Bà Hai tay chống gậy, tay ôm cái xách nhỏ bước lại nhà Hân - con trai út, vừa bước vào cửa chưa kịp nói gì, Hân nhìn bà, cay đắng:
- Sao không giỏi ở nhà ông Hùng mà lại sang đây? Ổng lấy hết tiền rồi không nuôi bà chớ gì? Rõ là.
Bà Hai nhìn Hân ngơ ngác, đứa con bà rứt ruột đẻ ra, yêu thương hết mực, giờ nầy nhìn bà như “nợ”. Bà xót xa nhìn con, lắc đầu. Hân càng tức:
- Bán đất đưa ổng trả nợ, còn bao nhiêu bỏ ngân hàng ổng cũng moi ăn hết thì phải nuôi bà chớ! Hồi đó nói bà đâu có nghe, cứ nói tui moi móc này nọ. Giờ thấy chưa?
- Má biết rồi, tại cái số má nó khổ thế đấy! Do má quá thương chìu con nên giờ ra vậy - bà bỗng cao giọng - tao không đưa tiền nó trả nợ cho tụi xã hội đen chặt nó à!
- Tui cũng khổ chớ có sung sướng gì, phụ hồ ngày trăm mấy chi đủ thứ. Nào tiền ăn, sách vở cho hai đứa nhỏ, không lẽ cho nó nghỉ học để dốt như tui à?
- Thì tao có biểu mày cho tụi nhỏ nghỉ học đâu, ráng cho nó học biết cái chữ với người ta. - Bà dịu giọng: Thôi kệ má đi con! Cho má ở có gì má ăn nấy, má già rồi ăn chén cơm thôi, mắm muối cũng được.
Thủy - vợ Hân, bước tới cầm cái xách từ tay bà:
- Thôi mà anh! Má ở với mình cũng được, má già rồi ăn có là bao, anh la om sòm hàng xóm người ta cười cho đấy! Có má vui cửa vui nhà sao đâu. Má vào đi!
- Có ai nói gì đâu, nhưng nghĩ tới việc ông Hùng moi hết tiền mà không lo cho má, thấy tức trong bụng nên nói vậy thôi.
Bà Hai rưng rưng, cố kiềm những giọt nước mắt. Những lời con trai như dao cứa vào da thịt, nhức nhối. May mắn cho bà có cô con dâu hiền lành, biết thương người dù cậu con trai cộc cằn, đay nghiến. Biết làm sao được, Hùng - con trai lớn của bà - nợ nần việc gì bà chẳng hiểu mà dính tới xã hội đen. Họ đòi chặt, đòi chém. Thương con, bà phải bán nhà đưa Hùng trả nợ, còn bao nhiêu gởi ngân hàng dưỡng già. Ai ngờ, chứng nào tật nấy, Hùng cờ bạc rút hết tiền ngân hàng của bà rồi bỏ đi. Vợ con của Hùng cả ngày cũng không thấy mặt, nên bà đành lại nhà Hân. Cuộc đời bà khổ từ thời nào đến giờ, chưa có ngày sung sướng.
Lấy chồng năm hai mươi tuổi, bà sinh đứa con gái đầu lòng, sau đó lần lượt năm đứa con trai ra đời. Người ta nói “ngũ quỷ” phá nhà, nhưng bà không nghĩ thế. Trời cho gì nuôi nấy, con phá nhà là kiếp trước mình nợ giờ nó đòi. Thế nên bà luôn tự an ủi mình là đang trả nợ cho chúng, bà cắn răng chịu đựng như ngày xưa bà đã từng chịu đựng. Ông hai - chồng bà, đã chạy theo người phụ nữ xóm trên khi bà chưa được bốn mươi. Người đàn bà đẹp đẽ đó lúc nào cũng quần áo sặc sỡ, son phấn thơm lừng, bởi bà ta đi làm cho sở Mỹ, nhiều tiền. Bà đã khóc thật nhiều, đến nỗi đôi mắt không còn thấy rõ, vất vả nuôi sáu người con trưởng thành với mong ước chúng được hạnh phúc, bình yên.
Thấy bà ở với vợ chồng con trai út, Hưng, Hà, Hạnh - ba cậu con trai của bà không đồng tình. Họ nói xa nói gần rằng bà thương Hùng bỏ họ, nhiều khi bà lặng thinh không dám nói một lời. Người con gái thương mẹ nhưng không dám ý kiến, dù thấy các em nhiều nặng nhẹ với mẹ như thế.
Bà Hai bước liêu xiêu, tay chống gậy, khập khiễng đi về phía nhà Hùng. Bước vào sân không thấy ai, bà nói lớn:
- Đi đâu bỏ cửa trống trơn hổng biết?
Thanh - vợ Hùng, trong bếp chạy ra:
- Con đây chớ đi đâu mà trống trơn, má hỏi có gì không?
- Thằng Hùng có về không? Mày biết nó đi đâu không vậy?
- Má hỏi ổng làm gì? Nợ nần sợ quá trốn rồi có biết ở đâu mà nói.
- Trời ơi! Cờ bạc có bao giờ sang giàu được đâu, hồi giờ không biết sao mà tham lam để dính hoài vậy?
Thanh nói lầm thầm:
- Má biết sao không - dính vào như cái nghiệp, có dứt ra được đâu.
- Mày có tiền đưa má mượn mấy chục mua thuốc, hôm qua giờ bị sốt, mệt quá!
- Tui làm gì có tiền mà đưa, không có tiền mua gạo nữa kìa.
Bà Hai buồn bã, thở dài:
- Bao nhiêu tiền lấy hết bây giờ bệnh không có một đồng mua thuốc. Hồi nào nói má đau, vợ chồng con lo hết cho.
- Má tìm ổng mà nói, tui không biết.
- Trời ơi! Con nói vậy được sao?
Bà Hai buồn bã quay trở về lại nhà cậu con trai út, tay bà chống cây gậy nhưng vẫn quờ quạng, hai chân bà bỗng run run. Bà đã sống trong cô đơn, lặng lẽ, bởi anh chị em của bà không còn ai. Chồng bà đã bạc tình, bỏ bà với sáu đứa con dại nheo nhóc. Đôi tay bà chai sạm bởi bao năm tháng lận đận với biết bao là việc, ai mướn gì bà cũng làm. Khi nhổ cỏ, dặm lúa; khi buôn bán rau củ ngoài chợ. Mảnh vườn cha mẹ để lại bà trồng rau, chăn nuôi. Mẹ con bà lây lất qua ngày, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, nói chi chuyện con cái học hành. Rồi con bà lớn lên, gả con gái lấy chồng tuốt trên Đất Sét cả năm mới có một lần về thăm mẹ. Con trai lần lượt lập gia đình, bà chia đều mảnh vườn cho sáu người con, còn lại là ngôi nhà, bà ở. Những đứa con bà, người phụ hồ, người làm mướn, người chạy xe ôm; không ai học hành tới nơi tới chốn. Họ bán đất bà cho để trả nợ, còn lại một phần nhỏ, cất nhà quay mặt ra sau vườn. Không có đường ra vào, bà cắt cho con đường bên hông nhà. Hưng - con trai cả, bán hết đất rồi dọn về phía vợ ở, mấy người con còn lại đều nấn ná trong con hẻm cụt nầy.
Những đứa con của bà ai cũng có máu cờ bạc, nên lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, kình cãi nhau như cơm bữa. Bà thường ngồi một mình ở hiên nhà mà khóc thầm! Có ai trong sáu người con của bà đã một nhìn thấy những giọt nước mắt thầm lặng nầy không?
Bà cảm thấy không thể lê bước đi thêm nữa, mệt quá, bà ghé vào ngồi dưới mái hiên nhà Quỳnh nghỉ chân. Thấy Quỳnh, bà vội nói::
- Mệt quá cháu à! Già đi một chút thở không nổi, cháu cho bà ngồi nghỉ một lát.
Quỳnh chạy xuống nhà giữa rót ly nước mang lên:
- Cháu mời bà uống nước, ngồi nghỉ cho khỏe đã, rồi về.
Bưng ly nước từ Quỳnh, tay bà run run:
- Cảm ơn cháu! - bà lẩm bẩm, số bà không có phước nhờ con, sao mà khổ dữ không biết?
- Bà đừng buồn nữa, bệnh nặng thêm thì khổ - Quỳnh nhìn bà thương cảm, cuộc đời là vậy, ai mà ngờ được.
Quỳnh mua lại căn nhà của bà năm ngoái, sửa sang lại, vừa dọn về ở mấy tháng nay thôi. Ngày nào nàng cũng chứng kiến cảnh anh em, mẹ con cãi nhau. Đôi khi họ thẳng tay đánh nhau không thương tiếc, không hề nghĩ mẹ ngồi thấy, và nghe sẽ đau lòng thế nào. Quỳnh thương bà, ân cần thăm hỏi, nên bà thường ghé chơi tâm sự. Bà khóc:
- Cháu biết không, ngày ấy khổ quá bà chỉ lo làm kiếm cơm cho con, tiền đâu mà học với hành. Không có cái chữ, con người không biết cách cư xử, ăn ở với nhau, không biết làm ăn, hỗn láo, hung hăng vậy đó cháu. Bà biết. Nhưng đâu là gì được hơn là gắng sức nuôi chúng lớn. Lỗi bà hết! Bà chẳng biết phải làm gì. Cái số bà nó vậy!
Quỳnh rưng rưng nước mắt khi nghe bà nói thế, nàng cầm tay bà an ủi:
- Bà ơi! Một mình bà nuôi hết mấy anh chị ấy là giỏi quá rồi, đừng buồn, đừng tự làm khổ mình nữa. Cháu thấy trên xóm cháu có người học hành thành đạt, làm ông này bà nọ, mà có nuôi nổi cha mẹ đâu, có thương nhớ, hiếu thảo cha mẹ già đâu. Cũng không hẳn do thất học, có người không có nửa chữ mà hiếu thuận không ai bằng. Có lẽ do tâm tính mỗi người, do xã hội chung quanh.
- Thật vậy hả cháu? Nhưng bà nghĩ có đủ cha mẹ, ăn học đàng hoàng vẫn hơn. Phải chi ổng đừng bỏ gia đình mà đi, thì đỡ khổ.
- Bà đừng nghĩ đến chuyện cũ nữa chi cho mệt, chuyện cũ đã qua mất rồi. Nếu nói tại sao thì đủ thứ chuyện cả bà ạ, chi bằng bà hãy quên, và sống.
- Cháu biết không, nhiều bữa đi làm, đói muốn té xỉu, bà cũng ráng, chỉ nghĩ đến các con đang đói là bà cố sức làm tiếp. Nấu nồi cơm, chia đều mỗi đứa một tô, nhiều khi còn lại một chén bà lót dạ, vậy mà trời thương qua hết, không bệnh đau gì. Hồi đó mà bệnh rề rề như bây giờ, có mà đói cả nhà.
Quỳnh thương bà, khi nhà có món gì ngon, nàng luôn mang sang cho bà.
Chị Thanh đẩy xe bánh mì ngang qua nhà Hân, bà Hai nói vói theo:
- Còn không, cho má một ổ với?
Thanh nguýt dài:
- Hết rồi!
Thanh vừa nói vừa đi, bà Hai nhìn theo, nước nước mắt ứa ra.
Anh Hạnh - con trai áp út của bà, chạy xe thồ vừa về tới con hẻm, đã la toáng lên:
- Mấy ông, mấy bà ra ngoài kia xem, tui mới thấy ông Hùng ngất ngưởng ngoài quán nhậu kìa! Sướng chưa?
Bà Hai đang ngồi ở hiên nhà Quỳnh chạy ra, hỏi dồn:
- Mày thấy nó chỗ nào? Dẫn tao đi gặp.
- Quí hóa quá! Tìm để đưa tiền cho ổng chớ gì? Bà lúc nào cũng Hùng, Hùng!
- Tiền đâu mà đưa? Tao lôi cái đầu nó về, càng ngày nó càng quá quắt, hết cờ bạc lại say xĩn. Con ơi là con.
Hạnh “hứ” một cái rồi chạy vào con hẻm, tiếng anh nghe ồn ào trong ngõ. Một lát, Thanh đạp xe chạy ra, vừa đi vừa chửi:
- Mồ cha nó! Sướng quá nhậu với nhẹt, ai lo con cái kệ, nó cứ nhậu cho quắt cần câu. Chồng với con.
- Mày ra kêu nó về cho má, khổ quá con.
Thanh giận dữ:
- Bà ra ngoài đó mà kêu, con trai quí của bà đó, chỉ biết rượu chè cờ bạc thôi, ớn tới họng tui rồi!
Vừa nói Thanh vừa đạp xe vù ngang qua bà, miệng lẩm bẩm chửi không ngớt. Bà Hai lom khom đứng dây, chống gậy đi dần vào ngõ. Cảnh vật yên ắng trở lại như chưa hề có gì. Bà bước xiêu quẹo về nhà Hân, nhà của cậu trai út - nơi ấy còn có đứa con dâu biết thương yêu, biết lo cho bà dù ít ỏi.
Con hẻm cụt mờ mờ qua màn nước mắt, bà dò từng bước như dò từng nỗi đau đã trải qua.
Tháng 6.2016
T.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét