Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài
Làng Ô Môi mỗi năm chỉ đẹp có hai mùa. Mùa hoa ô môi nở rực cả bầu trời một màu hồng mịn và mùa lúa chín biến cánh đồng thành tấm thảm vàng óng trải đến tận chân trời.
Làng Ô Môi cách xa chợ tỉnh không hơn mười cây số nhưng được xem là hẻo lánh bởi đoạn đường về làng vốn đã vắng vẻ, um tùm lau sậy lại còn quanh co khúc khuỷu, lầy lội vào mùa mưa, bụi mù vào mùa nắng và ngập ngụa trong mùa nước nổi. Tất cả người làng đều là nông dân. Đàn bà trẻ con và cả người già còn sức đều ra đồng. Từ đầu đến cuối làng chẳng có hàng quán. Mỗi ngày có một chuyến ghe hàng bán tạp hóa từ đâu chèo đến với tiếng loa kèn vang dọc bờ kinh.
Dân làng ít khi ra chợ nếu không có việc cần kíp. Có người suốt đời chưa bước chân ra khỏi làng. Lúa gạo trên đồng và tôm cá dưới sông. Cuộc sống họ êm đềm trong đạm bạc.
Cả làng chỉ có vài người biết chữ. Một ít trẻ con được đến trường nhưng rất trễ. Có đứa mới học lớp nhất đã đi hỏi vợ. Trường học ở ngoài lộ đá, cách làng chừng năm cây số. Trẻ con đi học dù là ban ngày cũng phải đi thành nhóm vì sợ... ma. Nghĩa địa nằm sau chòm tre già, gió đưa kêu xào xạc, ken két suốt ngày, người lớn đi qua còn dáo dác, hồi hộp. Dân làng nghĩ rằng cần có một lớp học tại xóm để trẻ con khỏi phải đi xa. Anh Quít là người khá chữ nhất làng nên được cử làm thầy giáo. Lớp học hình thành dưới mái lá xiêu xiêu nồng nặc mùi rơm mốc với hơn hai mươi đứa trẻ mặt mày lem luốc. Học trò không có sự đồng nhất nào cả. Tuổi từ bảy, tám đến mười lăm, mười sáu. Áo quần đủ kiểu đủ màu sờn bâu đứt nút. Thậm chí có đứa ở trần màu da đen sạm, tóc vàng hoe khét nắng. Tiếng đánh vần vang lên như tiếng ểnh ương kêu mỗi khi trời sụp tối, nhưng cũng làm vui tai cả xóm. Học trò có đứa vừa học vừa giữ em, có đứa ngồi trong lớp nhưng mắt phải trông chừng đàn bò đang nhai cỏ ngoài đồng. Thầy giáo không bằng cấp. Lớp học không ai quản lý. Chương trình không theo một giáo khoa nào. Học trò tốt nghiệp chắc chắn là đi chăn bò nhưng biết đọc biết viết là quí lắm rồi. Cho nên có đứa sáng dạ sáu tháng đã ra trường, có đứa ba năm vẫn chưa ráp được vần ngược.
Từ lớp học ấy xuất hiện hai cậu học trò mà theo thầy Quít là thần đồng, thông minh xuất chúng! Đó là thằng Bi con của Hai Bền và thằng Ngọt con của Sáu Đường. Bi và Ngọt đồng trang nhưng tướng mạo, vóc dáng khác nhau. Bi lùn thấp, dáng người chắc nịch. Ngọt ốm cao, tay chân lỏng khỏng. Trong các cuộc đùa vui với bạn bè, Ngọt chỉ dám tham gia những trò chơi nhẹ nhàng như bắn bi, đánh cờ... Còn Bi thích những trò chơi mạnh bạo như đánh hưng, chơi u...
Nghe theo lời khuyên của thầy Quít, Hai Bền và Sáu Đường đồng ý cho Bi và Ngọt ra trường nhà nước học với kỳ vọng sau này đỗ đạt làm quan. Quả thật, vài năm sau chúng làm rạng rỡ tông đường, được cả làng kính trọng khi thi đậu vào trường trung học công lập của tỉnh. Cả hai thực sự lột xác, thoát kiếp nông dân khi khoác lên vai chiếc áo trắng thơm mùi hồ thay cho chiếc áo nâu đen lấm bùn đất.
Mười năm sau. Làng Ô Môi có nhiều thay đổi. Nhà ngói mọc lên rải rác. Nhà nghèo nhất cũng cột gỗ khang trang.
Trường tiểu học được xây dựng trên cái gò trâu cao hơn mực nước nổi. Hàng tiệm, quán xá rộn rã hai bên bờ kinh. Nhà cửa sinh sôi lấn dần vùng lau sậy hoang dã... Học trò ra trường tỉnh càng lúc càng đông.
Ngọt và Bi đều thi đậu tú tài. Hai cậu tú quí hiếm của làng Ô Môi luôn được dân làng nể trọng. Tốt nghiệp trường sư phạm, Ngọt trở thành người thầy có bằng cấp đầu tiên của làng. Càng lớn Ngọt càng đẹp trai, tướng mạo phương phi, nhiều cô thôn nữ thầm thương trộm nhớ. Nhưng giữa anh và họ đã sớm có một khoảng cách vì tính ít nói, nghiêm nghị mà các cô cho là anh tự cao. Đối với cảc bô lão trong làng, Ngọt lại là người dễ mến bởi tính tình hòa nhã, hiền lành, biết kính trên nhường dưới, sẵn sàng giúp đỡ mọi người bằng kiến thức của minh. Ngoài giờ dạy ở trường, anh về nhà đọc sách, nghiên cứu, không thích chè chén hay vui thú ở chỗ đông người. Đối với làng Ô Môi, Ngọt là người uyên bác, nên trong các dịp lễ hội, anh được các cụ già mời ngồi chung chiếu đàm đạo. Có lẽ vì thế mà phong cách sống của Ngọt cũng sớm già trước tuổi.
Bi không đi làm việc mà trở thành nhà kinh doanh. Với cái nón nỉ trên đầu và chiếc cặp táp bên hông, anh thoắt mất thoắt hiện ở làng. Càng lớn Bi càng lanh lợi, hoạt bát. Có học, có tiền, nói năng khéo léo, anh thu hút nhiều người. Các bô lão rất thích sự rộng rãi hào phóng của Bi bởi mỗi đợt cúng đình hay lạc quyên, anh luôn tặng những số tiền khá lớn. Trong quyển sổ vàng của làng, tên Nguyễn Văn Bi xuất hiện ngạo nghễ trên nhiều trang giấy. Các thanh niên trong làng cũng khoái Bi vì anh rất hào sảng trong các cuộc nhậu. Họ học ở anh cách ăn nói văn minh, lịch thiệp, được nghe anh kể những chuyện hay chuyện lạ ở xứ người. Các cô gái cũng thích Bi vì tính anh thân mật, gặp cô nào cũng ân cần thăm hỏi. Nghe đâu, có một vài cô dám trốn nhà theo Bi đi du lịch nhưng chưa thấy anh yêu thật sự một ai.
Cuộc sống của làng Ô Môi ngày càng phồn thịnh. Thêm nhiều thế hệ mới ra đời nên nhà cửa càng đông đúc. Nghề nghiệp phát triển đa dạng. Nhiều cây ô môi thân to người ôm không giáp được hạ xuống để lập chợ, cất nhà hàng... Điều tốt phát triển thì điều xấu cũng nảy sinh. Ngôi đình được tu sửa đồ sộ, khang trang thì các hàng quán xung quanh cũng rực rỡ đèn màu không kém. Nông dân trẻ không còn an phận như cha ông ngày xưa mà đua đòi tiện nghi, khoa trương của cải qua nhiều cách tiêu pha. Các cô gái đã biết dùng son phấn để biến đổi cái vẻ đẹp mộc mạc thành kiêu sa, đài các. Thanh niên cũng biết cỡi xe gắn máy lạng lách trên đường làng. Chỉ còn những cụ già búi tóc là không thay đổi cách sống, luôn bất bình trước các đợt-sống-mới. Con cháu uốn tóc quăn, mặc quần ống túm phải tránh mặt các cụ.
Ngọt tuy mới bước vào tuổi trung niên nhưng cũng liệt vào hàng trưởng thượng bởi cách sống nho phong của anh. Đồng lương thầy giáo chỉ giúp anh đủ nuôi một vợ ba con bằng sự đạm bạc. Ngôi nhà cột săng của anh ngày trước thuộc loại khang trang bây giờ phải khiêm nhường nép dưới những mái nhà cao rộng. Chiếc xe đòn dông từ thời đi học đến nay vẫn chung thủy với anh. Trong khi đó cuộc sống của Bi không ngừng tiến triển. Ngôi nhà tường nóc bằng hai tầng của anh thuộc loại lớn nhất nhì trong làng. Bi đổi xe như đổi áo, loại nào mới ra là anh sắm liền. Bi có đến ba người vợ nhưng cuộc sống vẫn êm thấm do anh có tài dàn xếp. Mỗi bà đều có một cơ ngơi sinh sống sung túc nên cũng chẳng buồn đấu đá nhau. Ba dòng con mười một người được Bi chăm lo học hành đến nới đến chốn. Dân làng chẳng những không chê trách mà còn phục tài Bi. Trong các lễ cưới, lễ giỗ, người ta thường nhắc Bi với những lời vừa đàm tiếu vừa kính trọng.
Chẳng biết ai bày ra cái việc bầu người tốt trong dịp lễ kỳ yên của đình làng Ô Môi. Năm nay đáo lệ cúng lớn, làng thuê lân mã múa rộn rã sân đình. Lại có đoàn hát bội về phục vụ. Người lớn nôn nả, trẻ con rậm rật, nhà nào cũng lo cơm chiều sớm để đi giành chỗ xem hát.
Bi tài trợ cho cuộc lễ số tiền lớn nhất, được đứng đầu danh sách cảm tạ của Ban tổ chức. Ngọt tiếp công, trang hoàng cuộc lễ rất trang trọng, đẹp mắt. Trong cuộc bầu chọn người tốt, ai cũng giới thiệu Bi. Thậm chí đến ông Trưởng ban quản trị đinh cũng đứng lên phát biểu:
- Trong làng này ai cũng biết chú Bi là người học hay, hiểu rộng, làm ăn giỏi, đóng góp rất nhiều tiền bạc và vật dụng cho đình làng. Phải nói chú Bi là người bác ái, rộng lượng, cuộc cứu trợ nào do chúng tôi kêu gọi chú đều hưởng ứng rất nhiệt tình. Vậy người tốt nhất làng không là chú Bi thì còn ai nữa!
Trong tiếng vỗ tay có tiếng phản ứng của ai đó.
- Còn nhiều vợ và nhậu nhẹt say sưa thì sao?
Có tiếng cười rộ, nhưng ông Trưởng ban vội vàng bào chữa:
- Con người ai cũng có khuyết điểm. Nếu hoàn hảo thì thành thánh lâu rồi. Chú Bi tuy có nhiều vợ nhưng thương yêu đồng đều, cả nhà hòa thuận, lo cho vợ con chu đáo. Chú có hay nhậu nhẹt nhưng với mục đích vui vẻ, chưa bao giờ quậy phá ai. Đó không phải là đức tánh tốt sao?
Cuối cùng mọi người đều giơ tay bầu Bi. Bi khui bia mời từ bàn này sang bàn khác, hân hoan giữa những lời chúc tụng.
Ngọt ngồi lặng lẽ. Người ta không tìm thấy trên gương mặt anh một chút buồn vui nào. Anh ra về trước khi tiệc tan, vì không khí ồn ào bát nháo không hợp với anh.
Đường về nhập nhoạng tối. Ngọt bước đi lầm lủi.
Những đứa học trò chào hỏi anh. Có đứa anh không còn nhớ tên. Có đứa đã trưởng thành, làm nên sự nghiệp. Chúng vẫn còn nhớ tới anh. Ngọt mỉm cười một mình trong bóng đêm. Có một niềm vui lan nhẹ vào tâm hồn anh.
Về đến nhà, Ngọt leo lên chiếc võng ngoài hàng ba nằm đong đưa. Cái radio trên bàn vọng ra ra rả:
- ... Công ty Hưng Thạnh bị đình chỉ hoạt động để điều tra vì Ban giám đốc có dấu hiệu lừa đảo...
Ngọt ngồi bật dậy. Công ty Hưng Thạnh là do Bi làm giám đốc!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét