Gió lại về khi sớm, lúc hôm. Gió mơn man tìm hoa đùa cợt. Gió khoe tình trên cát Mỹ Khê; vui cùng con sóng Xuân Thiều, Non Nước. Gió trong tôi như trôi cùng cây cối Sơn Trà, Hải Vân, cùng lượn lờ theo Bà Nà – Núi Chúa…
Gió mang hương nồng vị biển. Khi mặt trời vừa chớm hừng phía Cù Lao Chàm, những con cá tươi ngon về trên bến bãi Thọ Quang, Phước Mỹ mang cả hương vị biển về từng con bếp phố quê. Này là những con nục đều nhau, mập khoảng hai ngón tay nằm trên những mẹt. Nhìn những con nục, tôi nhớ lại những lần thưởng thức chúng. Còn gì bằng khi chúng được hấp chín cùng nấm mèo, thịt heo ba chỉ, trộn cùng gia vị như tỏi, hành, gừng được cuốn với rau muống để y cộng cuốn bánh tráng. Hoặc đơn giản hơn là kho cùng với một chút xì dầu, gia vị, ớt màu…, những con nục thơm mềm như được đóng hộp. Tôi quên sao được cái hương vị ấy, kể cả xương, như tan trong miệng của tôi khi ăn chúng với cơm. Và còn đây là những con mực trắng hồng dưới nắng mới. Và tôi nhớ những lần vui cùng bạn bè trong những cuộc vui, chúng đã mang đến cho chúng tôi, những thực khách, ngẫm và thưởng thức được hương vị ngọt bùi của cuộc đời nhân thế. Nếu mực nhỏ, thì có thể hấp, hoặc xào chúng. Rất đơn giản, nhưng vẫn có hương vị riêng của những bữa ăn. Còn nếu chúng lớn, thì hấp, rồi cắt từng lát, xếp trên dĩa, ăn kèm với chuối chát, rau thơm chấm với nước mắm được pha chế. Hoặc cách khác là chúng được phơi khô, được nướng lên, xé rời từng sợi, chấm với tương ớt là có thức nhắm để vui cùng bè bạn tương giao.
Dọc những con đường ven biển như Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa… cũng như một số nhà hàng lớn trong phố, hương vị biển như tràn đến tận con mắt thực khách. Người ta chỉ trỏ, chọn từng con tôm, con ốc; người ta xem và cảm nhận hương vị của những con cua, con cá, tôm hùm. Hầu như hải sản Đà Nẵng đều có mặt ở các quán ăn trên những con đường, con phố đó. Đến Đà Nẵng, thưởng thức được hương vị biển thì mới cảm nhận một phần cái hồn của ẩm thực phố thị miền Trung.
Và gió còn mang hơi phố nồng nàn. Này là hương cà phê buổi sớm, khi chiều, kể cả tối. Chút hương cà phê vỉa hè, quán cóc giản đơn, uống vội khi chưa kịp ăn sáng của ai và cả tôi nữa. Có lần về quê thật sớm, tôi vội thưởng thức ly cà phê bên vỉa hè ở đầu đường Nguyễn Văn Thoại. Cầm ly cà phê hương vị đậm đặc, cái chất cà phê chỉ có ở Đà Nẵng, khi mặt trời chưa mọc, tôi thấy nhiều người đi bộ tập thể dục đang uống hương trời buổi sớm. Rồi tôi cũng thấy nhiều chiếc xe máy chở hàng tươi sống về các nơi. Tôi tưởng chừng hương của những bó rau lang, rau muống, của những quả cà rốt, su hào, cải bắp, những bó hành… trên những chiếc xe máy được các cô gái chở từ Điện Nam, Điện Ngọc ra như hòa trong khí trời Đà Nẵng. Tôi cũng nghe những tiếng rao hàng. Tôi như thấy hương của bắp Đại Lộc, Điện Bàn vừa nấu chín ngọt, như thấy hương của nếp, hương của lá gai nhuyễn thơm đường trong những chiếc bánh chưng, bánh ít tận Hội An.
Gió Đà Nẵng còn mang hương vị gió Lào. Ôi, làm sao tôi quên những lần nắng nóng. Cả khứu giác, xúc giác như nóng lên cùng gió! Cái nắng nóng tỏa mang hương lá khô queo như vắt hết mồ hôi trên từng thớ lá. Hương gió Lào như thấm cả đêm, trăn trở nỗi niềm của phận người cần lao trong những căn trọ.
Rồi những đợt gió bấc tràn về, gió mang hơi lạnh, mùi hương của đất trời Đà Nẵng như quánh lại, lạnh trong từng hơi thở. Còn gì thú bằng nếu đó là ngày nghỉ, được có ly cà phê nóng và nghe nhạc, nhìn ngắm phố phường, hoặc trầm tư thế sự, hoặc tịnh yên bên bằng hữu. Nếu có dịp, ghé một quán bánh xèo vào lúc xế chiều, hoặc tối nào đó, thật là thú vị khi thưởng thức những cái bánh vừa đúc, còn bốc khói. Những chiếc bánh xèo mang hương vị của gạo hòa trộn với tôm, trứng, thịt, giá đỗ… được chấm với nước mắm ngon, quyện vào nhau làm ngon miệng người dùng. Trên từng con phố ẩm thực, món bánh xèo dân dã tỏa hương vị ra tận đường từ những chiếc bếp lò đỏ lửa, bánh ngậy thơm như mời mọc bao người qua lại. Nếu bụng đói, khó mà không nuốt nước miếng!
Ai đã từng ghé thăm Đà Nẵng, cũng như người Quảng Nam- Đà Nẵng, quên sao được hương vị của mì Quảng và món bánh tráng cuốn thịt heo. Có thể nói đây là hai món ăn mang hương vị đặc biệt về ẩm thực của người dân xứ Quảng. Có thể khẳng định rằng, hai món ăn trên là hai món ăn đặc trưng của Quảng Nam - Đà Nẵng.
Và tôi làm sao quên được, những lần cùng người thân yêu trên những con đường tìm hương vị phố quê. Gió bên tôi, mang bao hương vị của xứ sở. Này là hương làng rau La Hường; này là hương lúa Hòa Vang đang độ vào mùa; này là hương trái cây đang vừa độ chín.
Gió Hòa Vang lại mang thêm hương chiếu Cẩm Nê. Này là những chiếc chiếu mới tinh thơm nắng, gió, mồ hôi làng chiếu. Còn gì thú vị bằng khi nằm trên chiếu vào những đêm hè, hương cói như phảng phất đem cả cái dịu dàng vào giấc ngủ. Còn gì hơn khi những đêm mưa, chiếu Cẩm Nê tỏa hơi ấm quyện lấy hơi người. Còn gì tuyệt diệu bằng nằm trên chiếc chiếu mới đêm tân hôn, hương trinh như tan chảy vào nhau, gắn chặt tình yêu đôi lứa!
Trong gió, tôi cũng cảm được hương vị của mùi nước mắm Nam Ô, cái hương vị trong từng bữa ăn thường có. Có thể, đó là bữa ăn của công nhân, với những cộng rau luộc, chấm vội cùng nước mắm dằm ớt, đưa vội những miếng cơm cho qua cơn đói; cũng có thể đó là bữa cơm ngon đầy đủ cá thịt của bao gia đình vẫn không thể thiếu chút nước mắm; và cũng có thể, trong mâm cúng giỗ, trên bàn có chén nước mắm kèm thêm… Cái mùi mắm ấy là một phần hương vị quê hương đi suốt bao phận người Đà Nẵng.
Gió cũng mang hương từ đá của làng nghề Non Nước đến cùng tôi. Và tôi đến cùng Non Nước, Ngũ Hành Sơn. Nhìn những tượng được khắc, trong tôi như cảm nhận được hương trinh của những tượng thiếu nữ, như hít được hương trầm linh diệu của tượng Phật, tượng Chúa, như thấm được mùi đời của bao tượng danh nhân. Và tôi không thể không thốt lên, mừng reo hương vị của lễ hội Quán Thế Âm còn vương vấn đâu đây trong những ngày còn lại.
Gió vẫn cứ về Đà Nẵng thân yêu. Và gió sông Hàn tỏa hương mùi pháo! Bao mùa thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng như hương đồng, hương phố, hương biển, hương núi tạo nên sắc màu đáng yêu, tạo nên chất hương riêng cho Đà Nẵng.
Chợt trong tôi lại rộn lên điệu ca: “Sống trong đời sống/ Cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi/ Để gió cuốn đi” (Trịnh Công Sơn). Và tôi thấy cái lòng Đà Nẵng như hòa cùng gió. Hương gió Đà thành như thấm vào tôi!
Năm 2017
P.T.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét