Chồng vượt
bốn lượt xe, ba chuyến đò về Vàm Trảng Trâu năn nỉ. Cha chị bảo con gái:
- Thôi, bây
coi mà phải phải phân phân. Chén trong sóng còn khua huống chi chuyện vợ chồng.
Cháu ngoại tao không tội tình gì đâu! Nó về đây xin lỗi là được lắm rồi!
Mẹ chị nhà
dưới nói vọng lên:
- Ông "binh"
nó chằm chặp đi, rồi mai này nó gởi hũ mắm thịt con gái ông về cho ông ăn hén?
Cái đồ đàn ông xài không được, hở ra là đánh vợ đập con!
Nhìn chồng
thở dài chị cũng xốn xang trong dạ. Nước mắt chực rơi nhưng bất giác con mắt
trái lại nhức nhối. Hai tuần qua mà con mắt chị còn mờ, hậu quả cái bạt tai mà
anh "tặng" chị sau khi... đọc mấy cái tin nhắn.
- Bây giờ bà
tính sao? Cha chị lại hỏi
- Biểu nó còn
thương con Thơm thì về đây cất nhà sinh sống chứ tôi không cho con gái tôi đi
đâu nữa!
- Bà làm như
trên đời này chỉ có mình bà có con vậy đa?! Hai tuần nay nó giận chồng bỏ nhà,
bỏ con nó cù bơ cù bấc, ai lo?
Nghe cha nói
chị mới giật mình. Giận quá hóa dại mất rồi. Bữa bị chồng đánh, chị lên xe về
tuốt Vàm Trảng Trâu, một hai thưa với mẹ phen này phải ly hôn mà quên hai đứa
con, đứa tiểu học, đứa mẫu giáo bỏ lại cho chồng. Hai tuần, chị chỉ khóc và
buồn bởi bao lâu nay với chị, chồng luôn "hứng như hứng hoa". Vậy mà
chỉ vì "chuyện không đâu" đã đánh chị đến mờ con mắt. Mà chị có muốn
như vậy đâu, tất cả chỉ tại một chút tình cờ, một chút dại dột, một chút cả
nghĩ... nhưng nói hoài anh không chịu tin.
Thằng cu Bin
học lớp ba rất thích món khoai mỡ chiên của tiệm khoai mỡ trước cổng trường.
Ông chủ tiệm sởi lởi và yêu con nít. Hôm nào ra ca trễ, rước con muộn chị đều
không phải lo bởi thừa biết thằng bé đã an tọa trong tiệm khoai với dĩa khoai
vàng rộm nóng hổi và ly nước mía mát ngọt. Có mấy khi lãnh lương trễ, ông chủ
tiệm vui vẻ cho chị "ký sổ" cả tuần mà miệng cứ ngọt như mía lùi
"Yên tâm, yên tâm, con chị cũng như con tôi mà. Con nít mấy đồng quà vặt
mà ngại ngùng gì!".
Chồng chị
theo công trình đi làm xa, cả tuần mới về một ngày, mang về hàng đống quà cáp
cho ba mẹ con. Nhưng lại ngày chủ nhật nên cũng không giúp được gì chuyện đưa
rước con vốn mất nhiều thời gian này. Thêm bé Nấm tuổi mẫu giáo phải rước lúc
bốn giờ. Lúc ấy chị cũng chưa ra ca. Vậy là mấy hôm mẹ chồng mắc việc, chị nhờ
luôn ông chủ tiệm khoai mỡ quá bộ sang trường mẫu giáo đón bé Nấm. Hai anh em
nhâm nhi hết ba dĩa khoai, hai chai nước ngọt chờ năm giờ mẹ đến chở về.
Hôm ấy cô
giáo Bin bận việc nên lớp học về sớm. Chờ mẹ đến cuối buổi thì lâu quá, Bin bèn
mượn điện thoại ông chủ tiệm khoai gọi cho mẹ để "thông báo tình hình".
Vậy là ông chủ tiệm biết số điện thoại của chị. Vài ngày lại thấy rước con trễ,
cũng chưa một lần thấy ba của chúng rước giùm. Vài cái tin nhắn đưa đi. Quan
tâm kiểu bạn bè, hỏi thăm vài câu gia cảnh. Chị là người ruột để ngoài da nên
có gì cứ xồng xộc kể ra hết. Nào chồng đi làm xa, ở nhà với mẹ chồng, vừa làm
mẹ, vừa làm con, làm bà chủ nhà mà cũng làm cả ô sin không công. Lại vài cái
tin nhắn động viên. Đời đàn bà vừa trẻ vừa đẹp mà xa chồng mãi vậy là khổ em ạ!
Nhưng em cũng sướng hơn nhiều người, muốn có cái nhà đàng hoàng, ông chồng chăm
chỉ cũng không có được.
Tất cả chỉ
kết thúc ở đó. Chị bảo mình không nghĩ gì sâu xa nhưng anh cứ làm lớn chuyện.
Nào là không tình không ý sao cứ nhắn tin qua lại? Nào là chuyện nhà sao đi tâm
sự với đàn ông khác? Nào là con nít hai cái trường cả ngàn đứa sao anh ta chỉ
lãnh giữ giùm con em? Rồi đây anh ta muốn em trả ơn bằng cách nào? Mà đàn bà
trả ơn đàn ông có cách nào hay hơn bằng...
Chị giận, bảo
mình không nghĩ vấn đề quan trọng như thế. Sao chồng cứ "chuyện bé xé ra
to". Chồng bảo, chị không nghĩ nhưng biết đâu "người ta" nghĩ,
hàng xóm nghĩ, họ hàng bên chồng sẽ nghĩ, nghĩ rằng chồng bị vợ "cắm
sừng". Trời ơi! Chị làm sao biết được chỉ là dăm lần nhờ giữ giùm con
trong khoảng một giờ đồng hồ mà bây giờ lớn chuyện quá. Chị hét lên, suốt tuần
quay căng với công việc, không nhờ chồng được ngày nào, may mà có người thương
tình giúp đỡ. Vậy mà chồng cứ dựng chuyện tùm lum?
Chồng bảo,
vậy anh cố sức đi làm suốt tuần là vì ai? Mười năm nay, ngày nào như ngày đó,
mệt không dám nghỉ, thèm ôm vợ không dám nằm nhà một ngày để ôm. Tất cả đều
phải ráng lo cho vợ con có cơm ngon sữa ngọt, có áo quần xinh đẹp bằng chị bằng
em. Vậy mà bây giờ vợ còn già hàm bênh "bồ" chửi chồng.
Bàn tay anh
giơ lên. Bàn tay cứng như thép nguội của hơn mười năm cầm gạch, cầm đá, cầm bàn
chà... Mắt chị nổ đom đóm, mơ hồ mọi vật, dài dại mê mê...
Chồng lại nằn
nì chị bỏ lỗi, hứa từ nay không "vũ phu" lần nào nữa. Mẹ chị bắt anh
đốt nhang quỳ trước bàn thờ ông bà, thề từ nay không nặng lời hay đánh vợ dù
bất cứ lý do gì. Rồi phải bán nhà về Vàm Trảng Trâu sinh sống bà mới chịu cho
vợ chồng tái hợp.
Cha chị cười
ruồi:
- Bà nói mắc
cười quá! Nhà cửa nói bán là bán lẹ như hột vịt hột gà vậy hả? Rồi chuyển
trường cho con cháu, rồi công ăn việc làm của tụi nó bộ dễ kiếm lắm sao?
- Chứ không
lẽ mấy thứ đó quí hơn mạng con gái tôi hả? Nay nó đánh mờ mắt, ai biết ngày mai
ngày mốt nó đánh bể đầu, ngày kia ngày kìa nó đánh mất mạng!?
- Con gái bà
sống làm sao cho chồng đánh dữ vậy? Đừng để người ta nói "con hư tại
mẹ" à nghen! Con Thơm về với chồng bây đi! Cha chị nói câu quyết định.
- Con Thơm,
bây dám bước ra đi với chồng thì hôm nay cũng là ngày giỗ của má đó! Mẹ chị nói
câu quyết liệt.
Anh lặng lẽ
chào cha vợ rồi ra bến sông đón chuyến đò chiều. Trong buồng, chị nhìn theo mà
nước mắt rưng rưng. Bất chợt con mắt trái lại xốn xang theo từng giọt lệ đang
rịn chảy.
Tin anh uống
thuốc trừ sâu và bức thư tuyệt mệnh để lại về Vàm Trảng Trâu cũng vào một buổi
đò chiều. Không mượn được xuồng máy, cha chị chèo chiếc xuống ba lá đưa con gái
sang bờ bên kia mãi đến nửa đêm mới tới. Không còn chuyến xe nào. Chị bao vội
chiếc xe honda ôm với giá mắc hơn vàng để vượt 200km về với anh.
Người chồng
thân yêu vạm vỡ vóc hình ngày nào bây giờ rúm ró dưới mớ dây nhợ chằng chịt.
Chị ngập ngừng không dám bước vào khu vực cấp cứu. Bà mẹ chồng bất giác nhìn ra
sa sả mắng, bao nhiêu ngôn từ "kẻ giết người", "đồ mất nết",
"thứ lăng loàn" bà đều trút vào chị như cơn bão lớn nhàu nát tơi
phiến lá non.
Cô em chồng
đi học xa cũng kịp về. Cô nhìn mẹ rồi nhìn chị dâu vừa giận hờn vừa thương hại:
- Cái cảnh
này cũng là tại mẹ một phần đó! Ở nhà đưa rước hai đứa nhỏ giùm ảnh chỉ thì yên
rồi. Nay đi chùa, mai đi miễu, mốt đi cúng cô hồn để chỉ lo không xuể việc nhà
thì phải nhờ người giúp chứ! Còn chị, nhờ chòm xóm láng giềng không nhờ, lại
nhờ ai đâu không để ra cớ sự!
Mẹ chồng bỏ
ra ngoài sau tiếng "hứ" nhỏ xíu.
Chị quỳ sụp
xuống bên giường chồng. Trước mắt chị là hình ảnh bến sông chiều hôm ấy với dáng anh lầm lũi bước. Bóng
hoàng hôn rưới những vệt nắng cuối cùng lên mặt nước loang loáng chênh chao như
giọt lệ đàn ông ngập ngừng không chảy được. Nước mắt chị ngập tràn cả góc tấm
ra giường. Bao hình ảnh vui buồn của một mái gia đình mười năm hạnh phúc bất
giác chạy dài trong trí chị. Lẽ nào vì một phút dại dột của mình mà tất cả tan
như mây khói?
- Thơ...m... ơ...i...
Tiếng nói yếu
ớt đứt quãng của anh hòa trong tiếng hét thật to của cô em út "Anh Ba tỉnh
rồi!".
Chị gục xuống
người anh, khóc vì mừng. Ánh mắt hé mở, anh dài dại nhìn quanh gọi nữa
"Thơ...m.. ơ...i...".
Chị nghe con
tim mình tan chảy...
Truyện đời thường thật cảm đông.
Trả lờiXóa