Thanh Bình Nguyên
Chuyện kể rằng người bảo vệ của trường không hiểu nguyên cớ gì đã sảy chân té xuống đìa nước nằm phía sau rặng tràm già nua xơ xác. Ngôi mộ trong vườn tràm của ông đã làm cho đám học sinh vốn tò mò chúng tôi phần nào tin vào câu chuyện đó. Thay cho ông là một anh thanh niên khoẻ mạnh và vạm vỡ, nghe đâu là cháu họ xa của thầy hiệu trưởng. Nhưng chưa được ba tuần thì anh đổ bệnh, bác sĩ nói rằng anh ta mắc phải chứng bệnh hoang tưởng, kể từ đó không còn ai thấy anh nữa…
Giọng Trang nhẹ nhàng thoang thoảng lẫn vào tiếng gió vi vu, thổi sau rặng tràm, làm cho vài chiếc lá khô chao đảo rơi xuống mặt nước, rồi trôi nhẹ trên những con sóng lăn tăn, vô hướng.
- Sau ngày ba mất, má biểu chị em mình dọn về nhà ngoại ở và má cũng xin nghỉ làm kế toán trường từ ngày đó. Cũng thời gian này thầy Việt, cô Trinh vừa chuyển về trường, vì vậy má mình đã nhường lại căn nhà tập thề cho thầy cô.
- Thầy Việt cũng nhận làm bảo vệ từ lúc mới về trường mình phải không?
Tôi lên tiếng hỏi, Trang nhìn tôi khẽ gật đầu.
- Do trường không có người giữ nên ban đêm tụi trẻ con leo vô phá phách. Thấy vậy thầy Việt đã xin ban giám hiệu cho làm bảo vệ cho tới ngày thầy không còn nữa…
Thầy Việt dạy chúng tôi môn Thể dục, còn cô Trinh dạy môn Giáo dục công dân. Do là trường huyện nên thiếu giáo viên dạy hai môn này, nên thầy cô đã phải nhận dạy cho cả ba khối. Tôi vào lớp mười với điểm thi chuyển cấp khá cao, nên được thầy cô và bạn bè luôn chú ý đến. Nhưng chỉ một tháng trôi qua, thì cú sốc đầu tiên đã kéo tôi trở về thực tế. Sáng thứ hai đó, do chủ quan nên tôi không chuẩn bị bài công dân, thế là ấp a, ấp úng trên bục giảng.
Cô Trinh nhìn tôi nghiêm khắc rồi ghi vào sổ điểm một khoanh tròn. Tôi đã bật khóc ấm ức, vì giận cô khó khăn và giận mình đã sao nhãng việc học. Đúng thứ hai tuần sau tôi xung phong lên bảng, cô vặn tôi nhiều câu hỏi hóc búa rồi ghi vào sổ điểm một khoanh tròn nữa. Tôi lẳng lặng bỏ về chỗ ngồi mà trong lòng tức tưởi, cứ nghĩ rằng lần này sẽ cố gỡ điểm ai ngờ cô lại thiên vị như thế. Nhưng chưa chắc là tôi đã đoán đúng, vì chỉ dựa vào sự chuyển động của bàn tay cô thôi mà. Nghĩ vậy nên cuối buổi học ngày hôm ấy, tôi đã tìm xuống căn nhà tập thể của cô, dường như cô đã ngồi đợi sẵn. Vừa thấy tôi thập thò ngoài cửa, cô đưa tay vẫy tôi vào nhà, nét mặt thản nhiên.
- Thanh hả, có chuyện gì vậy, vào nhà đi.
- Dạ thưa cô, em muốn hỏi…
Tôi ngập ngừng, rồi len lén nhìn cô.
- Chuyện điểm miệng hôm nay phải không? Cô cho em không điểm và cả tuần trước cũng vậy.
Cô Trinh bình thản nói.
- Nhưng thưa cô….
Tôi hốt hoảng kêu lên. Cô vẫn không thay đổi nét mặt, rồi chậm rãi lên tiếng.
- Vậy là sau hai lần trả bài em đã được tám điểm, nếu lúc nào em cũng chịu khó học bài như sáng hôm nay thì cô tin rằng em sẽ ngày càng khá lên đấy. Mấy hôm trước cô nghe các thầy cô khác nói dạo này em học hành sa sút lắm, thôi em về đi kẻo trưa nắng…
Tôi bước chầm chậm dạo quanh trường, gió vẫn nhè nhẹ làm những rặng tràm lao xao, cảm giác hạnh phúc lan toả, bao lời đồn đại về sự khó khăn của cô giờ như tan biến hết trong lòng…
***
“Bịch”… quả tạ bằng sắt bay vèo ra khỏi đường biên hình chữ V, lao thẳng đến người thầy Việt, thầy nhẹ nhàng tránh người qua một bên. Tôi đứng chết lặng người, hai chân như dính lại. Cả lớp ùa đến bên cạnh thầy, giọng xôn xao lo lắng.
- Thầy ơi, thầy có sao không…
Thầy Việt cười xoà rồi tiến lại gần tôi, giọng thầy vẫn trầm ấm, bình thản.
- Làm gì mà đứng chết chân vậy, chúc mừng em đã đạt kỷ lục môn ném tạ của trường.
Tôi ấp úng.
- Em … xin lỗi thầy, em không cố ý…
Thầy Việt cười nhân hậu.
- Dù có cố ý em cũng không thể ném xa như vậy được. Mười mét! Một khoảng cách quá lớn đối với cậu học sinh ốm yếu như em. Có thể đó là sức mạnh tinh thần giúp em vượt qua chính mình đấy.
Đầu óc tôi bỗng quay cuồng, hai mắt hoa lên, tiếng thầy vẫn thoang thoảng nhưng tôi nghe không rõ. Hình như ngưòi tôi đang lơ lửng trên không, bước chân thầy nặng trịch, xen lẫn những bước chân lào xào và tiếng kêu đứt quãng…
Học kỳ đó tôi được mười điểm Thể dục, và kết quả cuối năm tôi dẫn đầu khối mười.
***
Vào lớp mười một, đây là lần đầu tiên trong đầu tôi thấy cô giáo mình khóc, cô Trinh đã khóc trước năm mươi thành viên của lớp 11A 2, chúng tôi. Đó là những giọt nước mắt của người mẹ khi đứa con mình không nghe lời.
Sáng hôm ấy, tổ hai trực nhật, các bạn không quét lớp. Tiết Công dân đầu tiên, cô Trinh bước vào lớp như thường lệ, nhưng vừa bước lên bục giảng thì mắt cô nheo lại, khi thấy trên bảng đầy những nét phấn, còn lớp học thì vương vãi rác. Tôi và lớp trưởng trực sao đỏ nên về lớp trễ, vừa bước vào lớp đã thấy không khí yên lặng bao trùm lên tất cả mọi người. Cô ngồi trầm tư, nét mặt xa vắng. Cô Trinh lật sổ điểm, một đứa không thuộc bài, rồi hai đứa, ba đứa. Cô bắt đầu khó chịu, giọng chùng xuống:
- Lớp trưởng lên bảng.
Thằng Hải giật bắn người rồi ngập ngừng:
- Thưa cô… em không thuộc bài, tối qua nhà em có việc bận nên…
- Em ngồi xuống, lớp phó học tập đâu ?
Tôi nhìn cô lo lắng, rồi chậm chạp lên bảng, cô lật tập ra khẽ thở dài:
- Tiết học hôm trước sao em không chép bài?
Tôi ngập ngừng đáp.
- Dạ… thưa cô tuần trước em và Hải đi thăm bạn Dũng bị tai nạn, nên quên chép.
Cô nghiêm giọng.
- Thăm bạn bị tai nạn là tốt, nhưng cúp học thì không nên.
Cô im lặng, nhìn quanh lớp, rồi cất tiếng như nói với chính mình.
- Cô luôn mong sẽ dạy cho các em những điều cơ bản về cách làm người công dân có ích cho xã hội và gia đình, vậy mà các em lại xem thường môn học này và xem thường cả cô nữa…
Cô Trinh đã khóc, những giọt nước mắt khô héo lăn trên khuôn mặt đang dậy lên những nếp nhăn. Cô Trinh ngồi lặng lẽ nhìn bâng quơ qua cửa sổ. Lớp chúng tôi cũng ngồi im thin thít, tâm trạng đứa nào cũng mong cho tuần này trôi qua thật nhanh.
***
Vào lớp mười hai gia đình tôi chuyển lên thành phố, bẵng đi một thời gian, đến khi vào đại học thì nghe tin thầy Việt bị tai nạn. Nhỏ Trang chậm rãi kể tiếp:
- Chiều hôm ấy trời đổ mưa lớn lắm, thấy mái tôn dột, sợ lớp học bị ướt, thầy Việt đã bắc thang leo lên sửa, đang loay hoay thì sợi dây điện bị chạm mạch đã giật bắn thầy ngã xuống dãy tràm cạnh hồ nước. Mọi người phát hiện phát hiện vội đưa thầy đi cấp cứu, nhưng đã quá muộn. Cô xin nghỉ dạy một tuần cứ ngồi bên mộ thầy mà khóc. Sau đó cô đến lớp bình thường và không bao giờ thấy cô buồn nữa.
- Cô vẫn cứng rắn như ngày nào.
Tôi khẽ buột miệng.
- Không đâu, cô đã có dồn nén nỗi đau vào trong nội tâm, như vậy sẽ khó chịu lắm. hôm trước ban giám hiệu xin đưa mộ thầy vào nghĩa trang liệt sĩ, nhưng cô nhất quyết không chịu. Thanh có biết chuyện cô Trinh đã mắc bệnh sỏi thận không.
Cuối năm nay bé Văn con trai cô cũng định lên thành phố thi đại học đó. Chưa biết cô sẽ tính sao nữa? Mỗi đêm cô lại đi vòng quanh trường làm thay nhiệm vụ của thầy, sau đó cô mắc võng nằm bên mộ thầy, cho đến khi sương thấm ướt cỏ mới chịu vào nhà. Chẳng hiểu sao lúc nào mảnh vườn sau nhà cô cũng có những ngọn gió vi vu, nhè nhẹ, tụi học sinh cứ chọc nhau: “Chắc thầy về thăm cô đó…”
T.B.N (Trưởng Gia đình Áo Trắng TP. HCM)
Truyện nhẹ nhàng, nhưng gợi buồn, tựa như cơn gió vi vu vẫn thổi trong bài...
Trả lờiXóaCám ơn Giang Đình. Truyện này viết về thầy cô giáo của tôi ở Cà Mau... những kỷ niệm về một thời áo trắng vẫn luôn làm tôi day dứt mãi không quên...
XóaCâu chuyện học trò đều đi vào trái tim mỗi con người đã từng lướt qua tuổi ấy, em thích truyện này lắm! hjhj..... Cảm ơn truyện ngắn của anh
Trả lờiXóa