(Đọc “Rồi mùa thu sẽ hiểu” – Hà Diệp Thu, NXB Hội Nhà văn, 2012)
“Rồi mùa thu sẽ hiểu” là tập thơ thứ ba của Hà Diệp Thu do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 7/2012. Trong 3 năm, in 3 tập thơ, kể ra người viết đang độ sung sức.
Tôi có may mắn đọc được ba tập thơ của anh. Cái cảm nhận ban đầu khi đọc “Thơ để đọc chơi” (NXB Văn nghệ, 2010) là cảm nhận khi sẻ chia những gì tác giả thể hiện qua các bài thơ. Đó là nỗi buồn khi nhìn thấy những đứa trẻ bất hạnh; đó là niềm vui khi mang đến cho các em những thiếu hụt trên đường đời… Cái chất giọng riêng ở tập thơ đầu có bộc lộ nhưng vẫn còn mờ nhạt. Tứ thơ có nhưng diễn đạt đôi lúc chưa hết ý; đôi khi từ ngữ còn thừa. Đúng như tựa tập thơ đã nói: “Thơ để đọc chơi”. Thế nhưng đọc trên một trăm bài thơ, tôi lại có cảm giác khác hơn: đọc chơi ư? Tại sao đọc chơi mà người đọc lại bâng khuâng, lại trăn trở trước những con chữ thế này.
Sang tập thơ thứ hai, “Rong chơi miền khát”- NXB 2011. Thơ Hà Diệp Thu có bước chuyển mạnh mẽ hơn. Từ đọc chơi đến “rong chơi” mà đó là rong chơi miền khát - Khát vọng cõi người dồn nén thành thơ. Và đúng 100 bài thơ chia làm 4 phần trong tập là những khúc hát thơ của anh trong hành trình “rong chơi miền khát” này…
Ở tập thứ ba “rồi mùa thu sẽ hiểu” được chia làm 2 phần: Phần 1 gồm 25 bài thơ; Phần 2 gồm 13 tản văn, bút ký, hoặc truyện ngắn.
Nếu 2 tập thơ trước, số bài được chọn vào tập khá nhiều (trên 100 bài mỗi tập) thì sang tập thứ ba tác giả có ý thức chọn lọc hơn, không tham lam quá nhiều, viết cũng tinh lọc hơn, ngôn ngữ chắt lọc và trau chuốt kỹ hơn…
Thơ Hà Diệp Thu- như anh nói- “là thơ của những kẻ chập chững bước qua đời gian khó. Đó là những câu thơ ram ráp nắng chiều tà và hoàng hôn vàng lửa, thấm đẫm sương đêm và mặt trời buổi sớm; là những câu thơ có nước mắt đau buồn cùng những nụ cười vui…” trên chặng đường “rong chơi miền khát”. Hà Diệp Thu làm thơ là để giãi bày tâm trạng- tâm trạng sẻ chia những cảnh đời bất hạnh; giãi bày tình yêu quê hương, bạn bè, tình yêu con người và cuộc sống. Không đao to, không lộng ngôn, thơ anh âm thầm chảy trong mạch ngầm từ trái tim khát khao yêu thương sẻ chia với những con người nghèo khổ…
Điều này ta có thể nhận thấy qua 3 tập thơ của anh và thể hiện sắc nét hơn ở những bài thơ viết trong thời gian gần đây. Tôi muốn dành thời gian nhiều để nói về tập thơ gần nhất - “Rồi mùa thu sẽ hiểu”- để thấy được chân dung, quan niệm sống, suy ngẫm của tác giả qua từng trang viết của mình.
Quan niệm về thơ, về đời của Hà Diệp Thu khá đơn giản, bởi quan niệm ấy trở thành cái chất vốn có trong con người anh. Điều đơn giản ấy là niềm sẻ chia cho người nghèo khổ, cho những cảnh đời bất hạnh:
… Hãy vốc cho người khát ngụm nước
Hãy sớt chia người đói nắm cơm
Hãy cho người tuyệt vọng cái níu tay thân ái
Điều đơn giản này còn uyên thâm hơn cả ngàn lý thuyết cao siêu…”
(Điều đơn giản, trang 5)
Trong bài “Nếu có mơ”- bài thơ đoạt giải Nhì cuộc thi thơ “Cánh Buồm” năm 2011, do Văn Thơ Việt.com tổ chức- xuất phát từ ý tưởng đến rất tự nhiên và bất ngờ trước những lý thuyết suông, giáo điều; trước những câu chữ siêu thực, trước những mỹ từ hào nhoáng, rỗng tuếch… Bài thơ hướng người đọc vươn đến ước mơ giản dị bình thường nhất của con người và ước mơ đó thể hiện chất đời, chất nhân văn của quan niệm:
“Nếu có mơ/ Xin hãy mơ những giấc mơ có sắc màu/ Vì bên ánh trăng bàng bạc vàng/ Còn có những mảnh đời đúa đen đói rách…” Và “ngòi bút chỉ là thứ vô tri/ Nhưng vần thơ, lời văn dẫu giản đơn được viết ra kia mới là tâm tưởng/ Lời chia sẻ cho đời bát cơm manh áo/ Đâu cần những mỹ từ cao kỳ siêu thực…”. Với cái kết nhân hậu: “Hãy đi với ông lão một đoạn đường/ Hãy nắm tay em bé học trò nghèo đếm từng vé số/ Biết đâu đó giữa trời dông gió/ Ta còn được đồng hành đến những miền cổ tích trong veo”. Ước mơ và khát vọng ấy của tác giả bất giác làm tôi liên tưởng đến em bé trong câu chuyện “Cô bé bán diêm” của An-đec-xen. Giấc mơ sưởi ấm không chỉ ngọn lửa đêm cuối năm mà còn là ngọn lửa yêu thương của con người…
Sự sẻ chia đồng cảm của tác giả còn thể hiện trong bài “Nguyên tiêu”: “Tôi mơ ánh nguyên tiêu tròn trịa bánh xe lăn/ lọc cọc đường xa đứa em tật nguyền dãi dầm vé số”.
Ngoài những bài thơ viết về những cảnh đời bất hạnh ta còn bắt gặp những bài thơ tình yêu, những bài thơ lãng đãng khói sương ở những miền mà tác giả đặt chân đến. Cách diễn đạt tưng tửng, cộng với việc lạ hóa ngôn từ, làm hiệu quả diễn đạt đa nghĩa, góp phần làm nên phong cách riêng của anh. Bạn đọc khi tiếp nhận sẽ thấy thích thú và ngọn lửa trong thơ anh lại truyền sang người đọc.
“Lãng đãng Tây Ninh” là minh chứng những điều nói trên.
Tôi xin trích dẫn đoạn kết để bạn đọc thấy việc chọn lọc từ ngữ diễn đạt đầy nội hàm:
… Gió lụa là chun chút triền mưa
Thu chớm sang để ai trong đêm miên man nỗi niềm viễn xứ
Chú dế góc nhà vểnh râu tư lự
Sau những tiếng kêu rả rích gọi tình…”
Đôi khi ta còn bắt gặp nỗi buồn trong “Ngày vui cho em”:
Niềm vui anh dành cho em như ngày đông
Chút nắng mờ không đủ vàng đủ ấm
Nỗi hư hao gờn gợn
Quẩn quanh lốc sương chiều…”
Chưa nói cách dùng từ, chỉ tứ thơ phát triển đã gợi ta suy ngẫm. Cặp từ láy bên nhau: hư hao, gờn gợn gợi tả nỗi buồn gợi lên trong trái tim đa cảm. Nỗi buồn ấy cứa “quẩn quanh” trong “lốc sương” chiều cuộn lên đau đớn. Người ta nói: yêu một người là muốn cho người ấy hạnh phúc! Làm được điều đó thật khó. Thơ Hà Diệp Thu đã thể hiện rõ nét điều này. Bởi khi mất mát người mình yêu thì con người sẽ thấy hụt hẫng tiếc nuối, quặn thắt:
Anh không biết giữ tình em nữa sao?
Khi mất mát mới thấy lòng quặn thắt
Muốn gào to trong đêm sâu đối mặt
Ác mộng này sẽ đằng đẵng theo lâu…
Và rồi để:
“… Ngày vui cho em, ngày vui cho em
Mười năm tựa bóng câu xanh xao ngút ngắt
Ta đi về phố đông lỡ lạc
Du du theo tiếng sóng vỗ buồn tênh…”
(Ngày vui cho em)
Sau những phút giây “Lãng đãng Tây Ninh” (những nơi dấu chân anh đã đến), ta còn bắt gặp những phút giây yên tĩnh ngẫm đời, ngẫm tình. “Ngụ ngôn ly cà phê” bất chợt đến. “Buổi sáng thường tình buổi sáng rong chơi/ Ta và bạn ngồi tâm tình bên ly cà phê chơn chất/ Nghe tiếng leng keng dễ thương xôn xao đời rất thật/ Bỗng thấy như giai điệu bài ca dạy cho người triết lý nhân sinh” (Ngụ ngôn ly cà phê)
Và khi nhìn thấy người nông dân, “nhón chân khóc trên rẻo đât quê làng” chấp nhận “làm kiếp gà què” thì nước mắt lại thấm đẫm trang thơ.
“Rồi mùa thu sẽ hiểu” không chỉ là những cảm xúc viết về những cảnh đời cơ nhỡ bất hạnh, về suy ngẫm nhân tình thế thía, về tình yêu khói sương... trong tập thơ tác giả còn có những bài thơ viết về bạn bè, về những tri âm tri kỷ trên hành trình đi – đến, cùng nhau sẻ chia vất vả trong công việc đem lại niềm vui cho những đứa trẻ bất hạnh, hoặc khi hay tin bạn đã thành công trong sự nghiệp: “Tôi gặp lại bạn bè, tôi gặp hảo tri âm/ Cho nhau thiết tha sợi tằm rứt ruột/ Lời nhắn nhủ theo những dòng thơ như phiêu như hốt/ Không gian đẫm tình khi bằng hữu đăng quang…” (Tri âm). Hoặc có khi ta bắt gặp sự đồng cảm với bạn trong nỗi đau cùng mẹ khi chăm sóc mẹ những ngày cuối đời, qua đó động viên, nhắn nhủ:
Đêm sẽ rất dài huyễn hoặc lắm bạn ơi
Đừng để bóng tối thôi miên tâm hồn dọc ngang khí phách
Ai cũng có những phút giây nhìn đời bất lực
Rồi mùa thu sẽ trả cho người những đóa sen thơm”
( Đêm của bạn tôi)
Ngoài ra, tình yêu trong thơ anh cũng sâu sắc. Yêu góc phố chạy dọc chân núi bên thành phố biển Quy Nhơn, yêu “xóm cũ” ta về có “bạn nha khoa thời chân đất/ răng rứa không đau nhổ túa hùa”, nơi có “gốc phượng da nhăm nhở/ Ghi dấu tròn vuông bóng thời gian” nơi có chú xe ôm đợi kiếm kế sinh nhai lỏn qua ngày.”
Phố xá bây giờ ồn ào quá, không hợp với người thơ cần sự yên tĩnh để thả hồn, tịnh tâm. Và có lúc người thơ chuyển nhà đến “Xóm núi Ai Đồ” nhưng rồi cũng “có lúc nhức đầu nằm chửi đổng bâng quơ/ Có dở có hay có ngọt ngào chua chát/ Có những mảnh đời lao khổ làm láng giềng chơn chất…”
Có thể nói thơ Hà Diệp Thu càng viết càng lên tay. Quan niệm ban đầu từ “Thơ đọc chơi” giờ được bạn đọc tiếp nhận gọi là “Thơ đọc thật”. Mà Thật với Chơi có khác mấy đâu về ranh giới? Hầu hết những bài thơ trong tập “Rồi mùa thu sẽ hiểu” đều hướng về quê hương, gia đình, người thân, bạn bè, đặc biệt là những mảnh đời cơ nhỡ bất hạnh, viết như nỗi niềm sẻ chia, giãi bày; viết để đồng cảm và cũng chính là để nuôi dưỡng thanh lọc tâm hồn mình. Ngôn ngữ trong tập thơ cũng được chắt lọc kỹ càng hơn. Tác giả chủ đích lạ hóa ngôn ngữ để làm tăng giá trị biểu cảm cho thơ. Đấy là dấu hiệu đáng mừng cho người thơ, bởi nghệ sĩ đích thực phải luôn bồi dưỡng cho mình một tình cảm yêu - ghét rạch ròi và trái tim luôn nhân hậu bao dung…
Tuy Phước, 26/8/2012
L.B.D (Trích "Đồng cảm văn chương")
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét