Thằng Lẩy nghe bà ngoại kể lại lúc sanh nó vừa đầy tháng thì mẹ bỏ lên Sài Gòn. Thỉnh thoảng có gởi về chút đỉnh tiền cho hai bà cháu. Ban đầu nó được đặt tên Hận, hàm ý hận người cha bạc tình bỏ vợ theo người khác. Sau ngoại thấy tên ấy nghe xẵng tai quá nên sửa lại Lẩy cho nhẹ hơn. Lần hồi tiền gởi về thưa dần rồi bặt luôn. Nghe đâu mẹ nó đã theo chồng khác ở tận cao nguyên. Làm ăn chắc không khá. Hằng ngày ngoại ra bờ xép câu cá. Đến buổi được chừng một rổ nhỏ đủ kho tiêu và nấu canh. Ngoại nấu canh chua rau muống với cá linh tròn ngon lắm. Ngoài ra bà còn nuôi nhiều gà vịt, mỗi sáng ngoại hốt một bụm thóc thảy xuống sân, chúng bu lại tranh nhau mổ, coi vui mắt. Bà bảo cho ăn cầm chừng để chúng khỏi bỏ đi, chớ trùng dế thiếu gì mặc sức mà bươi quào. Khi nhà hết gạo, ngoại bán vài con lấy tiền mua. Gà ngủ trên cây xung quanh nhà, chờ đỏ đèn đứng trên ghế cao vói tay bắt nhốt vào bậu sáng lên chợ bán. Lẩy cầm đèn cho ngoại mà thấy thích thú.
Ngày Lẩy vào lớp một, ngoại đưa đến trường. Xóm trên có nhỏ Bông được mẹ dẫn đi. Hai đứa chung lớp, ai nấy đều mừng. Bữa đó đường trơn vì đám mưa lớn nửa đêm. Thằng Lẩy một tay níu ngoại, tay kia nắm tay Bông, Bông nắm tay mẹ, tạo thành hàng dọc nương nhau lần từng bước.
Nhỏ Bông hỏi Lẩy:
- Cớ sao mình phải đi học hả anh?
Lẩy ngần ngừ giây lát rồi nói:
- Đi học để nên người.
Bông xoe tròn cặp mắt:
- Nên người là sao?
- Hỏng biết!
Bông phụng phịu:
- Vậy ai nói với anh như thế?
- Bà ngoại.
Ngoại cười ngất:
- Tiên nhơn mầy. Trả lời không được thì đổ thừa tao!
Lẩy cãi:
- Đâu có… Ngoại thường nói ba không học nên hư thân. Lớn lên con phải học để nên người!
Bà lại cười. Mẹ Bông cũng cười.
Nhờ học chung lớp, Lẩy và Bông nhanh chóng thân nhau. Mỗi khi đi học về Lẩy thường qua rủ Bông bắt dế, chơi cất nhà chòi, đôi khi xuống xép tắm. Mỗi đứa ôm một khúc chuối trầm mình dưới lòng nước cạn, vừa lội vừa nô đùa. Khi nước lớn mẹ Bông kêu thôi, hai đứa về nhà. Ngoại mắng yêu Lẩy:
- Con trai gì mà kè kè với con gái hoài hả?
Lẩy bẽn lẽn đi chỗ khác. Giận ngoại không thèm qua nhà Bông nữa. Nhưng được một buổi, chiều đến cũng mon men tìm Bông.
Nó thích thấy Bông cười, vừa giòn vừa tươi. Có lần Bông nhìn trăng hỏi Lẩy:
- Chú Cuội ôm gốc đa để chi vậy anh Lẩy?
- Bà ngoại nói chú Cuội si tình chị Hằng.
- Si tình là sao?
Lẩy lúng túng:
- À… Bà ngoại nói chú Cuội muốn cưới chị Hằng làm vợ nhưng chị Hằng hổng chịu nên ôm gốc đa khóc. Si tình là… khóc đó!
- Ờ hé! Mà em cũng thấy anh khóc… Vậy là anh si tình.
Lẩy cãi:
- Chừng nào đòi cưới hổng được thì khóc mới si tình… còn khóc do bị rầy đâu kể.
- Ờ hé!
Ngừng một lát Bông hỏi:
- Lớn lên anh có đòi cưới em không?
- Đòi.
Bông cười giòn, gương mặt rạng rỡ và thơ ngây:
- Vậy… cho anh si tình!
Hai đứa làm thinh, cùng ngước lên nhìn trăng, Bông chợt hỏi:
- Mấy ông sao ở gần đó có biết chị Hằng chê chú Cuội không?
- Hổng biết nữa…
Nhỏ Bông đưa mắt nhìn quanh bầu trời lung linh hàng ngàn tinh tú. Ánh trăng chiếu sáng vằng vặc. Một ngôi sao xẹt phía chân trời. Bông buột miệng nói:
- Có người vừa chết.
Lẩy ngạc nhiên:
- Sao Bông biết?
- Mẹ nói mỗi ngôi sao là linh hồn một người. Sao rụng thì người đó mất. Anh có biết sao nào của mình không?
Lẩy cười cười:
- Làm sao biết được. Trên trời có quá nhiều sao…
Bông hỏi bâng quơ:
- Nhưng chắc ngôi sao của tụi mình ở gần nhau hé?
Lẩy cũng đáp bâng quơ:
- Ờ!...
Năm vào trung học, Lẩy ra ở nhà dì ngoài chợ quận cho gần trường. Ngày nghỉ đạp xe về thăm ngoại. Nuôi Lẩy từ còn đỏ hỏn bà mến tay mến chưn, nên vắng thì nhớ, trông mau cuối tuần để Lẩy về chơi. Mấy ngày đó bà chăm chút từng miếng ăn cho nó. Nó thương bà lắm, cái tình bà cháu còn thêm ý nghĩa của tình mẫu tử. Vì hồi nào tới giờ nó có biết mặt mũi của mẹ ra sao (?). Bà chắt chiu từng đồng mua sữa cho nó uống, móm từng muỗng cháo cho nó ăn, dìu từng bước chập chững tập đi, dạy nó nói tiếng “bà” đầu tiên. Mỗi khi ấm đầu sổ mũi bà thức sáng đêm lo lắng không yên, lau từng giọt mồ hôi, giặt từng cái áo, cực khổ đủ điều… Để rồi nghe Lẩy thỏ thẻ gọi “bà” thì mọi nhọc nhằn bay hết, thay vào đó là nụ cười rạng rỡ ẩn sau đôi gò má nhăn nheo! Người kế tiếp in bóng trong lòng Lẩy là Bông. Con nhỏ má bầu phúng phính, nụ cười rất đẹp. Hằng ngày cùng nhau tắm xép, chơi nhà chòi. Lẩy nhớ lắm tiếng cười giòn phát ra từ cái miệng xinh xắn, và cặp mắt đen láy như hai hột nhãn cũng cười theo. Bây giờ thì Bông lớn rồi, đường cong con gái đã rõ. Không còn tắm xép, nghỉ chơi nhà chòi. Thay vào đó là nét thẹn tùng bối rối khi đứng gần Lẩy.
Ngày qua tháng lại, thằng Lẩy học xong bậc trung học, đã thành chàng thanh niên tuấn tú. Còn ngoại thì già thêm, lưng còng, mắt mờ tai lảng. Bà không còn nhìn rõ ai nữa, nhưng khi nhận ra Lẩy thì mừng lắm, hết rờ trán đến rờ tay nó. Miệng cười run run, giọng đơn đớt:
- Tiên nhơn mày! Lớn quá rồi. Bà phải lo vợ cho đây… Coi, hồi mới sanh cái miệng giống mẹ như đúc. Môi mỏng nè… chắc con gái thích lắm hử?
Bà chợt buồn, lẩm bẩm:
- Con mẹ mầy sao đi biệt? Không chịu dìa thăm tao. Một lần cũng không. Đứa nào cũng con, tao đâu bỏ ai sao nó nỡ quên tao…
Rồi bà khóc. Tiếng khóc không thành lời, chỉ là tiếng nghẹn. Có lẽ bà không đủ sức để khóc nữa. Lẩy dìu bà ngồi xuống, buồn bã nhìn ngoại rồi nhìn ra bờ xép. Nơi nó và Bông thường bơi lội mỗi trưa. Thời gian sao nhanh quá, bây giờ thì Bông đã mười tám tuổi còn gì! Lâu lâu gặp lại, Lẩy thấy Bông đẹp thêm, nụ cười càng tươi pha chút rụt rè giữ ý, có ai dòm ngó chưa kìa? Nó chợt lo lắng bâng quơ. Lỡ Bông có chồng thì sao? Lẩy tự hỏi rồi hình dung nếu không được gặp Bông, không cùng trò chuyện, không được nhìn nụ cười của Bông chắc là buồn chết!
Năm Lẩy vào đại học ngoại về ở với dì, nhà đóng cửa nhờ người cậu bà con ở gần dòm ngó, thỉnh thoảng sang quét dọn và đốt nhang cho ấm cúng. Vì thế Lẩy ít về quê, mà có về thì ở giây lát quét sơ mạng nhện rồi lên nhà dì thăm ngoại vài bữa. Tiền dì gởi không đủ xài, Lẩy phải phụ giúp một tiệm buôn giao hàng cho khách. Công việc bộn bề nên thăm ngoại cũng không được lâu. Đôi khi nó nhớ Bông, nhớ dòng xép lặng lẽ trôi giữa trưa hè và nhớ luôn nụ cười phụng phịu… Nhưng đành dằn lòng trở lại Sài Gòn, mang theo hoài bão của một chàng trai vừa mới lớn.
Còn Bông. Từ ngày thằng Lẩy đi học xa, chiều chiều nhìn ra dòng xép, gió lay động cành me bên bờ, thấy lòng nhớ ai! Mới ngày nào hai đứa chung trường chung lớp, nũng nịu đòi Lẩy bắt chuồn chuồn cột vào đuôi chiếc lá nhỏ thả bay là đà, cười vang thỏa thích. Rồi Lẩy bày ra chuyện cho chuồn chuồn cắn rún sẽ mau biết lội. Đau điếng cũng ráng. Dòng xép còn đây, giờ chỉ một mình, nhớ thương cũng phải giấu mẹ, âm thầm chờ đợi. Mỗi khi nghe tiếng chó sủa, thấp thỏm mừng thầm, rồi thở dài nhìn đám mây bay!
Sau ngày ngoại mất, Lẩy càng ít về quê. Một phần do mấy năm học cuối bài vở nhiều quá nên không rảnh. Kỳ nghỉ tết năm đó nó về thăm lại căn nhà xưa của ngoại, bụi bám nhện giăng đều khắp vì người cậu bệnh tật liên miên không thể chăm nom chu đáo được. Nó tìm thăm Bông, nhưng trớ trêu cô nàng về xứ mẹ tận Biên Hòa ăn tết! Lẩy tiếc nuối vô cùng, nhìn góc mận khi xưa nơi chơi cất nhà chòi mà nhớ da diết nụ cười cô bạn. Một cái tết phải thu xếp khó khăn để gặp người xưa, không dè tan mộng!
Tám năm sau, trên con đường làng lầy lội, một chàng trai trạc ba mươi lầm lũi bước đi. Đó là Lẩy. Nó dừng lại trước căn nhà gỗ xinh xắn cất ngay trên nền của ngoại nó. Do không ai trông nom nên dì bán lại cho người bà con xa. Nhứt cử lưỡng tiện, đất ông bà không vào tay người dưng, lại khỏi mất công chăm sóc. Dấu tích duy nhứt còn sót lại là cây me già trước ngõ, từng cho bà cháu Lẩy những nồi canh chua thơm phức. Nhìn tàn lá sum suê đơm đầy trái non, Lẩy bồi hồi nhớ ngoại với chiếc lưng còng hai tay cầm móc hái me.
Nó lần đến nhà Bông. Một căn nhà lá đơn sơ trông nghèo nàn, vắng tanh. Ngó vào thấy trên bàn thờ tấm hình mẹ Bông làm nó bàng hoàng. Nơi chôn nhau cắt rún nay thay đổi nhiều quá! Lẩy buồn bã bước ra bờ xép. Chỗ này cùng Bông bơi lội ngày xưa. Nơi kia trước đây có cây cầu tre, giờ không còn nữa. Dòng nước trong veo thì vẫn lờ đờ trôi. Cảnh cũ là thế, người xưa nay đã ra sao? Thình lình nó thấy xa xa bóng người đang giặt áo. Rồi như một lực đẩy vô hình khiến nó đi về phía ấy. Người kia ngưng giặt, ngẩng đầu nhìn lên, sững sờ đánh rơi chiếc áo. Lẩy không tin vào mắt, Bông đây sao? Bông ngày xưa phụng phịu thơ ngây, nụ cười thật tươi, bây giờ lại tiều tụy đến thế?
Sau vài phút bỡ ngỡ, Bông ấp úng:
-Anh Lẩy… mới về?
Lẩy hơi bối rối:
- Bông… vẫn mạnh?
Hai người lại làm thinh. Bông tiếp tục giặt áo, nhưng đôi tay không còn tự nhiên nữa. Chừng trấn an được lòng, Lẩy nói:
- Lúc nãy anh có ghé nhà… Dì hai mất bao lâu rồi?
Giọng Bông buồn buồn:
- Hai năm rồi anh.
Nàng vụt hỏi:
- Sao lâu quá anh không về?
- Có nhiều chuyện xảy ra ngoài ý muốn. Nói thì dài dòng lắm!
Lẩy nhìn đôi tay gầy gò của Bông, xót xa hỏi:
- Cuộc sống của Bông giờ ra sao?
Bông nhìn xa xăm:
- Chỉ qua ngày thôi anh à!
Rồi nàng tiếp:
- Có chồng được hai năm thì anh ấy sanh rượu chè be bét, em và mẹ nói gì cũng không nghe. Sau đó ảnh bịnh tâm thần, đi lang thang suốt ngày. Mẹ buồn quá, mang bệnh rồi mất.
Lẩy hỏi:
- Vợ chồng em có đứa con nào chưa?
Bông buồn bã:
- Được đứa con gái. Đã sáu tuổi rồi. Ba nó như thế đành gởi cho nội nuôi. Vừa vào lớp một. Còn anh… có dắt chị về không?
Lẩy nhìn đám rau muống mọc hoang bên bờ, đáp nhẹ nhàng:
- Anh vẫn độc thân…
Bông ngạc nhiên đưa mắt nhìn Lẩy. Vẫn đôi mắt đen huyền khi xưa, làm Lẩy nhớ câu chuyện chú Cuội năm ấy. Nhớ như in đôi mắt nhìn trăng buông lời ngây thơ: “Vậy… cho anh si tình”. Ngờ đâu câu nói như một lời nguyền. Nhưng điều đáng nói là Lẩy thấy mình có lỗi với Bông nhiều lắm. Cuộc đời cay đắng của Bông hôm nay do Lẩy một phần. Làm sao chuộc lại bây giờ? Lẩy vô cùng ân hận.
Lát sau Bông hỏi:
- Chừng nào anh đi?
- Ở đây không còn nhà ngoại nữa. Chắc là chiều nay anh lên chợ thăm dì rồi hôm sau trở ra Sài Gòn.
Bông cúi đầu, hỏi rất khẽ:
- Sau này… anh về nữa không?
- Anh không biết nữa.
Bất chợt Bông òa khóc như đứa trẻ lên ba. Có lẽ sự dằn nén nãy giờ đã quá mức rồi, không sao gượng được. Nó nói trong thổn thức:
- Thôi anh đừng bao giờ về nữa. Gặp lại anh em càng đau khổ…
Lẩy yên lặng để Bông khóc. Nó biết rằng lúc này Bông cần khóc. Mà thật ra nó cũng đang khóc trong lòng, chỉ một cái mở miệng sẽ phát thành tiếng ngay. Hồi lâu nó nói:
- Anh sẽ về. Anh có bổn phận phải quan tâm đến em. Anh có lỗi với em nhiều quá. Dầu chúng mình không thành duyên nợ, nhưng xin em hãy để anh chăm sóc em như một người anh, em nhé…
Bông vẫn khóc nhưng nét mặt bớt phần đau khổ. Lúc này đây những giọt nước mắt là liều thuốc làm dịu đi mọi u sầu. Lát sau Bông thôi khóc, nhìn Lẩy ân cần nói:
- Anh theo em về nhà… Chút nữa em nấu cơm với canh chua rau muống anh ăn.
Chợt nhận ra mình lỡ lời, Bông bẽn lẽn nhìn xuống nói chữa:
- Món ăn trước đây anh thường đòi ngoại nấu đó!
Lẩy khẽ gật đầu, thấy một niềm vui nho nhỏ. Mặt trời lên cao, nắng chan hòa khắp xép, vài chú cá nhỏ tung tăng theo đám lục bình. Bông lén nhìn Lẩy rồi nhìn hoa rau muống mọc bên bờ, những cánh hoa tim tím nằm lẫn trong màu xanh mượt mà của lá. Màu tím tượng trưng cho buồn, nhưng màu xanh thì hy vọng, hơi mâu thuẫn. Cuộc đời là thế, phải chấp nhận cả hai. Bông cảm thấy nhẹ nhàng khi nhận ra điều đó. Không ai biết được ngày mai sẽ ra sao, cái đáng quí là giữ được trong lòng kỉ niệm đẹp và nhìn đời theo chiều hướng lạc quan.
Bông nở nụ cười thật tươi, bưng thau quần áo đứng lên, không nhìn Lẩy nói vừa đủ nghe:
- Em về trước đây…
Lẩy vội nói:
- Chờ anh cùng đi với em…
Thốt xong câu này Lẩy cảm thấy hơi lấn qua giới hạn, nhưng vì nụ cười của Bông khiến nó buông lời theo cái quán tính thời thơ ấu. Nó phát hiện ra rằng không thể quên được nụ cười ấy. Cho dầu nhiều năm xa vắng, nụ cười của Bông chỉ tạm thời ẩn núp đâu đó trong lòng Lẩy, một lay động nhỏ sẽ khiền Lẩy sống lại với nó ngay!
Bỗng từ xa một bà hớt hãi chạy đến báo tin với Bông:
- Chồng cháu nằm chết trên bờ đìa, mấy đứa chăn trâu thấy, đã khiêng về rồi. Lẹ đi cháu!
Mặc dầu biết sớm muộn gì việc này cũng đến, nhưng với bản năng người vợ Bông thấy rụng rời trước tin dữ, quên mất Lẩy đứng kế bên, vụt chạy nhanh về nhà. Khi đó bà ta mới nhận ra Lẩy, mừng rỡ:
- Mèn ơi! Lẩy đây sao? Lâu dữ mới dìa. Làm ăn gì có khá hông cháu?
Không đợi nó trả lời bà tiếp luôn:
- Tội nghiệp con Bông, nó khổ sở quá nhiều. Nói ra thất đức, giờ đây dì mừng cho nó thoát nợ…
Lẩy ậm ờ trả lời cho qua. Trong bụng đang rối nùi vì cái tin chồng Bông vừa mất. Nó hiểu rằng cần phải giúp Bông lo đám nên nhanh chân rảo bước, không kịp nghĩ xem có nên đồng ý với dì ấy chăng (?).
L.K
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét