SỐ PHẬN - Truyện ngắn Minh Nguyệt
Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016
Minh Nguyệt
Lão Mùi cố mở đôi mắt để nhìn, nhưng con người ấy đã vụt biến đi, để lại cho lão một liên tưởng hão huyền. Không thể như thế được, không thể đấy lại là người con gái cách đây hơn 40 năm thề non hẹn biển với mình. Cái nắng chói chang gần trưa của một ngày chớm vào hạ, cứ bắt đôi mắt của lão phải chớp chớp, nheo lại, muốn mở to, thật to ra để nhìn, nhìn cho thật rõ, nhưng cái tuổi già không làm sao cưỡng lại được. Một tiếng thở dài hắt ra từ trong cổ họng khô đắng mà suốt từ sáng đến giờ lão chưa uống một ngụm nước nào, chỉ rít có mấy điếu thuốc lào. Ánh nắng dọi vào khuôn mặt lão, làm cho khuôn mặt đã hốc hác, khắc khổ, lại hốc hác, gồ ghề thêm. Đôi gò má cao nhô ra bao nhiêu thì đôi mắt của lão lõm xuống bấy nhiêu. Hôm nay phiên chợ huyện cuối năm, người đông như nêm cối. Ngồi bên đống thớt nghiến, lão Mùi từ từ nhắm mắt lại để cố quên đi hình ảnh ban nãy của một người đàn bà quý phái bước lên chiếc xe ô tô sang trọng, bóng loáng bốn chỗ ngồi. Trước mặt lão, xung quanh lão buổi chợ vẫn họp ồn ào như đàn ong vỡ tổ, mà nào lão có hay.
- Ông ơi! Trưa rồi, dọn hàng về thôi.
Tiếng khàn khàn của một người đàn bà lọt vào tai lão, làm lão tỉnh lại không còn hồi tưởng về hình ảnh đã ăn sâu vào tâm trí lão từ ngày xa xôi ấy nữa. Lão không cần ngẩng đầu lên đã biết người gọi là vợ lão, giục lão dọn hàng ra về. Tiếng vợ lão, một người đàn bà nông dân miền Trung du, trên vùng đồi gò bán sơn địa, đồi cọ rừng chè nó đặc sệt chữ “huyện” không uốn lưỡi. Đặc sệt như cách ăn mặc, đi đứng, của người đàn bà lam lũ suốt đời, chưa một lần ra tỉnh. Hiền lành, chất phác là bản lĩnh của vợ lão, nhờ có nó mà người đàn bà gắn bó với lão hơn ba mươi năm trời có lẻ. Đối với bà, lão Mùi chỉ thích nhất một điều, bà là người chỉ biết chăm chỉ làm ăn, thương chồng, thương con và cũng có đôi lúc làm cho lão say lòng. Nhiều đêm về giữa gió núi mênh mông, tĩnh mịch, vợ lão rất tâm lý lại mua cho chồng cút rượu cùng mấy đồ nhắm ngon từ thịt thú rừng và ngồi bên cạnh tiếp cho lão đến lúc lên giường. Những lúc như thế làm cho cõi lòng lão rạo rực, quên đi mối tình đầu nhen nhóm, có lúc nó trỗi dậy phá tan sự yên tĩnh trong trái tim lão. Lão ngắm mấy bà hàng xóm, chẳng có bà nào đẹp bằng vợ lão và làm được như vợ lão. Năm nay vợ lão tóc đá điểm sương, hình như những sợi tóc cố tình bỏ đi màu đen mượt mà ngày xưa, cái cằm lẹm năm nào đến là yêu thì nay nhô ra, nhìn kỹ thấy vợ lão khắc khổ lắm, nhất là bộ quần áo cũ kỹ, đã có những đường kim khâu vá lộ ra.
Ăn cơm trưa xong, lão Mùi quen thói nằm khểnh xuống chiếc phản cũ kỹ, đặc quánh mùi mồ hôi dầu của lão, kê cạnh cửa sổ gian bên trái. Tay lão phe phẩy cái quạt cọ còn thơm mùi lá. Mặc dù ở quê lão đã có điện, nhưng đối với lão cái quạt cọ nó có hồn hơn. Phe phẩy cái quạt, cái gió của tự nhiên nhè nhẹ, mơn man trên người làm cho tâm hồn lão sảng khoái ngủ lúc nào không biết. Một tay lão vắt lên trán, chân bắt chữ ngũ, đôi mắt nhắm nghiền, nếu nhìn từ ngoài cửa vào, hình hài lão nằm như một pho tượng gỗ, khắc hoạ theo hình thể một người nhịn ăn lâu ngày. Lão chuẩn bị cho một giấc ngủ trưa như vậy đó. Tính lão nó thế, trưa nào cũng phải làm một giấc, khoảng hai giờ chiều tỉnh dậy lúc đó mới đi đâu hoặc làm gì. Trưa nay lão nằm nghỉ như mọi trưa, nhưng mười lăm, hai mươi phút, rồi nửa tiếng lão vẫn không tài nào ngủ được. Hình ảnh người phụ nữ quí phái, bước từ trong xe ô tô ra đi vào chợ, rồi lại bước lên xe diễn ra cách lão chừng ba chục mét, ngay trên đường phố huyện, cứ hiện ra trong đầu lão. Chẳng lẽ đấy là cái cô Chợ ngày xưa? Không thể thế được, nhưng nếu cô ấy có được thế lẽ nào lão không mừng cho cô ta và tủi phận cho mình. Cái cô mà có tóc đen láy, dài đến quá thắt lưng, mỗi khi cười, trên khuôn mặt trái xoan lại hiện lên hai lúm đồng tiền xinh xắn, rất duyên. Đôi môi hài hoà với sống mũi hơi cao, đôi mắt sáng, thông minh và dễ để đọng lại trong trái tim bất kỳ người đàn ông nào khi tiếp xúc với cô. Trong lớp, mỗi lần cậu học sinh Mùi ngồi bàn sau được chiêm ngưỡng cái gáy để lộ của nàng trắng nõn nà, lòng cậu lại ngất ngây như ăn phải bùa mê thuốc lú, như điên, như dại. Giá như mình được hôn vào đấy một lần và chỉ một lần thôi là cuộc đời mãn nguyện lắm rồi. Cậu chỉ mong cho nàng hôm nào cũng búi tóc cao lên để phô bày trước mặt cậu một toà thiên nhiên mà chỉ có ở nàng. Cái cô học trò xinh đẹp, ngồi bàn trên đã để lại trong cậu một sức hút kỳ diệu bằng sự trắng nõn nà sau những sợi tóc đen nhánh phía sau cổ của nàng. Từ năm học lớp 9, đến hôm nay dẫu hơn 40 năm vẫn không thể khoả lấp được trong trí nhớ của lão. Năm học qua nhanh, hôm bế giảng, cả lớp tổ chức buổi liên hoan ngọt, dưa hấu, keọ và chuối. Sợ như ngày mai mất nàng, hôm đó cậu học trò Mùi ranh mãnh đánh liều viết vào một tờ giấy, đặt vào quyển lưu bút mà cậu cố chọn mua ở phố huyện để tặng nàng.
Đêm ấy, bên bờ hồ nằm sau làng, chàng thấp thỏm chờ đợi, chẳng hiểu chờ gì, nhưng dù vô vọng chàng vẫn cứ đến và cứ chờ. Cái nắng buổi chiều oi ả đã vợi dần, gió đã thổi lên những luồng hơi mát tỉnh người, hàng tre bên bờ hồ rung lên kẽo kẹt, kẽo kẹt. Dưới hồ có tiếng cá đớp tóp tép, mặt trăng bắt đầu nhô lên qua dãy núi Tam Đảo. Một vùng hồ nước mênh mông hiện ra, thi thoảng có con cá to quẫy mạnh, làm mặt hồ xao động, gợn sóng. Những lớp sóng nhẹ lô xô đem theo ánh trăng lấp lánh như một bức tranh thuỷ mạc sống giữa vùng đồi Trung du yên tĩnh và thơ mộng. Chờ mãi không thấy nàng đến, trăng đã lên quá đỉnh đầu, gần mười giờ đêm rồi, có tiếng chó sủa từ đầu xóm Chùa vọng lại nghe não lòng, chàng đang định đứng dậy ra về. Vậy là nàng không đến gặp mình, như đã viết trong tờ giấy để trong quyển lưu bút. Chàng uể oải đứng dậy, tâm hồn chàng trống rỗng, buồn chán vì điều hy vọng lớn lao nhất không thấy loé lên, thà nó loé lên, rồi vụt tắt thì chàng đã chẳng ân hận, đằng này… Chàng liệng hòn sỏi ở trong tay xuống mặt hồ, tiếng rơi nghe “bõm” một cái thật gọn lỏn, chìm vào không gian yên ắng. Chàng vừa quay lưng, bước đi thì bỗng phía sau cất lên một giọng con gái trong trẻo:
- Ấy đến lâu chưa?
Ôi! Thiên thần của chàng đã đến. Người chàng lúc này run lên, không thể tin ở tai mình, ở mắt mình nữa. Nàng đến thật ư? Như vậy, niềm hy vọng đầu đời của chàng đã có người thắp sáng, bắt đầu loé sáng, chàng sẽ chẳng bao giờ để nó tắt. Chàng đứng ngây ra như Từ Hải chết đứng. Trước mặt chàng là Chợ học cùng lớp, ngồi cách một bàn phía trước bằng da, bằng thịt hẳn hoi. Chàng đứng ngây người ra, miệng chưa toát ra được lời nào, đến khi khi tóc sau lưng nàng bị gió lùa chạm nhẹ vào tay chàng, chàng mới rụt tay lại. Không thể vội vàng hưởng những hương vị thơm từ mùi bồ kết của tóc nàng vừa gội toả ra. Đừng vội chạm vào nàng, dù chỉ chút ít, sợ nó tan đi, bay lên không trung như một cánh tiên giáng trần. Chàng tự nhủ: “Hãy bình tĩnh ngốc ạ”. Đầu óc chàng đã trở lại bình tĩnh, minh mẫn:
- Mình chờ đã lâu, tưởng ấy không đến.
- Tớ muốn đến sớm, nhưng sợ mọi người nhìn thấy…
Sau mấy lời hỏi han, sự dè dặt trong chàng tan biến, họ cùng ngồi xuống vệ hồ. Câu chuyện của hai đứa lần đầu chẳng có đầu có cuối, nhưng sao nó có thể kéo dài như không muốn ngừng. Họ vẫn ngồi bên nhau, hai bóng in lên mặt hồ lung linh. Đêm trăng sáng, tĩnh mịch. Phía trời xa thỉnh thoảng có ngôi sao đổi ngôi vụt sáng lao đi xé toạc bầu trời, rồi vụt tắt. Trăng đã lên cao, đêm về khuya, đèn nhà ai bên hồ đã tắt, mặt hồ chỉ còn tiếng cá quẫy và gió lay khẽ, kẽo kẹt cành tre. Nàng bảo chàng đứng dậy ra về. Chàng muốn ngồi ở đây mãi mãi với đêm hè mênh mông vô tận. Nghe lời nàng chàng đứng lên ngoan ngoãn “phải làm gì đây?”, ít phút giây nữa thôi là chia tay nàng, mất nàng suốt ba tháng hè, chàng sợ lắm. Như một sự thúc bách bất khả kháng, chàng đưa tay ra nắm lấy tay nàng, tưởng nàng sẽ phản ứng. Nhưng không, nàng vẫn để nguyên cho chàng nắm lấy tay và hình như lúc đó chàng thấy tay nàng ấm lên và run run. Hai đứa cứ đi như vậy, im lặng, sóng đôi, về đến tận ngã tư phố huyện. Dùng dẳng chẳng muốn chia tay, chàng vẫn đi tiếp đến tận cồng nhà nàng. Giờ phút chia tay không thể nào trì hoãn. Ngay dưới gốc bưởi, hương hoa bưởi muộn vẫn còn vương đâu đây thơm thoảng. Chàng hỏi nàng gấp gáp trong hơi thở:
- Ấy làm vợ mình nhé!
Trời và đất như sắp vỡ tung trước mặt chàng. Không ngờ chàng lại dám nói với nàng một câu dớ dẩn, vội vã như vậy. Nhưng đã thốt ra mất rồi. Bối rối, e thẹn, cúi đầu không dám nhìn nàng, chỉ mong nàng đừng trả lời gì, nàng hãy đi về để chàng một mình ở lại, tự trách sự vụng về của mình. Nhưng rồi bỗng thấy nàng cười, đôi mắt đen huyền, được ôm dưới hàng mi cong dài, hiện lên lấp ló dưới ánh trăng thanh, hơi cụp xuống, nét mặt có vẻ e lệ, nàng nhỏ nhẹ:
- Từ từ rồi hãy… phải học hết cấp ba và vào đại học đã.
Nàng nói nhỏ, nhưng cương quyết. Nàng về rồi, chàng thấy lúc này một mình đứng giữa trời đầy trăng, muốn hét lên thật to “nàng yêu tôi rồi”. Chàng sung sướng tột cùng. Nếu lúc này có ai bắt chàng phải chịu hình phạt đau đớn chàng sẽ sắn sàng chị đựng, hoặc ban phát cho chàng ngọc ngà, châu báu, chàng sẽ sẵn sàng từ chối, để chỉ còn được một câu từ nàng thốt ra “Từ từ rồi hãy…”, tín hiệu của tình yêu và hi vọng. Một câu nói thôi, một mối tình đầu xuất hiện trong đời một con người, thiêng liêng và sâu nặng lắm.
Mùa hè năm ấy, không ngờ lại là mùa hè cuối cùng của chàng gặp nàng. Ngay dưới gốc bưởi nhà nàng, hai người chia tay bịn rịn, những lời hẹn sẽ chờ tin chiến thắng trở về của nàng nhắc đi nhắc lại mấy lần. Hai đứa ngồi bên nhau suốt đêm ấy bên bờ hồ, ăn hết mấy chùm nhãn hái từ vườn nhà nàng. Ngày 1-8-1964 chàng nhận giấy lên đường vào bộ đội đi tàu hoả về đơn vị ở Hà Nội. Mùng 5-8-1964 giặc Mỹ ném bom miền Bắc. Chàng cùng đơn vị sơ tán ra khỏi Thủ đô về Bình Đà. Sau ba tháng luyện quân, chàng cùng đơn vị khoác ba lô lên đường vào miền Nam chiến đấu. Suốt những năm chiến đấu trên chiến trường, chàng luôn nhớ về nàng da diết, hình ảnh nàng luôn hiện lên trong tâm trí. Cứ sau một trận đánh, chàng lại lấy giấy bút ra ghi những dòng nhật ký, viết những lá thư mặc dù chẳng thể gửi về cho nàng, đành gấp lại cất vào dưới đáy ba lô, đi suốt bốn mùa chiến dịch. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chàng được trở về miền Bắc, mau chóng trở lại quê nhà. Nhưng… nàng không còn là gì của chàng nữa, nàng đã học xong đại học, đã lấy chồng, đang cùng chồng công tác ở ngành ngoại giao phía trời Tây. Hụt hẫng, sau bao năm nuôi hy vọng, chàng đem những lá thư không gửi từ trong đáy ba lô ra xem đi xem lại, đọc đi đọc lại có thể thuộc lòng. Có một vài lá thư và quyển nhật ký đã thấm máu chàng trong một lần đạn quân thù xuyên qua ba lô vào mạng sườn. Cũng nhờ chiếc ba lô, quyển nhật ký, những lá thư viên đạn bị cản lại không đủ sức phá nát tim chàng. Chờ đúng giờ, đúng ngày như cách đây gần mười lăm năm, chàng đem những lá thư không gửi ra chỗ bờ hồ nơi kỷ niệm lần đầu cũng là lần cuối gặp nàng. Chàng đốt những lá thư đó rồi, làn gió thổi những tàn giấy bay theo rắc xuống mặt hồ, coi như mãi mãi quên đi một mối tình đầu quá vãng. Từ quân đội, phục viên về quê hương, chàng đành lòng nghe theo gia đình lấy vợ. Một cô gái vùng quê suốt đời gắn bó với đồng ruộng, núi rừng.
Cuộc đời chàng đến bây giờ đã thành lão Mùi đang nằm co ro trên cái phản cũ kỹ bên mép rừng. Buổi trưa yên tĩnh lạ thường, những ký ức về người đàn bà chợt đến, chợt đi, làm cho lão Mùi bồn chồn không tài nào ngủ được. Ngoài rừng, phía sau nhà tiếng con chim cu gáy “cúc cù… cu…” đều đều ba tiếng một nghe mà não ruột. Trước sân nhà, dưới nắng trưa hè gay gắt, người vợ tần tảo của lão đang cần cù thái những củ sắn thành lát sắn trắng tinh, trải đều sáng cả mặt sân gạch. Ở dưới gốc khóm chuối, con gà mái cục cục gọi đàn con đến chung vui một bữa “liên hoan” đàn mối chắc ngon lắm. Lão Mùi uể oải ngồi dậy, đi ra bàn tụm một ngụm nước chè xanh mát rượi. Nhìn ánh chiều, báo hiệu đã đến giờ lão Mùi phải lên rừng kiếm củi và làm cỏ cho nương sắn. Lão mong sao lấy công việc giải sầu, mong hoàng hôn tắt dần, màn đêm chóng buông xuống, để lão có thể về làng tìm gặp người yêu đầu đời mà sáng nay chợt xuất hiện trước mắt lão. Biết đâu người đàn bà ấy đã trở về quê thăm họ hàng làng xóm. Nhưng lão chợt nghĩ “thà rằng đừng gặp cho xong, gặp rồi càng thấy đau lòng bấy nhiêu”. Thôi thì mừng cho Chợ. Còn mình, âu cũng là số phận. Những gì đi qua không bao giờ trở lại, luyến tiếc, níu kéo cũng không được. Lão tự an ủi mình rồi lầm lũi dắt con dao ngang lưng, lững thững vào rừng, để lại sau lưng những hạt nắng vàng xuyên qua các kẽ lá, trải xuống con đường loang lổ mà lão đi qua.
M.N (Hà Nội)
Tags:
Minh Nguyệt,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét