Nếu tính theo tuổi tác thì thằng B lớn hơn tôi ba tuổi. Và dĩ nhiên tôi gọi nó bằng anh mới phải. Nhưng có lẽ vì nó cù bất cù bơ, khờ khạo, thậm chí có những lúc nó giống một người thần kinh nên cả cái xóm này từ lớn tới nhỏ ai cũng kêu nó bằng thằng B, và không biết tự bao giờ tôi cũng vô tư gọi nó bằng danh xưng hô ngang hàng “Thằng”. Đám con nít trong xóm thấy nó đi đâu thì reo lên: “Thằng B kìa tụi bây ơi! Lại kêu nó làm ngựa cho tụi mình cưỡi chạy lòng vòng chơi!”. Thế là cả đám chạy lại đứa kéo tay, đứa bu lên vai đè thằng B xuống rồi trèo lên lưng kêu nó chạy lông nhông khắp xóm.
Dưới ánh mắt của người lớn trong xóm, thằng B là một vật dụng lao động chứ không phải là con người. Vì họ có thể sai thằng B làm bất cứ việc gì. Từ việc khuân vác nặng nhọc cho đến giặt đồ, rửa chén, thậm chí mấy bà mê game, suốt ngày dán mắt vô điện thoại. Có con nhỏ mà lười, lúc ị trong quần cũng kêu thằng B rửa đít cho con mình. Thằng B vẫn vô tư làm, vô tư sống với mọi thứ tồi tệ nhất trong cái xóm nhỏ này.
Ban ngày thằng B làm bất cứ chuyện gì để kiếm miếng cơm bỏ bụng. Ban đêm nó về nằm bên chái bếp của một người đàn bà mà nghe nó gọi bằng Dì Mười. Thấy nó thui thủi một mình tôi đăm tò mò. Ba mẹ nó đâu? Anh chị nó đâu? Nếu nó tên B thì nhất định nó phải có người anh hay người chị tên A, hoặc có người em tên C. Vì tính theo bảng chứ cái thì ABC mới đúng chứ? Tôi đem những thắc mắc đi hỏi má.
Má tôi kể, thằng B nó khù khờ là do bị bom dập. Hồi còn chiến tranh, cả gia đình nó thoát ly đi kháng chiến ở vùng tam giác sắt Phú An. Một lần bị bom B52 của địch dội, cả gia đình nó bị vùi dưới hầm. Người ta moi lên thì chỉ còn mình nó sống, ba mẹ và anh nó đều hy sinh. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, đối mặt với những trận càng quét ác liệt của bom B52, người ta vội vã chuyển nó về tuyến sau để chữa trị. Quân y ngày đó cũng rất nhiều thương binh chuyển vào, nhưng mỗi người thương binh đều có thẻ đeo ghi tên và ghi nhóm máu rõ ràng. Duy chỉ có mình nó là không một miếng giấy gì mang theo. Trong tiếng gầm rú của máy bay địch, tiếng nổ ầm ì của bom đạn đang cày xới trên chiến trường. Nhìn một sinh linh nhỏ bé trên mình đầy vết thương của bom B52 mà trái tim vẫn đập một nhịp sống mãnh liệt nên các đồng chí quân y lúc bấy giờ bèn đặt cho nó cái tên B (hàm ý B52) như thách thức cả đạn bom của quân thù. Từ đó cái tên B đơn giản đã theo thằng B đến tận bây giờ…
Cuộc sống bon chen hối hả của thời buổi kim tiền đã vô tình xem thường thằng B. Cha mẹ nó hy sinh được nhà nước công nhận liệt sỹ. Nên sau giải phóng, nó đước chính sách của nhà nước cấp đất để sinh sống. Người đàn bà mà nó gọi bằng Dì Mười đã bán miếng đất của nó lấy tiền bỏ túi riêng. Để cho nó nằm ngủ một chỗ nhỏ xíu, chật chội ở sau chái bếp hàng đêm. Nó vẫn không so đo thiệt hơn mà vẫn một mực kính trọng người Dì đã cưu mang, đùm bọc nó trong những ngày tháng nắng mưa.
Thời buổi hội nhập 4.0 cũng dững dưng đẩy thằng B về một phía rất khác so với con người. Điện thoại thông minh, internet đối với thằng B là một thứ gì đó cao xa vời vời. Mấy đứa nhỏ livestream hình ảnh nó tắm sông trần truồng tung lên mạng để câu like, nó vẫn ung dung không phản đối mà bình thường sống một cách vô tư hiền lành, thẳng tính như những hàng cao su trong mùa thay lá... Ai nói gì mặc kệ, nó chỉ biết làm những việc mắt thấy tai nghe. Trong xóm nhà ai có đám tang nó là người đi đánh trống, cuộc đời nó gắn liền với tiếng trống tang thương. Trong lúc tang gia bối rối nó là người lo những việc lặt vặt phía sau. Khúc sông nước đen tràn ngập rác thải chảy ngang qua xóm, nó là người lội xuống vớt những xác động vật hôi thối. Người già đau nhức, nó là người đấm lưng xoa bóp… Không ai trả tiền công cho nó cả, nó làm để có miếng cơm bỏ bụng mà thôi.
Còn với tôi, ngoài việc nhờ vả thằng B hàng ngày chở rau ra chợ cho má tôi bán. Tối đến, tôi còn kêu nó trải chiếu giăng mùng cho tôi ngủ. Ở nhà, má tôi sai tôi làm điều gì thì y như rằng tôi sai ngược lại nó. Mà sai với một giọng điệu “anh hai” chứ không phải sai bình thường: “B, chẻ cho tao mớ củi!”. “B, giặt cho tao cái quần!”. “B, nấu cho tao ấm nước nóng để tối tao tắm!”… Dường như chuyện sai vặt thằng B là một chuyện dĩ nhiên trong đời tôi vậy, lâu dần trở thành một thói quen không thể thiếu trong tâm thức của tôi. Ngày nào không sai nó lòng tôi cảm thấy thiếu vắng, buồn chán. Một lần, tôi sai nó quét dọn nhà cửa, nó vô tình làm bể chậu cá kiểng của tôi, con cá cưng của tôi văng ra liền bị con mèo vồ chạy mất. Thế là bao nhiêu lời chì chiết, nặng nhẹ tôi trút hết lên đầu của nó. “Mày là đồ ăn hại! Mày chết thay cho con cá kiểng cưng của tao đi! Đồ vô tích sự…”. Nó luống cuống nhìn tôi với đôi mắt sợ hãi, rồi lùi lại vài bước cúi xuống vội vã nhặt từng miếng thủy tinh vỡ. Vừa làm vừa rung, nên tay nó bị thủy tinh cắm vào bật máu. Nó vẫn vội vã nhặt, miệng lí nhí xin lỗi tôi. Nhìn bộ dạng nó như con chó con sợ bị chủ đánh, làm cơn giận trong tôi dần vơi đi.
Đầu mùa mưa, những cơn mưa lớn lúc nào cũng hấp dẫn với tụi nhỏ trong xóm. Vì tắm mưa là một trò chơi đầy thú vị của bất cứ tuổi thơ nào. Thấy mưa to dì Mười sai thằng B đi soi ếch để bà đem ra chợ bán. Dĩ nhiên là thằng B không dám cãi lời dì, nó mang cái giỏ lên vai, khoác cái áo mưa bước ra ngõ thì gặp phải tôi. Vừa thấy nó, tôi nói:
- Ê B, cõng tao đi tắm mưa mày!”.
Nó ú ớ:
- Nhưng tôi phải đi soi ếch về cho Dì Mười bán lấy tiền mua gạo nấu cơm cho tôi ăn.
Tôi đưa nắm đấm lên dọa:
- Mày không cõng tao tắm mưa, tao sẽ bắt đền mày con cá kiểng của tao hôm bữa mày làm chết.
Nó còn chần chừ, thì lập tức tôi chạy đến tháo cái giỏ trên người nó ném vào bụi bên đường. Tôi biết thế nào về nhà dì Mười cũng mắng chửi nó. Kệ, tôi không quan tâm, miễn sao có người cõng tôi tắm mưa là thích lắm rồi. Tôi đè vai nó để trèo lên, nó vừa cúi người xuống vừa nói:
- Tắm mưa mà cõng làm sao vui, tắm mưa phải chạy nhảy mới thích chứ!
Khỏi cần nó nhắc tôi cũng biết, tắm mưa mà cõng không thú vị chút nào. Nhưng tôi vẫn thích được ngồi trên tấm lưng phẳng lỳ của thằng B, vừa ngồi vừa đấm vào hông nó, thúc nó chạy thật nhanh, cảm giác như người hùng cưỡi ngựa trong một cơn mưa xối xả thì không gì thích bằng. Tôi vô tư đùa trên thân xác thằng B, dẫu biết rằng ngày mai sau cơn mưa thằng B sẽ bị dì Mười đánh cho một trận tơi bời.
Nó cõng tôi chạy trong mưa mấy dòng thì trời nổi gió lớn. Mưa bắt đầu nặng hạt hơn. Thằng B có vẻ thấm mệt, còn tôi thì cao hứng kêu nó dừng lại rồi rủ nó xuống sông tắm. Nó chần chừ nói:
- Mưa to xuống sông tắm nguy hiểm lắm!
Mặc cho nó nói gì, tôi nhảy ùm xuống sông lội một mạch đến giữa dòng. Thằng B đứng trên bờ nhìn theo có vẻ sót ruột. Mưa càng to gió càng lớn. Dòng nước chảy dường như mạnh hơn. Bỗng tôi có cảm giác tay chân mình tê cứng như bị chuột rút. Tôi cố vùng vẫy, miệng ú ớ kêu không ra tiếng, một hồi lâu mắt tôi hoa đi, cảm giác ngạt thở vì ngộp nước. Tôi biết mình sắp chết đuối, thì có một bàn tay ai đó kéo tôi lên và dìu tôi bơi vào bờ. Trong ranh giới giữa sống và chết tôi nghe hơi thở của thằng B sát bên tai, tôi biết là nó đã cứu mình. Nhưng dòng nước chảy quá mạnh mà thằng B thì đuối sức vì đã cõng tôi chạy mấy chục vòng dưới mưa. Nên nó vừa đưa tôi lên đến bờ thì dòng nước cuốn nó trôi đi một cách rất nhanh. Tôi lồm cồm ngồi dậy, đưa đôi tay yếu ớt vì kiệt sức, kéo thằng B lại, nhưng dòng nước đã cuốn thằng B văng ra xa. Tôi cố gào lên trong tiếng sặc nước:
- Anh B ơi….!
Lần đầu tiên trong đời tôi gọi nó bằng anh. Tiếng gọi thân thương này lẽ ra tôi phải gọi nó từ lâu lắm rồi. Nhưng vì tính khinh thường, lòng ích kỷ, nhỏ nhen đã làm cho tiếng xưng hô kính trọng kia bị dìm vào trong tôi cho đến tận bây giờ….Tôi ngục mặt xuống đất bật khóc, miệng luôn gọi “anh B ơi!”
Được tin mấy người trong xóm chạy ra, chỉ biết nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy một cách vô tâm. Bóng dáng thằng B mất hút trong dòng chảy đụt ngầu của dòng sông đầy rác thải. Ai đó trong đám đông nói:
- Thằng B khỏe như trâu, lội giỏi như rái cá thì dòng nước chảy này không làm khó nó đâu. Mấy ông yên tâm đi. Ngày mai nước sẽ đưa nó đến sống ở một xóm nào đó phía xa dưới cuối nguồn.
Tôi cũng hy vọng điều người ta nói là có thật. Anh B của tôi sẽ không chết dưới dòng nước đen rác rưởi này, mà sẽ đường hoàng sống một cuộc đời thật khác được nhiều người kính trọng ở nơi nào đó thật xa, không biết đến những khinh khi, đố kỵ.
Bàn tán một hồi lâu, rồi cả xóm kéo nhau ai về nhà nấy. Mưa dứt hạt. Trời về chiều, từ phía chân trời một vài tia nắng vàng rọi xuống dòng sông đục ngầu ở phía xa xa. Còn lại một mình, tôi ngồi như con mèo ướt nhìn dòng sông. Nước vẫn chảy, rác vẫn trôi. Anh B của tôi giờ này chắc nằm ở đâu đó dưới dòng sông lạnh giá này. Tôi lau nước mắt mấy lần mà sao không ngăn được những dòng thương cảm, hối hận từ đáy lòng cứ trào ra chảy xuống má, xuống môi mặn chát. Ngước mặt lên trời tôi thầm mong:
Dù thế nào thì nhất định anh phải sống một cuộc đời thật khác, nghen anh B!
Đ.V.Đ
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét