Cây bút trẻ Nguyễn Văn Thảo
Đang nằm đung đưa trên võng, bỗng
thằng Tí chạy sang gọi:
- Anh Lâm, chiều nay đi câu cá với bọn em nghen.
Ao ngoài kia nhiều cá lắm.
- Chiều nay nhớ đợi anh với nghen! – tôi nói vọng
ra, dáng thằng Tí ốm nhom, đen nhem nhẻm chạy đi khuất dần sau khúc cua của
xóm.
Tôi
nhớ năm ngoái, tôi với thằng Vinh chạy qua xóm bên tìm mấy cành trúc để làm cần
câu. Thằng Vinh cũng quen nhiều đứa xóm bên, chắc do đi chăn bò, thả diều nên
lũ trẻ con mấy xóm thân nhau. Nó dẫn tôi qua nhà thằng Phú, đứng xa xa thằng
Vinh chỉ tôi về phía nhà có mấy bụi trúc cao cong vút đang đung đưa trong gió.
Thằng Phú nó mập mập, không như thằng Vinh, nhưng hai đứa nó có nước da giống
nhau. Có lẽ những đứa trẻ ở đây hay đi nắng, làm giúp ba mẹ ngoài đồng nên màu
nắng ẩn hiện dưới làn da. Nhiều người ở quê hay so sánh mấy đứa trẻ thành phố
như tôi với mấy đứa trẻ dưới miền quê. Nhưng dù so sánh như thế nào đi nữa, thì
những đứa đồng trang lứa như tôi có thân hình rắn chắc, thì có sức khỏe hơn. Mặc
dù thành phố, nhưng tôi vẫn không khỏe bằng thằng Phú, thằng Vinh.
Lựa mãi cả buổi sáng mới được năm cành trúc có
“dáng chuẩn” để làm cần câu. Ngồi lại nhà thằng Phú, ba đứa tôi ngồi làm cần
câu. Tôi chỉ ngồi coi hai đứa chúng nó làm, thằng Vinh lấy dao vuốt lại cành
trúc, chặt dầu chặt đuôi cho nó đẹp. Thằng Vinh lôi ra cuộn dây cước, mấy cái
lưỡi câu, mấy cục phao. Tôi thì nhìn thấy cần câu rồi. Mấy chú bạn của bố hay
đi câu cá vào dịp cuối tuần, mỗi người mang theo một cần, nhưng nó đâu phải cần
câu trúc như vầy, toàn là cần câu bằng i-nốc, cần xếp… nhỏ gọn.
Thằng
Vinh, thằng Phú làm cần câu một cách chuyên nghiệp. Nó đo rồi cắt dây cước sao
cho không bị dư. Rồi cột lưỡi câu sao cho thật đẹp, dây chỗ lưỡi phải không bị
thừa. Phú gọt lại mấy cái phao cho đẹp, tôi thấy mấy cái phao này không giống
như cần câu của bố, nó là một cục mút mà thằng Tí nhặt ở đâu đó rồi đưa cho thằng
Vinh. Thì ra thằng Tí muốn thằng Vinh khi nào đi câu cá thì rủ nó đi nên góp của
để sau này còn tham gia. Nghe thằng Vinh nói, thằng Tí câu cá cũng nhất nhì lũ
nhỏ trong xóm. Nó thả cần ra chỉ một lát sau là cá cắn câu. Cái phao phải cột rời,
để nó có thể chạy lên chạy xuống theo sợi dây cước, để nó có thể nổi tự do trên
mặt nước.
Loay
hoay cả buổi sáng với buổi trưa, ba đứa chúng tôi cũng làm được năm cái cần
hoàn chỉnh, chiều nay sẽ được đi câu cá. Trên đường về, thằng Vinh hát vu vơ: “Chiều
nay em đi câu cá về cho má nấu canh chua…”. Nó vác năm cái cần câu và hát như vậy,
nhiều người đi trên đường nhìn nó rồi cười.
Thằng
Minh đang ngồi trên ngọn cây dừa gọi vọng xuống:
- Chiều nay cho tao đi câu với.
- Chiều nay rảnh thì đi cho vui, chỗ cũ nghen! –
thằng Vinh ngước lên nói lớn.
- Ăn dừa không Lâm? Làm vài trái cho mát nghen.
Nó
liền hái mấy trái dừa rồi quăng xuống đất, nó cũng leo xuống. Nó tụt từ từ xuống,
chẳng khác nào một chú khỉ con, dân nhà nghề có khác.
- Trời này mà uống nước dừa thì khỏi chê, mát mẻ tới
chiều. – nó vừa chặt vừa nói, vừa cười với hai đứa tôi.
Công
nhận, trời trưa nóng nực, uống ngụm nước dừa thì khỏi chê, cứ nói là tuyệt cú
mèo. Thằng Út mà biết chắc nó dỗi anh hai của nó nửa tháng vì uống nước dừa
không rủ nó. Nước dừa mới ngọt nào sao, cơm dừa cũng vậy. Ở thành phố, lâu lâu
tôi cũng hay uống nước dừa. Nhưng về đây, được thấy người ta hái dừa, uống dưới
bóng dừa nữa chẳng còn gì bằng.
Về
nhà ngoại ăn cơm, rồi đánh một giấc. Tới chập chiều, tôi với mấy đứa trong xóm
vác cần câu ra cái ao ngoài đầu ủy ban. Gọi là chiều chứ mặt trời còn đang trên
cao lắm, mấy đứa bọn tôi tìm cái bóng cây mát ngồi nghỉ mệt.
Thằng Tí vội dọn “đồ nghề” ra, nó đào sẵn ở đâu cả lon giun đất, nó bảo: “Đây là món
khoái khẩu của bọn cá đấy anh Lâm”. Ái chà chà, biết cả cái thứ mà cá nó thích
nữa chứ. Thằng Phú thì đúng dân chuyên nghiệp, nó móc con giun đất vào cái lưỡi
câu một cách khéo léo, không bù cho tôi tẹo nào. Nó đang loay hoay móc mồi vào
lưỡi, rồi nó bảo: “Không phải móc giun vào lưỡi sao cũng được, phải móc sao cho
khi cá cắn mồi thì thì lưỡi cũng phải dính vào miệng nó”. Thì ra là vậy, hèn gì
tôi thả mồi xuống, chẳng thấy con nào cắn câu, giật cần lên thì còn mỗi cái lưỡi
câu, mồi hết từ lúc nào không biết!
- A… a… a… con rô to chưa này! – thằng Tí giật cái
cần lên, nguyên một con cá rô to bự đang vẫy mình trên không. Thằng Tí vội đưa
hướng cần vào bên trong để gỡ, nếu để ngoài lâu không khéo con rô vẫy mạnh rơi
lại xuống ao.
Tôi
thì ngồi nhìn cái phao đang nổi trên mặt nước xem thử nó có động dậy gì không? Ngồi
vừa nhìn cái phao, vừa nhìn thằng Minh, thằng Phú, thằng Vinh gỡ cá thấy mà
thèm. Tôi ngồi thui thủi nghĩ sao số mình đen, ngồi cả buổi mà chưa được cho cá
nào cắn câu. Chốc chốc lại giật lên xem thử còn mồi không. Thằng Minh thấy vậy
chấn an tôi:
- Không sao đâu Lâm, mày qua bên kia ngồi xem nào.
Biết đâu đổi địa thế cá lại cắn câu.
Thằng
Minh nói phải, qua bên kia ngồi được một lát, tôi thấy cái phao nó chạy, nó
chìm tôi vội giật phăng cái cần câu lên, thì ra là một con cá trê nhỏ. Thấy tôi
câu được như vậy, thằng Vinh chạy sang chỗ tôi vỗ vai khen:
- Cừ lắm Lâm, con này đem về nấu cháo hay nướng chấm
mắm ớt thì ngon hết sảy.
Lần
đầu tiên câu được như vậy tôi mừng lắm, vội gắn mồi vào cần và thả xuống ao. Cái
xô cá của cả bọn nào là cá rô, cá trê, cá lóc… cứ chốc chốc nó lại nhảy lên làm
văng nước lên tung tóe, có mấy lần nó nhảy ra ngoài, thằng Tí lật đật tóm lại bỏ
vào xô.
Mặt
trời dần khuất sau mấy cây bạch đàn, bọn tôi gom cần lại rồi về nhà tắm rửa. Chiến
lợi phẩm ấy được mẹ thằng Phú chuẩn bị cho cả bọn. Nào là cháo cá lóc, còn cá
trê, cá rô thì nướng lên bay mùi thơm lựng. Thằng Út thì xuýt xoa:
- Nhìn ngon quá Hai nhỉ? Hồi chiều sao Hai không
kêu Út dậy đi câu cá luôn. Nếu Út đi chắc câu cá bự hơn này nhiều!
Tôi
cốc đầu nó một cái:
- Chỉ cái bốc phét là giỏi hà!
Vị
ngòn ngọt của cá, vị mằn mặn của mắm, vị cay cay của ớt, vị chua chua của
chanh, vị thơm thơm của tỏi quyện lại với nhau tạo thành cái vị mà người nơi
đây gọi là vị quê hương.
***
Thằng Tí chạy qua kêu tôi đi câu cá, thực tại lại kéo tôi về khỏi giấc mơ khi nãy.
Tôi vội lấy cái mũ đội vào rồi chạy theo nó. Bao giấc mơ tuổi thơ lại hiện về
trên bước chạy chân trần, cái nóng bỏng chân ấy tôi thích lắm. Gặp lại bọn thằng
Vinh, thằng Phú tôi thấy bọn nó đã lớn, khác năm ngoái nhiều lắm. Da ngăm ngăm
màu cháy nắng, tóc có sợi cũng cháy vàng. Thằng Phú nói:
- - Chà, vẫn thằng Lâm ngày nào!
Thằng Vinh bảo tôi:
- - Tí nữa nướng
cá tại đó luôn nghen, ăn tại trận như vậy mới ngon! – nói xong nó khoe dụng cụ
mang theo. Tôi thấy trong đó có bì nước mắm như năm nào.
Tôi với mấy đứa trong "ba-la ba-sa"* chạy
ra cái ao năm nào câu cá. Một miền quê không chỉ thân thương mà còn có cả vị quê.
N.V.T (CĐPTTH)
(*)Tên nhóm bạn của tác giả thời áo trắng
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét