Tôi có nghề… ngỗng, thu nhập hẳn hoi, nên chuyện viết lách chỉ để
cho vui, để có cớ đặng gặp gỡ anh em “tám” chuyện văn nghệ văn gừng lúc trà dư
tửu… lậu (trốn vợ đi nhậu!). Nói thật lòng, có hơi “chảnh như con cá cảnh” một
tí là: mớ tiền còm nhuận bút (của báo giấy trả) là để cà phê, lai rai bia bọt
(lúc hứng chí còn móc hầu bao bù lỗ); chứ chẳng phải là “cần câu cơm” nuôi ai như
– xin lỗi - (có thể) với một số ít người viết khác (?). Đã bảo “viết cho vui”,
nhưng không phải vì thế mà viết ẩu viết tả đâu - báo cho vào “thùng rác” là cái
chắc!
... Điều đáng sợ nhất, theo tôi, trong cái
“nghề” này không phải là viết dở, vì viết dở báo không đăng - cũng chả sao; nó thử thách lòng kiên nhẫn, ta cố trau dồi
rèn luyện thêm nữa. Sợ chăng là việc biên tập bài vở của các “quan anh, quan
chị, quan em” ở các “toà”... báo. Biên tập (BT), tôi hiểu nôm na là kiểm tra,
chỉnh sửa những sai sót bản thảo của phóng viên hoặc cộng tác viên (CTV) - nếu
có - gởi đến trước khi đưa ra trình làng. Và các “quan” BT, ai mà không sắm sẵn
“kính hiển vi” để săm soi "toàn tập”
các tác phẩm văn, thơ (!?)… Tôi đã đọc một số tài liệu qui định vai trò, trách
nhiệm của biên tập viên (BTV). Luật xuất bản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua
có hiệu lực từ 01/7/2013 cũng đã có qui định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và
cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ hoạt động cho các BTV. [… BTV là người “gác cửa” cho mỗi
trang sách nên họ không thể làm việc cưỡi ngựa xem hoa, đọc bản thảo qua loa.
Một BTV thực thụ phải là người có chuyên sâu về một lĩnh vực học thuật nào đấy
để có thể thẩm định được bản thảo cộng tác viên gửi đến…]. Giám đốc một
nhà xuất bản lớn đã đúc kết tầm quan trọng của BTV: “… BTV là linh hồn và tài sản của nhà xuất bản… Thời nào cũng vậy, BTV cần
có một cái vỏ là bằng cấp, trình độ, ngoại ngữ… Nhưng điều làm nên sự khác biệt
là một tâm hồn yêu cái đẹp và niềm vui sướng được biên tập…”.
Một tác phẩm được “lên
khuôn” trên báo giấy chí ít phải qua 3 “cửa ải” BT. Thế nên, việc BT (trong một
giới hạn nào đó, theo tôi) cho tác phẩm được chỉn chu là cần thiết. Tuy nhiên,
bên cạnh đó cũng phát sinh những hệ luỵ rất phiền phức - dĩ nhiên cho người
viết. Ai trong chúng ta không từng trăn trở cân phân, lọc lựa mài giũa từng
chữ, từng câu, thậm chí từng dấu chấm, dấu phẩy… trong bài viết của mình sao cho
thật chính xác, đúng nghĩa và đặt đúng chỗ? Thế nhưng, đây đó còn có báo, có
BTV “vung tay quá trán”, không cần dao kéo nhưng “phẫu thuật” thiếu điều chẻ
sợi tóc làm tư các tác phẩm, làm cho “biến dạng” đến vài chục phần trăm; đến nỗi
chính tác giả cũng phải ngỡ ngàng khi chẳng nhận ra hình hài nguyên thuỷ “đứa
con tinh thần” của mình. Mà phải hay ho gì hơn cho cam! Trời ạ! trên 90% thơ,
văn của tôi (đã được đăng trên báo giấy) lần nào cũng bị BT, không nhiều thì
ít, có khi “bạo phát bạo tàn”: Khi thì bị đổi tựa, bị “gọt” đầu hoặc “tỉa” đuôi,
bị “cắt” tay chân; hay BTV bỗng dưng ngẫu hứng tự “chua” thêm vài dòng vào đâu
đó; hoặc nhân vật nữ còn cha còn mẹ sờ sờ, bỗng dưng… mồ côi - do câu: “Con bé là đứa con nuôi mà vợ chồng tôi rất
yêu thương dẫu nó vẫn còn cha mẹ ruột ở làng bên” – bị BT “hô biến mất” cụm
từ “… dẫu nó vẫn còn cha mẹ ruột…” (khiến
có người đọc phản hồi, tỏ lòng thương cảm, còn tác giả thì bỗng dưng… muốn khóc).
Một nhân vật nam khác đắm chìm hư hỏng rượu chè, đoạn kết tỏ ra hối hận cải tà
qui chánh thì cũng bị thay đổi trạng thái, cho anh ta chơi tới bến; thành thử
ăn năn thành ra ăn…trớt. Tôi viết câu: “Tôi
tình cờ gặp nó trong quán nhậu…”
thì bị sửa thành: “Tôi vô tình gặp nó…” Ai cũng hiểu tình
cờ và vô tình khác nghĩa nhau, tuỳ vào ngữ cảnh mà dùng sao cho chính
xác. Một bài thơ thất ngôn 4 khổ 112 từ thì bị sửa đến 32 từ (ấy là chưa nói
đến 1 khổ 4 câu BTV ngẫu hứng đưa “sáng tác” của họ vào thay thế). 1 bài thơ
lục bát tình yêu lãng mạn khác trong đó có câu: “Mà vai vắt được lời phu thê nào…” bị sửa thành: “Mà vai vắt được lời phu phen nào”. Từ phu thê (nghĩa: vợ chồng) bị sửa thành phu phen (nghĩa: làm tạp dịch)… Mới
đây, một bài thơ châm chích nội dung than thở về việc đầu năm học phải đóng góp
nhiều khoản thu cho nhà trường nơi con mình theo học. Không một từ nào đụng
chạm đến chủ trương, đường lối. Vậy mà đâu từ trên trời rơi xuống cái câu kết: “Ai
biểu nghèo bày đặt cho con học làm chi” nghe rất phản cảm, làm tôi một
phen sửng sốt lẫn tức bực. Thật là tai bay vạ gió… Còn nhiều nữa, phải nói là
cực kỳ… kì cục, tôi đành thở dài ngao ngán và lắc đầu… không hiểu nổi. Sao lại có
sự tuỳ tiện vô lối như thế chứ?
Nghe chuyện xưa: Chỉ cần một hai từ, Thế Lữ đã từng chỉnh
sửa thơ của các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận gởi đến tòa soạn, làm cho bài thơ
khởi sắc hơn. Dĩ nhiên tác giả tâm phục khẩu phục!. Còn ngày nay, một số BTV mà
tuổi đời chưa chín, vốn sống chưa nhiều, kinh nghiệm chưa trải, tay nghề còn
non; (nghe đâu có trang web nọ, những người phụ trách là mấy cậu nhóc đang học
cấp 3!); suốt ngày chúi mũi vào mỗi tờ
“báo nhà”, rồi còn ba chân bốn cẳng chạy lo kinh tế, gia đình… ít khi có thời
giờ để mắt tới các trang VHNT. Nên, có thể họ là cậu cử, cô cử giỏi ngoại ngữ
vi tính, nhưng có thể họ “me dốt” với mảng VHNT. Có thể họ chưa biết công dụng
của các dấu ba chấm (…). Ví dụ: Thể dục dưỡng sinh... sự, Bia ôm sinh... sự. Các
từ trong ngoặc kép (“”). Ví dụ: của "chùa", "Lệnh xé xác" .
Các câu chữ in nghiêng, in đậm .v.v. nên bài vở của CTV thường bị họ BT cho
delete sạch hết các dấu ấy. Có thể họ chưa từng nghe tên hay đọc thơ Thanh Tâm
Tuyền, Du Tử Lê, Bùi Giáng… nên cho đó là những cây bút trẻ mới nổi chăng! Anh
bạn tôi, BTV một tờ tạp chí văn nghệ đã bộc bạch: “Khi mới vào nghề, mình suy
nghĩ cần phải “thọc” bút đỏ vào thêm, bớt… dù chỉ là một hai từ. Chủ ý để thị uy, chứng tỏ quyền lực to lớn
của BTV! Đơn giản vậy thôi…”
Tôi đem những
chuyện bi hài vì bị BT quá nhiều kể cho bạn bè nghe. Họ dĩ hòa vi quí mà rằng:
“Cho nó sửa xả láng, miễn là đăng và trả nhuận bút đầy đủ. Ý kiến ý cò làm chi,
nó “cạch mặt” ra là… ốm đấy”. Thôi thì đành ngậm bồ hòn làm ngọt nghe lời khuyên
của bạn bè, với lời mong ước chân tình gởi các vị BTV: Hãy làm “bà đỡ” có tâm
và có tầm; “nắn” những đứa con tinh thần của người viết sao cho hoàn hảo, hay
ho hơn. Hãy tạo môi trường thân thiện, đừng làm người viết luôn phải nơm nớp
"sống trong sợ hãi" bởi các “sát thủ đầu mưng mủ” chỉ chăm chăm chúi
mũi cắt, gọt tác phẩm văn học… một cách vô
tội vạ và vô cùng thô bạo...
H.H.Y
________________________________________________
Tài liệu tham khảo:
- Cấp chứng chỉ hành nghề biên tập viên không phải để cho có.
Tác giả Hoài Lê, Tạp chí Tri Thức Thời Đại.
- Xác định rõ vai trò,
trách nhiệm của BTV. Tác giả Thi Thi. Báo Hà Nội Mới.
- Công việc làm thơ. Tập
phê bình và tiểu luận của Xuân Diệu. Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội.
Rất đồng cảm với bài viết của bạn. Tôi cũng từng làm btv nhiều tờ báo viết, quan niệm của tôi là nếu đặt bút đỏ vào bài người khác mà không nâng chất lượng bài ấy cao hơn thì không đặt bút vào.
Trả lờiXóaMột bài viết nói về việc BIÊN TẬP rất hay. Nhưng tiếc là người đăng bài này lại chẳng thấy cái hay của nó ở đâu cả. Nên trong bài viết về BIÊN TẬP mà còn quá nhiều lỗi KHÔNG ĐƯỢC BIÊN TẬP. Đúng ra đó là những việc TỔI THIỂU mà NGƯỜI BIÊN TẬP phải biết và BIÊN TẬP. Có lẽ BAN BIÊN TẬP chỉ copy rồi post chứ chưa đọc.
Trả lờiXóaChào bạn Uyên Hà,
XóaCảm ơn bạn đã góp ý. Bạn có thể giúp mình chỉ ra quá nhiều lỗi "KHÔNG ĐƯỢC BIÊN TẬP", được không? Có nhiều người như bạn, Hương Quê Nhà sẽ ngày càng chất lượng hơn, mình hy vọng như vậy. Có điều cũng cần nói như thế này, mình là người phụ trách trang nhà sao lại không đọc mà post lên được! Mình chưa bao giờ cẩu thả như vậy. Bạn có thể chê mình dốt, không đủ trình độ để làm "những việc TỐI THIỂU mà NGƯỜI BIÊN TẬP phải biết và BIÊN TẬP", mình sẽ không buồn. Nhưng bạn nói mình "chỉ copy rồi post chứ chưa đọc" thì mình lại buồn...
Và phải nói rằng, qua comment của bạn, đã nhắc giúp mình trong thời gian tới cần phải cẩn thận hơn trong việc đưa bài lên trang. Chỉ mong sao, bạn chịu khó nêu cụ thể hơn để giúp mình sửa kịp thời. Chúc bạn vui, khỏe, và luôn quan tâm giúp đỡ HQN!
Nếu người viết commment cho đó là một bài viết nói về việc biên tập rất hay.Sao bạn lại mâu thuẩn nói rằng "nhưng tiếc là người đăng bài chưa thấy cái hay đâu cả." Bài viết về biên tập mà còn quá nhiều lỗi không được biên tập ", Xin bạn vui lòng ví dụ dẫn chứng cụ thể nhiều lỗi chỗ nào?Thực lòng tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn không thông cho lắm ý của bạn. Mỗi người viết có phong cách riêng...và ta tôn trọng điều đó.Bạn giúp dùm nhé bởi người xưa có câu "Hoc Thầy không tày học Bạn" Chân thành cảm ơn. CLTP
Trả lờiXóaBạn Uyên Hà nhận định: "...BBT chỉ copy rồi post chứ chưa đọc". Tôi nghĩ bạn chỉ võ đoán: khách quan mà nhận xét thì điều đó vô tình hay có ý đồ xúc phạm BBT. HQN.(?) chứ không phải là góp ý trên tinh thần xây dựng. Người biên tập có thể chưa đủ trình độ thẩm định tác phẩm, nhưng họ không thể vô trách nhiệm mà "bỏ lọt" 1 chữ nào đâu, thưa bạn! Tôi thích tính cách của anh NH Duyên với câu trả lời đầy nghĩa tình thiện chí. Không hề nặng nề xách mé
Trả lờiXóa+ Đoạn 1:
Trả lờiXóa- “nuôi ai như – xin lỗi - (có thể) với một số” hai dấu gạch cùng tác dụng nhưng sao 1 dài 1 ngắn, mà BBT không sửa. Trong chuyên môn tin học thì dấu dài và ngắn có tác dụng khác nhau, trong các sách báo cũng chả ai dùng kiểu đó cả, dài thì dài hết, ngắn thì ngắn hêt.
+ Đoạn 2:
- “... Điều đáng sợ nhất” dấu ba chấm đầu câu có ý nghĩa gì, sao không bỏ đi
- “chứng chỉ hoạt động cho các BTV. [… BTV là người” trong tiếng Việt ở đâu có cách viết này, dấu ngoặc vuông mang ý nghĩa gì, nếu là trích dẫn thì phải có dấu hai chấm và ngoặc kép, hoặc nếu chú thích thì phải có ngoặc đơn
+ Đoạn 3:
- “ăn năn thành ra ăn…trớt” theo quy tắc gõ chữ thì sau dấu ba chấm phải là khoảng cách chứ không viết liền
- “thì bị sửa thành: “Tôi vô tình gặp nó…” Ai cũng hiểu” sao chữ “Ai” viết hoa mà trước nó không có dấu chấm
- “Mà vai vắt được lời phu thê nào…” và “Mà vai vắt được lời phu phen nào” tất cả các từ in đậm trong bài đều được in nghiêng sào từ “phu thê” và “phu phen” in đậm mà không in nghiêng --> thiếu tính thống nhất
- “cực kỳ… kì cục” sao chữ kỳ 1 thì i ngắn 1 thì y dài
+ Đoạn 4:
- “tâm phục khẩu phục!.” trong ngữ pháp tiếng Việt ở đâu có kiểu viết sau dấu chấm than là dấu chấm, dấu chấm than đã có tác dụng thay cho dấu chấm rồi
- “câu chữ in nghiêng, in đậm .v.v.” trong tiếng Việt thì trước chữ v.v không có dấu chấm (có thể dùng dấu phẩy hoặc không dùng dấu gì cũng được), sau chữ v.v là dấu ba chấm
Xin nhắc lại lời tác giả bài viết: “Ai trong chúng ta không từng trăn trở cân phân, lọc lựa mài giũa từng chữ, từng câu, thậm chí từng dấu chấm, dấu phẩy… trong bài viết của mình sao cho thật chính xác, đúng nghĩa và đặt đúng chỗ”
Chào bạn Uyên Hà,
XóaTrước hết xin cảm ơn bạn đã bỏ chút ít thời gian để đọc để góp ý và giải thích cặn kẽ những cái chưa được chỉnh sửa trong bài viết. Chỉ còn 5 ngày nữa là Hương Quê Nhà tròn 3 năm nhưng chưa có ai làm được như bạn. Nếu bạn đến với Hương Quê Nhà sớm hơn thì có lẽ sẽ giúp mình được rất nhiều. Trong những điều bạn góp ý, qua tìm hiểu, học hỏi, mình cũng có biết một số thôi, có cái thì lâu rồi, có cái chỉ mới đây. Trong quá trình làm, mình đã cố gắng, nhưng vẫn còn sai sót, mong bạn và bạn đọc cũng như tác giả hãy thông cảm. Có lẽ trong lúc tức giận vì thấy những cái sai rất cơ bản nên bạn mới viết câu: "Có lẽ BAN BIÊN TẬP chỉ copy rồi post chứ chưa đọc". Chỗ này theo mình thì bạn chưa thực sự cẩn thận, làm bạn đọc hiểu sai ý bạn. Riêng mình như đã nói là chỉ buồn thôi, chứ không hề trách bạn. Cái giận của bạn còn lâu đến nỗi là qua lời comment lần thứ 2, bạn không hề phải chào bạn, chào anh, chào chị...
Nếu được nói với bạn, mình chỉ xin nói, bạn là người tốt nhưng khá nóng nảy dễ làm mích lòng người khác. Riêng đối với mình thì mình rất cảm ơn bạn bởi bạn đã góp ý sòng phắng và trực tính để mình phải nghiêm túc hơn với bản thân, có hướng xây dựng trang web ngày càng thu hút nhiều bạn đọc. Mình nói thế không phải để "nịnh" bạn đâu, bởi sau 3 năm làm trang web, mình đã nhận hằng trăm ý kiến thông qua ĐT, email của bạn đọc khắp nơi, mình tiếp thu và chỉnh sửa dần từng bước nên Hương Quê Nhà mới có "bộ dạng" như ngày hôm nay. Nói như vậy bởi mình khi mới đến với internet mình không rành phải gõ enter ở đâu và phải như thế nào mới đúng. Bây giờ, đôi lúc mình cứ tưởng là mình thạo lắm rồi, nhưng qua ý kiến của bạn, mình thấy không phải như vậy. Mình phải cố gắng hơn nữa. Một lần nữa xin cảm ơn bạn. Chúc bạn vui, khỏe!
Xin lỗi Hàn Hữu yên chứ, Hà Hữu Yên nói câu"Còn ngày nay, một số BTV mà tuổi đời chưa chín, vốn sống chưa nhiều, kinh nghiệm chưa trải, tay nghề còn non; (nghe đâu có trang web nọ, những người phụ trách là mấy cậu nhóc đang học cấp 3!); suốt ngày chúi mũi vào mỗi tờ “báo nhà”, rồi còn ba chân bốn cẳng chạy lo kinh tế, gia đình… ít khi có thời giờ để mắt tới các trang VHNT". Như thế chưa thật sự đúng. Chưa chắc mấy cậu nhóc đang học cấp ba nầy là tầm thương, tại Hàn Hữu Yên cứ cho rằng nhỏ chưa tới đâu mà bày đặt trèo cao, nhưng thực chất tuồi đời còn nhỏ nhưng chưa chắc văn chương và suy nghĩ của tụi nhóc đó thua tụi già mình đâu Hàn Nhữ Yên. Nói như thế Hà Hữu Yên khác nào cho tuổi già là kinh nghiệm nhiều là ta đây thông thạo văn chương, còn tuội nhỏ chỉ là hạn "cá cơm" thôi sao sánh bằng tuồi già. Chưa chắc những tủi già như mình sánh bằng tụi nhỏ. tuổi trẻ đang kế thừa và phát huy mà, nếu không có tuổi trẻ lỡ tuổi già "đi nhà ma" rồi có ai mà tạo dựng sân chơi đích thực cho văn nghệ sỹ. Chia lời cùng Hàn Hữu Yên.
Trả lờiXóaTheo cá nhân tôi nghĩ, vấn đề ở đây không phải là trẻ hay già, mà là họ làm được những gì và làm được đến đâu. Hãy nhìn xem tờ báo đó, về nội dung: đăng bài chất lượng tốt không, về hình thức: cách trình bày có khoa học và thẩm mỹ không.
XóaViệc tác giả HHU cố tình ám chỉ “mấy cậu nhóc” là hết sức thiếu thiện chí, đáng lẽ ra câu này không nên phát ra từ một người làm nghệ thuật. Tôi không đồng ý cách nói đó của một người có tuổi. Mình già rồi, sống nhiều rồi, phải nói sao cho tụi nhỏ nó phục và kính. Đôi lúc ham nói quá mà bạ đâu nói đó thì cũng không hay. Nghệ thuật thì đâu phân biệt tuổi tác, mà chỉ có hay hay dở. Chả phải Trần Đăng Khoa là thần đồng thơ năm 7 tuổi đó sao.
Báo chí thì tôi không nói, tôi chỉ nói web. Cái trang web của “mấy cậu nhóc” mà tác giả HHU ám chỉ đó, tôi biết. Nhưng tôi lại rất đánh giá cao trang này vì mặt chất lượng và thẩm mỹ rất tốt so với nhiều trang web khác. Ngay cả trang HQN đây - xin lỗi anh Hữu Duyên - mặc dù do một cây bút có tiếng đảm trách, nhưng tôi vẫn thưa là tôi chưa hài lòng.
Nhân đây mượn comment này để góp ý với anh Duyên, bài anh chòn còn quá dễ dãi, rất nhiều bài chất lượng yếu vẫn đăng, tôi biết anh muốn “ươm mầm” cho giới trẻ, nhưng anh có nghĩ tác dụng ngược lại không. Theo tôi việc mạnh dạn không đăng những bài yếu của tác giả trẻ cũng là một động lực để tác giả cầu tiến hơn. Chứ không phải cái gì cũng đăng để trang web trở nên hầm bà lằng. Thứ hai nữa là cách trình bày trên HQN thiếu logic. Menu ngang màu đỏ phía trên và các mục ở phần thân trang web không thống nhất. Có lẽ do anh Duyên đã lớn tuổi nên việc lập trình web còn thiếu sót, điều này tôi và bạn bè thông cảm. Nhưng thú thật, nhìn HQN không bắt mắt. Đôi lời chia sẻ, mong hoan hỷ.
Chào bạn Vị Thanh,
Trả lờiXóaTrước hết, xin cảm ơn bạn vì đã ghé thăm, góp ý với Hương Quê Nhà. Và qua đây mình cũng xin được trao đổi với bạn. Mình chỉ là người tập viết hai, ba năm nay thôi, nhưng lại yêu thích văn chương nên mới lập ra cái trang này. Bạn biết không, nó giúp mình rất nhiều… Kể ra thì dài dòng, nhưng thật lòng mà nói, mình không có tham vọng biến Hương Quê Nhà thành trang web văn chương, bởi hơn ai hết mình biết mình tới đâu mà. Thế nhưng anh em lại thương mến mình cứ gọi là nhà văn Nguyễn Hữu Duyên. Những lúc ấy mình thật xấu hổ, cái mặt thì sượng lên, không biết nhìn về hướng nào cho phải, và lòng tự trọng của mình bị tổn thương. Mình nói một chút như vậy để bạn thông cảm là mình làm gì có trình độ thẩm định cái hay, dở của một tác phẩm văn học. Mình nhận bài và post lên trang chỉ từ cảm thụ cá nhân, và coi đây như là một sân chơi của anh em bạn bè. Có những bài mình không hiểu, nhất là thơ, mình phải chuyển cho những nhà thơ có uy tín, có kinh nghiệm trong công tác biên tập giúp mình. Và bạn chưa hài lòng thì mình đành chịu chứ phải biết làm sao. Về nội dung, bạn nói rằng mình chọn bài “còn quá dễ dãi, rất nhiều bài chất lượng yếu vẫn đăng…”. Về điểm này, sao bạn không vào từng bài cụ thể hoặc chỉ vài bài thôi để comment chỉ ra sự dễ dãi của người chủ biên khi đăng bài chất lượng yếu. Sẽ có những tranh luận thú vị. Bởi chữ nghĩa mà! Và lúc đó Hương Quê Nhà sẽ rộn ràng hơn, vui hơn! Chúng ta sẽ có những comment ấy thật sự có giá trị về chuyện dở, hay, giúp cho người chủ biên chọn bài ngày càng tốt hơn.
Về trình bày trên Hương Quê Nhà, trước đây mấy tháng, mình đã có kế hoạch chỉnh sửa theo góp ý của một số bạn bè nhưng không hiểu sao khi mình mở mục quản lý rồi mở HTML nhưng không vào được. Bạn thấy đấy, trên đầu trang web có mục THƠ PHỔ NHẠC, mình muốn sửa thành NHẠC thôi nhưng vào không được nên đành để vậy, trông rất khó chịu, vì có những bài nhạc được post lên không phải là phổ thơ.
Hiện nay mình đang nhờ một người bạn giỏi thiết kế web giúp giùm nhưng phải chờ anh ấy xuống Bình Dương để xử lý.
Phải chi bạn cho biết bạn là ai thì chúng ta sẽ gặp nhau để trao đổi nhiều hơn, cặn kẽ hơn!
Chúc vui, bạn nhé!
Xin chào các bạn; tôi Trường Thắng rất may mắn HQN đã chọn đăng một số bài thơ. Nhân đọc ĐÔI ĐIỀU VỀ VIỆC BIÊN TẬP VĂN HỌC - Bài của Hàn Hữu Yên và một số bạn comment đánh giá bài viết của Hàn Hữu Yên và ban biên tập HQN.
Trả lờiXóaTôi đã đọc khá kỹ hai bài của tác giả Uyên Hà và tác giả Vị Thanh; là người thích làm thơ chứ không phải là nhà thơ, không phải là nhà văn và học hành cũng không đến nơi, đến chốn. Nhưng qua hai bài viết của hai bạn (tôi nghĩ hai bạn là những nhà ngôn ngữ học đầu ngành của Việt Nam hiện tại), tôi mạn phép có mấy ý như sau:
1/ Tôi cố tìm đọc một số báo, hỏi một vài người bạn có quan hệ với ngành ngôn ngữ học để hỏi tên thật của hai bạn, nhưng cho đến bây giờ các bạn tôi, không biết tên tuổi thật của hai bạn là ai mà khi comment thì chúng tôi chỉ biết đây là biệt danh của hai bạn mà thôi. Chúng tôi nghĩ rằng: Nếu các bạn thực sự cầu thị, thực sự có những đóng góp chân tình thì, việc ghi tên tuổi của mình theo căn cước để mọi người biết đích thực các bạn là những người như thế nào chứ không thể dùng biệt danh để viết lên những điều mà theo thiển ý của chúng tôi là quá thiển cận và quá võ đoán như các bài comment của hai bạn.
2/ Khi các bạn đánh giá bài viết của bạn Hàn Hữu Yên, các bạn không nghĩ rằng: Đây là một phần nhỏ trong một mảng lớn của đề tài "biên tập", cho nên, tính hoàn chỉnh của bài viết của HHY vẫn có những sai sót nhất định (tôi chưa nói đến việc HHY đã nói là HHY không phải là người nghiên cứu ngôn ngữ như những người khác). Như vậy, tôi nghĩ rằng: hai bạn vô tình lấy phương tiện ngôn ngữ để trách móc HHY qua đó đánh giá ban Biên tập HQN chỉ post bài lên chứ không chịu xem lại bài, như vây việc đánh giá của các bạn tôi cho là việc làm không trong sáng và có tính xây dựng.
3/ Tôi đồng ý HHY đã có những sai sót nhất định như bạn Thái Hà đã chỉ ra; nhưng theo tôi nghĩ, sai sót đó một phần là do sử dụng vi tính chưa thành thạo hoặc chủ quan của người viết, khi chuyển bài cho HQN; trong khi đó HQN cũng đọc, cũng tham khảo...nên HQN có một chút chủ quan khi post bài lên mạng. Thiết nghĩ rằng: Bạn Thái Hà, bạn Vị Thanh nếu có nhã ý tích cực để trang HQN ngày càng phát triển thì liên hệ trước với chủ bút HQN trước, trước khi post bài mình lên để đánh giá.
4/ HQN đã đồng hành và phát triển cùng với nhiều tác giả và dân cư mạng trên hai năm; cho đến bây giờ, hai bạn đã có bài viết nào được đăng trên HQN chưa, trong lúc đó HQN là sân chơi của một số anh em nghiệp dư biết làm thơ, biết viết văn để trao đổi, tâm sự, kết bạn để thỏa mãn nhu cầu văn hóa theo cách nghiệp dư mà các bạn có bài viết trong HQN đã thừa nhận trên hai năm nay (tất nhiên cũng có một số nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình cảm tình với HQN đã gửi bài để đăng và khuyến khích HQN). Cho đến nay, hai bạn chưa đóng góp gì cho HQN mà lại cố tình đánh giá phiến diện trang HQN như thế này, thế nọ, để hạ thấp uy tín trang HQN! Chúng tôi khẳng định rằng: Những tác giả trong HQN là những người bạn tốt của nhau, còn hai anh chưa là gì cả đối với chúng tôi; cho nên việc hạ thấp uy tín HQN là một việc làm thừa thải, không đáng chấp nhận, biết rằng: Một số góp ý của hai bạn, HQN xem xét lại và chúng tôi cũng xin cảm ơn hai bạn.
Trên đây là mấy ý kiến xin thỉnh giáo hai bạn, chúc hai bạn cho chúng tôi biết tên thật (theo chứng minh nhân dân) để chúng tôi dể bề gặp gỡ, trao đổi trực tiếp.
Chúc hai bạn sức khỏe để nhìn nhận vấn đề khác quan, sâu sắc hơn.
Chào các bạn ! Theo mình, dù là sân chơi nghiệp dư nhưng HQN cũng cần phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến của người đọc để sẽ tốt hơn và người đọc khi góp ý cũng cần phải khiêm tốn, không nên có thái độ trịch thượng ( mình là người có "văn hóa " mà )
Trả lờiXóaChào các anh chị và các bạn,
Trả lờiXóaMình rất cảm ơn các anh chị và các bạn đã nhiệt tình ủng hộ Hương Quê Nhà, ủng hộ sân chơi của anh em bạn bè yêu mến văn chương.
Phải nói là lâu lắm rồi, Hương Quê Nhà mới có một bài viết thu hút nhiều người quan tâm tranh luận chuyện đúng sai của người viết, của người phụ trách trang web, và cả việc thiết kế trang web… Riêng tôi thấy rất thích bởi một bài viết vừa đưa ra thì đã có ý kiến phản hồi ngay, thậm chí là phê phán có phần gay gắt những thiếu sót của tác giả bài viết và của người chủ biên. Mình nghĩ, phải chi bài nào cũng được như thế thì quá tuyệt vời. Anh em bạn bè thì rất lo cho mình, sợ mình buồn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đủ sức để duy trì sự tồn tại và phát triển của Hương Quê Nhà. Thật cảm động! Mình chỉ biết nói lời cảm ơn! Và mình chỉ cười mà nói rằng, không nghiêm trọng thế đâu, và mình rất thích sự tranh luận. Bởi muốn tranh luận thì phải đọc kỹ. Có lẽ không một chủ biên của một trang web nào mà lại không thích bài đưa lên trang lại được nhiều người đọc và có ý kiến hay dở, đúng sai… Vì theo mình, qua tranh luận mình sẽ học được nhiều điều. Rồi mình sẽ thấy rõ hơn tâm tính và cái tầm của người tranh luận… Như vậy chẳng hay lắm sao?
Bạn bè bảo rằng mình trả lời comment quá hiền, người ta sẽ “ăn hiếp” Hương Quê Nhà. Mình nhớ hồi còn học lớp 9, khoảng 45 năm về trước, người thầy dạy văn của mình có giảng một câu mà mình còn nhớ: “Quân tử ứ hự thì đau…”, đến bây giờ mình thấy nó vẫn đúng!
Đôi dòng nhân chuyện hay dở, đúng sai vừa xảy ra trên Hương Quê Nhà, nếu có gì không phải, mong các anh chị và các bạn thông cảm.
Trân trọng!
Chủ biên: Nguyễn Hữu Duyên
Trả lờiXóaChuyện bàn về việc biên tập , người biên tập thì đã rõ. Riêng tôi thấy đọng lại đôi điều:
Biên tập một trang mạng, người biên tập chỉ có niềm vui là tạo sân chơi hữu ích trao đổi thơ văn cùng bè bạn, gặp gỡ ươm mầm văn học cùng các bạn trẻ,học hỏi lẫn nhau.Phụ trách biên tập trên báo giấy còn có chút tiền phần trăm tính trên tiền nhuận bút của bài biên tập. Biên tập trang mạng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.Có đôi lúc nhận được điện thoại từ Anh , Chị phụ trách hỏi điển tích nào đã được dùng trong câu thơ, lòng bồi hồi một niềm kính trọng,cảm mến cái lòng của người đam mê nghiệpvăn chương.
Trong chúng ta, không ít người đã làm thơ, viết truyện từ tuổi mười sáu, đôi mươi .Ngày nay , thế giới rộng mở biết bao, các em sớm tiếp cận khoa học kỹ thuât, nhất là vi tính nên phần lớn tuổi trẻ hơn hẳn chúng ta về phần này.Các em tiếp người biên tập về kỹ thuật cho trang mạng đa dạng hơn, hẳn ai cũng tán thành. Cuộc sống, đôi lúc cũng có khi vầy khi khác , một số em có khả năng vượt trội về sáng tác thơ văn đã gan góc đảm nhận phần biên tập tiếp các cô chú trong giai đoạn nào đó; thiết nghĩ chúng ta cũng nên trân trọng, nâng niu và tiếp sức cùng các em để sân chơi được tồn tại liên tục.Đó cũng là nuôi dưỡng và phát huy lực lượng trẻ kế thừa.
Qua bài viết Đôi Điều Về Việc Biên Tập Văn Học của Bạn Hàn Hữu Yên, thực mừng thấy có nhiều comment trao đổi …nhưng chưa kịp vui vì khi đọc kỹ từng bài …lại nổi bật lên một vấn đề mới :VĂN HÓA COMMENT.Trong trao đổi mỗi Bạn có quyền có quan điểm chủ quan của riêng mình, nhưng có nhất thiết phải làm đau lòng nhau khi mổ xẻ, phân tích vấn đềbằng những từ ngữ coi thường, miệt thị nhau một cách không thương tiếc và nhất là thiếu tôn trọng người chủ biên.Chân thành mong văn hóa comment được mỗi chúng ta quan tâm để trang HQN ngày càng đông vui và thú vị hơn .Trân trọng,Hoàihuyềnthanh.
Chào chị Thanh,
XóaCảm ơn chị rất nhiều về những sẻ chia chân tình. Chúc chị sức khỏe và luôn quan tâm đến trang nhà. Thân mến!