NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY: VŨ ĐÌNH LIÊN - Bài giới thiệu của Trịnh Bửu Hoài
Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017
Nhà thơ Vũ Đình Liên
Kỳ 25:
(MỪNG TẾT ĐINH DẬU 2017)
VŨ ĐÌNH LIÊN
Vũ Đình Liên là tên thật, ông sinh ngày 12 tháng 11 năm 1913, nhằm ngày 15 tháng 10 năm Quí Sửu tại Hà Nội. Quê gốc là người Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương. Ông sinh ra trong một gia đình có tiếng hiếu học. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là một đứa trẻ học giỏi của đất thủ đô, đậu tú tài trường Bưởi năm 1932. Ông đi dạy ở các trường tư thục như Thăng Long, Gia Long, nữ sinh Hoài Đức để có thêm tiền vào học trường Luật.
Trong giai đoạn nầy Vũ Đình Liên đã có thơ và một số bài viết in trên các báo Phong hóa, Tinh hoa, Phụ nữ thời đàm, Loa… Ông đứng ra xuất bản tạp chí Giáo dục bằng tiếng Pháp có tên là Revue Pédagogique, một thời gian quản lý báo Tinh hoa, làm Tham tá Sở Thương chánh Hà Nội.
Vũ Đình Liên ngồi xem ông đồ viết liễn
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 Vũ Đình Liên tham gia kháng chiến, làm Ủy viên Ủy ban hành chánh kháng chiến huyện Ân Thi, tỉnh Hải Hưng và một số nhiệm vụ khác. Năm 1950 ông trở lại ngành sư phạm, làm giảng viên trường trung cấp Sư phạm. Sau đó, ông lần lượt đảm trách các chức vụ: Trưởng phòng Huấn học Nha giáo dục phổ thông, Tổ trưởng tổ văn học Ban tu thư Bộ Giáo dục. Năm 1957 ông được bầu làm Tổ trưởng tổ Giáo học Pháp khoa Văn học trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1962 ông là chủ nhiệm khoa Pháp ngữ để đào tạo giáo viên đi làm chuyên gia cho các nước châu Phi, châu Mỹ la-tinh, châu Đại dương. Từ năm 1969, ông làm cán bộ nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng giáo viên… cho đến ngày nghỉ hưu. Ông mất ngày 18 tháng 1 năm 1996 tại Hà Nội.
Trần Văn Lưu, Vũ Đình Liên (giữa) và Bùi Xuân Phái
Tác phẩm đã xuất bản của Vũ Đình Liên gồm 2 tập thơ: Đôi mắt (1957), Thơ Vũ Đình Liên (1996), một số tập sách nghiên cứu văn học và thơ dịch.
Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ tiên phong của phong trào thơ mới Việt Nam, từng đăng đàn diễn thuyết ở Nam Định năm 1935 để cổ vũ cho thơ mới.
Vũ Đình Liên bắt đầu nổi tiếng với bài thơ Ông đồ đăng trên báo Tinh hoa năm 1936. Ngoài thơ, ông còn viết lý luận, phê bình văn học và dịch thuật, là thành viên của nhóm Lê Quý Đôn (gồm Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Thước, Trương Chính, Lê Trí Viễn cùng nhau viết về lịch sử văn học Việt Nam và dịch các tác phẩm văn học Pháp).
Thơ Vũ Đình Liên dạt dào tình cảm, đầy lòng bao dung nhân hậu, đã thể hiện sâu sắc trong bài Ông đồ: Giấy đỏ buồn không thắm. Mực đọng trong nghiên sầu... hay Lá vàng rơi trên giấy. Ngoài trời mưa bụi bay để rồi Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ? Những vần thơ cô đọng từ hình ảnh cho đến ngôn ngữ đã để lại trong lòng người đọc một nỗi niềm bàng bạc khôn khuây.
Thơ Vũ Đình Liên còn lộ rõ nét hoài cổ với một chút gì xa vắng, hoài niệm nhẹ nhàng, vừa gợi tình vừa truyền cảm: Mái chèo mơ để bâng khuâng trôi đến. Một phương trời mây lọc bóng trăng khuya… Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa (Lòng ta là những hàng thành quách cũ).
Nhắc tới Vũ Đình Liên là người ta nghĩ ngay tới bài thơ Ông đồ, tên tuổi ông đã gắn liền với bài thơ nầy. Thực ra ông vẫn còn những bài thơ hay khác. Bài Hồn xưa là một trong những sáng tác đầu tay viết vào năm 13, 14 tuổi, đã nói lên tài hoa và hồn thơ mãnh liệt của ông: Đẹp như bức tranh, hay như bài thơ cổ. Những ngày xưa yên lặng nhẹ nhàng… Có những điều ước vọng mơ màng. Mà bây giờ chúng ta không còn nữa. Nhưng biết tìm đâu những cảnh xưa người cũ. Lặng lẽ bên đường lá rụng mưa bay.
Nhân dịp đón mừng năm mới, xin giới thiệu bài thơ Ông đồ, một nét đẹp văn hóa ngày xưa không thể phai mờ qua những vần thơ dung dị nhưng vô cùng sâu lắng của Vũ Đình Liên.
TRỊNH BỬU HOÀI
Ô N G Đ Ồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay"
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
1936
VŨ ĐÌNH LIÊN
Tags:
NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY,
TẠP BÚT,
Trịnh Bửu Hoài,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét