Nhân chầm
chậm băng người về phía sau dãy trường tiểu học Định Thành, lách
mình qua một ô rào bằng cây đước, nó chui ra khỏi tiếng ồn ào tan
lớp của bạn bè. Đám dừa nước khua hàng ngàn ngón tay chỉa thẳng lên
trời như đang vẫy chào người bạn cũ, Nhân chợt căng mắt ngó về phía
bờ sông, một trái dừa nước gần bằng cái thúng đang mấp mé trên mặt
nước. Nó chợt nhủ thầm: “Trái dừa nước này bự dữ à nghen. Vậy là
chiều nay ông Từ sẽ có một món quà thiệt bất ngờ”.
Vừa dứt
lời, Nhân chạy lại ôm lấy chiến lợi phẩm, như sợ có người lạ nào
đó vô tình đi ngang qua sẽ giành mất. Cố sức vặn mạnh cuống dừa,
nhưng bàn tay nhỏ của nó không đủ sức để xoay đứt trái dừa được.
Dù đã
ráng hết sức nhưng Nhân cũng phải bó tay trước vẻ lì lợm của món
quà bất đắt dĩ kia. Nhìn mặt nó lúc này như con gà nòi, có cái cổ
và bộ ngực trụi lủi lông lúc nào cũng đỏ hỏn, vì anh Ba sáng nào
cũng phun rượu vô mình nó.
Nhân ngồi
bệt xuống bờ sông, ngực nó đập liên hồi, miệng thở phì phò, như ống khói tàu đò chạy từ chợ Tắc Vân tới cửa sông Gành Hào. Nó
bắt đầu tỏ vẻ bực bội: “Trái dừa này lì lợm quá trời quá đất,
được rồi tao sẽ dùng dao để xử tội mày, hãy đợi đấy!”. Nhân cẩn
thận lấy lá dừa khô che kín trái dừa nước, rồi lần ngược lại
con đường cũ…
***
- Mèn đéc
ơi! Con lấy đâu trái dừa bự dữ vậy Nhân. Coi bộ dạng con kìa, sao
giống con cá trốt ôm cục… gì gì đó lội qua sông quá.
- Ông Từ
này nói chuyện kỳ quá hà.
Nhân chu
hai môi ra như mỏ vịt, ngước mắt nhìn ông Từ tỏ vẻ giận dỗi.
- Ờ thì
ông nói lại vậy. Dòm con ôm trái dừa ì ạch như ông già ôm cái gối
lội qua sông.
Ông Từ
cười lớn làm bộ râu trắng, dài rung rinh.
- Sao bữa
nay ông vui dữ vậy. Mà trời tối rồi, ông nấu cơm chưa?
- Ông đang
đợi con qua, rồi hai ông cháu đi chặt quầy dừa nước về ăn trừ bữa.
Ủa, mà con lấy trái dừa này ở đâu vậy?
- Dạ… con
thấy nó nằm ở gần bờ sông phía sau lưng trường học, liền chặt nó
rồi rinh qua cho ông ăn lấy thảo.
- Ngoan dữ
hông, vậy mà ông tính kêu con đi lấy trái dừa đó về. Thôi ông cháu
mình thử coi cơm dừa có ngọt và bùi không. Mà khoan đã, con cắt rau
muống chưa, bữa nay rau xanh dữ lắm!
- Dạ chưa,
để lát con cắt rồi đem về luôn.
Nhân đáp
tỉnh rụi, nó xăm xăm con dao rồi tiến lại quầy dừa.
- Không
được, bây giờ ông sẽ phụ con cắt rau, chớ lát nữa trời tối thui thấy
đâu mà cắt. Con chịu vậy không.
Giọng ông
Từ nghiêm nghị, đôi mắt sáng long lanh ẩn dưới đôi chân mày điểm bạc,
dài phủ xuống hai má. Nhân chợt lúng túng…
- Dạ
chịu.
Nhân khẽ
lẩm bẩm: “Làm ơn mà mắc oán là vậy sao trời”. Nhưng nó cũng chạy
ào xuống đìa rau muống, nước mát lạnh mấp mé ngang bụng làm nó
thật thích thú.
***
Ba má Nhân
là giáo viên, lúc rảnh rỗi thì nuôi heo, và nhiệm vụ của nó là mỗi
buổi chiều khi học sinh tan lớp, thì lội qua sông để cắt rau muống.
Ngọn rau dùng để ăn, còn cuống rau cho heo mẹ, đám heo con thì chỉ biết ăn
cháo và cám.
Ông Từ
trông coi ngôi chùa ẩn sau rặng dừa, đất chùa rộng quá nên ông quản
không hết, đành làm công quả cho mấy thầy cô giáo trồng rau. Nhân cũng
không hiểu xóm Chùa này có phải mang tên từ ngôi chùa do ông Từ canh
giữa hay không?
Nhưng sao
gọi nhà chùa mà không thấy tượng phật, chỉ thấy tượng đức mẹ và
một chiếc mắt thật to, tỏa sáng ở trên đỉnh tháp. Ánh mắt đó, từ
xa xa ngoài ruộng hay đứng phía bờ sông bên kia cũng dòm thấy rõ mồn
một.
Sau này Nhân
mới biết đó là toà thánh của một họ đạo Cao Đài, do gia đình một
địa chủ giàu có cất lên. Mấy dãy mộ của gia đình họ đã đựơc xây uy
nghi và rộng lớn, bên đám ruộng phía sau toà tháp. Đó cũng nỗi lo
sợ cho đám trẻ con khi đêm về, nhưng Nhân không quan tâm đến tên gọi
chùa hay tháp, vì chuyện đó đâu ảnh hưởng gì tới nó. Mà mọi người
trong xóm cứ ngày rằm hay mùng một tết đều đến chùa thắp nhang cúng
lễ và hay gọi nơi đây là chùa, nên nghe riết cũng thành quen.
Dãy
trường học và vài chục căn nhà nằm vòng quanh trên một đám đất giữa
hai con sông. Con sông lớn, bờ bên kia là xã Định Hòa, cù lao này bên
xã Định Thành, phía sau lưng Uỷ ban xã là con sông nhỏ mà mỗi chiều Nhân
hay lội qua chùa.
Mấy năm
trước lòng sông nhỏ này rất nhiều đỉa, vì người dân làm ruộng nên
giữ nước ngọt và nước sông cũng vậy. Bây giờ thì mọi người đổi qua
làm vuông nuôi tôm, nên người ta sẻ đất ở gần phía Uỷ ban xã để làm
một ống cống bằng xi - măng cốt thép thật lớn .
***
Mùa mưa
ùa về, tụi nhỏ trong xóm buồn thiu, mà người buồn nhất có lẽ là
ông Từ. Vì cảnh chùa quá rộng, ngày nắng ông phải đi vòng quanh chùa
để chăm cây và vườn rau đã cực, nay mưa giăng khắp nơi, nên ông không
thể lội sình để thăm khu vườn thường xuyên.
Mưa rả
rích suốt ngày, đám cỏ dại đua nhau mọc nhanh tua tủa khắp khu vườn,
tội cho giàn đậu đũa bị cỏ phủ kín. Còn mấy luống rau bồ ngót và
bụi mồng tơi thì chen chúc cùng cỏ xanh rì.
Nước sông
vào mùa mưa không hiểu sao chuyển màu rất lạ. Dòng sông chia ra làm
hai phần, bên đục mờ, bên trong xanh, mấy đứa nhỏ mê nhất là trò tắm
sông, đứa nào lội giỏi thì thả qua
bên kia sông vùng nước trong, còn Nhân chỉ dám bì bõm ở mé sông nước
đục, cùng vài đứa nhỏ tuổi.
Mưa gần
như suốt ngày, buổi sáng có chút nắng làm cho tụi học sinh trong xóm
mừng quýnh quáng, nhưng đường vẫn còn dấy lên sình lầy. Vào lớp học
được chừng hai tiếng thì mưa bắt đầu trở lại, gió cuốn mưa nghiêng
ngả, bụi nước mưa bay qua cửa sổ lớp học, làm học sinh co cụm lại
gần nhau cho đỡ lạnh.
Nhân giận
mưa đã làm cho nó lười biếng khi chiều phải qua chùa cắt rau muống.
Mưa làm nước sông lạnh tê tái, vừa đặt chân xuống nước là bao nhiêu
can đảm chạy ra khỏi người nó. Nhưng sợ mấy con heo thiếu rau ăn sẽ la
inh ỏi, nên sau ba ngày Nhân lại qua tìm ông Từ.
- Ủa, bữa
nay ông Từ sao vậy?
Nhân bước
lại gần, ông Từ nằm co ro trên tấm phản trong bếp.
- Ông đương
bịnh hả?
Nó lo
lắng đưa tay rờ trán ông.
- Ờ Nhân
hả. Ông hổng sao đâu, tại trời trở lạnh nên bệnh phong thấp nó hành
ông.
Ông Từ cố
tỏ vẻ tươi cười nhìn Nhân, nhưng
khuôn mặt ông nhăn nhăn khó chịu
- Để con
về lấy chai dầu nóng và chút rượu thuốc của ba đem qua cho ông.
- Khỏi đi
con! Ông chỉ bị đau chút xíu thôi mà.
Ông Từ
gượng ngồi dậy, tấm mền mỏng tuột xuống.
- Ông bị
bịnh rồi, phải nằm nghỉ cho khoẻ. Giờ con về bển đem đồ qua cho ông.
Mà ông ăn gì chưa?
Nhân chu
môi, nhíu mắt tỏ ra suy nghĩ, sau đó nó lấy cái niêu nhỏ và tìm khay
gạo.
- Con sẽ
trổ tài nấu cháo hành cho ông ăn, bảo đảm ăn xong ông sẽ khoẻ ngay.
Rồi Nhân
ra sà lản nằm trên đìa nước trong xanh, cặp bên hông trái bếp để vo
gạo.
***
Ông Từ đã
ngủ thêm một giấc nữa. Mùi thơm của cháo hành và tía tô đã làm ông
tỉnh lại. Chống tay xuống bộ ngựa, ông mau chóng nhận ra cái mền bông
dày đang phủ lên người.
- Nhân chưa
về sao con? Trời tối rồi đó, coi cừng ba má con đi kiếm mà không
thấy.
- Hổng sao
đâu ông Từ, con đã xin ba má tối nay ngủ lại đây luôn. Giờ ông gắng
ngồi dậy ăn hết tô cháo cho khoẻ. Sau đó con sẽ bóp dầu nóng và
rượu thuốc cho ông.
Nhân bưng
tô cháo hành và tía tô đặt lên một cái đĩa, đưa cho ông Từ. Ông cầm
tô rồi lấy muỗng khuấy cháo. Chợt ông ngẩng đầu nhìn Nhân, nói:
- Con ăn
gì chưa?
- Dạ con
ăn cơm từ hồi chiều.
- Ừ! Mà
cái mền này ở đâu ra vậy.
- Dạ! Ba
con biểu mang qua cho ông.
- Vậy là
ông làm phiền gia đình con quá!
- Ông ăn
cháo lẹ đi! Coi chừng nguội hết bây giờ.
***
Đêm, trăng
sáng lờ mờ, gió lao xao ngoài bụi chuối sau bếp, xa xa gần bờ ruộng
những tàu lá dừa như những ngón tay khổng lồ. Nhân trải chiếu nằm
dưới nền nhà, bên cạnh là một lò lửa đã tắt, những gốc cây bình
bác nằm trơ trọi.
- Á… a!
Một tiếng
hét lớn vang lên từ phía bờ ruộng. Nhân giật mình ngồi nhổm dậy. Ông
Từ vẫn nằm thiêm thiếp trên phản gỗ, khẽ trở mình một cách nặng
nhọc và mệt mỏi.
Nhân lượm
khúc củi, rón rén bước ra ngoài. Nó lom khom tiến tới gần bờ ruộng,
ngang qua dìa nước, bỗng một tiếng động từ dưới nước vang lên, làm
đám bông súng bập bềnh. Nhân không sợ, nhìn xuống đìa, miệng nó lẩm
bẩm “Con cá lóc này bự dữ”. Nhân chợt chăm chú nhìn về phía gốc dừa, một bóng đen đang
ngồi chồm hổm, dáng nguời run rẩy.
- Ai!
Nhân hét
lên, tay cầm khúc củi chỉa thẳng về phía bóng đen.
- Dạ
con.
Bóng
người dứng dậy, thấp hơn Nhân một cái đầu.
- Mày là
thằng nào, đang đêm sao lại chui vô chùa làm cái gì?
- Dạ! Con
vô đây… hái dừa.
- Trời
đất ơi! Ăn cắp mà còn dám nói là
hái dừa hả. Mày đi với thằng nào nữa?
- Dạ! Con
đi với thằng Út, nó sợ quá bỏ chạy về rồi.
- Giỏi.
Còn mày ngồi đó làm gì, sao không chạy theo nó luôn đi?
Chưa dứt
lời, Nhân bước tới nắm tay tên trộm.
- Ui da!
- Mày sao
vậy?
- Tui bị
đinh đâm.
- Đinh ở
đâu mà đâm?
- Đinh ở
trên cây dừa.
- Hả! Trên
đó làm gì có đinh.
- Tui hổng
biết, mọi bữa đâu có, vậy mà tối nay leo lên là bị đinh nó đâm, đau
quá!
- Hay
thiệt! Vậy là anh em mày vô đây ăn cắp đã lâu, nay bị trời quả báo.
Mà sao
người mày mủ dính tùng
lum vậy, cây dừa này đâu có mủ.
Nhân căng
mắt nhìn tên trộm, những đốm màu đen sẫm nổi lên trên chiếc áo vá
chằng chịt
- Hổng
phải mủ đâu, là máu đó. Tui bị mấy cây đinh ghim vô người, đau muốn chết
luôn, mới la lên rồi té xuống đất nè.
- Lạy
trời, hên là mày leo thấp, chứ tuốt trên đọt cây hơn chục thước là
mày té xuống tan xương.
- Hia biết
tại sao ông Từ gắn đinh trên cây dừa không?
- Hả?
Mày nói sao, ông Từ gắn đinh lên cây dừa?
- Còn ai
trồng khoai đất này, chắc mọi bữa ông Từ thấy anh em tụi tui lấy dừa
tội nghiệp không la, bữa nay dừa gần hết ổng tiếc nên mới gài đinh.
***
Ông Từ
lần từng bước ra bờ ruộng, từ xa ông đã nghe Nhân đang nói chuyện. Ông
lại gần, khẽ đằng hắng:
- E hèm!
Chuyện gì mà nửa đêm con ra đây vậy Nhân. Con không sợ ma hả?
Nhân im
lặng, ngó ông Từ trân trân, rồi không kìm được giọng, nó nói nhanh,
ấm ức.
- Tại sao
ông lại gài đinh lên cây dừa. Con không hiểu được ông làm vậy là do
ghét tụi ăn trộm hay là chuyện mất đồ đã làm ông bực mình.
- Ông không
bao giờ nghĩ sẽ đuổi hai đứa nhỏ
này, thì làm sao có chuyện gài đinh hại tụi nó.
Trong khi
đó, tên trộm lùi dần về phía sau Nhân rồi bỏ chạy. Nhân nhìn theo
một lúc rồi quay qua ông Từ, nói.
- Trời
rạng sáng rồi, con phải về đi học. Ông ráng giữ sức khoẻ.
- Con giận
ông phải không?
- Dạ
không, con buồn.
***
Đã gần
một tuần Nhân không ghé qua chùa, mẹ hỏi “ Sao con không đi cắt rau
muống cho heo ăn?”. Nó tỏ vẻ khó chịu:
- Ông Từ
có công chuyện nên đi hơn một tuần mới về.
- Con nói
dối. Ông Từ bị bệnh làm sao đi được. Sáng nay học trò nói với mẹ
là ông Từ đã được người nhà chở về quê bằng xuồng mà.
- Mẹ nói
sao? Ông Từ đã về quê?
- Ừ! Nghe
nói ổng leo lên cây dừa bị té cách đây một tuần. Mấy người đi cúng
chùa biết chuyện, đã báo tin cho gia đình ổng ở ấp Lung Chim ra đón
về sáng nay.
Nhân chạy
ra bờ sông qua chùa. Cây cối mọc um tùm phủ đầy lối đi, từ bờ sông
nhìn vô khuôn viên chù thật ảm đạm, vắng vẻ. Nhân không hiểu sao nó
lại giận ông Từ và bỏ mặc ông hơn tuần qua. Nó thấy mình thật là vô
lý, nhưng cũng tại ông Từ đã ác ý khi không đóng cây đinh vô cây dừa.
Một mình Nhân
đứng trong nhà bếp vắng hoe, chai dầu nóng và chai rượu thuốc được
đặt ngay ngắn ở góc phản, nơi ông Từ thường nằm. Nhân chợt nghe tiếng
bước chân và tiếng nói ồn ào phía sau đìa bông súng, nó lấy tay khui
vách lá dừa ngó ra. Ba đứa con trai trạng tuổi nó đang bàn tán xôn
xao.
- Tao nói
mà tụi mày không nghe, giờ ổng phải bỏ chùa về nhà rồi thấy chưa.
Nhân nhận
ra đó là Nhàn, con dì Tám bán quán nước ngay chân cầu khỉ nối Uỷ
ban xã và đường qua chùa. Hai đứa kia tên là Nam và Minh cũng ở trong xóm
Chùa này.
- Mày
giỏi thiệt, vừa làm anh em tụi thằng Út không dám ăn cắp dừa, mà
còn làm ông Từ bỏ đi nữa.
Thằng Minh
vừa nói vừa quăng trái dừa lộn vòng.
- Nói
thiệt với tụi mày nghen, tao hổng hiểu sao ông Từ vốn leo cây rất
giỏi, nghe đồn ổng còn có võ khỉ nữa, vậy mà bị té khi leo lên gỡ
mấy cây đinh nhỏ xíu đó. Chắc tại tụi mình đóng đinh quá chắc nên
ổng nhổ hổng ra, rồi trượt chân té xuống đất. Còn má thằng Út cũng
không còn dừa để bán rẻ hơn má tao.
Cả ba đứa
cất tiếng cười vang thích thú.
- Im đi, tụi bay thiệt là đồ thất nhân thất đức.
Nhàn! Sao mày lại bày ba cái trò độc ác như vậy được chứ .
Nhân nóng
giận, mặt nó đỏ gay.
- Mày đó
hả Nhân, chào công tử con ông bà thầy giáo. Vậy là mày đã biết hết
chuyện của tụi tao, điều này sẽ làm mày phải hối hận.
Vừa nói
dứt lời, Nhàn nhảy tới tung cú song phi cước thẳng vào Nhân. Khẽ lắc
nhẹ người, Nhân vung tay gạt mạnh gót chân đối thủ, làm nó mất thăng
bằng, té lăn quay xuống cỏ. Lồm cồm bò dậy, Nhàn ra hiệu cho Minh và
Nam
cùng lao vào.
Nhân mới
được anh Ba dạy cho vài thế võ đấu tay đôi, nên khi bị ba thằng cùng
nhào vô một lúc, nó lúng túng và khó chống trả. Sau một hồi giáp
la cà không cân xứng, Nhân bị đấm xưng mặt. Thằng Nhàn tỏ vẻ đàn anh
lên giọng:
- Sợ chưa
con! Bài học này sẽ giúp mày bỏ được tật nhiều chuyện giống má
tao.
- Mày nói
bậy, tao không nhiều chuyện như má mày. Nhưng việc làm sai quấy của
tụi bay tao sẽ kể lại cho ba má nghe.
Nhân đưa
tay quệt sình dính đầy mặt.
- Chuyện
nhỏ, tụi tao cũng đang muốn bỏ học đây. Giỏi thì cứ méc đi!
- Ngoài ra
chú Hai Hổ sẽ giúp tụi bay nhận lỗi.
- Mày
dám. Nhưng cho dù mày nói cỡ nào, thì ổng cũng hổng thèm nghe đâu.
Ai đời chủ tịch xã lại tin một thằng con nít như mày.
- Tin hay
không kệ mày. Còn bây giờ tao thách mày dám quýnh tay đôi với tao. Ba
thằng mà đánh một là hèn.
Thằng
Nhàn nhíu mày tỏ ra suy nghĩ, rồi lùi vài bước, nói:
- Bữa nay
tao đang bịnh, mà mày cũng mới bị quýnh đau, để khi khác tao sẽ
thách đấu với mày. Đi về tụi bay.
***
Chú Hai
Hổ sau khi nghe Nhân kể đầu duôi câu chuyện, liền cho hai anh du kích xã
qua chùa thay chỗ ông Từ. Cũng buổi chiều đó Nhân xin chú Hổ cho theo
mấy anh công an xã, đi giỏ lải vô ấp Lung Chim, thăm ông Từ.
Nhân cầm
theo chai dầu nóng và chai rượu thuốc vô cho ông, tiếng máy Kole nổ
“bạch … bạch”, xen lẫn giọng thì thầm của nó. Đó là những lời xin
lỗi mà Nhân rất ngại khi phải ấp úng đối mặt với ông Từ…
T.B.N (Trưởng Gia đình Áo Trắng TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét