Hoạ sĩ Choé ký hoạ chân dung nhà thơ Trịnh Bửu Hoài
Nghe tin ông Năm qua
đời, tôi thu xếp công việc về quê đưa đám tang ông. Ông Năm với tôi không bà
con họ hàng, nhưng là người hàng xóm mà tôi kính trọng.
Nhà ông Năm cách nhà tôi
ba căn. Tuổi của ông ở khoảng giữa tuổi của ông nội và cha tôi. Thuở nhỏ, hình
ảnh ông Năm là ấn tượng không tốt đối với tôi. Ông nghiêm nghị, khó tánh, sống
cô lập trong ngôi nhà giữa vườn cây ăn trái, có hàng rào kẽm gai cao kín. Không
bao giờ ông ngồi quán hay đến hàng xóm trà đàm với bạn đồng niên. Kể cả đám
tiệc, chẳng ai thấy ông đến dự, chỉ cử vợ con đi thay. Người ta nói ông sống
ích kỷ, không hòa đồng.
Tóc búi cao, hàm râu rậm
rạp, thân hình ông lực lưỡng, dáng vẻ phương phi. Miếng vườn cây trái đối với
ông là của quý, vì nó gắn liền với sự sống của ông. Kẻ trộm vào vườn ông bắt
được liền trói vào gốc cây, không cần tới chính quyền phân xử. Ông đi tới đi
lui giáo-dục-luân-lý. Người hiếu kỳ bu xem đông nghịt. Nói đã miệng ông mở trói
thả đi.
Ông Năm làm nhiều chuyện
có thể gọi là phi thường đối với cái xóm nhỏ của tôi. Một hàng dừa cao nghệu,
mấy gốc xoài to như cổ thụ bị giải tỏa lề đường, nếu là người khác đã chặt bỏ,
còn ông, hì hục bứng dời vào trong sân nhà. Kẻ qua người lại đều cho rằng ông
làm chuyện điên rồ, nhưng một thời gian sau, ông cũng dời xong, cây trở lại
xanh tốt! Điều đáng nể là ông không hề mướn hay mượn ai phụ tiếp, chỉ một mình
đào bới, dùng thế bắn đòn bẩy di chuyển cây sang chỗ mới, thỉnh thoảng có sự
tiếp giúp của mấy đứa con, mà lại toàn là con gái!
Vợ ông lắc đầu, nhưng
không khuyên can được. Điều gì ông muốn là ông làm. Ông xây một ngôi nhà đúc
khá rộng, nóc bằng, sàn bê-tông, nhưng không mướn thợ. Tự ông làm tất. Mỗi ngày
làm một ít. Có người trong họ đến xin làm giúp, ông đuổi về. Hàng xóm xì xào,
có người nói mỉa, căn nhà mười năm chưa xong. Ông tỉnh bơ. Thực tế trả lời họ,
mười hai năm mới xong. Nhưng ông vẫn hoàn thành. Thiên hạ bái phục.
Lớn lên, tôi mới để ý
nhận ra ở ông những tính lạ. Đường sá, cầu cống trong xóm bị hư hỏng, ông vác
đồ nghề ra sửa sang. Cũng một mình, chẳng rủ rê ai!
Không bao giờ ông cho ai
mượn một món gì, và cũng chẳng khi nào ông mượn vật gì của ai. Tự sắm tự xài.
Người ta nói ông lập dị.
Do có sức lực và khéo
tay, ông làm thêm nghề phụ là hàn vá nồi chảo, vè xe, cắt dây sên, lòi tói, uốn
dây sắt… Ông làm rất khéo, tất nhiên khách hàng phải trả tiền sòng phẳng.
Một lần tôi đến nhờ ông
vá cái vè xe Honda bị mục lủng. Người khách trước tôi là chú Ba Xuổng, chuyên
nghề đào chuột (nên thành danh Ba Xuổng), đang ngồi chờ ông Năm cắt lại cái
lưỡi xuổng đã mẻ. Xong, chú Ba trả tiền, ông Năm không nhận. Tôi ngạc nhiên vì
tính ông xưa nay sòng phẳng, sao có trường hợp ngoại lệ, bèn hỏi:
- Sao ông Năm không lấy
tiền?
- Thằng đó quá nghèo,
làm giùm cho nó.
Ông hì hục cưa cắt, khoan
lỗ, tán ốc… Mồ hôi nhễ nhại. Cả giờ sau mới xong cái vè cho tôi. Ông cũng khoát
tay không nhận tiền. Thấy tôi ngạc nhiên, ông nói:
- Chú mầy là người tốt,
qua không lấy tiền.
Tôi áy náy, cố kì kèo
ông nhận tiền. Ông nói:
- Qua đã quyết, chú mầy
về đi.
- Nhưng… sao ông biết
tôi là người tốt?
Ông cười hề hề:
- Chú mầy có học, nhưng
không ích kỷ. Cả xóm này ai có oan ức đều nhờ chú mầy giúp đỡ làm đơn, chỉ
đường đi khiếu nại. Không phải là người tốt sao?
Tôi cám ơn rồi ra về,
lòng băn khoăn. Quả thật mình có làm đơn giúp bà con lối xóm, nhưng chưa bao
giờ giúp cho ông Năm. Tôi chợt hiểu, mình vì lối xóm, ông Năm vì mình. Thế mà
lối xóm ai cũng bảo ông ích kỷ?
Từ đó, tôi có cái nhìn
khác về ông. Có lần thấy ông vui vẻ, tôi lân la gợi chuyện, tìm hiểu xem nguyên
nhân nào tạo ra cá tính khác người của ông. Ông không theo đạo Lão, nhưng lại
sống như người ẩn cư. Chứng kiến những việc ông làm, tôi biết ông có tính
thiện, giúp người nghèo khó, lo chuyện xã hội, nhưng không khoe khoang nên hàng
xóm ít ai hiểu. Họ chỉ biết ông là người khô khan, bỏn xẻn, bởi không có cuộc
quyên góp xây chùa cất miễu nào mà ông tham gia, thậm chí người ăn mày, thoáng
thấy còn lành lặn, ông cũng từ chối.
Tôi bạo dạn hỏi:
- Ông Năm à, càng gần
gũi cháu càng thấy ông dễ mến, nhưng sao ông không cởi mở, tiếp xúc thân mật
với mọi người.
- Qua già rồi, sống ở
nhà cho yên thân.
- Ông không cảm thấy
buồn và không sợ người ta nghĩ sai về mình sao?
- Qua có thú vui của
qua. Còn người ta muốn nghĩ sao cũng được. Chín người mười ý, làm sao vừa lòng
hết mọi người, miễn đừng làm chuyện hổ thẹn với lương tâm là được rồi.
- Ông sống hòa mình với
mọi người, cháu thấy có thiệt thòi gì đâu, nếu không nói là có ích nữa.
- Chú em còn trẻ nên
chưa hiểu hết việc đời. Thời trung niên qua cũng có suy nghĩ như chú em vậy.
Nhưng mà…
Đôi mắt ông thoáng buồn.
Tôi hỏi:
- Nhưng mà sao?
- Không ai hiểu mình
bằng mình đâu chú em à. Qua biết bản chất mình thật thà, ngay thẳng, thậm chí
có lúc lỗ mãng, khó mà thích nghi với cuộc sống vốn đòi hỏi phải mềm mỏng, tế
nhị, có khi phải lòn cúi, nhẫn nhục. Sự đời nhiều việc phải trái lẫn lộn, tốt
xấu chẳng biết đâu mà phân minh, con người qua vốn không tinh tế nên chẳng thể
nhìn sâu hiểu rộng, cũng không có thủ đoạn để đối phó, nên đã nhiều lần lầm
người lầm chuyện thật đáng tiếc. Qua ví dụ cho em thấy, có người giàu sang, hay
làm việc thiện, mình bái phục họ, sau mới biết họ lừa người này gạt người nọ để
có tiền có của, trích ra một chút làm phước để an tâm lường gạt tiếp. Có người
chơi chung với nhau như tri âm tri kỷ, ai ngờ sau lưng đâm lén nhau chỉ vì danh
vì lợi. Có người luôn gõ mõ tụng kinh, mở miệng ra toàn là lời kinh ý giảng,
nhưng lòng dạ nhỏ hẹp, đụng đến quyền lợi là ăn thua đủ. Có người luôn sống hai
mặt, tốt xấu như trở bàn tay, thậm chí đối với cả người thân. Họ hay lắm, sống
như một phường tuồng mà còn tự hào tự tại. Qua dở người dở tính nên không sánh
bằng ai, thôi thì rút lui để khỏi phiền người hại mình. Qua sống không bao giờ
ức hiếp người khác nên cũng không muốn ai hiếp đáp mình. Khu vườn này là thế
giới của qua, ai xâm phạm vào là không được.
- Ông nói sao nghe bi
quan quá!
Ông cười:
- Bi quan hay lạc quan
là do cái lòng của mình. Chú em thấy qua tối ngày chỉ lẩn quẩn trong vườn,
nhưng qua đã làm được nhiều việc hơn một số người khác. Họ đi cùng trời cuối
đất, toàn làm những việc to lớn, nhưng sự thực là phá hại, còn vô ích hơn qua
nữa.
Tôi ngồi tư lự. Ông Năm
từng trải hơn tôi tưởng.
*
Lễ tang ông Năm, tất
nhiên là ít người đến dự, đó là luật có qua có lại của loài ngoài. Đi vào khu
vườn, tôi bỗng sững người khi thấy chú Ba Xuổng đang cặm cụi đào huyệt cho ông
Năm. Đó là cái nghĩa của kẻ nghèo. Còn những ai đi trên con đường của ông đắp,
cây cầu ông sửa sang…
T.B.H (An Giang)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét