Sau đám tang của Diệp Mỹ, Nguyễn Trác lại có nỗi buồn mới. Cái kế hoạch định hạ uy tín ông Văn Hữu qua chuyện mục “NÓI THẲNG NÓI THẬT” với bài báo đánh thẳng vào con gái ông ta đã bị thất bại hoàn toàn và còn bị quật ngược trở lại vì cái chết của Diệp Mỹ càng làm cho ông ấy vinh quang hơn.
Nhưng nỗi buồn ấy cũng không lớn bằng nỗi buồn khác. Ấy là vài tuần nay dư luận bạn đọc khen tờ báo Đồng Quê quá nhiều.
Hôm qua, ông có ghé mấy sạp báo để thăm dò tình hình phát hành thì ở đâu cũng được các cô bán sách khoe:
- Chú Năm nè, báo của các chú hồi này bán chạy quá hà! Ai tới cũng hỏi báo Đồng Quê của chú đó!
Nghe thấy thế ông cũng giả bộ làm vui. Hoặc cũng hôm qua khi ở nhà vừa mới tới tòa soạn, Thủy đã hối hả khoe ông một xấp thư dày cộp:
- Chú Năm nè! Bài hưởng ứng mục “Nói thẳng nói thật” đó! Nhiều không! Này người ta còn viết cả thư khen ngợi nữa này.
Thủy vừa đưa chồng thư từ cho ông thì có tiếng chuông điện thoại réo lên rồi tiếp đó là ông Văn Hữu từ phòng trực bước ra với vẻ mặt tươi tỉnh khác thường:
- Anh Sáu bí thư vừa gọi điện thoại cho tôi khen sự đổi mới của tờ báo chúng ta qua mấy số vừa rồi đó! Anh Sáu nói vừa qua anh có xuống huyện An Lạc, cán bộ và nhân dân ở đây rất hoan nghênh bài “Những tiếng kêu cứu cần được trả lời” viết về vụ anh Lê Duy Liên, phó công an xã, lợi dụng chức quyền đánh đập, ức hiếp nhân dân. Anh Sáu nói huyện ủy An Lạc rất cảm ơn chúng ta về bài báo này…
Khen thế chưa đủ hay sao mà ngay buổi chiều hôm đó lại có một ông già nông dân từ dưới An Lạc chạy vỏ máy lên tòa soạn, tay xách theo hai con vịt xiêm mỗi con phải đến ba bốn ký. Ông cụ cứ đòi gặp thủ trưởng. Đám anh em phóng viên chỉ cho cụ gặp ông Trắc nhưng cụ không chịu cứ bảo “Tôi phải gặp ông Tám Hữu kia, ở huyện người ta dặn thế”… Tám Hữu ra gặp cụ. Việc đầu tiên là cụ xá ông mấy lạy rồi cung kính nói: “Bà con ở ấp 12, xã An Đông, huyện An Lạc, nhờ tôi lên đây gặp ông để cảm ơn ông và anh em trong tòa báo đã cứu chúng tôi thoát khỏi được nạn ức hiếp của một tên cường hào, đội lốt cách mạng… Của ít lòng nhiều, chúng tôi xin biếu các ông trong tòa báo cặp vịt xiêm để cơ quan nấu cháo liên hoan…”
Ông cụ bỏ đôi vịt xiêm lại rồi lập cập ra về. Ngay đêm hôm ấy, bữa liên hoan “cháo vịt xiêm” được tổ chức. Các anh em phóng viên, biên tập viên ở Đài phát thanh, Đài truyền hình sang dự hết. Đồng chí Tám Đậu, Trưởng ban Tuyên huấn cũng sang. Đồng chí ấy sau khi nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần đổi mới của báo Đồng Quê đã ghé tai ông nói nhỏ: “Văn Hữu hồi này chuyển biến tốt đó. Cố gắng mà ủng hộ ông ta!” Ông nghe cứ ợm ờ, không gật mà cũng chẳng lắc đầu. Đến khi có một anh nào đó ở bên truyền hình cụng ly với ông Văn Hữu đã xướng to lên: “Hoan hô Văn Hữu!” thì nhiều anh em khác, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao cũng cứ phụ họa theo, la lớn như hô khẩu hiệu:
- Hoan hô Văn Hữu! Nào chúng ta trăm phần trăm để chúc Văn Hữu, chúc mừng tờ báo Đồng Quê đang trên đà cải tiến.
Ông nghe mà thấy tưng tức trong người. Chả lẽ ông lại đứng lên cải chính: “Này, cái sự đổi mới là do tôi, Nguyễn Trắc đó, chứ không phải do cái ông ù lì, gàn bát sách đó đâu!”
Nói thế, lộ liễu quá, nên ông đành ngồi xuống uống cho hết ly rượu đế… Đã buồn, ai ngờ lúc tiệc tan, ông Tám Đậu còn ở lại gặp ông và ông Văn Hữu để nói rằng:
- Nè! Cuộc họp báo địa phương sắp tới Tám Hữu phải đi dự đấy! Đi để còn báo cáo về công việc đổi mới báo chí của chúng ta vừa rồi chớ.
- Báo cáo anh Tám, chúng tôi đã nhất trí để anh Năm Trắc thay tôi đi họp.
Ông Văn Hữu đã nói thế nhưng ông Tám Đậu lại lắc đầu:
- Không nên ông à! Theo tôi họ mời Tổng biên tập thì ta cứ đúng đối tượng mà đi.
Năm Trắc ngồi đấy vừa mắc cỡ, vừa tức tối. Rõ ràng là tỉnh không tín nhiệm ông, còn nghi ngờ ông về một điều gì đó. Cái chuyện đi họp phải đúng thành phần kia chỉ là cái cớ thôi.
Cho nên bữa liên hoan đêm ấy mọi người vui mà ông lại buồn. Buồn đến nẫu ruột. Đêm ấy ông lại không ngủ được. Ông chửi thề một mình rất nhiều lần. Mẹ kiếp, cái sự đổi mới của tờ báo Đồng Quê này do ai? Ai là người quyết tâm đấu tranh để mở bằng được chuyên mục “NÓI THẰNG NÓI THẬT” trên báo. Ai? Nếu không là ông thì còn ai nữa, tới chân lông của những con người ấy. Nếu không có ông thì Văn Hữu còn là đút chân vào gầm bàn, đóng cửa im ỉm viết vài ba câu văn chương nhạt hơn nước lã. Thế mà giờ đây, cái gì cũng Văn Hữu với Tám Hữu. Lãnh đạo nào gọi điện cũng gọi cho Văn Hữu. Ông già nông dân đem vịt lên tặng cũng kiếm Văn Hữu. Rồi đến khi đi họp báo cáo điển hình cũng Văn Hữu. Mẹ kiếp, ông là cái bệ cho Văn Hữu đứng lên vai để hái quả đấy à? Ông là cái thang để Văn Hữu trèo lên cao đó sao? Không, không thể thế được. Văn Hữu ơi, tao đã trót làm ngựa cho mi cưỡi thì bây giờ chính con ngựa này sẽ bất kham mà quật cho mi ngã xuống từ chính trên lưng tao. Tao sẽ làm! Tao sẽ làm như thế đó…
Một nỗi buồn khác lại đến với ông. Ông nhớ lại cũng sáng hôm qua, Thủy còn nói với ông rằng không hiểu bọn Vũ Tùng ở thành phố làm ăn thế nào mà mấy số đặc san vừa rồi lại không trả tiền nhà in để họ vừa gọi điện thoại xuống kêu ông phải đem tiền lên trả. Cái bọn này lại chạy làng rồi. Nó ói mửa ra lại bắt ông dọn đây. Xưa nay hợp đồng in ấn đã thống nhất: tiền in ấn là thuộc về bên B, tức là nhóm Vũ Tùng. Thế mà sao nay nó lại đẩy cho ông. Trong khi đó thì tiền “phần trăm” rồi tiền “chịu trách nhiệm xuất bản” họ đã trả cho đâu. Hỏi thì họ cứ khất lần này để đến cái nỗi này đây. Trong khi đó thì vì nhắm trước sẽ có một món tiền như thế nên ông đã linh động ứng trước của cơ quan đến cả triệu đồng. Nay thế này biết lấy gì mà trả?...
Nguyễn Trắc ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau, cái tâm trạng của đêm trước vẫn cứ đeo đẳng ông.
Ông lại tìm đến quán cà phê “Tri kỷ”, cái quán mà những khách có “tâm trạng” thương tìm đến. Nó nằm sâu trong sân lát gạch tầu của một căn nhà xây theo kiểu cổ. Giữa sân có một cây si buông rễ trùm ra bốn phía như bộ râu của một ông già. Dười bóng mát của những chùm rễ đó, bên những chiếc bàn ghế đóng thô sơ theo hình dáng những khúc cây cưa tròn và trong tiếng nhạc nhẹ phát ra từ một chiếc máy thu băng cũ kỹ… là những bộ mặt lầm lì, trầm tư mặc tưởng.
Năm Trắc chọn một cái bàn vắng, kêu một ly cà phê đen rồi ngồi nhâm nhi một mình… Ông nhìn quanh và nhận thấy không có một khuôn mặt nào quen thuộc cả. Điều đó càng làm cho ông hài lòng. Ông đang muốn yên tĩnh, đang muốn cô đơn… Nhưng sự đời lại không bao giờ chiều theo ý muốn con người. Vừa lúc đó thì Hào lại tới. Cậu ta cùng đi với Mạc Vận… Hai đứa đi đâu thế? Chúng nó chưa nhìn thấy ông nên cứ tự nhiên đi lại cái bàn ở gần bên ông.
- Nè, hai chú mày đi đâu đấy?
Ông hỏi làm cả hai giật nẩy người. Hào quay lại:
- Ô! chú! Chú đi đâu mà lại tới đây?
Ông cười gượng gạo:
- Đi uống cà phê chứ đi đâu!
Cả ba cùng cười.
Hào và Vận chuyển sang uống cùng bàn với Năm Trắc.
- Chúng cháu đi về huyện An Bình chú à!
Khi được biết hai người này: “đi viết về hai điển hình tiên tiến” thì ông đã cười mỉa mai:
- Bây giờ mà vẫn còn những thứ xa xỉ phẩm ấy à?
Ông bị Mạc Vận phản công liền:
- Sao lại không hả chú? Chú chỉ đạo thế thì chết bọn làm báo chúng tôi rồi. Chả lẽ cứ chúi mũi đi đánh hơi những cái xấu, những của hôi thối thôi à?
Ông biết mình lỡ lời, vội xởi lởi:
- Nói vui vậy thôi, chứ đúng ra là báo chí cách mạng thì một bài phê phán phải kèm theo ba bài ca ngợi!
- Sao chú lại nói thế?...
Mạc Vận vừa định cãi lại thì Hào đã lấy tay xua xua ra hiệu cho Vận không nói nữa:
- Thôi, chuyện đó ta bàn sau! Chú à, kỳ này cháu đi viết về một cô giáo dạy giỏi, còn Mạc Vận thì viết về một nông dân làm ăn khá, giàu có lên rất mạnh.
Năm Trắc lại cười, phá ngang:
- Coi chừng đó nghe! Không khéo bài viết vừa lên khuôn mà các điển hình lại dở chứng như vừa hủ hóa, vừa đánh lộn đêm trước thì thật là rầy rà to.
Cả Hào lẫn Vận đều thấy phát ớn khi phải ngồi nói chuyện thêm nữa với cái ông thường nhân danh là Phó tổng biên tập mà lại ăn nói kỳ cục đến thế nên họ nháy nhau đứng dậy ra đi. Thấy vậy, ông vội kéo tay Hào lại hỏi:
- Ô này, con Thủy đêm hôm đi đâu mà không tới liên hoan cháo vịt xiêm vậy?
Ông hỏi thế vì trong ông vừa thoàng một ý nghĩ khi nghe Hào nói anh sắp phải xuống An Bình. Từ đây đi An Bình tám chục cây số đường xuồng, có giỏi cũng phải xa nhà một tuần lễ. Một tuần lễ là bảy ngày… Ha… ha… ông sẽ… Nhưng Hào đã trả lời một cách cắt ngang ý nghĩ của ông:
- Dạ, vợ cháu bệnh!
- Sao vậy?
- Dạ… bị cái gì mà đau bụng hoài… Hình như bị… động thai thì phải…
Sau đó hai người họ ra đi. Để lại cho ông một nỗi mừng thầm… Ông sẽ tới thăm Thủy. Hình như gần đây nó không ở nhà chồng mà đã về nhà mẹ đẻ. À, vậy nhân thể ông sẽ hỏi bà Hai Thơm cho ông mượn ít tiền để nếu cơ quan có đòi cái khoản kia ông sẽ lấy nó mà đắp vào. Nghe đâu bà Hai Thơm vừa lãnh được tiền đô của chồng từ Canada gởi về! Vậy thì ông phải đi ngay.
Ông kêu một chiếc xích lô rồi nhảy lên chễm chệ ngồi. Lát sau, trước chiếc cổng sắt quen thuộc có cây mận hồng đào rũ bóng mát bên trên, ông đang ngó trước sau thì bà Hai Thơm từ trong nhà đi ra. Thấy ông từ xa bà đã niềm nở:
- Chú Năm! Mời chú vô nhà. Có cháu Thủy ở nhà đó. Tôi chạy ra chợ một chút rồi về liền.
Ông vào nhà. Không thấy có Thủy ra đón, mặc dù con chó phốc vốn quen thuộc với ông đã mừng quýnh, kêu rít lên những tiếng ư ử. Vậy thì đúng là Thủy đang nằm ở trong buồng. Ông thản nhiên đẩy cửa bước vào chả cần phải báo hiệu. Thủy đang nằm, vội ngồi bật dậy, hai tay che lấy bộ ngực hở hang do chiếc rốp rộng cổ phô ra.
- Ấy chết, mời chú ra nhà ngoài…
Ông vẫn không chịu ra. Cô lại đành phải sỗ sàng nói một lần nữa:
- Chú ra ngoài chơi cho cháu thay đồ đi! Kìa, mà cháu đã về.
Có tiếng cho sủa liền ngay sau đó. Bấy giờ ông mới chịu trở ra. Ông lú lẫn đến nỗi quên một điều đơn giản rằng nếu má Thủy thì con chó đời nào lại sủa. Ra ngoài và thấy người vừa mới vào là người ghi sổ điện, ông mới tiếc là mình vừa mới bị mắc lừa.
Nhưng thôi, chả sao.
Bà Hai Thơm về. Hai người chuyện trò hỏi thăm qua lại một lúc thì ông chuyển sang vấn đề ông đang quan tâm:
- Tôi nghe nói hình như ông nhà vừa mới gửi thư và đồ về.
Bà Hai Thơm thở dài:
- Thư thì có mà đồ thì chưa!
- Ông Hai có nói gì không bà?
Bà Hai Thơm ngần ngừ mãi không biết nên nói thế nào về một chuyện mà qua thư chồng bà cần bà nói lại với Năm Trắc. Chuyện đầu đuôi thế này: Năm ngoái, trước lúc vượt biên, ông Hai Thơm đã dùng vàng hối lộ cho ông Mười Khên lúc đó đang phụ trách công ty vận tải đường biển để có được một tờ giấy phép đi lại trên vùng biển một cách hợp pháp. Ông Hai Thơm cho biết bà con Việt kiều ở nước ngoài hiện giờ cũng có rất nhiều người ở vào trường hợp như vậy. Tất cả họ đều căm giận Mười Khên, đều muốn viết thư về nhà tố cáo tên lưu manh giả danh cán bộ cách mạng này. Riêng ông Hai Thơm vì biết con gái mình có chồng là nhà báo nên muốn được phanh phui chuyện này ra trước công luận. Bà đã kể lại cho Năm Trắc nghe chuyện ấy.
Vốn ranh mãnh như một con thú rình mồi, Năm Trắc liền chộp ngay lấy cơ hội hiếm có này:
- Ôi! Vậy bảo ông viết thư về ngay cho tôi đi!
Thế là đêm ấy Năm Trắc lại không ngủ được. Lòng ông cứ ngân lên một niềm vui.
Ha… ha, ông sẽ sử dụng lá thư tố giác này làm hai con dao. Một con phải do chính tay ông nắm lấy. Còn con kia sẽ thuộc quyền điều khiển của ông Ba Khắc, một người có chức vụ không nhỏ ở đây. Bà vợ Ba Khắc là chị ruột của Mười Khên. Đụng vào Ba Khắc là chọc vào tổ ong vò vẽ đó, nghe chưa!
Con ngựa bất kham này sẽ quật cho mi phải ngã lăn xuống từ chính trên lưng nó đây. Văn Hữu ạ!
Ông nói thầm trong lòng rồi vội vã lồm cồm bò dậy làm bà vợ ở giường bên cũng hốt hoảng dậy theo:
- Ông Năm, nói mớ gì vậy? Ngủ đi.
Bấy giờ ông mới chịu nằm xuống.
(Hết chương 23)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét