Sáng nào cũng vậy, Tân đưa chiếc lưng trần, tay cầm cái áo, dẫn đàn cháu đi tắm biển. Khi đến ngã tư, quẹo qua hẻm, lướt nhanh qua đường ray xe lửa để về nhà.
Anh bảo đi tắt gọn hơn, cuộc đời của anh cũng thế, cái gì cũng không bằng thực tế, con đường thẳng nhất dễ thành công, dễ tính nhanh gọn. Nhờ cái nhanh gọn ấy, ngày nay Tân có được ngôi nhà lầu, bốn tầng, cửa đóng, then cài, sơn màu xanh lam tuyệt đẹp.
Ngày xưa, nơi này, nằm trên con đường có chiều dài mà thiếu chiều rộng. Cái thuở chiến tranh, ở thế nào cũng được, miễn sao có chỗ trú nắng mưa. Nhà Tân cũng nằm trong số phận đó. Mặt nhà quay về hướng bắc, gió đông lạnh lẽo. Bên trái là một chiếc mả lớn, không biết có tự bao giờ. Từ ngày Tân ở đến nay, ngày mồng năm, hay ngày tết, không thấy người nào đến thắp hương. Tân ở nơi này, nhớ ngày lo quét dọn, hương khói để thể hiện lòng thành. Rồi đời sống xã hội vươn lên, người càng đông, bên nhà Tân, mọc lên ngôi chợ chồm hỗm, không che lều bạt gì hết, chỉ có con đuờng hình chữ U, người ta chọn nơi đây làm chợ. Được sự đồng ý của chính quyền, các nhà chung quanh giải tỏa, có tiền, những người bị cấn đất đi tìm nơi khác, có nhà chỉ vài mét vuông vẫn bám lại để buôn bán, kiếm sống qua ngày. Ở nơi chật chội ồn ào, mà làm ra đồng tiền, còn hơn chốn rộng rãi mà không phải chỗ buôn bán. Chợ mở ra nằm bên nhà Tân, thuận tiện quá chừng, Tân làm bốn phòng trọ, phía trước cho người thuê làm tóc, đồ cưới, còn người trong nhà lên hết tầng trên.
Nhớ đến Tân, tôi mê anh, nhờ cái siêng năng, cần mẫn, lo làm ăn nuôi ba đứa con, nay đều có gia đình, anh hôm nay chỉ ngồi đếm tiền, quản lí nhà, dầu anh có của vẫn thích lao động, anh sống hòa nhã với mọi người, giản dị, ít giao tiếp. Anh sợ những lúc đói không biết nhờ vả ai? Nhớ truớc đây, anh dạy học, ngày một buổi, còn buổi chiều về lại thành phố, làm xe đạp. Anh chăm chỉ, siêng tay, gặp ai cũng cười xòa, rồi đi! Lúc bấy giờ xe gắn máy xin dừng bước, vì xăng giá cao. Anh đi làm bằng xe đạp, nhà nhà xe đạp, người người xe đạp. Trời ngã bóng về chiều, người công sở đổ ra đường tấp nập, xe ô tô cũng có, mà xe đạp càng nhiều, lúc này chỉ có chiếc xe hai bánh là thuận tiện. Tân đi tìm một khoảng đất trống, trên đường Diên Hồng, người dân ở còn thưa thớt. Nơi đây anh kéo một chiếc lều, đón xe đạp qua lại. Ai có điều kiện thì ghé vào, trên lều có dòng chữ to: Vá Xe, Thay Xăm Lốp. Ai có nhu cầu mang đến. Lúc đầu tôi nhìn anh với cái nhìn chân yếu tay mềm, bó gà không chặt, chọn đi sửa xe đạp! Làm xe đạp phải có đôi tay rắn chắc, vặm vỡ. Tay có mạnh mới mở ốc ra chứ? Có nhiều cái xe quá cũ, để lâu bị rỉ sắt, tưởng chừng bỏ xó. Nay lại có dịp, đem ra tân trang, các trục đều khô dầu, lúc này anh nhanh trí cho lin vào, chầm chậm mới mở ra. Anh nói: Đồ dùng Trung Quốc, khác đồ Việt Nam, trục của họ có kích thước khác nhau. Vì vậy, muốn làm được phải sửa laị. Có nhiều xe cũ quá, mở các ốc phải toát mồ hôi.Tôi thưa: nghe người ta nói làm xe đạp, khó nhất là cân vành. Anh làm sao? Tân trả lời gọn trơn, dễ ợt! Đưa vành vào một kẽ tường gạch, mà bẻ lại, hay lấy chân đạp cho thẳng, rồi đem ra cân vành. Anh nói, làm xe đạp phải có trí tướng. Nếu không biết bắc vành, gặp ca khó quá, không mở ốc ra ngồi đó mà gặm gân! Tân vừa làm vừa nói chuyện, tôi thêm vào, đúng là lí thuyết gắn liền với lao động. Người ta nói không sai. Anh cười, hai tay lau lau mồ hôi trên trán.
Bây giờ, trên cao, trời nắng chan chan, cái nắng mùa hè khó chịu. Gió từ biển đưa lại không hết oi bức. Tân giống anh thợ sửa xe chính hiệu. Chiếc áo kaki này làm ra tiền đây! Anh nói vui, xong, giờ vắng khách, đem cái lon ra, anh ngồi lộn sên. Lúc đầu không ai biết lộn sên là cái gì? Ai đi xe hư sên là bỏ, giờ sáng tạo, lộn sên để đi. Câu chuyện buồn cười, trong cái khó, nó ló cái khôn. Tân nói tiếp, xe honda còn mài đĩa, lộn sên quá trời, tại ngã ba Cai Lang, bạn dừng xe lại là có người chạy ra, làm xe? Thay gì? Thôi thì đủ các loại, loại khá và loại thường, tùy khách hàng chọn. Xe lộn sên đi không ngon bằng xe mới, tiếng kêu rát rạt, máy nổ ầm ầm. Đó là cách sáng tạo của các kĩ sư bình dân, tự chế để phục vụ ngắn ngày. Nhìn lại chao ôi thật là vui!
Tân nhớ lời thầy dạy: Học sư phạm là để làm thầy giáo dạy trẻ! Nhưng, gặp lúc khó khăn quá, phải cố tìm cách để tồn tại? Có người mang bệnh sĩ, không dám xông lướt để vợ con phải khổ. Tân thì khác, anh thích nghi, nhập cuộc, làm việc để tìm cái sống. Chủ nhật, gia đình con cái quanh mâm cơm sáng, anh tranh thủ lấy xe đi chở mấy bà đi chợ sớm, kiếm tiền cải tạo bữa chiều, đời sống kinh tế còn khó khăn. Người xưa có nói: Thà bật đốm lửa lên mà đi, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối. Tân lo làm ăn, siêng bữa, cố gắng nuôi đàn con. Ngày nghỉ, anh phân các con đi bán muối, ớt, ở chợ, đứa có giờ ở lớp thì đi học, đứa không có giờ phải trực gian hàng, vì vậy, cửa hàng dầu muối của anh không có ngày nào đóng cửa. Các con hay than vãn: Mẹ hay về trễ, không tham gia công việc gia đình, anh thường biện hộ, nào là công tác ở cơ quan rất vất vả, còn trực ca đêm nữa. Nghề này cần lương tâm nhiều hơn trách nhiệm, thầy thuốc như mẹ hiền. Như nghề của ba đây, ba phải lo giáo án, dự giờ, thao giảng, bận rộn qua các kì thi đua. Khi con chim tu hú gọi bầy, báo hiệu mùa hè đến, thầy cô giáo mới xa trường.
Vào đêm tối, thành phố mọi người đang say vào giấc ngủ, lúc bấy giờ, anh lo dạy đàn con. Các con nay đã lớn rồi, tập tính tự lập, tập làm tròn bổn phận, đừng để ai phải nói đến mình. Ở trường, các con cố gắng đạt con ngoan, trò giỏi, về nhà, anh em thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ cho nhau. Mẹ hay đi về trễ, bỏ cơm tối, vì công việc. Mẹ con lam lũ, con thương và đừng trách mẹ. Những buổi cơm chiều, thiếu một thành viên trong gia đình, ai không buồn? Nhưng làm gì hơn? Vì mẹ con bận công việc, cứ mỗi lần các con nhắc đến mẹ, là Tân biện hộ vì lí do này, hay lí do khác. Lúc nào Tân cũng lo làm ăn và lo hạnh phúc gia đình.
Thế rồi một buổi chiều, một tin động trời đăng trên mặt báo, câu chuyện trở nên nóng sốt với các chị phụ nữ lối xóm. Vợ Tân bỏ nhà ra đi với một người cùng ở cơ quan, làm hạnh phúc gia đình gãy đổ. Tân đang lo lắng, bâng khuâng, một người đàn bà lạ mặt đến mắng vốn anh, mặt đỏ phừng phừng, anh bực quá, liền nói lại. Ai dẫn chồng chị? Sao chị không biết giữ chồng để chừ đến đây trách móc gì? Hai bên cãi vả, lời qua tiếng lại, có người hàng xóm góp vào: Thôi hai bên phanh giảm cơn giận lại, bên nào cũng có lỗi, hai người cũng có lỗi. Theo tôi đoán thời gian ngắn hai người sẽ quay về. Anh hàng xóm nói phải, hai người ra đi trốn gia đình như một con thuyền ra khỏi biển, chậm mau gì cũng bị sóng xã hội nhận chìm, và cuối cùng họ sẽ quay về?
Ba năm sau, có người nói, mẹ của các cháu, tức vợ của Tân đang ở tại nhà bà ngoại, qua chuyến đi, chị hối hận, chị cố gắng sống bằng yên lặng, lánh mặt người quen, chị cảm thấy mất mát lớn, mất chồng và mất luôn con. Thế là bao nhiêu năm ẵm bồng nuôi nấng, bây giờ hai bàn tay trắng. Tân nghe tin, liền tìm qua nhà ngoại, mong hàn gắn lại hạnh phúc gia đình. Nhưng chị lánh mặt, sống trơ trọi, hàng ngày lo yên lặng tự ân hận. Theo như người khác nhận định, chị trước đây có tính phóng khoáng, thích giao lưu với những người thiếu công việc căn bản, thích phim ảnh… Nay chị tìm quên vào những ngày đã qua, mến thanh lặng, lấy tiếng mõ, tiếng chuông làm bè bạn... Vào buổi chiều, chị hay ngồi trước thềm nhà nhìn từng chiếc lá vàng rơi, rồi thương cho đời mình khó khăn lận đận?
Còn anh, anh muốn nối lại tình xưa, dầu sao cũng là người vợ có hai bên cha mẹ đồng ý, anh lúc nào cũng yêu thương chị không một lời than thở trách móc. Tân không còn yêu ai nữa, vì theo tình yêu, là do tiếng sét đầu tiên và cũng là ga đời cuối cùng, còn bước thêm một bước nữa, chỉ là mối tình kế tiếp mà thôi? Tân sống cùng con cháu, ngày ngày, dẫn cháu đi tắm biển, biển quê hương đẹp tuyệt vời, biển tha thiết như mối tình đầu mới chớm, anh không trách đời, mỗi người có một cuộc đời, đừng vô tâm xé nát cuộc đời, tiếc lắm!
Chiều nay, gió nồm lên hây hẩy, lòng Tân cảm thấy vui cùng con cháu, nhìn biển sóng giận hờn, từng đợt sóng nô đùa đuổi nhau. Anh ham thích lao động, vì lao động là của hiếm, là niềm vui cho cuộc đời này.
C.Q.P
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét