửa, căn bếp bừng lên thứ ánh sáng ấm áp. Bà rất thích khoảnh khắc này, đấy cũng là lý do mà vì sao các con sắm đầy đủ bếp ga, nồi điện rồi mà ông bà vẫn giữ thói quen bếp củi. Mùa đông, hai thân già ngoài cặm cụi vườn vặng thì chỉ còn biết cùng nhau ngồi sưởi bên bếp than hồng. Ông nhắc chuyện ngày xưa thằng cả hay thích lùi lụt ngô sắn còn cô út thì thích nhất món khoai vùi trong chậu than đặt dưới gậm giường. Ngày xưa bọn trẻ còn nhỏ, nhà tuy nghèo nhưng vui. Chúng cùng cười đùa, cãi cọ, tranh nhau món quà quê mỗi khi bà đi chợ phiên về. Tối cùng ôm nhau ngủ, cùng tranh nhau kể chuyện cổ tích rồi nghe chúng nói về những ước mơ xa vời và ngộ nghĩnh. Mỗi ngày nhìn chúng lớn khôn thêm thấy căn nhà chật hơn một chút nhưng ngập tràn tiếng cười. Quần áo thằng cả vứt bề bộn, vài ba điệu huýt sáo vang lên, bên cửa sổ phòng con gái đã thấy luôn có màu hoa dại. Cái ngày ấy sao mà vui. Bà vừa nghĩ vừa lật đật đi thay chõ xôi miệng lầm bẩm nói một mình: “Ông ngồi lại gần đây cho ấm. Đứng đó mãi cóng chân. Không biết tụi nhỏ tết nhất thế nào. Ông cũng nhớ chúng lắm đúng không?”.
Trời đã bắt đầu tối. Mâm cỗ tất niên bà cũng đã chuẩn bị xong. Tự nhiên thấy tiếng con chó mực sủa inh ỏi rồi lại rên ư ử đúng kiểu đang mừng quýnh quáng người quen. Bà vội lật đật chạy ra cổng, vừa bước ra đến sân đã thấy tiếng hai vợ chồng cô con gái út vang lên:
- Mẹ ơi! Chúng con đưa cháu về ăn tết với mẹ đây. Kìa! Con chào bà đi nào!
Bà còn chưa hết ngỡ ngàng thì đã thấy một vòng ôm bé nhỏ ùa vào lòng. Thằng cháu ngoại dụi dụi mặt vào áo bà cười toe toét bảo:
- Người ngoại toàn mùi hương bưởi thôi, không phải mùi trầu như mọi khi mẹ ạ!
Cả nhà đều bật cười, cô con gái vừa lúi húi xách đồ vào nhà vừa quay ra hỏi:
- Mẹ có phần con nước tắm tất niên không?
Bà khẽ gật đầu, đưa bàn tay già nua lên lau khóe mắt. Bà vào bếp đun lại nồi nước tắm cho con, cũng may là năm nào bà cũng để phần dù có khi chẳng đứa nào về được. Anh con rể bật hết các bóng điện trong nhà ngoài ngõ rồi tự tay bầy biện lại bàn thờ. Trong lúc bà đang ngồi ôm thằng cháu nhỏ ngọ nguậy trong lòng thích thú xoay đều khối rubik thì con rể đặt vào tay bà một gói nhỏ và bảo:
- Chúng con mua biếu mẹ. Mẹ mặc thử xem có vừa không ạ.
- Quần áo các con mua nhiều mẹ cũng đã mặc đến đâu…
Thằng nhỏ đã thôi xoay khối rubik, cầm hai tay bà lắc lắc, nhí nhảnh bảo:
- Bà mặc vào đi ạ. Mẹ cháu nói tết đến cả nhà mình ai cũng có áo mới. Bà nhìn xem cháu mặc bộ này có oách không bà?
- Ờ! Oách! Cha bay!
Tự nhiên lòng bà vui lắm, bà nghĩ mình cũng giống như đứa trẻ thấy hân hoan hạnh phúc nhận từ tay người thân manh áo mới trong ngày tết. Để rồi cùng quây quần bên nhau đón giao thừa. Cùng nhắc với nhau về những người vắng mặt, cùng chúc tụng những điều tốt đẹp trong một năm mới của đời người. Ánh điện hắt cả một vùng sáng khắp khu vườn, cây đào bích như bừng nở thắm tươi, rực rỡ giữa đất trời vạn vật. Bà nghe như có bước chân ông đang về đâu đó trong cơn gió khua động lá vườn. Trong từng cánh hoa đào đang khoe sắc giữa hơi sương mờ ảo. Trong lúc bà đang đắm chìm vào cảnh vật và kí ức về ông thì tiếng chuông điện thoại reo lên. Thằng cháu nhảy tưng tưng reo vang khắp nhà:
- A! Bác cả gọi về! Bác cả gọi về bà ơi!
Bà khẽ mỉm cười, thấy mùa xuân đã về thật rồi. Ngập tràn khắp đất trời và ăm ắp trong lòng bà những niềm vui khe khẽ…
Vũ Thị Huyền Trang (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét