Nhà văn Nam Thi
Dường như đó là một con chim én.
Én chao đôi cánh qua những mái ngói rêu phong, liệng giữa những ngôi nhà cao tầng, nhìn xuống dưới kia là công viên với những thảm cỏ xanh ngắt, những hàng cây thẳng tắp dọc theo những lối đi bộ ngang dọc. Bầu trời xanh thăm thẳm như chiếc dù bao la điểm xuyết những đám mây trắng bồng bềnh, lang thang, lờ lững theo chiều gió từ đông sang tây. Tất cả bầu trời thuộc về én để nó mặc tình bay liệng, nhìn ngắm, không một ai ngăn cản. Bầu trời luôn đủ chỗ cho những cánh chim tự do bay về mọi hướng, cao thấp tùy thích, không cần bất kỳ luật lệ nào…
Én nhìn xuống công viên dưới kia, chợt nhận ra gần bồn phun nước một tà áo trắng bay bay giữa lố nhố người với những trang phục khác nhau, đủ mọi màu sắc. Linh tính mách bảo, én sà thấp xuống ngang tầm cao đài phun nước, én bàng hoàng nhận ra người mặc chiếc áo dài trắng ấy là nàng tiên của nó đã từ lâu không gặp.
Én sà xuống bên nàng tiên. Nàng cũng bàng hoàng nhận ra én. Ngay lúc ấy những tòa nhà và đám đông vụt biến mất như chưa từng hiện hữu, công viên biến thành một thảo nguyên mênh mông, chỉ còn én và nàng trên thảm cỏ tít tắp tận chân trời. Hai vòng tay quấn quít choàng nhau và khi cả hai ngã đổ xuống thảm cỏ xanh, én khẽ khàng đặt một nụ hôn lên đôi môi thơm tinh khiết của nàng… Khi hai đôi môi vừa khẽ chạm vào nhau nàng bỗng biến mất như thể chưa từng xuất hiện, như thể ánh sáng vụt tắt khi ngọn đèn bị cơn gió dữ thổi qua, như thể én vừa ôm chiếc bóng hư vô nào đó…
Ông bừng tỉnh và biết mình vừa trải qua một giấc mơ, giấc mơ hóa thành chim én, nhưng nụ hôn trong mơ vẫn còn làm ông chới với. Từ lâu lắm rồi ông đã không còn nhớ cảm xúc nóng bỏng của một nụ hôn. Bất chợt ông đưa bàn tay lạnh ngắt áp vào đôi môi khô khốc của mình.
Không thể nhầm lẫn được. Đó chính là nàng. Nhiều thập niên trôi qua mà nàng hầu như không hề thay đổi. Tóc thề mượt mà xõa xuống vai chẳng khác thuở ông ngắm nàng từ một khoảng cách phía sau khi nàng đạp xe dưới tán phượng phủ rợp đường Lê Lợi trên đường về nhà mỗi chiều thứ bảy. Khi qua cầu Trường Tiền lộng gió, nàng phải giữ vạt áo trước trên ghi-đông xe đạp. Biết bao lần ông đã lặng lẽ đạp xe theo nàng để ngắm mái tóc xõa trên lưng áo, để nhìn gió thổi tung bay tà áo trắng, vừa muốn được đi cùng nàng vừa sợ nàng bắt gặp. Cũng may chưa lần nào nàng quay lại nhìn phía sau. Cho đến khi nàng xuống đò sang sông, ông tần ngần đứng sau gốc đa bến đò dõi theo con đò cho đến khi đò cập bến bên kia. Khi bóng tà áo trắng khuất sau lùm tre lưa thưa ông mới quay về. Cho đến bây giờ, chắc là nàng vẫn không biết có ông theo sau vào những chiều thứ bảy xa xôi ấy. Năm tháng qua đi, ký ức mịt mờ sương khói nhưng hình ảnh tà áo trắng ấy vẫn theo ông suốt đời. Cho đến bây giờ đang nằm trên giường bệnh, ông vẫn nhớ như in tà áo ấy, miên man nhớ về nó, quên đi cơn đau và những lo lắng về căn bệnh đang làm ông mất không ít máu suốt hai ngày qua.
Lúc này đã hơn ba giờ sáng. Ông được chuyển lên phòng điều trị đặc biệt lúc năm giờ chiều sau hai ngày nằm ở phòng cấp cứu và hồi sức. Bình truyền dịch treo ở đầu giường chỉ còn một phần ba. Đó là bình thứ hai ông được truyền từ đầu hôm. Ông ngước nhìn từng giọt nước trong ngần chậm chạp đều đặn rơi xuống ống nhựa trong suốt rồi theo dây nhựa dài ngoằn chảy vào tĩnh mạch nơi cổ tay ông. Hai bệnh nhân cùng phòng, một nông dân quê Gò Công đã được phẫu thuật đường ruột và sắp ra viện, còn người kia chuẩn bị mổ một khối u ác tính ở trực tràng, ông ta thở mệt nhọc, đứt quãng như bị nghẽn cổ. Ông mới làm quen với họ lúc đầu hôm. Theo họ, ông xuất huyết nhiều ở đường hậu môn có thể do bệnh trĩ, ung bướu hay lở loét đường ruột. Họ đã nằm viện lâu ngày nên biết được những “ca” tương tự của những bệnh nhân khác.
Ông đã trải qua ba lần nội soi trong ngày, một lần soi bao tử và hai lần soi hậu môn nhưng bác sĩ chưa kết luận nguyên nhân xuất huyết. Ngày mai ông sẽ phải soi lần nữa, và lần này phải được gây mê để soi sâu hơn. Mười năm trước ông đã trải qua một cuộc phẫu thuật thanh quản nên ít nhiều đã biết tình trạng gây mê. Sau mũi kim tiêm vào tĩnh mạch, trong năm mười giây người bịnh sẽ không còn ý thức, không còn cảm giác đau đớn và khi tỉnh lại ở phòng hồi sức, cuộc sống lại tiếp tục như thể dòng đời bị cắt đi một đoạn như người ta cắt bỏ một đoạn phim khi làm hậu kỳ. Cái chết có lẽ cũng giống như gây mê nhưng là một cuộc gây mê vĩnh viễn, không còn biết đau đớn, lo âu, vui buồn… Tiếc rằng chưa có ai quay trở lại từ cõi chết để thuật lại cuộc hành trình một chiều ấy ngoài những điều bịa đặt huyễn hoặc từ óc tưởng tượng và niềm tin tôn giáo.
Biết đâu ngày mai ông sẽ được cho biết bị ung thư đâu đó trong đường tiêu hóa và phải trải qua giải phẫu cắt bỏ khối u ác tính nếu còn có thể can thiệp bằng phẫu thuật. Đó là khả năng xấu nhất phải chấp nhận. Và nếu vô phương trị liệu thì cũng đành chịu. Ông không có điều gì ân hận nếu sáu tháng hay một năm nữa mình sẽ lìa đời. Ông nhớ lời một người bạn đã khuất rằng sau sáu mươi tuổi chết lúc nào cũng được, không tiếc nuối điều gì cả. Tuy tuổi thọ trung bình của người Việt bây giờ hơn bảy mươi, nhưng ông thuộc thế hệ của những người chết trẻ vì bom đạn, nên được sống đến gần bảy mươi như ông là may mắn lắm rồi. Ông nghĩ đến vợ, con đang ở xa, đến người thân, bạn bè và dự đoán họ sẽ như thế nào nếu ông lâm trọng bệnh và qua đời. Rồi đâu lại vào đó, những người còn sống tiếp tục sống phần đời còn lại của họ. Như ông vẫn tiếp tục sống sau bao nhiêu người thân, bạn bè đã ra đi. Thấy những cụ ngoài tám mươi nằm thoi thóp trên giường bịnh, không còn tự lo được bài tiết, phải nhờ con cháu phục dịch, ông thấy ngán ngẩm về tuổi già. Thà rằng đột quỵ mà qua đời nhanh chóng còn dễ chịu hơn. Nhưng mà sống chết đâu do bản thân quyết định, đành phó mặc cho lẽ đời.
Mãi vẩn vơ những suy nghĩ như thế ông đã ngủ thiếp đi lúc nào không hay cho đến khi giấc mơ hóa thành chim én làm ông tỉnh giấc, từ đó thức luôn cho đến sáng. Tại sao lại mơ thấy tà áo trắng và nàng? Vì đâu ông hóa thành chim én nhỉ? Nàng trong giấc mơ là mối tình đầu của ông nửa thế kỷ trước, họ gặp lại nhau khi tóc đã bạc và xem nhau là bạn thân, thậm chí cả hai đều tránh nhắc lại những kỷ niệm xưa. Bởi mối tình trẻ thơ đó có mà như không, không mà lại có như một làn sương mỏng trên mặt hồ cuối thu.
Có vô vàn lý do để những mối tình tan vỡ, nhất là trong chiến tranh. Những cuộc chia tay thường là kết thúc những mối tình đầu. Không ai có lỗi trong sự chia lìa ấy. May mắn được sống sót, mối tình đầu được giấu kỹ trong tim như bảo vật, lâu lâu lại lấy ra săm soi. Người yêu không còn nữa, thậm chí không biết trôi dạt phương nào. Còn lại là yêu mối tình của mình chứ không phải yêu người mình từng yêu.
Lần nầy ông lại mang báu vật ra săm soi, nhưng không bằng ý thức mà là tiềm thức. Bởi mối tình đầu là một biến cố bước ngoặt trong đời nên hằn vào tâm khảm những nét sâu và đậm khó phai và không thể thay thế bằng những mối tình tiếp theo, dẫu cho mối tình nào cũng đáng trân trọng. Cuối cùng, ông tự bằng lòng với cách giải mộng ấy.
Ông thích thú vì được hóa thành chim én để bay bổng trên đôi cánh. Diệu kỳ thật, tại sao không hóa thành con gì đó đi trên đất như loài chó, loài mèo, thậm chí con gà, con vịt mà lại bay như chim én? Rõ ràng, ông còn nghe cả tiếng gió rít bên tai khi cánh chim chao nghiêng trên công viên. Có ai bay như chim đâu, họa chăng những người nhảy dù mới biết cảm giác bay lượn trên không trung, nghe gió rít, nhìn xuống mặt đất từ trên cao vài nghìn mét cho đến khi chạm đất. Ông nhớ lại, có thể khi ngồi chờ đến lượt vào phòng nội soi ông đã trông thấy những con bồ câu bay từ trên nóc nhà xuống kiếm ăn ở khoảng sân giữa những dãy nhà bệnh viện. Cũng có thể ông đã xem ở đâu đó những bức tranh thiên thần với đôi cánh chim. Và cũng có thể do ông đã đọc nhiều lần chuyện người xưa đã từng mơ hóa bướm. Trang công hóa bướm và ông hóa thành chim én.
Dù sao, mơ thành chim én cũng thật tuyệt, nhất là trong giấc mơ ông đã hôn nàng, một nụ hôn đầu đời ở cuối cuộc đời. Ông đã lội ngược thời gian hơn năm mươi năm để có được nụ hôn ấy.
Bốn ngày sau ông ra viện với kết luận là chứng viêm loét hành tá tràng, loại trừ ung bướu, chỉ cần uống thuốc điều trị và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt là sẽ sớm ổn định. Về đến nhà, ông cảm thấy hưng phấn vì không bị bệnh ngặt nghèo, nên điện thoại báo cho “nàng” bệnh tật ông vừa trải qua. Nàng trách:
- Sao hôm mới đau bạn không báo cho mình biết, rủi bạn… không qua khỏi thì sao?
- Thì… thôi, chớ sao?- Ông đùa - Mà mình không báo cho ai hết, ngay cả mấy đứa nhỏ và mẹ chúng đang ở xa, vì sợ họ lo lắng tội nghiệp. Thế mà vẫn có nhiều bạn bè nghe tin đến thăm hoặc điện hỏi thăm liền tù tì.
- Vậy mà không có ai báo cho mình cả. Mà có được báo mình cũng… bó tay. Ở tuổi này, khỏe mạnh mới là lạ… Mình cũng đang rề rề đây. Nhức mỏi không chịu được. Bạn không bệnh hiểm nghèo là may rồi. Chúc mừng nhé!
- Mình có chuyện này muốn kể cho bạn nghe…
- Chuyện gì thế? Kể đi…
- Một đêm ở bệnh viện mình mơ thành chim én và… hôn bạn.
- Ôi trời, cái ông già này. Hồi trẻ không dám hôn, nhát như thỏ đế, cứ theo người ta mà không dám gặp mặt, giờ già khú đế còn bày đặt hôn với hít. Có xạo không đấy, bạn già?
Té ra, nàng đã phát hiện “cái đuôi” bám theo nàng vào những chiều thứ bảy năm xưa.
- Thật đấy…
Và ông kể cho nàng nghe giấc mơ của mình từ đầu đến cuối. Kê xong, ông cười hóm hỉnh:
- Đó là nụ hôn đầu đời mà thuở ấy mình chưa được hôn.
Mãi sau mới nghe tiếng của nàng:
- Bạn có hôn lộn ai không đấy?
- Làm sao lộn được!
- Eo ôi, trong giấc mơ bạn hóa thành chim với cái mỏ nhọn hoắc. Thảo nào mấy ngày nay mình thấy môi bị rát mà không biết tại sao. Dầu sao cũng cảm ơn… chim én.
- Cảm ơn về cái gì?
- Về nụ hôn đầu đời. Làm ơn bỏ nhậu, bỏ hút thuốc, ăn uống kiêng cữ dùm nhe…
Cúp điện thoại, ông cười một mình và tự nhủ nụ hôn trong mơ đâu có thua gì nụ hôn đời thường nhỉ.
22.8.2014
N.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét