Nhà văn Nguyễn Thị Mây (Trà Vinh)
Tiếng chim chìa vôi ngọt ngào vang lên trong làn nắng mềm như lụa. Trời ấm nồng. Những giọt sương đêm trở mình, co rút, nhỏ dần rồi biến mất. Gió đưa đẩy cành lá xào xạc, miên man. Cây phượng vĩ trước cổng nhà Dự rực rỡ chùm hoa đỏ thắm. Vài cánh rơi sóng soài trên mặt đất. Con đường bỗng dưng đẹp lạ thường, tựa như một tấm thảm hoa nền vàng, vắt hờ hững dưới chân lũ trẻ.
Nhặt một đóa hoa rơi, Đoan đưa lên môi: "Hoa đẹp ghê, hả Dự!”. Dự bĩu môi, nghênh mặt: "Đoan điệu đàng quá!”. Đoan giận dỗi, ngoe nguẩy đi đến chỗ buộc trâu. Nó tháo dây, nhảy phóc lên lưng con Đen, thúc hai chân vào hông con vật, ra lệnh: "Đi!”. Dự cười nhìn theo. Nó tót lên cây phượng, bẻ một nhánh rợp hoa rồi nhảy xuống. Dự cũng trèo lên lưng trâu. Tay trái cầm nhánh phượng, tay phải vỗ nhẹ vào lưng con Nâu. Hiểu ý chủ, con vật rảo bước. Chẳng mấy chốc, vượt qua mặt con Đen. Nâu nghểnh cổ, há mồm rống vang rền, đắc thắng.
Dự nheo mắt với Đoan: "Xem này, Đoan! Hoa đẹp không?”. Đoan chẳng thèm trả lời. Đường đồi nhấp nhô, con Đen bước thấp, bước cao. Bóng Đoan lúc lắc, ngưỡng nghịu trên lưng trâu. Mấy sợi tóc mai vàng hoe, lơ thơ, bay bay về phía sau, lồ lộ hai gò má đẫm nắng ửng hồng như e thẹn. Dự chơm chớp mắt, ngẩn ngơ: "Đoan đẹp như... công chúa ấy!”. Đoan cười: "Dự có thấy công chúa bao giờ không mà bảo thế”. Dự vò cái đầu chờm bơm của mình: "Ơ, thì bà của Dự bảo thế. Công chúa trong truyện kể của bà bao giờ cũng đẹp". Đoan nhìn nhánh phượng trên tay Dự: "Đoan chỉ muốn đẹp như cô giáo của mình.”
Dự nhớ đến cô Thường. Cô Bình Thường. Ôi chao! Tên cô nghe sao mà... bình thường quá chừng. Nhưng cô đẹp và giỏi lắm. Có lẽ cô đẹp và giỏi hơn công chúa! Cô làm được rất nhiều việc cho lũ trẻ vùng núi nầy. Còn công chúa, cô ở mãi trong cung son cổ tích. Dự nhớ và thích nhất là mái tóc của cô Thường. Mái tóc dài óng ả như dòng suối đêm trăng. Dòng suối mà Dự bắt gặp trong lần theo bà lên núi tìm hoa lan núi.
Người ta đồn rằng, Lan núi thiêng lắm! Hoa chỉ nở ở những nơi thoáng đãng, yên tĩnh và thanh khiết. Điều đó cho người ta nghĩ là trồng lan núi , hoa nở thì đó là điềm báo trước hạnh phúc. Hạnh phúc của bà là cha Dự, đứa con trai duy nhất của bà. Cha Dự vào bộ đội trực chiến và ông mất tích từ lúc Dự còn nằm trong bụng mẹ.
Mẹ Dự ở vậy thờ phụng chồng được mấy năm rồi bước thêm bước nữa. Vậy mà bà vẫn tin rằng ba Dự còn sống. Hiện đang ở một nơi nào đó, rất xa. Sẽ có một ngày...
Một đêm, bà đánh thức Dự, bảo cùng đi với bà lên núi để tìm Phong Lan. Dự buồn ngủ quá, nó càu nhàu: "Sao bà không để sáng hẵng đi. Giờ này lên núi... ghê lắm!”. Giọng bà thầm thì, lạ lẫm như lời truyền của một thần linh: "Không được, phải đi ngay bây giờ! Đấy, cháu có nghe thấy gì không? Hương hoa lan núi. Đúng rồi! Chính nó!". Hương hoa ngọt ngào, dìu dịu rót vào không gian. Dự ngồi bật dậy. Nó vểnh tai, phồng mũi tìm kiếm. Nhưng Dự chẳng nghe thấy gì hết. Bà lại thúc giục: "Nhanh lên cháu. Phải đi, kẻo đêm tàn, trời im gió thì hỏng hết!” Thấy Dự cứ chần chừ, bà không nói gì nữa, lấy khăn trùm lên đầu rồi bươn bả tuôn ra cửa. Bà đi như chạy dưới vầng sáng nhợt nhạt của trăng non. Dự đuổi theo chân bà. Bàn chân già nua bỗng dưng lẹ làng, cứng cỏi, quả quyết. Dự lon ton chạy theo sau. Nó không nhìn lên mà mãi chăm chăm vào cái bóng đổ dài của bà. Vệt đen ấy cứ lay động, thoăn thoắt trườn lên đỉnh núi. Mãi khi cái bóng tròn xoe nằm ngay dưới chân bà thì hai người bắt gặp dòng suối. Trong khi Dự bàng hoàng trước vẻ đẹp của dòng suối thì bà kêu lên mừng rỡ: "Ô kìa, lan núi!”. Bà chạy tới bên khe núi. Như đuối sức, bà khụyu xuống, ngửa mặt, mắt rướm lệ, hai tay đưa tới trước, môi mấp máy điều gì đó. Có lẽ bà cầu xin được hạnh phúc.
Bà mang giò lan về đặt vào một cái chậu sứ tuyệt đẹp treo trước ngõ. Sáng, bà con láng giềng kéo tới xem hoa. Những đóa hoa li ti, trắng ngà trổ quanh chóp một cái cuống dài thậm thượt, xanh xanh và yếu đuối. Chưa được ba hôm, hoa tàn. Hy vọng của bà cũng chết lụn theo những cánh phong lan rơi rụng. Bà khóc tỉ tê suốt ngày như vừa nhận được tin cha của Dự hy sinh. Từ đó, bà lại chìm trong u ẩn, trầm tư cố hữu.
Dự cũng buồn. Nhưng nó nhớ dòng suối ở lưng chừng núi. Dự kéo lũ bạn dong trâu lên đó. Đứa nào cũng thích mê vì cảnh đẹp như non tiên. Nước trong văn vắt, mát rười rượi. Chỉ ngập đến rốn mà thôi. Nước suối gõ róc rách, róc rách lên đá tựa giọng ru ngọt ngào của mẹ. Lũ trâu làng khoái tỉ tê. Chúng ung dung gặm cỏ, những cọng cỏ non mềm mại, mượt như nhung. Đoan thích nơi này lắm. Chính Đoan đã đặt tên cho con suối là “Bất ngờ”. Nhưng sáng nay, Dự muốn đổi tên ấy thành “Suối Tóc”. Dòng suối thả dài, bồng bềnh như mái tóc của cô Thường.
Dự vắt cành phượng ngang cặp sừng trâu. Những đóa hoa đỏ thắm tươi tắn khiến cho con Nâu như vừa được cài chiếc vương miện kiêu sa, lộng lẫy. Nâu sượng sùng, lắc lắc đầu cho cành hoa rơi mà không được. Đoan cười ngặt nghẽo: "Trông nó giống một cô dâu quá hén!”. Dự xoay mặt nhìn Đoan: "Bữa nay, hai đứa chơi trò đám cưới không Đoan?”. Đoan mắc cỡ, hai má bừng đỏ. Đoan nguýt Dự một cái rõ dài: "Chả thèm làm cô dâu đâu! Đoan chỉ thích làm cô giáo thôi! Như cô Bình Thường ấy!” Dự gật đầu: "Chơi trò dạy học cũng được. Mình sẽ đóng vai anh bộ đội, người yêu của cô giáo."
Con suối đã hiện ra trước mắt hai đứa. Đoan reo lên: "Suối Bất Ngờ kia rồi”. Dự nhảy từ trên lưng trâu xuống: "Đoan có thấy dòng suối đẹp như tóc của cô giáo mình không?” Ánh mắt rực sáng. Đoan nghiêng đầu, ngắm nghiá: "Ừ, phải rồi, giống ghê!” Dự tuyên bố: "Từ nay, tụi mình sẽ gọi nó là Suối Tóc.” “Ừ, Dự hay ghê! Cái tên hay làm sao!” Dự sung sướng, hai cánh mũi phập phồng, nó chạy đến đỡ cô bạn gái dù Đoan thừa sức nhảy xuống một cách gọn ghẽ.
Đoan cười khúc khích: "Dự làm giống chú bộ đội quá hà. Tức cười ghê. Hôm cô bảo đi dã ngoại gì đó. Chú ấy cũng đỡ cô khi nhảy qua tảng đá ông Tượng”. Dự ngồi xuống thảm cỏ, ngoác miệng cười: "Dự cũng thấy mà làm bộ… đui”. Đoan quì xuống bên cạnh, nó chơm chớp mắt: "Hứ, cô cũng biết tụi mình nhìn trộm, chứ bộ. Vì tụi con Hồng, con Xoan cứ rúc rích cười. Còn Dự, mắc mớ gì mà lấy tay che mặt, hai vai thì rút lên, mồm ư ử như lên đồng vậy hả?”
Dự lăn ra cỏ, nó cười khúc khích: "Ai bảo cô đỏ mặt, cô nhéo chú bộ đội một cái, đau như kiến cắn, làm chi!”. Đoan vội bênh vực cô mình: "Cô chỉ bẹo có một cái nhẹ hều, đâu có đau”. Dự ngồi nhổm dậy, đưa tay như tuyên thệ: "Mai nầy lớn lên, Dự quyết sẽ làm bộ đội như bố Dự”. Hai đứa chợt nhớ đến người bố ra đi biền biệt đến giờ. Đoan không còn cảm thấy hào hứng nữa, nó dặn: "Nhưng Dự đừng… đi luôn nhá!”. Dự chớp mắt cảm động, gật đầu: "Ừ”. Đối với trẻ con, chuyện gì cũng dễ dàng, đơn giản như lòng chúng. Dự lại nhìn Đoan, nó đưa một ngón tay lên môi: "Còn Đoan, Đoan làm cô giáo ở đây mãi nhá. Đừng bỏ núi rừng về phố nhá!”. Đoan gật đầu ngay. Giọng nó chắc nịch: "Không bao giờ có chuyện đó! Đoan sẽ ở đây đến già”. Đoan chợt nhớ đến cô giáo. Cô đã về thành phố để nghỉ hè. Hôm từ giã, cô khóc ghê lắm và bảo với học sinh: "Hè này, đám cưới xong, cô về bên nhà chồng rồi. Chẳng biết anh ấy có cho cô trở lại đây không nữa?”. Dự nhớ tới khuôn mặt trẻ trung của chú bộ đội, người yêu cô giáo. Khuôn mặt phúc hậu. Khẩu súng đeo bên hông chẳng hợp với chú chút nào. Nhớ lần ấy, chú vuốt tóc Dự mà cứ nhìn chằm chằm vào mắt cô: "Dự, em có yêu cô giáo không?”. Dự lém lĩnh trả lời: "Dạ, em yêu cô giáo lắm. Còn chú, chú có yêu cô giáo không?”. Chú bộ đội đáp tỉnh queo: "Yêu! Chú cũng yêu cô giáo lắm!” Lũ học trò cười vang. Cô thẹn thùng bỏ chạy, núp sau gốc cây đại thọ. Cô muốn giấu ánh hồng ai vừa tô lên má.
Dự thở dài. Vậy là cô không trở lại đây nữa đâu. Ở đây hoang sơ, nghèo nàn quá. Cô vất vả, chú ấy làm sao chịu nổi. Nó bảo Đoan: "Chắc cô không về đây nữa đâu!”. Đoan rươm rướm nước mắt. Dự không khóc nhưng trong lòng nó như có ai thiêu đốt, cháy bỏng. Dự lăn lộn trên cỏ. Đoan thở dài sườn sượt. Đoan chợt quì gối, hai tay chắp, mặt ngửa lên trời: "Con lạy thần núi, con lạy thần rừng… xin cho cô Bình Thường trở lại với chúng con!”
Dáng Đoan trang nghiêm, nhẫn nhục như người lớn. Dự chợt nhớ đến bà, niềm hy vọng của bà về cây lan núi. Nó ngồi bật dậy, nói như reo: "Phải rồi! Lan núi! Đoan ơi, tụi mình phải tìm cây lan núi. Biết đâu hoa nở, cô về!”
Đoan đứng phắt dậy, hớn hở. Để mặc đôi trâu cúi gầm trên vạt cỏ, hai đứa trẻ nắm tay nhau tìm đường lên đỉnh núi. Chúng tin rằng ở tận trên ấy mới có một cây phong lan huyền diệu. Hương hoa sẽ bay theo gió, gọi cô giáo về với chúng.
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét