Từ những ngày Nga tấn công- gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ucraina, tôi bỗng có ý định xem lại tính cách, con người của dân tộc Nga qua tác phẩm văn học. Phải chăng, người Nga hung hăng, chuyên đem quân đi đánh xứ người như vậy không. Dĩ nhiên không chỉ đọc một cuốn mà biết được tính cách Nga, tôi còn phải làm việc với nhiều tiểu thuyết khác nữa.
*
“Sông Đông êm đềm” là bộ tiểu thuyết lớn của nhà văn Nga Mikhail Sholokhov, được tặng giải Nobel văn học vào năm 1965. Tôi đọc “Sông Đông êm đềm” đã lâu, từ hồi rất trẻ, hồi đó đọc trong tâm trạng thấy cuốn sách sao mà khó đọc và nhàm chán. Nhưng nay thì khác, đọc với thái độ tìm hiểu và thấy mê say hơn. Tôi cảm thấy hứng thú và bị cuốn hút vào những câu chuyện và bi kịch của các nhân vật trong “Sông Đông êm đềm”, qua đó tôi thấy con người Nga dần được đẩy lên cao trào trong cơn biến động dữ dội của lịch sử.
Tôi cũng đã say mê với bộ phim cùng tên, đạo diễn Sergey Ursulyak, được quay lại làng Elanskaya thuộc tỉnh Rostov. Các nhân vật chính của bộ phim do diễn viên trẻ Evgheny Tkachuk (Grigory Melekhov) và Polina Chernyshova (Aksinya) thực hiện. Nhờ xem phim, tôi cảm nhận truyện thêm phần sâu sắc và rõ nét.
*
“Sông Đông êm đềm” đã đưa tôi đến một vùng sông Đông không hề yên ả, mà tràn đầy hơi thở rất nóng của nhân gian, của thời cuộc, về sự tàn bạo, tính chất vô nghĩa của những cuộc chiến tranh. Số phận con người bị xô đẩy từ phe này sang phe kia như một miếng giẻ rách trong cuộc chiến giành giật của hai bên quái thú hung hãn, ngang tàng.
Bên bờ sông Đông là cảnh vật quê hương đất nước, những tập tục, bài hát dân ca hòa quyện vào các chàng trai, cô gái Kozak coi sông Đông như điểm tựa cuộc sống. Sông Đông là mẹ tự nhiên nuôi nấng họ bởi dòng nước ngọt, bởi những con cá ngọt từ thịt đến xương, bởi những mối tình đầu thơ mộng. Dẫu có lúc sông Đông cáu bẳn bực tức bày ra nét hung dữ nhưng dù sao vẫn dịu dàng đến kì lạ.
*
Sông Đông êm đềm trước hết là câu chuyện về gia đình Melekhov, Astakhov, Korshunov... Sự đối đầu của những thế lực chính trị là cái nền, điều chủ yếu là bi kịch của một dân tộc bị diệt vong, của người Ca-dắc bình thường buộc phải liên tục đổ máu.
Người dân Ca-dắc của Sholokhov là những người thợ cày, lúc rảnh việc quốc gia, họ không một phút nào ngồi không. Nhưng họ không thể lao động, vì mọi thứ đã bị tước đoạt, họ không có gì để bảo vệ. Cho dù đứng về phe nào thì sự lựa chọn của họ cũng gây ra chết chóc cho những người thân – là tôi nói chuyện của Grigory.
Sholokhov không chỉ nói về bi kịch của người Ca-dắc sông Đông. Cuốn sách đã làm sống lại lịch sử của thế kỷ XX, trong suốt chiều dài của nó - chia tất cả mọi người thành quân ta và quân địch. Cuộc nội chiến đã nghiền nát cả người đúng lẫn kẻ sai, máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu.
Cá nhân tôi phát biểu sau khi đọc xong Sông Đông êm đềm, là cần phải nhìn sự vật một cách rộng hơn, nhận thức được cái hữu hạn của kiếp nhân sinh, và không làm hỏng đời nhau vì những bất hòa tư tưởng. Không chơi những trò chơi bị áp đặt, không chia con người thành bên ta, bên địch.
*
Tôi bị rối với trên 100 nhân vật diễn ra trong 10 năm trên một không gian rộng lớn, với những sự kiện dồn dập, nhưng tôi ghi chép cẩn thận nên tương đối nắm được, do kết cấu và bố cục chặt chẽ. Có thể nói, tính hiện thực của Sông Đông êm đềm thể hiện rõ nét ở từng hình tượng nhân vật với tất cả những gì tốt đẹp, bình thường, thậm chí xấu xa như cuộc đời vẫn luôn là như vậy.
Mỗi nhân vật đều được mô tả với đặc điểm tâm lý, tính cách và cả thể hình rất riêng biệt, từ người nông dân bần cùng nhiệt tình đi theo cách mạng đến tầng lớp phú nông chống phá cách mạng với lòng hằn thù sâu sắc, từ những đảng viên trung kiên đến những chỉ huy, binh lính trong các đạo quân bạch vệ liều lĩnh và tàn bạo, từ những chàng trai Cossack bộc trực và quả cảm đến những cô gái Cossack yêu thương say đắm và giàu lòng vị tha.
*
Đọc “Sông Đông êm đềm” tôi cảm thấy một bầu không khí hết sức u ám và ngộp thở của những năm nội chiến Nga, nhưng cũng thấy le lói một niềm tin về những con người trong biến động dữ dội của lịch sử, ai nấy cũng khao khát yêu thương, khao khát một cuộc sống yên bình. Những con người ấy, ai cũng có trong mình những mâu thuẫn nội tại rất chân thật và bởi vì nét thật ấy mà họ sống mãi trong tôi với từng gam màu trắng đen và xám. Tôi như hòa mình vào thế giới nhân vật, vào không khí truyện.
N.P
NÓI THÊM
Vài nét về vài nhân vật chính
1. Nhân vật chính Gregori Melekhov: thuộc gia đình trung nông điển hình. Mặt vô sản kéo Grigôri về phía cách mạng (Hai lần Grigôri tham gia Hồng quân), ngược lại mặt tư sản lại kéo chàng đứng về phía phản cách mạng (Hai lần tham gia quân Bạch vệ và bọn phiến loạn).
Khi là chiến sĩ Hồng quân, chiến đấu để bảo vệ chính quyền Xô viết, Grigôri thực sự phát huy những mặt tốt trong bản chất lao động của mình. Khi Grigôri đi theo Bạch vệ, làm sư đoàn trưởng lực lượng phiến loạn là xuất phát từ lý do sợ cách mạng đe dọa, xóa bỏ quyền tư hữu của mình. Cho thấy anh ta là một người Côdắc điển hình, biểu hiện rõ tính chất mâu thuẫn của giai cấp mình.
Đó là một Gregori táo bạo, chính trực, đầy lòng tự trọng nhưng cũng có những mặt xấu như thô bạo, ít nhiều tàn nhẫn, tư hữu. Gregori cho rằng cách mạng đã tước đoạt quyền lợi của cộng đồng Kozak, xâm phạm bờ cõi truyền thống, danh dự của con người Kozak. Bản thân anh cũng mang trọng tội khi phản bội lại chính quyền Xô Viết và một mình trơ trọi giữa cuộc đời.
Gregori đưa đến cho tôi cảm giác vừa yêu vừa ghét, vừa kính trọng, nể phục nhưng cũng vừa khó chịu về tính thô bạo của anh. Tôi cũng công nhận anh là một người tràn đầy tình yêu thương, rất người, rất Cossack. Gregori hoàn toàn không phải là người có lí tưởng cách mạng, không phải là người có thể chết vì lí tưởng cách mạng.
Anh hết từ “bên Đỏ” rồi lại sang “bên Trắng”, dưới mắt tôi, anh ta không phải là người thiếu lập trường, mà anh là người thực tế. Khi bị đấu tố và có khả năng bị giết, thì dĩ nhiên là cần phải chạy trốn, ở đây anh lựa chọn chạy sang bên “Trắng”. Đó là cái bản năng rất người, rất chân thực.
2. Nhân vật Aksinia hấp dẫn, mãnh liệt, chiến đấu đến cùng để giành giật tình yêu nhưng cũng không vượt qua nổi những phút cô đơn, tuyệt vọng và cả bản năng rất đàn bà. Tôi bị cuốn hút bởi tính cách, tâm hồn Aksinia và cũng nhớ cả “lọn tóc trên cái gáy rám nắng” của nàng.
Con người bên lề cuộc chiến này dường như không còn được sống với đúng nghĩa con người nữa, dám đứng lên đấu tranh đến hơi thở cuối cùng để được yêu thương nhưng cũng có lúc không vượt qua được bản năng rất đàn bà, ngã vào vòng tay người khác.
*
3. Nhân vật Natalia thủy chung, hiền dịu nhưng nhẫn nhục, cam chịu và yếu đuối nhưng nhất mực thủy chung, dịu dàng và đằm thắm. Chính vì vậy những nhân vật của Sông Đông êm đềm lại càng thực, càng sống trong lòng tôi.
*
4. Nhân vật Côsêvôi mang bản chất tốt đẹp vốn có của nhân dân lao động, vốn xuất thân là tầng lớp nông dân Côdắc. Khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, những người nông dân khốn khổ như Côsêvôi được giải phóng khỏi sự bóc lột của bọn địa chủ ở nông thôn, họ đã được sở hữu ruộng vườn để cày cấy và sinh sống.
Vì vậy, khi cuộc nội chiến bùng nổ, Côsêvôi nhanh chóng đứng vào hàng ngũ phe Xô viết để chống lại bọn phản cách mạng, bảo vệ quyền lợi cho giai cấp vô sản và quyền lợi cá nhân. Và sau này, Côsêvôi trở thành một đảng viên xuất sắc và kiên định với Đảng, là Chủ tịch Xô viết ở thôn.
*
Tóm tắt truyện “Sông Đông êm đềm”
Tác phẩm miêu tả một giai đoạn lịch sử 10 năm từ 1912-1922 tập trung ở hai bờ sông Đông và một làng quê người Kozak ở ven sông đồng thời cũng khắc trọn vẹn mười năm cuộc đời của nhân vật Gregori Melekhov. Anh đem lòng yêu Aksinia, vợ người hàng xóm nhưng để ngăn cản mối quan hệ này phát triển khó thể cứu vãn, gia đình Melekhov đã dạm hỏi và cưới Natalia cho Gregori.
Gregori và Aksinia cùng nhau bỏ đi biệt xứ làm thuê để lại Natalia tủi nhục vì bị chồng mới cưới ruồng bỏ mà quyên sinh nhưng may mắn không chết ở phía bên kia bờ sông Đông. Sau đó, Gregori bị bắt buộc đi lính tham chiến vào Thế chiến I. Khi về phép, chàng phát hiện Aksinia vì quá cơ cực, nghèo đói, đứa con đầu lòng chết vì bệnh tật mà nàng đã dan díu với con trai chủ nhà. Gregori quay về với Natalia và sau hết nghỉ phép quay về quân ngũ, Natalia sinh đôi một trai, một gái.
Sông Đông giống như một nhân chứng sống cho cuộc đời Gregori bất hạnh, vò võ vì cô đơn, hối hận, chán ghét tính chất vô nhân đạo của chiến tranh. Sau những mất mát về lòng tin, sự trong trắng của người phụ nữ trong thời kì chiến tranh, Gregori vẫn quay lại với Askinia khiến Natalia một lần nữa tuyệt vọng. Nàng tìm đến bà lang để bỏ đi giọt máu của hai người, nhưng do mất máu quá nhiều, nàng ra đi.
Trải qua nhiều biến cố về chính trị, Gregori Melekhov bỏ trốn theo quân thổ phỉ đến khi hết đường trốn chạy, chàng ước mong mang Aksinia bỏ chạy thật xa vì mong muốn, khát cầu một cuộc sống bình yên nhưng Aksinia trúng đạn chết trong vòng tay Gregori trên đường trốn chạy. Tất cả Gregori còn lại trên mặt đất này chỉ là đứa con trai duy nhất.
*
Phân kỳ bốn tập của bộ tiểu thuyết
Sau khi tham gia cuộc nội chiến phía Hồng quân năm 1920, Sholokhov trở về quê - một làng Cossack thuộc trấn Veshenskaya vùng sông Đông (nay là tỉnh Rostovsky, Liên bang Nga) năm 1924. Ông bắt đầu viết Sông Đông êm đềm từ năm 1925 và lần lượt phát hành:
Phần một, 1928, viết về giai đoạn 1912 đến1916 (tập 1): nhân vật chính Gregori Melekhov mới bắt đầu lớn lên, tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Phần hai, 1929, viết về giai đoạn 1916 đến đầu 1918 (tập 2): giai đoạn cuộc Cách mạng tháng Mười nổ ra, hoạt động của đội quân Bạch vệ của tướng Cornhilov, khởi đầu cuộc Nội chiến Nga.
Phần ba, viết trong năm 1933 (tập 3): viết về giai đoạn đầu 1918 đến tháng 5 năm 1919, giai đoạn cuộc nội chiến diễn ra khốc liệt.
Phần bốn, viết trong năm 1940 (tập 4): viết về giai đoạn từ tháng 5 năm 1919 cho đến khi cuộc nội chiến kết thúc năm 1922.
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét