Ngôi nhà nằm sát mặt đường nhưng cửa chính trước lúc nào cũng đóng im lìm, chỉ khi nào có khách cánh cửa nhò mới hé mở ra đón. Ông Hai ngồi bên chiếc ghế nhựa màu xanh đặt nơi góc bếp, nhìn ra cửa sau là con hẻm nhỏ, con đường mới mở nhà cửa cũng thơ thớt, đa phần là những người ở tỉnh nhập cư vào mua đất ruộng rồi cất những ngôi nhà không phép lụp sụp tạm bợ để ở. Tiếng chiếc xe ba gác máy cọc cạch từ sáng sớm đến cả ngày cứ hơn một giờ lại ầm ầm chạy vào con hẻm vắng, ngôi nhà nhỏ bên trong làm nghề may gia công nên họ thường chở vào những xấp vải để may, những tấm vải được cắt đủ màu sắc kích thước thi thoảng rơi rớt trên đường nhìn xa như những cánh hoa đủ màu trong nắng.
Nhà của Riêng ở cuối con hẻm nhỏ, cô có hai bé gái xinh xắn, là người ở miền Bắc, Riêng một mình dắt theo hai đứa con còn nhỏ, đứa lớn lúc ấy mới năm tuổi, đứa nhỏ hai tuổi, một thân cùng với hai con nhỏ phiêu bạt vào Nam kiếm sống. Riêng trốn chồng bỏ nhà ở quê để đi, chồng của Riêng suốt ngày chỉ biết ăn nhậu xong về nhà gây sự đánh đập, nhiều lúc Riêng phải bỏ chạy trốn sang nhà hàng xóm để tránh những trận đòn chí tử từ người chồng nát rượu. Riêng sinh ra lớn lên ở làng nghề chuyên làm tượng, từ nhỏ đã yêu thích những đường nét chạm trổ trên các bức tượng, các tượng ông Phước Lộc Thọ, Phật Quan Âm… cái nghề mà thường dành cho các thanh niên trai tráng khỏe mạnh. Không hiểu sao Riêng lại thích thú, thường lấy tay sờ vào những nét chạm trổ mân mê không muốn rời, nhiều lần đi theo người lớn lấy những khúc gổ vụng rồi loay hoay đục đẽo, lúc đầu mấy người lớn nhìn thấy cô bé lem luốt đen nháy đánh vật với khúc gổ mọi người đều cười, nhưng khi nhìn những hình ảnh được khắc mọi người trầm trồ con bé rất khéo tay.
Dắt hai con nhỏ vào ở nhà người quen trong căn phòng trọ nhỏ xíu nóng hầm hập, người ta thương giúp đỡ chỉ cho khu chuyên làm tượng gổ, thế là Riêng lang thang khu làm tượng xin vào làm không công, may mắn cuối cùng cũng tìm được công việc. Với tay nghề khéo léo được chủ tin tưởng nên cuộc sống dần ổn định, tích cóp mua được miếng đất nhỏ xíu cất lên ngôi nhà tôn tạm ở khu ngoại ô này. Nhiều lúc Riêng bần thần tự hỏi không biết sức lực ở đâu mà vượt biết bao nhiêu cơ cực không thể nói thành lời, có người hỏi thì Riêng chỉ cười buồn quay sang nhìn hai đứa con gái mắt sáng lên long lanh hạnh phúc.
Những tiếng chửi bâng quơ lâu lâu lại vang lên, người ta cũng không lấy làm lạ nửa và hình như đã quen như thế. Gương không vợ con vóc người cao lớn và khuôn mặt khá đẹp trai Gương làm công việc sửa quần áo, tay nghề rất khéo nên khách cũng khá đông, những lúc không có hàng làm lại lang thang dọc trong xóm và… chửi. Nhiều người lúc đầu thấy tự nhiên có người chỉ vào mặt mà chửi định đánh nhưng mọi người can ngăn và bảo là Gương có vấn đề về thần kinh nên thôi, không ai lại đi đánh một người không bình thường. Lâu lâu Gương lại chửi lúc chửi om tỏi lúc thì chửi lẩm bẩm, nhiều lúc lại ngồi một mình cả ngày ngó ra đường nhìn xa xăm, người nhà cũng từng đưa đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị nhưng không lâu họ lại trả về nhà... Ngày xưa Gương là một thợ may giỏi nhất khu này, rồi các xưởng may công nghiệp lớn mọc lên Gương không may ở nhà mà đi làm, tay nghề giỏi nên được phụ trách về kỹ thuật may, đẹp trai hiền lành và giỏi nghề rất nhiều cô gái theo nhưng Gương lại đem lòng yêu một phụ nữ xinh đẹp và đã có chồng con, nhiều người can ngăn nhưng Gương không nghe, rồi gia đình người phụ nữ xinh đẹp kia lại dọn đi, nghe đâu họ định cư nước ngoài. Gương bỏ cả công việc chạy đi tìm kiếm khắp nơi để mong được nhìn thấy cô gái ấy nhưng không gặp, trở về nhà nằm ốm mấy tháng trời rồi người ta thấy Gương trở nên ngơ ngơ như người tâm thần. Có người lắc đầu nói “Thằng này si tình nên hóa điên, thời buổi này mà mấy cái vụ si tình còn việc này thì cũng lạ, có người nói tình yêu ngàn đời nay ai cũng biết vậy nhưng yêu cô gái… có chồng thì càng bi kịch hơn sao tránh khỏi được”.
Hôm nay chủ nhật, không nghe tiếng ầm ầm của xe ba gác máy như mọi khi, buổi sáng cả xóm yên vắng lạ thường, sau một tuần làm việc vất vả bất kể giờ giấc, hôm nay chủ nhật người ta ngủ dậy trể hơn mọi khi, ngủ như bù lại những ngày bình thường vì miếng cơm manh áo mà họ phải thức khuya dậy sớm. Ông Hai như bình thường dậy sớm, ngồi vào chiếc ghế xanh quen thuộc ở góc bếp nhìn ra cửa sau nhà như ngóng chờ miệng lẩm bẩm “Hôm nay vắng lặng quá đỡ ồn ào” rồi thở dài, con người ta cũng lạ khi thứ gì đã thành thói quen dù cho là cái không dễ chịu nhưng nó không còn thì vẫn có cảm giác thiếu cái gì đó.
Tiếng kèn Tây phát ra từ nhà của Gương làm uyên náo cả xóm nhỏ, mấy người đi chợ về bảo là Gương vừa qua đời, hình như là treo cổ tự vẫn, có người suýt soa tội nghiệp, có người bảo thôi sống không bình thường khổ vậy như vậy thà chết còn hơn. Tiếng kèn đám ma lại reo rắt vang lên buồn bã, người trong xóm nhỏ thơ thớt đi viếng. Chị của Gương bảo là hình như Gương gặp được người quen của người phụ nữ năm xưa, cho biết là cô ấy đã qua đời vì tai nạn giao thông, tối hôm ấy Gương không ngủ cũng không chửi bới như mọi khi mà ngồi một mình lâu lâu lại đưa tay lau nước mắt. Đến sáng thì phát hiện Gương đã treo cổ tự vẫn trên gương mặt hình như phảng phất một nụ cười.
Riêng khóc đôi mắt đỏ hoe thâm quầng, có lẽ đêm qua cô không ngủ mà chỉ khóc, hôm nay Riêng đưa hai cô con gái đi học xong lại quay trở về nhà, thả mình trên chiếc ghế nhìn lên mái nhà tôn loang lổ vì mưa gió, cô lại khóc hu hu như đứa trẻ khi bị mất quà, không biết từ đâu mà chồng cũ có số điện thoại và gọi cho cô, hăm dọa sẽ vào tận trong Nam tìm cô để… trả thù, cô đã đơn phương ly dị và tòa chấp nhận cho ly dị khi hiểu hoàn cảnh của cô, cô quyết không bao giờ quay trở về nhưng cũng chẳng còn ai để quay về, bố mẹ cô đã mất từ lâu. Cô hít sâu một hơi thở dài xong lấy cái điện thoại tháo sim và vứt vào sọt rác, mang đồ nghề là mấy cái đục và dao điêu khắc ra ngoài hiên đục từng nhát vào khúc gổ, tiếng vang rắc réo lên như tiếng thét.
Mấy hôm nay cánh cửa phía sau nhà ông Hai không mở như mọi khi, hàng xóm thấy lạ bèn gõ cửa hỏi thăm, cánh cửa đóng im không tiếng trả lời, người ta đến báo cho Riêng, hốt hoảng chạy đến mở cửa thấy căn nhà trống không. Ở xóm nhỏ này Riêng thân với nhà ông Hai nhất, thường ngày Riêng và cô con gái thường hay sang nhà ông Hai, mẹ con họ xem ông Hai như người thân giữa biển người xa lạ này, ông cũng hết lòng giúp mẹ con cô từ việc lo cho hai cô con gái thủ tục nhập học, khi đau ốm bệnh tật, ông Hai xem cô như con gái trong nhà, Riêng cũng xem ông như bố của mình. Chiếc ghế nhựa màu xanh mà ông Hai thường ngồi vẫn còn đó, Riêng chạy lên lầu tìm không thấy đâu, một mảnh giấy học trò nằm trên bàn làm việc trên lầu “Bố đi tìm mẹ, con qua lại trông nhà dùm bố”. Từ ngày bà Hai mất ông Hai lâu lâu bất chợt lại đi như vậy, ông đi về quê tìm lại nơi ngày xưa mà ông bà gặp nhau nhân tiện đi thăm họ hàng, những lần trước ông đi mà không nói, gọi cũng không nghe điện thoại làm Riêng lo lắng suýt chút là đã đăng báo tìm người đi lạc. Riêng lặng lặng đi về. Nghĩ cũng lạ cuộc sống này hình như là những cuộc tìm kiếm, họ đi tìm nhau tìm những hoài niệm những yêu thương, nhiều khi lại tìm nhau nhưng mang lại là nổi đau.
Chiếc xe ba gác máy lại vang lên những mảnh vải vụng xanh đỏ rơi trên mặt đường, Riêng nhặt lên cột vào song cửa, cơn gió ngang qua thổi lơ thơ những tia nắng sớm vừa lên ấm áp xuyên qua ô cửa nhỏ.
T.T (Thủ Đức – TP.HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét