Mọi nỗi đau khổ của con người bắt nguồn từ một điều duy nhất: anh ta không thể ngồi yên lặng trong phòng mình (Pascal)
Ngày 20-06, khi về Búng thăm anh chị Lê Vĩnh Thọ, anh Thọ tặng tôi 2 quyển sách, một của Hermann Hesse, một của Paul Auster. Hermann Hesse thì đã quá quen thuộc với tôi từ thuở học sinh với những tác phẩm: Những người bạn, Sói đồng hoang, Narziss và Goldmund, Hành trình về phương đông, Câu chuyện giòng sông… Nhưng thú thật Paul Auster thì đây là lần đầu. Đã vậy, anh Lê Vĩnh Thọ còn dặn thêm: “Tôi cũng chưa đọc, nhưng chắc sẽ khó khăn cho những người quen đọc truyện bình thường, chịu khó đọc chậm thôi…”
Thú thật, khi cầm quyển sách tôi không có ấn tượng gì đặc biệt, chưa nói còn hơi khó chịu về giòng chữ tủ sách hợp tác với nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt, vì không thích có cái dù trong văn chương. Văn học chỉ cần khẳng định bằng cái tên, như: Nhất Linh, Khái Hưng, Pétrus Ký, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử… không cần mang theo danh phận, bởi không dính dáng chi đến lãnh vực này.
Tôi có thói quen khi cầm một quyển sách mới, việc trước tiên là lật thật nhanh các trang để nắm bắt sơ nội dung, vì không có thói quen hồi hộp chạy theo câu chuyện. Cốt lõi của việc đọc sách là thưởng thức văn chương chứ không hẳn bởi tình tiết ly kỳ.
Quyển sách Khởi sinh của cô độc có 2 phần và cũng có thể xem là hai truyện. Phần 1: Chân dung một người vô hình; Phần 2: Sách của Ký ức. Và tôi bỗng nhận ra câu chuyện sau thu hút tôi hơn: SÁCH CỦA KÝ ỨC. Thôi thì cứ gặm thứ mình thấy thú vị trước, một cách từ từ, như anh Lê Vĩnh Thọ cảnh báo.
Tôi đang đọc đến câu: “… ngày đông chí: thời điểm u tối nhất trong năm. Ngay khi thức dậy vào buổi sáng, anh đã cảm thấy ngày đang trôi tuột khỏi mình. Không có ánh sáng nào để anh ngoạm vào, không có cảm giác nào về thời gian biểu hiện ra. Thay vào đó, là cảm giác về các cánh cửa bị đóng chặt, hoặc khóa đã bị đổi chiều…”
Hy vọng sẽ có nhiều khám phá thú vị về tác giả Paul Auster này.
@
Đúng một tuần lễ sau khi viết dòng trên, tôi đọc xong quyển sách trong tâm cảnh bồi hồi và lắng đọng. Đây là một quyển hồi ký của P. Auster viết như một quyển truyện. Tác giả xưng mình là A, nhưng trong truyện luôn đề dòng họ thật là Auster. Tôi chợt nhận ra mình đã đúng khi xem ngược quyển sách Khởi sinh của cô độc có phần đầu bình thường và ta có thể đọc một hơi đến cuối không cần suy nghĩ nhiều, nhưng phần sau mới là chiều sâu của câu chuyện.
“Đó là nỗi hoài niệm về phần đời riêng mà anh cảm nhận, có thể, ký ức của thời thơ ấu với tư cách là đứa con trai của cha mình. Không hiểu tại sao anh thấy mình run lên vào khoảnh khắc ấy vì cả hạnh phúc và buồn đau, nếu điều ấy có thể xảy ra, như thể anh vừa tiến lên trước vừa lùi lại sau, bước tới tương lai và lùi vào quá khứ”(KSCCĐ)
Nỗi đời riêng của P. Auster là một bí ẩn phong kín và cũng chính là nguồn cội của nỗi đau dài theo sau các thế hệ.
Chẳng ai có thể phát kiến ra nỗi cô đơn, niềm cô độc, thậm chí cả hạnh phúc, đau khổ, đắng cay. Tất cả các hạt giống ấy đã có sẵn trong mỗi con người và chỉ chờ đợi một khoảnh khắc thích nghi vô tình nào đó sẽ nẩy nở và lớn mạnh hoặc lụi tàn trong ta.
@
“Khi Harry còn sống tôi luôn lo sợ. Tôi chưa bao giờ biết được hạnh phúc thực sự. Giờ tôi hối hận ông ấy phải chết dưới tay tôi. Giờ tôi hạnh phúc như tôi từng mơ ước…”(KSCCĐ)
Đó là câu nói của bà nội P. Auster khi bước ra khỏi phòng xử án để ra về với kết luận trắng án. Để tìm ra bí mật của vụ án bi thảm trong gia đình, P. Auster đã phải kỳ công bới lại những mối dây liên kết trong quá khứ đã được chôn giấu từ lâu. Những lớp cha, chú bác của ông dù muốn xóa nhòa ký ức đau thương trong lớp vỏ cô độc, nhưng những lời kể trái ngược nhau đã thôi thúc ông tìm về nguồn cội, để hiểu ra nguyên nhân tác động lên lớp cha ông mình. Bà nội ông bước ra khỏi phòng xử cùng lúc hai tâm trạng. Sự ân hận về một cái chết người thân bởi tay mình, và sự thanh thản trút bỏ gánh nặng ưu tư từ cái chết ấy.
Thế giới bị đảo ngược, quét trôi đi, và ngay lập tức tái sinh với sự mai mỉa siêu hình. Trong thế giới ấy không có chỗ cho những người không nhận thức được sự kỳ cục của chính mình (KSCCĐ).
Lớn lên giữa bảo bọc của người mẹ, đàn con của bà nội P. Auster tiếp tục sống nơi xứ xa lạ chôn giấu quá khứ đau buồn để sống. Tôn thờ người mẹ, giữ gìn gia phong, sống tằn tiện chỉ sử dụng đồng tiền khi chi phí chính đáng. Nhưng thật sự trong thâm tâm mỗi thành viên trong gia đình đều mang nặng cái bóng quá khứ u ám không rời. Thật khó xóa nhòa hình ảnh một đàn trẻ lớn nhất là 9 tuổi phải chứng kiến mẹ mình cầm khẩu súng bắn vào người cha ngay trước mắt. Thật khó xóa nhòa những biện bạch cho mẹ trước tòa án để giúp mẹ thoát tội giết cha… và họ đã phải nặng ôm nỗi niềm cô đơn này suốt cả dòng sống
Bốn anh em gắn chặt với nhau. Có một điều gì đó gần như là cổ điển trong lòng trung thành của họ với những người còn lại. Cho dù họ có sự khác biệt và ở nhiều phương diện thì còn chẳng ưa nhau, tôi nghĩ về họ như bốn cá thể tách biệt nhưng tụ lại thành một bộ lạc (KSCCĐ)
Họ sống như một gia đình Do Thái mẫu mực, và cũng chính nhờ khuôn phép này, cho tới nay, chỉ duy nhất Do Thái thành công trong phong trào sống cộng đồng có tên Kibbutz, cùng ăn, cùng sống, cùng làm. Từ đó đã đào tạo một thế hệ nhân vật lừng lẫy như thủ tướng Ben Gurion, tổng thống Ben Zvi, tướng Mosh Dayan, thủ tướng Golda Meyer, thủ tướng Ehud Barak… Nhưng cũng chính từ khuôn phép này, nỗi niềm của từng cá thể bị ém chặt vào trong.
Mô tả cha mình như một con người chỉ biết kiếm tiền “chỉ đơn giản là mua sự thiếu vắng nỗi bất hạnh”, và không muốn phung phí nó vào những món hàng xa hoa, cầu kỳ. Ông hờ hững với niềm vui chung của gia đình mà chỉ thực thi bổn phận mình. Ngày mẹ P. Auster sắp sinh, ông phán như Chúa: “Đứa trẻ sẽ không ra đời trong vòng ba tuần nữa đâu” và vẫn đi làm đến sáng hôm sau mới về, ngó qua đứa con mới chào đời rồi lại đi làm. Ngày cháu nội ra đời, ông cúi đầu xuống cái nôi chừng một giây, đứng thẳng dậy và nói: “Một đứa bé xinh đấy. Chúc may mắn nhé” thế thôi. Mười tám năm chung sống, ly dị, cô đơn trong ngôi biệt thự mênh mông mười lăm năm, ra đi như một người vô hình.
Ký ức không thể lẫn đi đâu được về cảm giác mọi thứ vón cục lại trong lòng tôi, về chuyện muốn thà ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này trừ chính nơi tôi đang đứng (KSCCĐ).
@
Cha ông sống như người vô hình. Ngôi biệt thự chỉ để về lại hàng đêm ngủ. Ban ngày từ ăn uống, nghỉ ngơi đều ở ngoài đường. Mọi thứ đồ đạc trong nhà như ngủ giấc đông miên. Cuộc đời cha ông dừng lại 15 năm cho đến cuối cùng thả xuôi tay cho cõi thiên thu.
P. Auster trở về ngôi biệt thự, chẳng phải tìm lại hình ảnh người cha vốn dĩ đã là một chiếc bóng phai mờ, nhưng chính là tìm lại mình qua cái hồi quang của ký ức chôn kín người cha. Ông hối hả tìm những dấu tích cho cuộc đời trầm một 15 năm nhưng chỉ là vô vọng. Những đau đớn thầm lặng của người cha về một bí mật chôn sâu tận đáy lòng cũng có thể sánh với sự hụt hẫng của đứa con trên đường tìm ra cội nguồn cái chết của người ông. Nỗi cô đơn chỉ thuộc về từng thân phận của từng thành viên trong gia tộc. Đã trễ rồi để chia sẻ cảm thông.
Trong thời gian chuyển tiếp, trong sự rỗng không giữa khoảnh khắc anh mở cánh cửa và khoảnh khắc anh bắt đầu xua đuổi đi sự trống rỗng, tâm trí anh đập vào một nỗi sợ hãi không lời. Như thể anh buộc phải quan sát chính mình tan biến, như thể, bằng cách bước qua ngưỡng cửa của căn phòng, anh đã đi vào một chiều không gian khác ngự trị trong một lỗ đen (KSCCĐ).
Trong thất vọng về nỗi tan biến của cha giữa biệt thự mênh mông hoang vắng, P.Auster trở về phòng tang lễ để kịp nhìn mặt cha lần cuối. Nhưng chỉ là nhát chém sau cùng. Vĩnh viễn Auster không thể nhìn được người cha vốn vô hình đó khi nắp cỗ quan đã đóng chặt. Cho đến lúc này Auster thật sự thấy nỗi cô đơn bao trùm lấy mình. Nỗi tuyệt vọng cuối cùng đã đốn ngã ông. Ông chợt nhớ tới đứa con trai và rùng mình về một hệ lụy đã hình thành từ trước mà ông chưa hề cảm nhận.
Hai tháng sau ngày mất của cha, cuộc tình của ông cũng gãy gánh, Từ đây, ông nối tiếp bước cô độc của người cha để dần bước vào cõi vô hình.
… anh đột nhiên thấy mình đang khóc. Không phải khóc nức nở, vốn có thể để phản ứng với một nỗi đau đớn sâu thẳm bên trong, mà là khóc trong im lặng, nước mắt chảy dọc xuống má, như thể chỉ thuần túy đáp lại với thế giới (KSCCĐ).
Khi một mình giữa trống vắng, con người thường cảm thấy bồn chồn, mất an toàn, đi tới đi lui, đóng cửa mở cửa hoặc gây một tiếng ồn nào đó như muốn phá vỡ lớp băng giá, P. Auster bắt đầu phơi nỗi niềm mình để khuây khỏa nỗi trống trải
Những cuốn sách của ký ức lần lượt ra đời, phô bày dòng tư tưởng lộn xộn của một kẻ cô đơn. Ông đã tìm về nơi ẩn náu của Anne Frank, nhớ về câu chuyện Pinocchio cứu thoát cha ra khỏi bụng cá voi, chuyện Gepetto trong bụng cá mập, chuyện Robinson Crusoe trên hoang đảo, về bệnh điên của thi sĩ Holderlin, Van Gogh…Thoạt nhìn có vẻ là mớ hỗn mang, nhưng thật sự đều có liên quan mật thiết đến nỗi niềm của ông: Sự cô đơn, tình cha con và nỗi chết không rời. Lẫn trong những câu chuyện đời ông, bắt đầu xuất hiện những triết gia, những nhà phân tâm học Pascal, Proust, St Augustine, Freud… nhưng băng giá vẫn mãi đông cứng cùng ông đến nỗi ông tưởng chừng mình không còn sống nổi đến ngày hôm sau.
… ngay cả khi anh đang đứng trong hiện tại, anh vẫn cảm thấy như mình đang nhìn về nó từ tương lai. Và thứ hiện tại-như-là-quá khứ này quá thiếu phù hợp đến nỗi những sự kiện kinh hoàng khác trong ngày, điều vốn thường làm anh bất bình, cũng trở thành chẳng đáng để ý, như thể giọng nói trong đài đang đọc một bài diễn sử về nền văn minh lụi tàn nào đó (KSCCĐ).
……..
Anh không hề biết mình đã đào xuống mảnh đất của những ký ức cơ hồ đã biến mất, và hiện giờ một điều gì đó đã trồi lên, anh thậm chí không thể đoán bao lâu thì cuộc khai quật này mới chấm dứt(KSCCĐ)
……
Anh cảm thấy mình trôi trượt qua các sự kiện, lãng đãng bay như một bóng ma xung quanh sự tồn tại của chính anh, như thể anh sống lảng vảng đâu đó gần bản thân mình (KSCCĐ).
Mặc cho những cố gắng đào thoát vô vọng, ông vẫn cố chứng minh thân phận của mình cho dù có lần ông đã phải thốt lên:
Đã có một vết thương lòng và giờ tôi nhận ra là nó thực sự sâu sắc. Thay vì chữa lành cho bản thân như tôi từng nghĩ, việc viết ra chỉ khiến cho vết thương này hở miệng
@
Ngồi bên dòng sông đời ta chỉ nhìn thấy dòng nước lững lờ chảy, hờ hững trôi, đến khi một viên sỏi được ném vào dòng, những đợt sóng tròn đồng tâm như thức tỉnh ta nhớ lại nỗi mình. Soi mình lại bên dòng chỉ là một cơn giật mình, những gì còn lại sẽ nhờ chính những nỗ lực tự thân ta. Liệu ai thoát hẳn định mệnh mình để đâm nổ đám mây ký ức bủa vây?
Trong bóng tối của nỗi cô độc là cái chết, chiếc lưỡi cuối cùng cũng nới lỏng ra, và vào khỏanh khắc nó bắt đầu lên tiếng nói, đã có một câu trả lời, Và thậm chí khi không có câu trả lời, người đàn ông vẫn cất tiếng (KSCCĐ).
Tôi đã lần ra nỗi cô độc của Paul Auster trong tôi.
20-07-2014
Đ.C.L (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét