Nhà thơ Triệu Từ Truyền (TP. HCM)
Chủ nhà là một người ngoài năm mươi, da sáng, râu rậm, tóc bồng bềnh màu muối tiêu, ngồi trên ghế mây bên cạnh bộ salon gỗ quý, màu vẹc-ni ố và ng.Ông nói với khách: - Tôi mới bị tai biến năm, sáu tháng nay. Ba ngày hai chân bị liệt, có người em vợ là bác sĩ ở Paksé chích ba mũi thuốc, đứng dậy đi được. Ba tôi trước đây có ba xưởng gỗ lớn. Sau 1975, ông bị phá sản vì không xuất được, cả Thái Lan,Việt Nam đều không mua. Đến lượt tôi, cũng bị thất bại trong nghề xây dựng, xây trường học, công sở khắp tỉnh Attopeu này, tôi không nhận được tiền trả lại đúng lúc. Cuối cùng xe ôtô mấy chiếc bán hết, lấy chút tiền còn lại xây tám phòng trọ, tôi ở hết một phòng, còn lại kinh doanh, khách vắng không được 50%. Anh biết tại sao minihotel này có tên là Seng Chanh không? Đó là tên tôi có nghĩa là ánh sáng. Mẹ tôi người Paksé, ba tôi gốc Huế. Ông không biết chữ.
Ông Seng Chanh chỉ tay lên vách nhà bằng gỗ ván, có bức ảnh gia đình cũ đã phục hồi. Ông chỉ lên ảnh cậu bé nhỏ nhất đứng ngã vào lòng mẹ, rồi quay ra sau lưng hướng về một bàn thờ đơn sơ, có ảnh người quá cố đã nhạt phai: - Tôi là út đây này... Anh nhìn thấy bàn thờ ba tôi đó lẽ ra ông anh Hai tôi phải thờ nhưng ông bê bối quá. Khách đứng lên đến bàn thờ thắp nhang, chợt nhận ra một bức ảnh chân dung một người Pháp, ảnh đen trắng khổ 25x20cm, kiểu chụp ảnh trước 1954, nước thuốc tốt dù ố vàng vẫn rõ nét. Chủ nhà hiểu ý khách đang muốn tìm hiểu bức ảnh ông Tây ngoài ba mươi tuổi là ai? - Đó là ba vợ tôi, một đại úy quân đội Pháp. Bây giờ mời anh dùng cơm, vợ tôi tuy là người Lào, làm dâu cho gia đình ba tôi hơn 30 năm rồi, nên nấu ăn theo kiểu Việt. Khách cảm nhận chủ nhà được giáo dục theo phong tục Việt Nam thuần túy. Ông phát âm không pha tạp, khác với phần đông người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba trên đất Lào, nói tiếng Việt trầm hơn, chậm hơn, xen nhiều câu theo ngữ âm Lào. Dù tất cả hướng về Tổ quốc, thích dùng hàng hóa Việt Nam, cho con em đi học ở Việt Nam, xem chương trình truyền hình Việt Nam, ủng hộ đội bóng Việt Nam... Nếu bị ốm nặng đi Thái Lan cho gần, chỉ qua bên kia bờ Mê Kông, hơn nữa bệnh viện phục vụ tốt. Mâm cơm đơn sơ, ấm cúng, một tô canh rau muống nấu với thịt bầm, một khứa cá thu kho sốt cà, dĩa nước mắm đầy ớt và tỏi, hai cái chén, hai đôi đũa. Khách hiểu được mâm cơm này rất hiếm trên đất Lào, vì người bình dân Lào vẫn ăn cơm nếp, ít nước chấm là nước muối, ớt, trộn với con cá nhỏ, hoặc con nhái đem nướng rồi giã nát ra vừa chộp bắt quanh nhà. Cũng như các dân tộc Nam Á, theo tập quán đều thưởng thức món ăn không qua trung gian muỗng nĩa, hay đôi đũa, hình như xúc giác va chạm vào thức ăn, giúp vị giác thấy ngon hơn và dễ tiêu hóa hơn. Tuy vậy, những gia đình trung, thượng lưu của Lào đều ăn cơm theo phong cách Việt Nam. Bữa cơm đơn sơ, nhưng khứa cá thu phải vượt hàng ngàn cây số, chưa tính đến phải qua hải quan kiểm soát vì nhập khẩu từ nước ngoài. Chủ nhà cầm đũa:
- Anh đừng ngạc nhiên, vợ tôi một ngàn bữa cơm, mới ngồi chung với tôi một lần. Khách nhiều lần lui tới tỉnh này, thường phụ nữ ở đây vui chơi thoải mái, có thể tụ tập uống rượu với bạn gái, bạn trai. Người chồng làm bếp cho các con ở sau nhà, không hề thắc mắc. Có lẽ khó mà đặt ra vấn đề nữ quyền ở cựu vương quốc này.
- Tôi không ăn thịt nữa theo lời khuyên của bác sĩ, anh ăn tự nhiên, rồi tôi kể tiếp về ông già vợ Tây cho anh nghe. Ba tôi có xưởng gỗ lớn ở Paksé, gần đó là trại lính viễn chinh. Ba tôi là bạn đánh tennis của ông quan hai người Pháp chỉ huy một đại đội hay tiểu đoàn gì đó, ông này nói tiếng Việt sõi lắm, vì hồi nhỏ học ở Sài Gòn. Tôi cũng không hiểu sao ba tôi tiếp tế cho Pathét Lào và bộ đội Việt Minh, mà lại chơi với đối phương. Ông quan hai Pháp cưới người vợ Lào, có nhà riêng ngoài doanh trại, cách nhà ba má tôi một ngôi chùa. Anh em nhà tôi thường được ông ấy cho chocolat, bánh biscuit. Ba tôi kể lại, lúc ấy vợ tôi mới lên ba, ông trung úy Pháp được thăng chức, ai cũng chào ông có từ capital, đại úy đó mà. Ông bị phục kích, tử thương ở đường 9, trước mấy ngày Điện Biên Phủ thất thủ. Thi hài cha vợ tôi được thiêu và mang về Pháp. Vợ tôi nhỏ xíu đi theo mẹ qua Hải Phòng, xuống tàu thủy sang Marseille, quê nội của vợ tôi. Bà nội của vợ tôi ý định giữ cháu nội lại, má vợ tôi nói lời sau cùng: Mẹ ạ, cây non mọc ở chỗ nào chỉ lớn mạnh với rừng nơi ấy. Gần mười năm sau, có lần cha tôi nói, ông đại úy Pháp ấy có trái tim nhân hậu. Lính ông ấy kể với ba ông ta không bao giờ bắn chết tù binh, tàn sát dân lành trong những lần ruồng bố như phần đông các đơn vị viễn chinh khác. Ông thường đến chùa với vợ, đôi lúc ông còn mang quà bánh cúng dường cho các nhà sư đi khất thực vào sáng sớm. Có lẽ môi trường sùng đạo và hiền hòa ở Lào cảm hóa cha vợ tôi chăng? Vợ tôi trổ mã, như hớp hồn tôi. Tôi hay đi chơi với cô ấy. Anh Hai tôi rầy la ghê gớm, vì cho tôi mê con gái của thực dân xâm lược.
Ba tôi can thiệp, ông phân giải với anh em tôi. Theo ba xem xét con người không nên nhìn màu da, sắc tộc, càng không nên nhìn họ theo phe phái nào, tất nhiên thời ba tôi dùng từ mộc mạc, tôi không nhớ rõ câu chữ, đại loại là như thế... Ba tôi không biết chữ, nhưng suy nghĩ của ông như một thiền sư, sau này tôi đọc truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ, khi có người hỏi thế nào là chánh phái? Thế nào là tà phái? Lệnh Hồ Xung trả lời giống ý tưởng của ba tôi, ai có hành vi chánh nghĩa là chánh phái, ai có hành động gian ác là tà phái. Anh thấy tôi nhớ có đúng như Kim Dung viết không? Nếu nói như vậy cha vợ tôi thực chất cũng là chánh phái. Ông Seng Chanh cười lớn khoan khoái như vừa trút một gánh nặng, mặc dù ông nói tiếp rằng câu chuyện thật này sẽ có những người rất khó chịu. Ông kéo người khách lại gần hơn, giọng thấp xuống, nói không vang xa:
- Ba tôi còn dạy tôi một bài học khó nói này, để tôi kể lại, nhưng ráng nghe tôi không nói to vì sợ bà xã, các con tôi nghe. Một buổi tối, sau khi đi đám giỗ đại úy về, chỉ một mình hai cha con. Ông kể cha vợ tôi đã nói rất đúng ý ông về quan hệ nam nữ. Ông đại úy tử trận nói rằng, bao nhiêu lời giáo huấn của gia đình, của trường học, của quân đội kể cả lời rao giảng nhân danh đấng thiêng liêng tối cao, không lấn áp được xúc cảm của trái tim, vì nếu tôi vâng lời có bao giờ tôi cưới cô gái Lào khác đạo với tôi, khác màu da, thậm chí cô ấy còn có anh ruột theo Pathet Lào. Nhưng suy cho cùng xúc cảm của trái tim có hậu thuẫn của dục tính...
Chủ nhà yên lặng rót trà mời khách. Khách ngờ ngợ sao ông Seng Chanh này kể trôi chảy quá vậy? Hay sau khi bị tai biến mạch máu não, quá ức chế nên bị nhập tâm câu chuyện luôn luôn có thể thêm thắt làm mới mãi.
- Vì vậy, vợ chồng tôi bỏ ý định muốn ba con trai tôi tìm vợ gốc Việt. Bây giờ một đứa thứ tư 30 tuổi, là giáo viên tiếng Anh đang yêu con gái tỉnh trưởng, máu Lào 100%. Một đứa thứ hai 32 tuổi đang làm bác sĩ ở Bangkok, Thái Lan, cưới vợ người Thái, cho tôi hai cháu nội rồi. Một đứa qua Sài Gòn học, theo chương trình tài trợ của chính phủ, gặp một cô Campuchia rồi kết hôn, bây giờ nó theo vợ về làm việc ở Nam Vang. Còn cô gái út, tôi muốn nó về Huế học, rồi lấy chồng bên Việt luôn. Nghĩ lại các con tôi có 50% máu Việt, 25% máu Pháp, 25% máu Lào. Chúng phải thông minh chớ, đúng không anh? Nếu người dân đi lại giữa các nước Asean, giống như các nước cộng đồng châu Âu, tôi tin dân sẽ dễ thở hơn nữa, không có chuyện nước này đốt bỏ gỗ để khai hoang trồng cây công nghiệp, nước kia thiếu gỗ cho nhà máy vì thủ tục quá khó để xuất khẩu. Ba tôi từng là nạn nhân dẫn đến phá sản. Seng Chanh ngậm ngùi khi nhắc đến cha, rồi ông cùng khách nói những lời an ủi nhau thành bại là do số mệnh thôi. Khách nhìn những căn nhà bằng gỗ bên kia đường, dựng lên rất công phu và khéo léo, một số cột, kèo chạm trổ tỉ mỉ, theo thói quen lâu đời... Không biết tháng sau, hay năm sau người ta lại đốt bỏ nhà gỗ cũ này, dựng xây nhà gạch, bê tông cốt thép thay vào. Đốt cây rừng chỉ thiệt hại tài nguyên, môi trường, đốt nhà gỗ là hủy hoại công trình văn hóa.
- Tôi thấy việc gì trên đời này cũng tiến thoái lưỡng nan. Nếu không khai hoang làm sao có đất trống trồng cây xuất khẩu như cây cao su, cà phê, cọ dầu... để có thêm tiền nuôi dân. Nhưng khai hoang là hủy diệt hàng vạn cỏ cây khác nhau, để nuôi một thứ cây, anh thấy có bất công cho thực vật không? Con người, gần đây cả động vật được chung sống nhiều giống loài, được tôn trọng bình đẳng như nhau. Có lẽ tôi lẩm cẩm rồi chăng? Lào, Việt, Thái, Pháp... có thể ngủ với nhau, hạnh phúc bên nhau. Còn cây sao, gõ, cẩm lai, giáng hương... chết rụi để nhường chỗ sống cho một thứ cây công nghiệp nào đó... Khách nhìn theo tầm mắt xa xôi của ông Seng Chanh, rừng núi điệp trùng của Lào như xóa mờ chân trời, ở gần mênh mông màu biếc xanh đen, xa ra nhạt dần còn xanh lá mạ, rồi tan loãng hòa vào màu vòm trời, bao la màu xanh biển lặng.
Viết ở Laos - Attopu,Vu Lan 2007
T.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét