Buổi sáng.
Chị thức dậy. Trời vẫn chưa hửng những tia ban mai. Nhưng
vẫn thức, quen rồi, nếp quen mười năm nay đều như thế. Chị định bỏ chân xuống
giường đi về phía bếp nhưng… có còn ai đâu nữa mà… Mới sáu tháng trước đây thôi
chứ có lâu lắc gì. Chị vẫn hay dậy sớm. Nhà bốn người, nấu nồi cơm nho nhỏ thơm
lừng hương nắng mới, một hai cái trứng chiên hay con cá khô cũng xong bữa sáng.
Bây giờ chị vẫn dậy sớm. Chẳng biết để làm gì. Tiếng xếp dọn những chai, lọ,
keo, hủ dù nhẹ nhàng đến mấy vẫn phát lên âm thanh lách cách… Thằng con mười
tuổi mắt nhắm mắt mở thẻ thọt “Khuya rồi mà… mẹ chưa ngủ sao”. “Ừ, con ngủ đi”.
“Con thèm gối đầu lên tay mẹ”. Chị trở lại giường, tấm lưng gầy nhỏ khẽ khàng
đặt xuống. Trời vừa hửng sáng. Chị nhẹ nhàng đặt đầu con trai xuống gối, kéo
mền đắp cho con gái nhỏ. Hai gương mặt thiên thần thanh thản xinh tươi quá.
Thau quần áo hai ngày mới giặt bốc mùi khai nồng của mồ hôi
và nước tiểu trẻ em. Con gái nhỏ đó mà, sáu tuổi rồi, nhưng thi thoảng vẫn tè
dầm nếu trước khi đi ngủ uống nhiều nước. Chị mang thau quần áo ra ngâm cũng là
lúc hai đứa trẻ trở dậy. Vội vội vàng vàng chị cho vá nước dùng chỉ có một ít
tôm khô và củ cải đỏ vào tô mì tươi của con. Mất công một chút, nhưng không
phải bận tâm về vấn đề vệ sinh của thức ăn đường phố. Hai con đi học. Chị lom
khom dọn gian hàng tạp hóa. Chậc, nhà nhỏ như hạt mít tố nữ, mà người đàn ông
ấy vẫn siêng năng quá. Chị tạm gọi ông ta là A. dù hình như ông có giới thiệu
rồi, đâu còn là chủ một cửa hàng gia công chế biến gì đó… Bác sĩ bảo không sai
mà, chị đãng trí quá, phải mất thời gian dài nữa mới cân bằng được.
Ngôi nhà ngồn ngộn những thứ buôn bán linh tinh, có khi là
xấp Diana, Juzi, Bạch Tuyết mới mua về… Chị không biết mời ông ta ngồi chỗ nào.
Giá không có chỗ nào cho ông ta ngồi sẽ tốt hơn. Người ta bảo rằng trên đời này chỉ có ba loại
chồng “tiêu biểu”: chồng làm cha, chồng làm con và chồng làm… cục nợ. Ai vơ vào
được một trong ba loại ấy kể như “trúng số độc đắc” bởi đàn ông cho phụ nữ
nương nhờ đã vào “sách đỏ” rồi. Chị “may mắn” vơ phải một đức lang quân có tất
cả các đức tính của ba loại chồng ấy. Vậy mà cũng sống được mười năm. Quả là
một kỳ tích.
A. vẫn ngồi lì ra đó. Mặc không được ly nước mời. Không sao.
Ông ta tự rót uống. Còn ga-lăng rót cả cho chủ nhà. Một thằng bé năm tuổi chạy
đến, bàn tay bé xíu nắm chặt tờ tiền đưa về phia chị, nói độc nhất hai từ “hai
dzô”. Chị lắc đầu. Không phải hết hàng để bán, nhưng nó nhỏ quá, có tội tình
gì… Chị biết nó là con của lão Tư Sần hàng xóm, lão thứ Tư, nhậu suốt ngày, sần
sần rồi đi quậy hết đầu trên đến xóm dưới. Vợ nản quá, bỏ trốn mất, để lại hai
đứa con đèo như trái dưa leo thiếu nước. Chiếu nhậu xeo xéo bên kia gầm gừ
những tiếng đục ngầu “Mẹ, con mẹ giá chồng đó lại chê tiền à?”. Một cô bé chừng
mười tuổi chạy chiếc xe đạp Trung Quốc cũ nhèm mất cả chống, quăng vội chiếc xe
vô hàng xào, cô bé líu lo:
- Bán cho con chai nước mắm hiệu “Ba con cá”, một ngàn tỏi,
năm trăm ớt, hai ngàn bột nêm đi dì Hai! Cám ơn dì Hai nghe!
Lại một người đàn ông mua hai xị rượu. Một bà cụ hỏi hộp dầu
cù là Bồ câu trắng…
- Em bận bịu cả ngày thế này à? Người đàn ông tên A. hình
như sốt ruột. Ly nước ông ta mời chị vẫn chưa uống ngụm nào.
- Dạ.
- Sao không nhờ ai đó giúp một tay?
- Dạ.
- Em có đi xem đại nhạc hội bao giờ chưa? Ca sĩ trẻ, đẹp,
sôi động lắm. Anh mời!
- Dạ, em không được rảnh mấy
- Không sao, mang cả hai đứa nhỏ theo!
- Dạ.
- Cho chúng ăn kẹo bông đường, bắn kẹo kéo, tô màu thạch
cao…
- Chị nhà làm việc ở đâu hả anh?
- Xong rồi cho mỗi đứa một bịch nước mía. Mình tha hồ nói
chuyện
- Con anh mấy đứa, đi làm hết chưa?
- Anh muốn được chia sẻ mọi việc với em.
- Ôi… mấy con chuột này phá quá, mấy bọc đường đậu hôm qua
đã bị xé rách rồi. Chị luôn ta thu dọn, bày xếp.
-…
Những câu chuyện không đầu không đuôi như thế.
Người ta nói những người phụ nữ “nửa đường gãy gánh” thường
như một thành trì luôn mở rộng cửa. Không có gì cũng không còn gì để giữ gìn.
Tấn công như vào chốn không người. Họ dễ mủi lòng bởi tháng ngày thiếu hơi đàn
ông, thế nên dễ cảm thông, dễ nồng nàn và dễ… sa ngã. Để rồi kẻ đoạt được thành
lũy no nê xôi chè, chán chê rượu thịt ba chân bốn cẳng bê chiếc bụng lặc lè,
đôi mắt trợn ngược đi nhanh hơn lúc đến. Nhưng người ta quên rằng, vấp ngã một
lần người phụ nữ sẽ dè dặt hơn, đi chậm hơn và cũng sẽ nhanh chóng tránh xa
những chướng ngại vật dù chỉ là cảm giác.
Buổi trưa.
Cúp điện. Hai đứa nhỏ phơi tấm lưng trần dưới mái tole hầm
hập 38 - 40 độ. Chị vừa thu dọn gian hàng vừa phe phẩy chiếc nón lá “giải nhiệt”
cho con. Người đàn ông tên B. đến chơi nhà. Khốn khổ, lại gọi chị xưng em. Chị
xếp những tờ rơi, quảng cáo, hắn hỏi làm việc cho công ty in nào. Chị cười. Làm
gì có “công ty” nghe dữ dằn vậy. Chỉ là một cơ sở in thủ công thôi. Xếp gia
công, một ngàn tờ có vài ngàn đồng. Hắn cười. Em làm ở nhà in X. máy móc, thiết
bị nhập khẩu trăm phần trăm, giá thành cam đoan thấp nhất nước, chị nói qua cơ
cở in của chị, nhận hàng rồi ăn “hoa hồng”, tất tần tật nhà in em sẽ làm. Em
xin số điện thọai của chị nhé, hy vọng “chị em mình” sẽ có duyên. Duyện nợ gì.
Chị uể oải tiếp điện thoại trong phạm vi lịch sự có thể, vậy mà hắn như không
biết điều đó. Người phụ nữ một mình vật lộn với cuộc sống, nuôi hai con nhỏ,
bước lê từng khắc với nghiệt ngã của cuộc đời… thời gian đâu để làm những chuyện
không phải trong tầm tay?
- Anh Hai, ngồi thẳng lưng lên nè!
- Con gái, đừng cúi mặt sát trang vở như vậy.
Chị nhắc con như “nhắc tuồng”. Không biết chúng có nghe cô
giáo dạy không, xương con nít còn mềm mà cứ ngồi lệch vai, rụt cổ vậy. Mai này
không khéo sẽ thành một thế hệ nhân tài… gù, lệch hết cho mà xem! Thằng con cắn
bút với những bài tập ở nhà theo nó là “khó quá”. Hai sợi gân như hai vệt mực
xanh bên thái dương nó căng phồng, giật giật trông đến tội.
- Thôi nào, con trai nghỉ một chút sẽ làm được bài thôi!
Chị vạt trái dừa trao
cho khách mà mắt không rời khỏi nó.
- Con gái, ngồi thẳng, đừng tì ngực vào thành bàn nè con!
Chị trao mấy trái chanh cho bà khách mập ú, cổ đeo sợi dây chuyền chói lòa
trong cơn nắng giữa trưa.
- Cho thêm trái tắc!
Cườm tay mang 28
chiếc vòng xi-men xủng xoẻn của bà cào cấu vô tội vạ vào rổ tắc. Giập bầm. Chị
lắc đầu… Cười. Một ngàn đồng hai trái chanh còn muốn xin thêm. Miệng nói nhưng
tay đã vốc những ba trái rồi. Người giàu khó hiểu thật.
Con bé khoe hôm nay đã biết ráp vần nhưng vẫn còn lẫn lộn
giữa “bê phở” và “bê bò”. Đèn pin, con bìm bịp… con pìm pịp, đèn bin… “Cò
bố mò cá/ Cò mẹ tha cá về tổ”. Nó bảo chỉ có cò con là sướng nhất, chỉ ở tổ chờ
ăn cá thôi. Ủa mà còn nhà mình, sao không thấy “cò bố” mò cá mà chỉ thấy ngồi
suốt ngày ở bàn nhậu? Bây giờ thì cò mẹ mò cá, rồi cò mẹ mang cá về luôn. Sao
cò mẹ cực quá vậy? Chị cười. Thêm một kiếp đa truân.
Buổi tối
- Mẹ ơi, ngày mai mẹ nấu thêm thịt cho tô mì để con húp luôn
nước súp đi mẹ. Có tôm khô thôi… nước súp… không được ngon! Con gái nhỏ nhẽ.
- Con chỉ khoái hộp cơm sườn, miếng thịt chà bá lửa! Con
trai nói.
- Ừ. Mẹ đồng ý, nhưng hai anh em phải ngoan kìa!
- Con ngoan nhất!
- Con ngoan số một!
Chị đổ lon tiền ra. Tỉ mẫn vuốt góc, xếp thẳng loại nào theo
loại nấy. Hai con ngồi bên bàn học. Chùm tóc “hai sừng” của con gái nghiêng qua
nghiêng lại theo những cái mím môi cố “gò” cho chữ đẹp.
Thằng anh hô to:
- Dze! Súp - pơ - men bàn tay bự ơi! Ta làm bài xong rồi,
trúng rồi!
Năm trăm… một ngàn… hai ngàn… năm, mười… hai mươi ngàn.
Nửa gói thuốc bán đi, gói xà bông, hai xị rượu, hộp dầu,
chai nước mắm… chị lẩm nhẩm rồi chia ra nhiều phần, phần làm vốn, phần đi chợ,
phần cho con đi học và cả phần “bỏ ống”.
Tiếng con tắc kè nào đó ẽo uột ngân vang bên nhà hàng xóm.
Người đàn ông tên B. lại đến, chán thật. Phụ nữ một mình, nuôi con một mình, vui
buồn một mình, lo toan một mình nhưng thời gian nghỉ ngơi là không được một
mình.
- Giờ này chị vẫn làm việc à?
- Có làm gì đâu, dạy các cháu học thôi mà.
- Em vào chơi được không? - Chán vậy, đã vào đến cửa nhà
người ta rồi còn hỏi “được không”. Chị nói thầm
- Cậu chẳng vào rồi đó sao? Chị cười- nụ cười hoa mãn khai.
- Nguyên đừng gọi tôi bằng “cậu” nữa nhé! Mình cùng tuổi đó.
Gã gọi chị bằng tên nghe rất ngọt. Ừ mà hình như lâu lắm rồi không ai gọi tên của
chị nữa. Chỉ gọi bằng thứ: cô Hai, thím Hai, mợ Hai, dì Hai…
- Vậy a? Nhưng tôi… quen rồi.
- Thì sửa dần dần.
- Để làm gì ạ?
- Sao Nguyên hỏi lạ thế? Để mình quen nhau thêm. Tôi… tôi
muốn chia sẻ với Nguyên nhiều việc lắm.
- Cậu… à… anh rảnh vậy sao…
- Không, nhưng tôi thương Nguyên!
Câu nói gọn nhẹ như không thể nào gọn hơn được nữa nhưng
gieo vào lòng chị nhiều ái ngại bâng khuâng không tả được.
- Tuổi chúng mình đã qua cái thời nhẹ dạ cả tin rồi anh B.
ơi!
- Tôi nói thật mà. Nguyên nghiêm túc với tôi đi. Tôi… có
chút quà cho mấy mẹ con, mong em vui vẻ nhận.
Một hộp quà hình chữ nhật to như thùng mì ăn liền được gói
bằng giấy bóng màu lấp lóa dưới ánh điện không lấy gì làm sáng lắm.
- Dạ, chút ít cho cháu thì tôi dám nhận, nhiều thề này thì
không thể…
- Tôi muốn cho em cả cuộc đời chứ có chút này ăn nhằm gì!
Im lặng. Khoảng trống bao trùm cả không gian. Hai đứa trẻ
xúm xít quannh thùng quá ý chừng muốn “vén màng bí mật” dù miệng đã ngáp dài
ngáp ngắn. Hai ly nước chị rót vẫn còn nguyên, ánh mắt B. như thiêu như đốt
đang nhìn vào khuôn mặt bầu bĩnh pha nhiều bình thản của chị. Rồi ánh mắt đó
lại xoáy vào khoảng cổ áo hơi rộng có viền rất mỏng khiến những vùng da nơi ấy
nóng râm ran. Chị cười:
-
Cậu… à anh B. uống nước đi. Tôi xin phép
phải cho cháu ngủ, mai bé còn đi học.
-
Không sao…- B. giật mình- Em… à Nguyên cứ cho cháu ngủ, tôi về đây.
Chị
đứng dậy tiễn B. ra cửa, tiện đóng luôn cánh cổng đó mà. Cánh cổng chỉ còn một
bản lề phía trên. Hì hụi lắm chị mới khép được cổng. Xe B. vẫn chưa nổ máy dù
câu tạm biệt đã nói lại nói đi hai ba lượt. B. ngồi trên xe, nổ máy, rồi lấy
thuốc hút ra, bật lửa. Cánh cổng nặng nề vẫn chưa chịu ngoan ngoãn nằm im vào
dây xích, chị lại gồng vai khép nó gần hơn.
-
Em ngủ ngon nhé! Mơ nhiều mộng đẹp về lời anh nói nhé!
B.
ghé sát tai chị qua những ô vuông của lưới rào B40 rồi cho xe vù đi. Chị nhọc
nhằn với cánh cổng nặng. Một mình.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét