Và thế là đám cưới của Hào – Thủy hay nói đúng hơn, một màn kịch tuyệt vời đến nỗi diễn viên chính không nhận ra mình đang đóng kịch do một đạo diễn tài ba dàn dựng, đã được tổ chức trình diễn vào chiều chủ nhật của tuần đó.
Ông Văn Hữu không về dự!
Kể ra nếu cố gắng thì ông có thể về dự được, vì ông vào viện hôm thứ ba thì đến hôm thứ sáu đã khỏi bệnh rồi. Cái bệnh nhồi máu cơ tim phát triển nhanh mà bình phục cũng chóng. Nhưng ông không muốn về, mặc dù ông biết như thế chỉ tổ tạo thêm đề tài cho ông Nguyễn Trắc đàm tiếu. Gì không biết, chứ cái ý “xấu hổ vì con cái mà nhồi máu cơ tim” nhất định sẽ được ông Trắc đem ra sử dụng. Rồi, chưa biết chừng, cái số báo có bài của Hoàng Vũ nói về con gái ông cũng đã được in xong và Nguyễn Trắc không dại gì mà không phát nó ra trong tiệc cưới để làm nhục ông. Đã vậy thì ông không về dự đám cưới nữa. Mấy hôm nay, ngày nào Nguyễn Trắc cũng cho ông Mười đánh xe đến đón ông nhưng ông vẫn cứ một mực lắc đầu.
Tuy vậy ông vẫn nhớ bỏ vào phong bì, một khoản tiền bằng nửa tháng lương của ông để mừng. Chẳng gì hai đứa này đều là cán bộ của ông.
Nguyễn Trắc đứng ra lo liệu tất cả. Về địa điểm, ông ta sử dụng phòng họp của tòa báo, ngoài ra còn che thêm một chiếc dù trắng mượn được của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lên mảnh sân cỏ trước cửa. Bàn ghế thì ngoài số hiện có của cơ quan, ông Trắc giao cho Đoàn thanh niên phải lo mượn về cho đầy đủ. Riêng khoản nấu bếp, chạy bàn, ăn uống, chén bát ông giao cho công đoàn dưới sự điều khiển của mấy ông đầu bếp cỡ giỏi, được mượn từ một số cửa hàng ăn uống tư nhân mà ông Trắc quen biết.
Cũng như trăm ngàn đám cưới khác, đám cưới Hào – Thủy cũng có chiếc cổng chào kết bằng những tầu dừa và đám lá đủng đỉnh, trên đó treo sừng sững tấm biển “Tuyên hôn”. Cũng có dàn nhạc sống mượn từ phòng văn hóa thông tin thị xã, chơi đủ các loại nhạc từ đít – cô, lý ngựa ô đến sáu câu vọng cổ.
Để đón dâu, dù từ nhà Thủy ra đây chỉ vài ba trăm mét, người ta vẫn mượn về tới ba bốn chiếc xe du lịch và cô dâu chú rể, và những người phù dâu, phù rể , dù trời nắng nóng đến bốn mươi hai độ vẫn cứ trùm lên người chếc váy chùng đỏ bằng nhung dài loẹt xoẹt và bộ com lê bằng len mà những người không phải là họ nhìn thấy cũng phát rung mình phát sốt.
Và đám cưới này cũng còn giống như đám cưới khác là ai đã đến đây cũng phải đem theo chiếc phong bì bên trong đựng số tiền ít ra là bằng chi phí của bữa ăn họ được thiết đãi hôm đó… Và khi cô dâu được chú rể cầm tay xềnh xệch lôi kéo đến từng bàn ăn thì ông chủ hôn đi cùng lại phải thay mặt đôi vợ chồng mới cưới uống cạn một ly cối rượu để nhận thay cho lời chúc mừng hạnh phúc nồng nhiệt của thực khách cùng những chiếc phong bì đựng tiền tặng cho cặp vợ chồng mới cưới. Rồi người ta vỗ tay hoan hô rầm rầm và ông thợ ảnh phải nháy cho được một kiểu. Có thế mới vui, có thế mới là chịu chơi…
Tóm lại, dù chủ hôn là ông Nguyễn Trắc, một nhà báo cách tân thì tiệc cưới của hai đứa cháu vẫn giống như trăm ngàn đám cưới khác. Thế thôi! Nhưng thực ra cái gọi là “giống” này làm sao che đậy được những cái “khác”, cái “dị biệt” mà chỉ đám cưới này mới có.
Ấy là ở hai con mắt của Nguyễn Trắc, loang loáng, ranh mãnh như diều hâu, nửa tiếc rẻ nửa lại như thỏa mãn, tràn trề khi tự hào ngầm rằng, cái thân hình mơn mởn tuổi xuân của cô “nàng dâu” kia, ông đã từng có đêm được thỏa thuê tận hưởng.
Đấy là cái miệng như mếu, như khóc thầm, méo xẹo của bà Năm Trắc, khi bà chua chát nghĩ rằng: “Thủy ơi, vì cái ghế của chồng tao mà tao phải giả câm giả điếc cho chúng mày đóng với nhau cái vở tuồng “chú cháu” để làm đủ trò quỷ ma sau tấm màn nhung.
Ấy là cái vẻ mặt nửa sáng, nửa tối , nửa vui, nửa buồn của Hào. Nó không giấu nổi sự dày vò bên trong nhưng cũng không che đậy được nỗi hào hứng của một người vừa thắng cuộc.
Nhưng vượt lên tất cả là Lệ Thủy. Không ai có thể đọc được ở cô một điều khác ngoài sự lễ độ, khiêm nhường và tràn đầy hạnh phúc của một cô gái có sắc đẹp, có học vấn lại lấy được người chồng vừa lứa xứng đôi. Đó không phải là do cô giỏi đóng kịch mà là thực tế những ngày qua đã giúp cô có được một nhận thức, một phân tuyến rõ ràng giữa trắng với đen, giữa thực với giả. Nhờ đó mà hôm nay trước mắt cô đã hiện rõ nguyên hình một Nguyễn Trắc. Trong dòng suy tưởng cô nghĩ đến Hào. Từ một nạn nhân của Trắc anh trở thành ân nhân của Thủy. Anh là một con người tuyệt vời, một tâm hồn trong trắng. Anh chỉ có một lỗi lầm là trong cuộc sống đầy rẫy những phản trắc này lại cả tin quá. Cả tin đến mức ngây thơ. Thủy nhớ lại một đêm gần đây khi hai người nằm bên nhau.
- Kết quả rồi đó!
Thủy phát tín hiệu thăm dò anh mà nào anh có biết. Đã vậy anh còn ngây thơ hỏi lại:
- Thật thế hả?
Yêu say đắm làm cho anh quên tất cả . Anh như người đi biển quá say mê đại dương mà không cần biết đến sống gió quanh mình:
- Em định đặt tên con là gì?
Thủy tủm tỉm cười. Hãy thử tài phán đoán của anh chàng si mê này lần nữa xem sao. Thủy trả lời ngay:
- Nguyễn Phản , nếu là con trai…
Anh giãy nãy lên:
- Sao lại là Phản? Phản đi kèm với Trắc thì nó trở thành phản trắc à. Giá có là con chú Trắc thì mới đặt tên như thế chứ!
Hào cười làm Thủy giật mình. Chết cha, sao mình lại ngu thế. Anh ấy đoán ra được thì nguy to. Thủy chờ Hào một câu phán đoán nhưng không thấy gì, chỉ thấy anh ôm ghì lấy Thủy mà thều thào:
- Đặt tên nó là Phóng . Hào – Phóng. Thế mới có lý.
Vậy là an toàn tuyệt đối rồi! Thủy khấp khởi mừng thầm.
Ý nghĩ về Hào lại gợi thêm ý nghĩ về Nguyễn Trắc. Thủy nhớ lại đêm hôm xưa, Trắc lại dặn cô đến phòng làm việc để bàn một số việc riêng trước ngày cưới.
Hôm đó ông ta sờ tay vào bụng Thủy:
- Cho anh xem đứa con anh trong bụng em với!
Rồi còn nhảy chồm lên định dằn ngửa Thủy ra. May sao cô kịp thời đạp cho ông ta mấy đạp:
- Đồ đê hèn… cút đi !
Thế là ông ta phải buông ra năn nỉ:
- Thôi bỏ qua cho chú. Cách đây một phút chú không phải là chú nữa.
Lúc ấy trông mặt ông ta nhăn nhíu đến bỉ ổi. Ấy thế mà chỉ qua mới một đêm, bây giờ ông ta đã có thể oai vệ trong chiếc áo vét, thắt cà vạt đen trịnh trọng tuyên bố:
- Thay mặt cơ quan, đoàn thể và gia đình, tôi xin được khuyên nhủ hai cháu mấy điều. Hai cháu phải nhớ rằng có được ngày vui hôm nay là phải nhờ công sức của bao nhiêu người.
Nghe vậy, Thủy chỉ còn biết có cười. Cười một mình. Chua chát.
- Em cười gì vậy?
Hào đã phát hiện ra nụ cười ấy khi anh cùng Thủy ôm bó hoa trắng muốt trinh bạch cho ông thợ ảnh đang tìm nhiều góc độ để chụp hình:
- Em cười cái ông thợ kia. Ban tổ chức chưa mời ông ấy ăn cơm hay sao mà chốc chốc lại lấy tay kéo chiếc thắt lưng lên.
Đám cưới này còn có cái khác nữa là trong tiệc cưới chuyện vui, chuyện tiếu lâm không đem ra kể mà chỉ toàn đem chuyện đấu nhau ra bàn luận thôi. Kìa, hãy xem ông Nguyễn Trắc. Đi đến bàn ăn nào cũng nâng cốc lên cao rồi thao thao bất tuyệt: “Nào, chúng ta cùng nâng cốc chúc cho mọi sự đổi mới thành công trong đó có tờ báo của chúng ta!” Rồi lại tuôn ra hàng tràng những câu có sẵn mà lúc này ông đã khéo léo gài vào một lý do mới: ”Đổi mới à? Trước tiên phải đổi mới tư duy, đổi mới lý luận mà đầu tiên phải là đổi mới con người lãnh đạo. Đã đến lúc những con người là sản phẩm của chế độ quan liêu bao cấp cũ không còn chỗ đứng nữa, chứ đừng nói đến cái ghế của họ ngồi trong xã hội chúng ta…”
- Con người đó là ông Văn Hữu, Tổng biên tập báo chúng ta phải không ông Năm Trắc?
Phóng viên Mạc Vận mượn ly rượu để nói to lên cho mọi người nghe thấy câu châm chọc của mình. Nguyễn Trắc không những không tự ái mà còn cho đó là biệu lộ sự đồng tình với ông nên vẫn cứ huênh hoang, lè nhè. Mặt ông ta đã bắt đầu đỏ gay nhưng ngôn ngữ vẫn chưa bị lộn xộn:
- Bản báo chúng tôi đang đổi mới quyết liệt. Được nhất trí của Ban tuyên huấn chúng tôi bắt đầu cho mở mục: “Nói thẳng, nói thật” nhằm giúp Đảng nắm được tâm tư nguyện vọng của quần chúng và phê phán những kẻ làm ăn bất chính. Nào, sau đây mời bà con ta đóng góp bài vở. Nhuận bút cũng đã đổi mới… Nào, xin mời, xin mời… chỗ này trăm phần trăm hay cưa đôi đây?
Chả ai hiểu ông Trắc: “Xin mời, xin mời” là kêu gọi mọi người viết bài cho báo hay là mời nâng ly nữa. Rõ ràng là ông Trắc bắt đầu xỉn rồi nhưng ông vẫn chưa chịu thôi, vẫn nín thở dốc cạn ly liền liền. Bỗng mọi người thấy ông ngó nghiêng như có ý tìm ai. Bà Chín đang ngồi cùng bàn với Thủy và mấy cô gái khác vội vàng đứng lên:
- Chú kiếm nước chấm hả?
Năm Trắc lắc đầu, không nói nốt. Mãi sau ông ta mới hết kiếm tìm khi ‘’bắt’’ được cô Hồng, nhân viên sửa bản in của tòa soạn đang ngồi cười cợt với mấy anh em nhạc công.
- A, con Hồng đây rồi, định ca hát hay sao?
Hồng lẽn bẽn:
- Đâu có, chú.
- Báo in xong chưa? Chạy qua nhà in đem về mấy chục số để biếu Hội nghị này đi!
Mọi người cười ồ lên vì tiếng ‘’hội nghị’’ mà Nguyễn Trắc vừa nói. Hồng ngước mắt nhìn lên, tủm tỉm cười:
- Chú xỉn rồi, chú ơi! Còn báo ấy à, in sắp xong rồi chú ạ. Cháu vừa mới sửa bông hai xong.
Nguyễn Trắc phần chấn hẳn lên:
- Cũng được, đâu, đưa bản sửa bông đó cho chú!
Hồng chạy lên lầu mang xuống tờ giấy to bằng nửa trang báo lớn đưa cho Nguyễn Trắc. Ông ta mở ra coi ngay rồi mừng rỡ vỗ hai tay vào nhau nói lớn:
- Xin mời bà con giữ trật tự để nghe tôi đọc bài đầu tiên trong mục “Nói thẳng nói thật” của báo chúng ta. Nào tắt nhạc đi!
Cả đám tiệc im bặt. Người ta nghe rõ tiếng lỗ mũi ông Trắc thở phì phò.
Nguyễn Trắc hắng giọng rồi đọc: “Một vụ lợi dụng công tác để buôn lậu”.
Hào thấy tim mình muốn bật ra khỏi lồng ngực. Chết thật, sự việc ấy lại xảy ra đến nỗi này ư? Lần đầu anh cảm thấy mình mắc phải một cái lỗi lớn hèn hạ là nói dối. Anh đã nói dối ông Văn Hữu, nói dối cơ quan, nói dối bạn đọc… Thực ra lúc đầu anh chỉ định nói dối ông Văn Hữu thôi. Nói dối vì sự tự ái với Diệp Mỹ, vì ghen với thằng cha lái xe ấy. Hôm ấy, sau khi nói dối với ông Văn Hữu rằng: “Cháu đã đi xác minh cẩn thận và thấy sự thật quả là như thế” thì đáng lẽ ra ông Văn Hữu phải cho người đi xác minh lại một lần nữa rồi hãy cho đăng lên báo mới đúng. Đằng này lại giao cả quyền xác minh cho ông Nguyễn Trắc. Thế là…
Hào bỗng thấy ớn lạnh sống lưng. Xấu hổ quá! Ti tiện, nhỏ nhen quá! Diệp Mỹ ơi, em có hiểu cho anh không?
“Cô Trần Thị Diệp Mỹ, nhân viên hướng dẫn của Công ty Du lịch…”. Trong cơn chập chờn hoảng loạn, giọng Nguyễn Trắc cứ như chiếc kim nhọn chích từng mũi, từng mũi vào ruột gan của Hào.
- Diệp Mỹ là cô nào? Con cái nhà ai mà động trời vậy?
Nhiều người hỏi. Nguyễn Trắc cứ để mọi người xì xào bàn tán cho đã rồi ông mới đến đứng trước máy phóng thanh:
- Vì bà con thắc mắc cho nên tôi xin được phép tiết lộ chuyện nội bộ: Diệp Mỹ là con một đồng chí trong cơ quan chúng tôi.
Vừa nghe câu nói đó nhiều người đã vỗ tay hoan hô rầm rầm. Có những người còn nói to như hô khẩu hiệu:
- Con ông Văn Hữu chứ gì! Thì nói toẹt mẹ nó ra. Thế mới là nói thẳng nói thật chứ.
- Con cái như thế thì còn thay mặt ai mà dạy chúng tôi được.
Nghe những tiếng bàn tán ồn ào như đám mổ bò ấy, Nguyễn Trắc thấy vui hơn cả niềm vui trong tiệc cưới. Ông chỉ buồn một nỗi hôm nay lại vắng mặt Văn Hữu.
Lát sau tiếng cười nói lặng dần. Bấy giờ mọi người mới phát hiện ra phòng bên có tiếng chuông điện thoại réo. Cô Hồng vội vã chạy sang nghe rồi hốt hoảng trở về, mặt cắt không còn giọt máu:
- Chú Năm, có điện!...
- Điện gì?
- Cô Diệp Mỹ!
- Buôn lậu bị bắt phải không?
- Không phải, cô ấy… sắp chết!
- Nhưng sao người ta lại kêu về đây?
Hồng vẫn chưa hết lo sợ:
- Dạ, nhà thương… Họ điện kiếm chú Tám Hữu.
Hào vội vã bỏ Thủy đứng một mình để chạy sang vồ lấy máy điện thoại:
- Sao?… Diệp Mỹ làm sao kia?
Hào trở lại hốt hoảng báo tin:
- Cô Diệp Mỹ, con gái ông Văn Hữu, thủ trưởng của chúng ta đây, bị bọn lưu manh dùng dao đâm trọng thương đang hấp hối ở bệnh viện… Xin phép bà con cho tôi được vắng mặt ít phút.
Hào vừa bước ra ngoài liền bị Nguyễn Trắc nắm lấy tay kéo lại:
- Cháu không được làm thế ! Nó đi buôn lậu bị đồng bọn giết chết thì có gì phải bận tâm. Cháu có biết lúc này ở đây đang làm gì không?
Ba Hai Thình mặt tái xanh tái xám chạy ra ôm chầm lấy Hào, mếu máo:
- Con ơi, con thương lấy mẹ đi… con mà bỏ đi bây giờ khác nào con nhổ nước miếng vào mặt mọi người ở đây. Khổ, số tôi nó khốn nạn thế đó… Đang tiệc cưới lại hóa ra tiệc đám ma…
Hào cầm tay mẹ van xin:
- Nghĩa tử là nghĩa tận… Cô ấy sắp chết rồi. Con xin má và các cô bác cho con được chạy sang đó ít phút rồi con trở lại đây ngay… Cô ấy đang muốn gặp con… Chúng ta thì còn cả một cuộc đời mà cô ấy chỉ còn lại ít phút.
Hào chạy vụt ra ngoài.
Ông Mười khẩn khoản đề nghị nhưng Nguyễn Trắc đã xua tay:
- Khỏi! Khỏi! Ông cứ việc vui với các cháu. Đang xỉn thế kia lái xe làm sao được.
Nói được câu ấy chứng tỏ ông Nguyễn Trắc vẫn còn tỉnh lắm, chứ đã say đâu.
(Hết chương 19)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét