Trời chiều đổ bóng xuống hàng cây ven đường che mát cả những thửa ruộng gần đó. Cái bóng của tôi cũng nghều ngào chạy trên mặt đường cùng những vòng xe. Tôi thường đạp xe từ trường về nhà mỗi dịp cuối tuần. Một vài người đang đủng đỉnh chạy tập thể dục dọc đường. Vùng trung du dường như trời tối nhanh hơn, qua con dốc trước mặt là tôi cũng được nửa đường về nhà. Những cái xe lao nhanh như đang hối hả về nhà cho kịp tối. Tôi gò lưng lấy đà vượt dốc, tới lưng chừng thì gặp một chị đang loay hoay với cái xe thồ dây khoai lang to tướng bị đổ. Mồ hôi chị nhễ nhại. Có lẽ chị đánh vật với nó từ lâu rồi. Thấy tôi đi tới, chị nhìn với ánh mắt như cầu cứu. Tôi đỗ xuống cũng vừa lúc chị bỏ cái khăn bịt mặt ra và nói như cầu cứu:
- Em làm ơn! Đẩy giúp chị lên dốc với!
Chị cầm lái, tôi nâng phía sau sọt dây, cả hai phải cố gắng lấy sức mới dựng được chiếc xe lên. Rồi tôi và chị cùng đẩy xe lên dốc. Ở đằng sau tôi nghĩ bụng: nặng thế này mà mình chị làm sao qua nổi dốc, chị thật là khỏe. Lên đến đỉnh dốc thì tôi cũng phì phò ra cả tai. Chắc tại sinh viên lâu không làm nặng nên mới thế. Chị rối rít cảm ơn bảo tôi xuống lấy xe chị đứng đợi trên dốc. Tôi bảo chị cứ đi trước rồi tôi sẽ đuổi kịp. Giữ cho chị lên xe trôi dốc rồi tôi quay xuống lấy xe. Trên đường ai nấy đều hối hả. Lúc chị bị đổ xe tôi thấy cũng có một vài người ngoái đầu nhìn như một sự tò mò rồi đi. Tôi đâm suy nghĩ và nhớ lại cái hôm chứng kiến pha tai nạn liên hoàn của mấy chiếc xe máy. Rồi họ cãi cọ, đổ lỗi cho nhau vì cũng không ai bị nặng lắm. Hóa ra vì họ nhìn thấy có tờ tiền rơi ở vệ đường nên cùng phanh gấp lại để nhặt, cả mấy xe cùng chổng kềnh. Khi cả mấy người cùng chạy lại nhặt tờ tiền thì mới đề ngớ người ra: Tiền giả, đúng hơn là tờ tiền âm phủ được làm giống như tiền thật. Không phải cãi nhau để chia tiền, họ quay ra đổ lỗi cho nhau. Nghĩ mà buồn cười. Khi đạp kịp chị tôi hỏi:
- Ngày nào chị cũng đèo nặng thế này à?
- Ừ! Mình về tận ruộng mua, tối về lại san ra cho được mớ, sáng lại đi bán sớm.
- Đi xa thế sao chị không rủ ai? Buôn có bạn, bán có phường mà.
- Có một chị nữa. Nhưng hôm nay, nhà chị ấy có việc.- Chị vừa nói vừa thở.
- Thế còn chồng chị…?- tôi thoáng thấy chị buồn, rồi chị kể cho tôi nghe.
Chuyện trò rồi tôi mới biết chị lấy chồng ở xã bên, đã có hai con, đứa lớn đã học lớp ba. Vợ chồng chị mới ra ở riêng nên cũng vất vả, cố gắng vay mượn làm được ngôi nhà ba gian. Bây giờ lại lo toan làm lụng kiếm tiền trả nợ. Chị bảo:
- Vất vả nhưng vợ chồng thương yêu nhau, cùng bảo nhau làm ăn, nuôi con cái, sớm tối có nhau cũng là hạnh phúc rồi. Vậy mà ông trời cũng có cho chị hưởng cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy đâu.
Tôi hơi ngạc nhiên, lẽ nào chồng chị lại rượu chè cờ bạc, hay phải đi làm ăn xa? Tôi tò mò hỏi:
- Chắc chồng chị không tâm lý à?
- Không! Anh ấy rất thương yêu vợ con, lại chịu khó. Anh ấy luôn tranh làm hết phần của chị.
- Vậy sao chị lại đi mình thế này? Hay anh ấy đi làm xa?
- Ừ! Anh ấy đi rất xa.
Trông chị bùi ngùi tôi lại càng thắc mắc, chẳng nhẽ chồng chị không về? Chị kể tiếp:
- Cuộc sống khó khăn, anh ấy đi làm ở công trường đá, vất vả chút nhưng lương cao. Lúc nào anh ấy cũng vì gia đình, muốn kiếm nhiều tiền để vợ đỡ vất vả, cho con bằng bạn bằng bè. Chị bảo anh đừng đi xa, tìm việc gì gần nhà thôi, ở nhà vợ chồng rau cháo có nhau còn hơn có được chút tiền mà phải xa nhau. Nhưng anh ấy cứ khăng khăng bảo chỉ làm tạm một thời gian, kiếm ít tiền kha khá trả đỡ nợ thì về.
Chị ngừng lại, lấy sức đạp qua đoạn dốc, đôi chân chị tạo những vòng quay chầm chậm, nhìn thì tưởng uể oải nhưng dứt khoát, mạnh mẽ. Tôi thấy mắt chị ươn ướt, chẳng biết đó có phải là mồ hôi. Chút nắng quái buổi chiều rọi vào khiến mắt chị long lanh. Sợ chị xấu hổ, tôi đưa mắt nhìn lên. Phía trước mọi người đi lại tấp nập, một cặp vợ chồng trẻ đèo nhau rất tình tứ. Trên trời, từng đám mây như đang đua cùng đàn chim bay về tổ. Tôi thấy chị đưa tay quệt ngang mặt như lau mồ hôi.
- Thế anh chị trả được nhiều chưa ạ? Bao giờ thì anh ấy về ạ? - tôi hỏi.
- Anh không về nữa.
Giọng chị chùng xuống, nước mắt bắt đầu ứa ra. Chị lại kể cho tôi nghe trong nước mắt. Trong câu chuyện bị đứt đoạn bởi những tiếng nấc, những lúc chị lấy sức đạp lên dốc, tôi mới biết chồng chị làm cho tư nhân, bị tai nạn lao động ở công trường đá. Cũng tại không có bảo hộ lao động, anh bị thương nặng ở đầu, nằm viện đến cả tháng trời; tốn rất nhiều tiền của. Chị đã phải bán hết đồ đạc, chạy vạy vay mượn khắp nơi vậy mà vẫn không cứu được anh. Chị vẫn áy náy vì nhà quá nghèo. Chị bảo giá có tiền thì chắc cũng cứu được anh. Tôi chẳng biết nói thế nào với chị, chỉ biết động viên thôi thì tại cái số mình thế, dù sao cũng phải cố gắng mà sống. Sống vì con cái. Nhắc đến con, chị lại kể:
- Chẳng biết ông trời thử thách hay trừng phạt chị nữa. Mà chị có làm điều gì thất đức đâu. Nhờ trời chị có được hai đứa con để bầu bạn. Vậy mà chúng cứ ốm đau suốt, chị biết cũng tại mình nghèo quá, từ lúc mang thai đã chẳng được bồi bổ gì nên chúng ốm từ trong bụng mẹ. Dăm bữa nửa tháng lại đi viện. Mà em biết đấy, xảy nhà ra thất nghiệp, đi viện thì đủ thứ tiền.
Tôi nghe mà xót xa. Tôi hiểu tình cảnh của những người phải đi viện là như thế nào. Tôi đã từng phải đi chăm người nhà ở bệnh viện; nào là viện phí, tiền thuốc, tiền ăn, tiền bồi dưỡng… nhà nào khá giả thì bệnh nhân còn sướng, chứ nghèo thì… trăm đường khổ. Có lẽ ông trời như thử thách chị thật. Anh mất đi, còn mình chị, đúng là trăm dâu đổ đầu tằm. Chị lo toan, chạy vạy xoay đủ nghề, nào là gánh gạch, phu hồ, chợ búa đủ thứ, kể cả nhặt rác. Nhiều lúc mệt mỏi chị cảm tưởng mình gục ngã, khổ cực quá đến nỗi có lúc chị không muốn sống nữa. Chị thấy đời sao mà cùng cực bất công với mình thế? Nhưng cứ hễ chán nản, nghĩ đến con chị lại gắng gượng, chị lại thấy cần phải sống. Chị bảo dù có mệt đến mấy, mỗi khi về nhà, hai đứa con chạy ra đón, nhìn nụ cười ngây thơ vui vẻ của chúng là mệt mỏi tan biến hết. Và cứ thế chị sống. Tôi hỏi:
- Chị làm quần quật thế, nhỡ ốm thì sao?
Chị cười xòa:
- Nhà nghèo nên sợ không dám ốm em ạ! Nói vậy chứ nhiều khi cũng mệt mỏi, cảm cúm hay kể cả nóng sốt, chị cố gượng dậy, đạp xe toát mồ hôi là khỏi. Chỉ khi không thể vục dậy được chị mới đành chịu. Chứ hơi một tí đã nằm nhà thì chả có cháo mà cho con ăn!
Nhìn chị cười khiến tôi cũng vui lây. Tôi thắc mắc chả nhẽ người như
chị mà không có ai để ý?
- Chị không định đi bước nữa à?
- Cũng có mấy người đến muốn rổ rá cạp lại, nhưng chị không đồng ý. Nhỡ gặp người không tốt thì… Hai đứa con là niềm hạnh phúc cuả chị rồi. Thế còn em, chắc cũng có người yêu rồi nhỉ?
Tự nhiên chị hỏi vậy khiến tôi hơi chột dạ. Tôi cũng không biết nói thế nào nữa. Chúng tôi mới chia tay nhau. Tình yêu sinh viên của chúng tôi bây giờ khác với chị nhiều lắm. Lớp trẻ chúng tôi yêu hoặc bỏ nhau có khi chỉ từ những lý do rất vớ vẩn, cũng có khi chỉ là để thỏa mãn sự tò mò trò chơi xác thịt. Đang chưa biết nói sao thì chị reo lên:
- Nhà chị kìa!
Tôi hướng về xa xa dưới chân đồi, một ngôi nhà trăng trắng nhỏ bé lộ ra nổi bật giữa màu cây đang chuyển sang nâu xám buổi chiều tà. Từng lọn khói bay lên, bay lên tạo một cảm giác thật ấm áp. Nơi đó, các con chị đang mong ngóng. Có lẽ chỉ mới nhìn những lọn khói kia thôi, chị cũng thấy hạnh phúc lắm rồi.
* * *
Rất nhiều tuần sau, tôi thường cố ý đạp xe thật chậm qua con dốc xem có gặp chị nhưng không thấy. Có thể chị vẫn ở đằng sau, hay chị đã qua con dốc? Hoặc biết đâu chị đã chuyển sang nghề khác, có được một công việc tốt hơn. Cứ mỗi lần nhìn thấy ai đó lam lũ, tôi lại nghĩ đến chị?
T.Đ.H
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét