Thì về quê thôi.
Về với những con đường bê tông ngoằn ngoèo nối từ làng này qua làng kia. Về với
một mùa hè nắng vàng cả mắt, cát đốt dưới bàn chân đến bỏng rát vẫn thích quăng
dép, để gót trần chạy ra biển nằm ngay sau lưng nhà chỉ để chà chà mấy ngón chân
lên mặt cát phẳng phiu trắng phau, sạch bóng, chỉ để nghe âm thanh của cát lạ
lùng mà gũi gần tựa tiếng suối chảy trong rừng, tựa tiếng đàn đá tinh tang gõ
trong vách núi xa xa.
Về quê, đơn giản là về để được lặng yên nghe ngóng từng tiếng thở của sóng, của
từng giọng nói dập dờn lên xuống đầy âm điệu trầm bổng trên môi người miền biển.
Vừa mặn mòi ấm áp, vừa khê nồng mỗi lần bữa cơm lỡ tay không nêm vừa mắm muối.
Dù sao cũng là quê, là nơi chắt chiu những tháng năm thơ ấu của biết bao nhiêu
thế hệ. Dù sao cũng là quê, là nơi đằm đã đủ đầy những vui buồn, đớn đau hoặc
mất mát từ lúc cha ông bị vùi thây vì bom đạn chiến tranh, vì cuộc mưu sinh
giữa biển khơi khi không lặng sóng lặng gió ngày bão tố. Về quê, ừ thì về quê thôi,
nhắc nhỏm chi thêm cho khắc khoải tâm can người đi kẻ ở.
Về quê, ừ thì về quê thôi.
Lùa tay xếp từng que củi rồi bốc thêm nắm lá dương khô mụn nhanh bắt lửa cháy bùng
trong chái bếp nhỏ bỗng thấy hay hay. Vị quê chất chồng, nồng như hơi đất khi
những cơn mưa tháng sáu dờm dợm ghé qua sân nhà, thấm xuống từng rẻo cát xung quanh vườn vừa trồng dăm ba loại cây, rau mùi, ớt sả và cả cà chua thưa thớt
quả. Quất nồi canh măng le nấu chua với cá. Bữa cơm đạm bạc có thêm đĩa dưa cà
muối, cùng với chén mắm cốt pha ớt bột đỏ choét, đã thấy chén cơm dẻo trắng
thơm ngon gấp bội phần. Kẻ kén ăn cách mấy cũng không thể nào từ chối lần xới
thứ ba. Ăn cho đến khi nào vét sạch nồi canh, vét sạch món dưa cà trong đĩa,
vét sạch nồi cơm không còn để dư bữa đến độ no cành cả bụng thì mới thôi. Chao
ơi, là ngon. Chao ơi, là quê. Chao ơi là thòm thèm mỗi lần đi xa không nhớ sao
đành đoạn cho được từng khúc ruột miền Trung.
Về quê, ừ thì về để nghe tiếng mõ làng xa, mõ làng gần, tiếng chuông chùa điểm giấc
vừa tròn năm canh những ngày rằm, trăng gieo dọc thềm nhà lát xi măng, trăng ùa
vào từng giấc ngủ an lành. Về, để ngóng đến mỏi mắt đăm đăm theo cái dáng tất
tả khòm cả lưng của những người già chập chững đôi tay xương xẩu gầy guộc,
chống chiếc gậy mòn theo gót người trẻ cho kịp tiễn đưa một chiếc xe tang, cho
kịp tiễn đưa một người bạn cùng làng, cùng thế hệ về với đất tổ yêu thương. Ra
khỏi cổng làng, sang bên kia đường cũng là sang bên kia thế giới. Những nấm mồ
chưa kịp xanh cỏ, những nấm mồ đã xây mới biết bao lần, lớp trẻ đôi khi còn hơi
hững hờ, nhưng người già thì biết cả. Có lẽ họ cũng đã gần về với đất, với cát.
Có lẽ họ cũng đã xác định một cuộc đi cuối cùng dành cho mình dù chỉ vài ba
bước chân thôi là đến. Người trẻ về quê, người già cũng chỉ muốn về và ở hẳn
với quê khi tuổi đã gần đất xa trời. Lỡ may nhắm mắt xuôi tay, còn được lắng
nghe những thanh âm cuối cùng của quê, tiếng hàng dương rì rào sớm tối, tiếng
biển vỗ bờ đều đều và cả hãi hùng những ngày bão nổi, tiếng gió thì thầm những
giây phút cuối, để đỡ phải ân hận với quê, với nơi chôn rau cắt rốn của tổ tiên
ông bà từ thuở lập làng lập xã.
Bất giác, nghĩ đến cuộc tình đôi trẻ lỡ phải lòng nhau, lỡ kết nợ duyên ở hai đầu
đất nước mà gắn bó keo sơn. Mai này, đến tuổi về với quê, biết chọn đất nào,
biết chọn nơi đâu để nằm xuống cho khỏi chia lìa cách biệt? Quê nào cũng thắm
cũng đượm, cũng nặng lòng, nặng gánh những bước chân, sao đành rời bỏ, sao đành
đoạn xa?
Ừ thôi, thì về quê cái đã.
Ừ thôi, thì yêu thương cho đủ, cho đầy, cho đằm cho thắm.
Ừ thôi, thì nhớ hết mọi thứ dù xa hay gần.
Ừ thôi, duyên trần hết rồi, còn duyên đất trời khi tan vào cõi hư vô, nhớ gom hết
cát bụi, đất bạc màu vôi, đất nồng thở đỏ quạch của rừng núi rồi trộn hòa cho
ấm áp cõi cuối cùng nơi thế giới linh thiêng.
Ừ thôi, chân mỏi lắm rồi, quê nào mà chẳng là quê...
V.G (Đắc Lắc)
Bài viết giàu cảm xúc, đọc mà thấy cay cay sống mũi, thương thương sao đó chị ơi!
Trả lờiXóa