Mộng bá vương Nguyễn Hữu Chỉnh làm mối
Gặp gian nhân Nguyễn Huệ đối văn
* * *
Hôm sau Nguyễn Huệ và Trần Văn Kỷ theo Nguyễn Hữu Chỉnh đến điện vua Lê Hiển Tông. Vua Lê Hiển Tông lúc ấy đã bảy mươi tuổi, già yếu lắm rồi phần vì lâm trọng bệnh, nghe Nguyễn Huệ đến vua gắng gượng ngồi dậy định tiếp Huệ. Nguyễn Huệ thi lễ xong, vội vàng đỡ vua nằm xuống giường ngự rồi nói:
- Thần đến ra mắt bệ hạ là bổn phận con dân trong nước. Bệ hạ mình rồng bất an cứ nằm yên nghỉ, đừng vì thần mà nhọc nhằn long thể. E rằng thần phải đắc tội với vua.
Vua Lê hỏi:
- Ngài có phải là Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ truyền hịch phò Lê diệt Trịnh kéo quân ra đây đó chăng?
Nguyễn Huệ kính cẩn đáp:
- Thần là kẻ áo vải ở Tây Sơn nhân thời thế mà nổi dậy. Bệ hạ tuy không cho cơm ăn áo mặc, nhưng thần bấy lâu vẫn kính mến thánh đức. Nay được thấy long nhan thật thỏa lòng mong ước. Họ Trịnh vô đạo giết chết thái tử Lê Duy Vỹ hiếp đáp bệ hạ nên trời cao mới mượn tay thần chỉ trong vòng một tháng đổ xong họ Trịnh suốt hai trăm năm bức bách Hoàng gia. Ấy là nhờ oai đức của bệ hạ cả.
Vua Lê xua tay bảo:
- Ấy là võ công của tướng quân chứ quả nhân nào có tài đức gì?
Nguyễn Huệ khiêm tốn đáp:
- Thần ra đây cốt vì nghĩa phò vua đâu dám kể công, nên trước truyền hịch tôn phò rồi mới kéo quân đi. Quả nhiên quân Trịnh là con dân trong nước của bệ hạ nghe quân của thần đến để phò vua, họ bèn quăng vũ khí không dám theo họ Trịnh chống lại mệnh trời. Ấy chẳng phải là nhờ oai đức của bệ hạ đó sao? Nay họ Trịnh đã diệt là ý trời muốn bệ hạ cầm cương nảy mực, khiến cho trong ấm, ngoài êm, thần ở cõi xa cũng được ơn nhờ.
Vua Lê Hiển Tông nghe Huệ nói xong liền hỏi:
- Sao tướng quân lại nói là ở cõi xa? Chẳng phải tướng quân ở đây giúp trẫm lập lại kỷ cương ở đất Bắc Hà sao?
Nguyễn Huệ trầm ngâm đáp:
- Thần đến đây diệt Trịnh xong phải đem quân về Nam phục mệnh vua anh nên không thể ở lại được.
Vua Hiển Tông bảo:
- Nếu tướng quân đem quân về Nam ngay, là tướng quân đã hại nhà Lê ta, sao bảo là tôn phò?
Nguyễn Huệ cung kính hỏi:
- Nếu ở lâu e thiên hạ bảo thần là mượn tiếng phò vua mưu đồ lấy đất. Thế cho nên thần phải kéo quân về. Thần diệt Trịnh trả nước cho nhà vua sao lại bảo là thần hại bệ hạ? Dám xin bệ hạ giải cho ạ!
Vua Hiển Tông đáp:
- Trẫm làm vua hơn bốn mươi năm nay không tham gia việc triều chính, chẳng biết việc dân sinh xã tắc. Trăm quan làm việc đều ở dưới quyền họ Trịnh. Nay họ Trịnh diệt, bá quan đều đi trốn triều đình trống rỗng, quân binh chẳng có. Nếu tướng quân đem quân về Nam, nước của quả nhân không kỷ cương pháp luật ắt là sinh loạn. Ấy chẳng phải là tướng quân đã hại trẫm rồi sao?
Vua buồn rầu ra nước mắt nói tiếp:
- Nếu con của trẫm là thái tử Vỹ còn sống thì may ra nhân dịp này lấy lại quyền hành của họ Lê mà định quốc an dân.
Nguyễn Huệ cảm động thưa rằng:
- Năm trước Tĩnh đô vương Trịnh Sâm sai Phạm Ngô Cầu vào ngục giết thái tử. Nay Trịnh Sâm đã bị hồn thái tử theo báo oán mà chết. Còn Phạm Ngô Cầu bị hạ thần bắt đem về Quy Nhơn luận tội giết thái tử phải chịu bêu đầu. Ấy là mối thù của thái tử đã được rửa, hẳn hồn thái tử cũng tiêu diêu miền cực lạc. Xin bệ hạ chớ quá thương tâm. Còn việc quốc gia; nếu bệ hạ làm được điều này thì thần xin ở lại Bắc Hà giúp bệ hạ sửa sang giềng mối lập lại kỷ cương phép tắc, xong mới kéo quân về.
Vua Lê Hiển Tông liền hỏi:
- Xin hỏi tướng quân, ta phải làm điều gì tướng quân mới bằng lòng ở lại giúp cho?
Huệ phân giải rằng:
- Sở dĩ bá quan còn trốn tránh vì họ nghĩ thần đem binh ra đây mượn tiếng tôn phò để mưu đồ tư lợi. Nay bệ hạ nên xuống chỉ dụ đi hiệu triệu các quan, định ngày thiết triều. Các quan có chiếu chỉ của vua ắt là phải đến. Lúc ấy hạ thần sẽ đem sổ bộ dân binh, thuế khoá điền trạch mà họ Trịnh chiếm giữ suốt hai trăm năm nay trao về cho bệ hạ. Ấy là bệ hạ lấy lại quyền hành của tiên đế từ thuở gian lao đất Lam Sơn dấy nghĩa. Rồi trước mặt trăm quan bệ hạ lệnh cho hạ thần trong giúp vua lập nên đế nghiệp, ngoài cứu dân khỏi cảnh lầm than, thì hạ thần mới danh chính ngôn thuận mà ở lại Bắc Hà, đến khi nước được yên ổn rồi sẽ quay về.
Vua Lê cả mừng nói:
- Lời tướng quân rất là hữu lý việc này nào có khó gì!
Nói xong vua liền ngồi dậy sai người lấy bút nghiên viết chiếu chỉ hiệu triệu bá quan, định ngày đến để thiết triều.
Nguyễn Huệ vừa đến tư dinh nơi phủ chúa Trịnh, Trần Văn Kỷ nói riêng với Huệ rằng:
- Nếu vua Thái Đức không lên ngôi hoàng đế, giờ này Tây Sơn ta đã danh chính ngôn thuận thống nhất sơn hà trong nước của vua Lê ấy chẳng phải là công nghiệp xưa nay chưa từng có hay sao?
Nguyễn Huệ gạt đi bảo:
- Ấy là chí hướng của Hoàng huynh, Trần tiên sinh đừng bàn đến nữa. Ta chỉ nên làm gì có thể làm được trong tình hình hiện tại mà thôi!
Nói rồi liền sai quân mở kho thóc Hữu Viên phát chẩn dân nghèo, hạ lệnh chiêu an bá tánh; quân không được mảy may xâm phạm của dân, gặp phường trộm cướp phải đem ra trước dân mà xử.
* * *
Đến hôm thiết triều, vua Lê Hiển Tông ngồi trên ngai vàng quan văn kéo đến chầu được vài mươi người, còn võ tướng thì không ai dám đến. Các đại thần gồm có Trần Công Xán, Phan Lê Phiên, Uông Sĩ Điền đến đứng hầu ở hai bên ngai vua. Vua bảo các quan rằng:
- Họ Trịnh tiếng là phò Lê nhưng thực chất đã cướp quyền của nhà Lê ta suốt hai trăm năm nay các khanh đã biết chưa? Nay Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ từ nơi xa xôi lội suối trèo đèo đem quân đến đây diệt họ Trịnh trả nước cho ta các khanh đã biết chưa? Nay ta tuy tuổi già sức yếu không biết sống chết lúc nào nhưng cũng vì xã tắc mà gắng gượng ra gánh vác việc quốc gia được ngày nào hay ngày ấy. Vậy các quan trước ở chức gì hãy về chân ấy giúp trẫm định yên xã tắc.
Trần Công Xán bước ra hỏi dò Nguyễn Huệ rằng:
- Long Nhương tướng quân diệt Trịnh trả nước cho vua tôi, vậy sao còn chưa rút quân về?
Chưa vội đáp lời Xán, Huệ gọi quân mang sổ bộ dân vào rồi kính cẩn dâng cho vua Hiển Tông, Huệ thưa rằng:
- Đây là sổ dân quân hộ tịch xin trao về bệ hạ. Mong bệ hạ hãy thay trời hành đạo đem ấm no về cho trăm họ.
Vua run run nhận sổ xong. Huệ quay sang hỏi Trần Công Xán:
- Xin hỏi ngài có phải là Trần Công Xán người làng Yên Vĩ, Tổng Yên Cảnh, Huyện Đông An, phủ Khoái Châu đó chăng?
Xán đáp:
- Phải! Chính là tôi đây!
Huệ lại hỏi:
- Khi đạo binh tôn phò của tôi đánh lấy Vị Hoàng, tôi nghe nói ngài bày mưu cho Trịnh Khải rằng: “Quân Tây Sơn từ nơi xa kéo quân đến đây ắt là mỏi mệt, cứ nhử cho chúng vào sâu trong đất của ta rồi kéo quân đánh một trận ắt diệt được giặc”. Xin hỏi ngài điều ấy có chăng?
Nghe Huệ nói, Phan Lê Phiên, Uông Sĩ Điền và các quan đều sợ thất sắc nghĩ rằng Nguyễn Huệ hạch tội để giết Trần Công Xán. Xán vẫn thản nhiên đáp:
- Phải, người bày mưu ấy chính là tôi.
Nguyễn Huệ cười nói:
- Nếu ngài bày mưu ấy cho chúa Trịnh là ngài có ba điều không rồi đó.
Xán hỏi lại Huệ rằng:
- Thế nào là ba điều không?
Nguyễn Huệ lại mỉm cười đáp:
- Quân Tây Sơn tôi phò vua Lê diệt Trịnh. Ngài lại bày mưu cho Trịnh đánh quân phò vua, ấy là bất trung! Quân Trịnh nghe hịch tôn phò của tôi đều nhớ ơn vua quăng gươm giáo mà không kháng cự, vả lại họ Trịnh lúc ấy tướng lười binh kiêu, ngài lại bảo rằng nhử giặc vào sâu rồi đánh một trận là tiêu diệt được, ấy là bất trí! Bày mưu chúa Trịnh đánh vua Lê, nay chúa mất rồi còn mặt mũi nào mà theo về với vua, ấy là bất nghĩa! Bất trung, bất trí, bất nghĩa là ba điều không vậy.
Trần Công Xán tái mặt cãi lại rằng:
- Tướng quân truyền hịch phò Lê diệt Trịnh kéo quân đến nước tôi. Trong lúc vàng thau lẫn lộn biết đâu là thật giả? Ngộ nhỡ diệt được Trịnh rồi tướng quân không trả nước cho vua thì sao? Vậy tôi bày mưu cho chúa đánh tướng quân để giữ nước cho vua. Sao bảo là bất trung? Nay chúa Trịnh Khải dù đã diệt nhưng còn dư đảng là Trịnh Lệ, Trịnh Bồng. Vả lại nay được biết tướng quân thật dạ tôn phò, tôi mới phò vua mà không theo Trịnh sao bảo là bất nghĩa? Tôi bày việc quân cơ cho chúa là kế hay, khác nào Đức thánh Trần Hưng Đạo nhử giặc Nguyên vào sâu, chỉ vì không có tướng tài để đánh một trận là diệt xong địch như nhà Trần thuở trước, sao bảo là tôi bất trí?
Nghe Trần Công Xán nói xong Nguyễn Huệ cười lớn mấy hồi rồi hỏi:
- Qua lời biện luận mới rõ ngài là người đại trung, đại nghĩa, đại trí. Tôi thành thật xin lỗi ngài vậy. Nhưng tôi xin hỏi ngài, nay nếu tôi kéo quân về Nam ngay e dư đảng họ Trịnh kéo đến ăn hiếp vua thì tướng tài nào ra tay dẹp loạn? Bọn kiêu binh quân Trịnh còn đang lẫn trốn ngoài thành thừa dịp này cướp bóc của dân thì lấy ai cứu nguy trăm họ? Nếu ngài có kế hay định yên xã tắc Huệ tôi lập tức rút binh.
Trần Công Xán đáp bừa rằng:
- Ngài cứ rút quân, người nước tôi tự có kế để giữ lấy nước mình.
Nguyễn Huệ lắc đầu nói:
- Ngài nghi ngờ tôi không thực bụng tôn phò mà nói thế. Nhưng lời ngài là vô căn cứ tôi không thể nghe theo. Tôi ra đây là để phò vua. Vậy việc về hay ở xin để cho bệ hạ định đoạt .
Lúc ấy vua Hiển Tông mới bảo rằng:
- Trần Công Xán không được nhiều lời! Nay trước mặt bá quan ta phong Nguyễn Huệ chức Đại Nguyên Soái, phù chính dực vận Uy Quốc Công, trao Nguyên Soái bảo kiếm tiền trảm hậu tấu. Nguyên Soái hãy đóng quân ở lại giúp trẫm định quốc an dân, lập lại các bộ, sửa sang giềng mối luân thường, chỉnh đốn kỷ cương phép tắc cho dân ngoan biết đến vua hiền, hưởng cuộc đời thái bình thịnh trị. Ấy là nhờ tiên đế linh thiêng sai Nguyên Soái tái tạo cho nhà Lê ta vậy. Chỉ tiếc rằng thái tử Vỹ không còn sống mà thôi!
Nói xong vua mủi lòng sa nước mắt. Nguyễn Huệ cảm động thưa:
- Xin bệ hạ an tâm, hạ thần xin hứa sẽ hết lòng phò vua đến khi nào ngoài trăm họ đều thấm nhuần thánh đức mới thôi.
Nói rồi từ biệt về dinh phủ. Dọc đường Nguyễn Huệ hỏi Trần Văn Kỷ rằng:
- Tiên sinh nghe Trần Công Xán luận về Trung, Nghĩa, Trí thế nào?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Luận về Trung, Nghĩa thì đúng, nhưng luận về trí rõ là người bất trí nói càn.
Nguyễn Huệ nói:
- Các quan trong triều vua Lê lúc thiết triều không ai dám hé môi mở miệng. Nghe ta bảo là Trần Công Xán bất trung, bất nghĩa, bất trí thì sợ đà mất mật. Chỉ có Trần Công Xán tuy rằng bất trí nhưng là người trung liệt đáng khen!
* * *
Nói về Nguyễn Hữu Chỉnh nghe Nguyễn Huệ hứa với vua Lê Hiển Tông sẽ đồn binh ở đất Bắc định yên xã tắc rồi mới quay về. Chỉnh về đến tư dinh bồn chồn ngồi đứng không yên. Nguyễn Viết Tuyển hỏi:
- Việc gì mà tướng quân lại lo lắng ưu phiền như thế?
Hữu Chỉnh thở dài đáp:
- Ta xui Nguyễn Huệ kéo quân ra diệt Trịnh. Những tưởng diệt Trịnh xong rồi Nguyễn Huệ sẽ kéo quân về giao binh cho ta ở lại Bắc Hà phò vực nhà Lê. Chẳng ngờ Nguyễn Huệ không nói gì đến việc ấy cả. Ta e rằng Nguyễn Huệ hiểu được bụng ta không thực lòng quy thuận, nên vạn nhất Huệ có kéo binh về Nam cũng chẳng giao binh quyền cho ta nơi đất Bắc, thì cái chí lấy ngai của chúa Trịnh dùng sông Linh Giang chia đôi thiên hạ với quân Tây Sơn ắt chẳng thành.
Nguyễn Viết Tuyển hỏi:
- Vậy tướng quân phải chịu theo hầu dưới trướng Nguyễn Huệ mãi sao?
Chỉnh cười đáp:
- Đời nào ta chịu yên như thế! Ta có một kế có thể khiến Nguyễn Huệ phải chịu để cho ta mượn binh trấn thủ Bắc Hà.
Nguyễn Viết Tuyển hỏi:
- Kế ấy là kế gì?
Làm ra vẻ bí mật, Chỉnh đáp:
- Ấy là mỹ nhân kế!
Rồi Chỉnh kề tai tuyển nói nhỏ. Nghe xong Tuyển khen:
- Hay! Mỹ nhân là của người khác lại dùng được để nên việc của ta. Thật là diệu kế!
Bàn với Nguyễn Viết Tuyển xong, Nguyễn Hữu Chỉnh liền soạn khăn áo sang bái yết vua Lê. Chỉnh tâu:
- Tâu bệ hạ, lúc ban sáng bệ hạ phong cho Nguyễn Huệ chức Đại Nguyên Soái tước Uy Quốc Công, Nguyễn Huệ có về bảo với hạ thần rằng: “Ta ra đây cốt để phò vua Lê. Nếu không nghĩ đến công ơn của vua Thái Tổ đã ba trăm năm dựng nước thì ta muốn xưng đế xưng vương gì chẳng được? Nay vua lại đem cái chức Nguyên Soái để phỉnh dụ ta. Hỏi cái tước Uy Quốc Công hảo ấy ta được thêm gì? Nếu không nhận thì ra thất lễ với vua, mà nhận thì mang tiếng là người không biết gì!” Tâu bệ hạ, Nguyễn Huệ nói vậy đó!
Vua Lê thật thà ngỡ là thật, cả sợ hỏi Chỉnh:
- Rồi Nguyên Soái còn nói gì nữa chăng?
Cúi đầu liếc trộm vua, Chỉnh đáp:
- Nguyên Soái đòi kéo quân về Nam bỏ mặc Bắc Hà ra sao thì ra.
Vua Lê thất kinh nói:
- Nếu vậy thì nước ta loạn mất! Khanh trước là tôi của trẫm vì họ Trịnh bức bách phải bỏ nước theo vua Tây Sơn. Nay vì nghĩa cũ có thể bày kế gì cho trẫm được chăng?
Chỉnh ngước lên vui vẻ đáp:
- Hạ thần đến đây là vì an nguy của bệ hạ và xã tắc đó!
Vua vội vàng hỏi:
- Nói vậy nghĩa là khanh đã có kế?
Chỉnh hiến kế rằng:
- Hạ thần nghe nói trong các công chúa có Ngọc Hân công chúa là sắc nước hương trời. Theo ý hạ thần, bệ hạ nên gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyên Soái. Một là để tỏ thành ý với Nguyên Soái để Nguyên Soái không nghĩ rằng bệ hạ dùng chức hão mà phỉnh dụ ông ta. Hai là lấy tình thân lôi kéo Nguyên Soái ở lại Bắc Hà giúp cho bệ hạ. Ngộ nhỡ trong Nam Hà có biến, Nguyên Soái phải kéo quân về, bệ hạ hãy xin cùng Nguyên Soái cho hạ thần được cầm binh ở lại trả ơn bệ hạ cho tròn nghĩa chúa tôi khi trước. Nguyên Soái khi ấy đã là rể của bệ hạ, vì nghĩa nước tình nhà không thể không vâng.
Vua Lê Hiển Tông ngẫm nghĩ rồi bảo Hữu Chỉnh:
- Lời khanh có lý! Vả lại trong các con, Ngọc Hân là người trẫm thương yêu nhất. Nay có được một tấm chồng anh hùng hào kiệt như Nguyên Soái ta cũng an tâm. Vậy phiền khanh hãy về dò ý của Nguyên Soái xem sao rồi mau báo cho trẫm hay để trẫm khỏi lo lắng.
Vua nói xong nằm trên giường ngự mệt nhọc ôm ngực ho khan. Nguyễn Hữu Chỉnh thấy vua Lê trúng kế của mình bấm bụng cười thầm rồi cáo biệt ra về. Nguyễn Hữu Chỉnh lại đến tìm gặp Nguyễn Huệ, nói:
- Vua Hiển Tông tiếng làm vua hơn bốn mươi năm nhưng quyền hành đều trong tay họ Trịnh. Nhà vua tâm sự với tôi rằng tuy đã phong chức Nguyên Soái cho chúa công nhưng nhà vua thanh bạch không có gì ban thưởng cho chúa công nên trong lòng lấy làm áy náy lắm.
Nguyễn Huệ gạt đi bảo:
- Ta đem binh ra đây cốt là diệt Trịnh để cứu dân. Nay đến đây mới thấy nhờ truyền hịch phò Lê mà lòng quân Trịnh hoang mang chưa đánh đã tan, khiến quân ta chiến thắng dễ dàng. Xét lòng trăm họ còn thương tiếc nhà Lê, vậy vì dân tại sao ta không thực bụng tôn phò? Vả lại nhà vua là người nhân hậu nhu mì, bị họ Trịnh áp chế tình cảnh thật đáng thương. Xét về nhân không nên lấn át. Vậy ta phải đến gặp vua phân cho rõ tấm lòng, kẻo vua áy náy lo âu thì ta là người đắc tội.
Nói xong đứng dậy toan đi. Nguyễn Hữu Chỉnh ngăn lại nói:
- Xin chúa công chớ vội, vua Lê sai tôi đến đây dò ý chúa công.
Huệ ngạc nhiên hỏi:
- Dò ý ta về việc gì?
Chỉnh cười ý nhị đáp:
- Số là nhà vua có một nàng công chúa tên là Ngọc Hân sắc đẹp như tiên giáng thế nên trong Hoàng gia thường gọi là Chúa Tiên. Chúa Tiên tính nết lại đoan trang, am tường cả cầm kỳ thi họa. Vua nhờ tôi dò ý chúa công nếu không chê, vua sẽ nhận chúa công làm phò mã để tỏ lòng thành với chúa công phò vua vực nước.
Nguyễn Huệ gạt đi bảo:
- Việc này ta thực không dám nhận.
Chỉnh lo âu hỏi:
- Vì sao chúa công lại từ chối lòng thành của nhà vua?
Huệ vùng vằng đáp:
- Ta ra đây phò Lê không được lệnh của Hoàng Huynh. Dù binh pháp có câu tướng ngoài biên ải không nhất nhất phải nghe lệnh vua, nhưng Hoàng huynh có lý bắt ta về tội kháng mệnh. Nay ta lấy vợ mà không được phép của mẹ và anh ấy là bất hiếu. Nếu ta làm thế tất Hoàng huynh ta vin vào tội bất hiếu càng khẳng định tội ta kháng mệnh bất trung. Đó là một lẽ.
Hữu Chỉnh dò hỏi:
- Còn lẽ thứ hai là gì?
Huệ trầm ngâm đáp:
- Vua Lê vì sợ ta kéo quân về Bắc Hà sẽ loạn, nên vạn bất đắc dĩ mới gả công chúa để lấy lòng ta. Nếu thuận ý, hoá ra ta nhân lúc người cần mà ép người sao? Đó là hai lẽ.Vì hai lẽ đó , ta không thể thuận lòng.
Trần Văn Kỷ xen vào nói:
- Theo tôi việc này thật khó xử!
Huệ hỏi:
- Thế nào là khó xử?
Kỷ đáp:
- Chúa công đã nhận chức Nguyên Soái của vua Lê, xét theo lẽ là nghĩa quân thần. Nay vua không xuống lệnh mà hạ mình trước dò ý chúa công, nếu chúa công không nhận hoá ra là thất lễ với vua. Nhận cũng không được mà từ chối cũng không xong, ấy là điều khó xử.
Nguyễn Huệ lo âu hỏi:
- Thật khó khăn cho ta đằng nào cũng bị mang tiếng! Theo tiên sinh nên làm thế nào mới vẹn toàn?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Thần có kế khiến chúa công dù chối từ cũng không thất lễ với vua.
Huệ mừng rỡ hỏi:
- Kế thế nào?
Kỷ e dè đáp:
- Xin chúa công tha tội, thần mới dám thưa.
Nguyễn Huệ bảo:
- Có kế hay xin tiên sinh cứ dạy. Đừng khách sáo giữ lễ làm chi.
Văn Kỷ hiến kế:
- Người Hà Bắc tự cho mình ở đất ngàn năm văn vật, xem quân Tây Sơn ta như man di mọi rợ. Công chúa dù thông minh nhưng cũng là phận nữ nhi khuê môn bất xuất, tất cũng nghe lời đồn đại trong Hoàng gia mà không ngoại lệ khi nghĩ về Tây Sơn ta. Vậy chúa công hãy đến gặp vua nói như vầy… như vầy. Khi ấy ắt công chúa sẽ chối từ, thì chúa công khỏi thất lễ với vua. Lời thần ngay thật, xin chúa công tha tội.
Nguyễn Huệ cười lớn bảo:
- Trong quân của ta có binh lính người Thượng nên những kẻ xấu thường thừa dịp bảo quân Tây Sơn ta là mán mọi. Việc này ta có biết, tiên sinh nào có lỗi gì? Cảm ơn tiên sinh bày diệu kế, ta phải lập tức thi hành.
Nói rồi liền cùng Trần Văn Kỷ và Nguyễn Hữu Chỉnh khăn áo sang chầu vua Lê.
* * *
Nói về vua Lê Hiển Tông, khi Nguyễn Hữu Chỉnh đi rồi vua liền gọi công chúa Ngọc Hân đến. Vua nói:
- Nay cha định gả con cho Nguyễn Huệ, chẳng biết ý con thế nào?
Công chúa kính cẩn hỏi:
- Thưa phụ vương, việc này là do Nguyễn Huệ cầu hôn chăng?
Vua đáp:
- Việc này Nguyễn Huệ còn chưa biết.
Ngọc Hân lại hỏi:
- Vậy vì lẽ gì phụ vương lại định gả con cho Nguyễn Huệ?
Vua đáp:
- Nguyễn Huệ đem quân đến đây diệt Trịnh trả nước cho nhà Lê ta. Nay nếu Nguyễn Huệ kéo quân về Nam, nước ta ắt loạn. Nên cha định gả con cho Nguyễn Huệ là lấy tình thật đãi người, ắt người cũng vì tình hết dạ giúp ta. Vả lại nay cha đã gần đất xa trời thấy con lấy được một tấm chồng anh hùng kiệt hiệt như Nguyễn Huệ cha mới yên lòng nhắm mắt.
Ngọc Hân thưa:
- Nếu Nguyễn Huệ là bậc anh hùng hào kiệt thì Nguyễn Huệ không thể bỏ mặc phụ vương mà kéo quân về Nam được. Phụ vương không cần gả con để giữ người.
Vua ngạc nhiên hỏi:
- Vì sao con dám quả quyết như thế?
Ngọc Hân đáp:
- Nguyễn Huệ truyền hịch phò Lê diệt Trịnh kéo quân đến đây, nay trong lúc nước ta còn loạn lạc chưa yên mà bỏ mặc phụ vương thì sao khỏi mang tiếng thất tín với thiên hạ. Nếu là bậc anh hùng hào kiệt ai lại làm điều thất tín, cần gì phải gả con. Còn nếu Nguyễn Huệ bỏ ta mà đi trong lúc này tất là người thất tín, cũng chỉ như phường thừa nước đục thả câu, tình gì mà phải giữ?
Vua giật mình nói:
- Con thật là sáng suốt! Nhưng cha đã sai Nguyễn Hữu Chỉnh đi dò ý Nguyễn Huệ, nếu Nguyễn Huệ bằng lòng thì con cũng nên ưng thuận cho cha được yên lòng.
Ngọc Hân an ủi rằng:
- Xin phụ vương an tâm, Nguyễn Huệ đem quân đến đây vẫn một lòng tôn kính phụ vương. Mở kho thóc họ Trịnh phát chẩn dân nghèo, quân không mảy may xâm phạm của dân, bắt được cướp đem ra trước dân mà xử. Một đạo binh nghiêm kỷ như thế, thì tướng tất phải là người quang minh lỗi lạc. Nay việc đã lỡ cứ để xem ý Nguyễn Huệ thế nào con sẽ liệu mà xử xự!
Ngọc Hân vừa nói xong, quân canh vào báo:
- Tâu bệ hạ Nguyên Soái xin vào yết kiến.
Vua bảo Ngọc Hân :
- Con hãy tạm lánh mặt sau bức bình phong. Để cha tiếp Nguyễn Huệ xem ý Huệ thế nào?
Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh và Trần Văn Kỷ vào đến. Thi lễ xong, Huệ thưa:
- Tâu bệ hạ, việc bệ hạ nhận hạ thần làm phò mã, thật thần không dám vâng lời!
Nhà vua buồn rầu nói:
- Nhà Lê của trẫm hai trăm năm nay ví như là tù nhân được họ Trịnh cấp gạo cho ăn. Trẫm tiếng là vua, con gái trẫm tiếng là công chúa nhưng cảnh nhà thanh bạch thật là hữu danh vô thực. Trẫm biết thế nên đâu dám mời Nguyên Soái đến hỏi thẳng, phải nhờ Hữu Chỉnh dò ý Nguyên Soái. Chẳng ngờ Nguyên Soái chê mà không thuận ý, nhà Lê của ta thật là vô phước vậy!
Nguyễn Huệ thất kinh tâu:
- Xin bệ hạ bình tâm cho thần tỏ đôi lời. Số là hạ thần không dám nhận làm phò mã, bởi thần ra đây vì nghĩa đối với vua đang bị họ Trịnh áp chế, vì nhân đối với dân đang cực khổ lầm than. Ấy là một lẽ! Nay nếu kể công mà nhận thưởng chẳng hóa ra là người giả nghĩa giả nhân ư? Ấy là hai lẽ! Còn công chúa nếu không ưng mà vâng lời bệ hạ phải bằng lòng thì hóa ra hạ thần là kẻ ngu phu ư? Ấy là ba lẽ! Tâu bệ hạ vì ba lẽ ấy mà hạ thần không dám nhận. Xin bệ hạ đừng nói tiếng chê mà thần phải mang tội khi quân thất kính.
Vua Lê vẫn dàu dàu hỏi:
- Nói đi nói lại rốt cuộc là Nguyên Soái từ chối nhân duyên chứ gì?
Nghe vua hỏi, Huệ nghĩ thầm rằng: “Bây giờ có thể nói kế của Trần Văn Kỷ ra được rồi đây”. Nghĩ xong bèn nói:
- Xin bệ hạ cho thần được giáp mặt công chúa hỏi một câu. Nếu công chúa không chê hạ thần mới dám nhận, để khỏi mang tiếng là ép buộc nhân duyên!
Vua Lê cả mừng nói:
- Việc này nào có khó gì? Quân hầu mau mời Ngọc Hân công chúa đến đây.
Ngọc Hân từ sau bức bình phong bước ra thi lễ với vua xong lại quay sang kính cẩn chào Nguyễn Huệ. Nguyên lúc Ngọc Hân ở sau bức bình phong nghe được cuộc đối đáp của Nguyễn Huệ với vua cha. Nghe tiếng Nguyễn Huệ ngân như chuông, lời lẽ quang minh chính đại. Đến khi thấy Nguyễn Huệ mắt phụng mày tằm, ánh nhìn như chớp, tướng mạo phi phàm thì trong lòng sinh ra cảm phục. Còn Nguyễn Huệ thấy Ngọc Hân công chúa tóc mây, da tuyết, mày như lá liễu, mắt nhìn tựa sóng mùa thu, dung nhan cực kỳ diễm lệ thì nhìn mãi không thôi. Nguyễn Hữu Chỉnh thấy vậy mừng thầm nhắc khéo Nguyễn Huệ rằng:
- Thưa chúa công, ấy chính là Ngọc Hân công chúa.
Nguyễn Huệ giật mình quở Nguyễn Hữu Chỉnh rằng:
- Ở nước ta ngươi gọi ta là chúa công đã đành, đây là ở nước Hoàng thượng… Và, ta đã nhận sắc phong của Hoàng thượng vậy là nghĩa tôi thần, ngươi còn gọi ta là chúa công sao phải.
Rồi Huệ quay sang Ngọc Hân nói:
- Huệ tôi từ nơi xa đến đây nghe thiên hạ đồn rằng công chúa Ngọc Hân sắc đẹp như tiên giáng thế nên người đời thường gọi là chúa tiên. Nay tôi đã thưa cùng Hoàng thượng xin cầu hôn công chúa. Chẳng hay ý công chúa thế nào?
Ngọc Hân cười nói:
- Cảm ơn chúa công đã có lòng đoái hoài. Nếu chúa công đưa ra một lễ vật, tôi nguyện suốt đời sửa túi nâng khăn!
Nguyễn Huệ hỏi:
- Tôi tuy không phải là người trong nước, nhưng nay đã nhận sắc phong của Hoàng thượng, xin công chúa hãy gọi tôi theo sắc phong, chớ gọi là chúa công theo thủ hạ của tôi. Công chúa muốn thách lễ cưới vật gì xin hãy nói ra?
Ngọc Hân đáp:
- Tôi xin ra một vế đối, nếu chúa công đối được ấy là chúa công đã trao lễ vật vậy rồi đó.
Nguyễn Huệ liền bảo:
- Điều thứ nhất xin công chúa chớ gọi tôi là chúa công. Điều thứ hai xin hãy ra vế đối.
Ngọc Hân mỉm cười đáp:
- Nếu chúa công đối được câu đối này thì tôi sẽ không gọi là chúa công mà gọi là Nguyên Soái theo sắc phong của phụ hoàng tôi. Vậy tôi xin đọc vế đối:
- Chúa công, Công chúa hội ngộ.
Tôi nghe nói chúa công chỉ hay dùng văn Nôm mà không ưa văn Hán. Vậy chúa công hãy dùng văn Nôm mà đối lại câu văn Hán này.
Nghe Ngọc Hân công chúa nói xong, Nguyễn Hữu Chỉnh thất kinh hồn vía than thầm rằng:
- Cuộc nhân duyên chắc chắn lỡ làng, việc lớn của ta chẳng những bất thành. Nguyễn Huệ không đối được bị bẽ mặt, tánh mạng ta e rằng khó giữ!
Nghĩ xong Chỉnh bèn kéo Trần Văn Kỷ ra xa hỏi nhỏ rằng:
- Công chúa ra câu đối hiểm như thế lại còn bắt dùng văn Nôm mà đối. Nếu chúa công không đối được thì sao?
Trần Văn Kỷ cười đáp:
- Mục đích chúa công đến đây là từ chối cuộc hôn nhân, nếu không đối được thì càng tốt chứ sao?
Nghe Văn Kỷ nói, Chỉnh lại càng rầu rĩ!
Còn vua Lê Hiển Tông kéo công chúa lại gần bảo:
- Nếu con không thuận ý thì thôi, việc gì phải bày trò câu đối mà hạ nhục Nguyên Soái. Con làm việc này là đã giết cha rồi đó!
Ngọc Hân mỉm cười liếc về phía Nguyễn Huệ:
- Xin cha cứ an tâm, Nguyên Soái không phải là người kém tài văn học đâu.
Nói xong Ngọc Hân quay sang hỏi Nguyễn Huệ :
- Xin hỏi chúa công có đối được chăng?
Bấy giờ Nguyễn Huệ mới mỉm cười đáp:
- Bình sinh tôi chỉ tranh thắng thua nơi chiến trận, định kế mưu chém tướng đoạt thành. Trên lĩnh vực văn chương thật là mai một. Nay công chúa đã ra vế đối bằng văn Hán bắt phải đối bằng vế văn Nôm, Huệ tôi tuy ít học nhưng để chứng tỏ văn Nôm của người Nam ta sao không đối được cùng văn Hán của người Tàu, nên cũng xin múa rìu qua mắt thợ.
Ngọc Hân nói:
- Vậy xin chúa công hãy đối đi cho.
Lúc ấy vua Lê Hiển Tông nghĩ Nguyễn Huệ không đối được sẽ kéo quân về Nam sợ toát mồ hôi hột. Nguyễn Hữu Chỉnh lo nhân duyên bất thành lại vạ đến thân, mặt không còn hột máu. Chỉ Trần Văn Kỷ là bình thản như không. Bỗng nghe Nguyễn Huệ đáp lời Ngọc Hân rằng:
-Công chúa ra câu đối văn Hán:
“ Chúa công, Công chúa hội ngộ.”
Tôi xin đọc vế đối văn Nôm:
“ Một mai, mai một anh hùng”.
Nguyễn Huệ vừa dứt lời, Nguyễn Hữu Chỉnh mừng quá buộc miệng khen:
- Hay! Thật không còn vế đối nào hay và chỉnh hơn thế được!
Vua Lê Hiển Tông thở phào nói lớn:
- Nguyên Soái thật là người hiếu trung gồm đủ, trí dũng có thừa, văn võ xong toàn đó. Nguyên Soái đã đối được vế đối, con còn gì để nói nữa chăng?
Ngọc Hân qùy thưa:
- Nguyên Soái đã trao lễ vật, xin phụ vương cho con cùng người nên nghĩa Châu Trần!
Nguyễn Huệ cũng quỳ tâu:
- Đội ơn bệ hạ đoái thương! Hạ thần xin được ra về nhờ người mai mối định ngày làm lễ tơ hồng.
Nói rồi vua Lê, Nguyễn Huệ, Ngọc Hân và Nguyễn Hữu Chỉnh vui vẻ chia tay. Chỉ có Trần Văn Kỷ là hãy còn thắc mắc. Về đến tư dinh, Văn Kỷ hỏi Nguyễn Huệ :
- Chúa công định từ chối hôn nhân, sao còn đối vế đối của công chúa làm gì?
Nguyễn Huệ phân trần:
- Lúc chưa gặp vua mới nghe Hữu Chỉnh nói ta những tưởng vua vì bất đắc dĩ mới gả công chúa cho ta. Nếu nhận là ép người, bất nghĩa. Giờ tận mắt thấy vua thật lòng muốn nhận ta làm phò mã, nếu chối từ hoá ra là khi quân thất lễ. Nên ta phải thuận lòng. Vả lại, ta không bất nghĩa với vua Lê mà được làm phò mã thì càng danh chánh ngôn thuận phò vực nhà Lê, ắt có lợi cho việc tiến thoái về sau để thống nhất sơn hà. Văn Kỷ chớ nghĩ rằng ta say đắm nhan sắc của công chúa mới phải đối văn.
Trần Văn Kỷ vui vẻ nói:
- Trai anh hùng, gái thuyền quyên! Mối lương duyên này thật là do trời sắp đặt !
Đến ngày cưới, Nguyễn Huệ dâng lễ vật cho vua Lê, rước công chúa Ngọc Hân về soái phủ (Là phủ chúa Trịnh lúc trước). Nhân dân ở thành Thăng Long hay tin đi xem đông như kiến, đều tấm tắc khen rằng:
- Công chúa con vua nước ta lại lấy em vua nước Tây Sơn. Thật trai tài gái sắc, xứng đôi phải lứa xưa nay chưa từng thấy. Phò mã ắt phải giữ nước cho cha vợ, lo gì nước chẳng yên.
Rước Ngọc Hân về soái phủ rồi, Nguyễn Huệ hỏi Ngọc Hân rằng:
- Công chúa không thương thì thôi sao ra câu đối hiểm như vậy? Ngộ nhỡ tôi không đối được hóa ra công chúa muốn làm bẻ mặt tôi ư?
Ngọc Hân đáp:
- Khi ra vế đối này thiếp đã nghĩ trước, chỉ có anh hùng trong thiên hạ mới đối được mà thôi. Phu quân là người anh hùng quán thế sao lại chẳng đối được câu này.
Nguyễn Huệ nắm tay Ngọc Hân nói:
- Mới gặp mặt lần đầu đã đoán biết anh hùng. Ta với nàng thật là tri kỷ. Anh hùng quán thế sánh duyên cùng tuyệt thế giai nhân, ấy chẳng phải là ý trời ư?
Nói rồi hai người cùng dắt tay nhau vào động phòng hoa chúc.
(Hết chương 38)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét