Tôi vừa đọc lại “Bà Bovary” (tiếng Pháp: Madame Bovary) là một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Gustave Flaubert. Tôi như thấy tôi trong đó, do vậy tôi phát biểu cảm nhận của tôi.
*
Tóm tắt
Charles Bovary, một bác sĩ tốt bụng nhưng buồn tẻ và không có tham vọng với công việc, kết hôn với Emma, một cô gái nông dân xinh đẹp được nuôi dưỡng trong một tu viện. Cô cho rằng hôn nhân là một cuộc sống phiêu lưu, niềm phấn khích duy nhất của cô là sự bay bổng khi đọc tiểu thuyết tình cảm.
Cô ngày càng cảm thấy buồn chán và không hài lòng với cuộc sống trung lưu của mình, và ngay cả sự ra đời của con gái họ, Berthe, cũng chỉ mang lại cho Emma niềm vui nho nhỏ. Nắm bắt được mối quan hệ thân thiết lý tưởng, Emma bắt đầu thực hiện những ý tưởng lãng mạn của mình và dấn thân vào mối tình tai hại với Rodolphe, một chủ đất địa phương.
Emma lên kế hoạch bỏ trốn cùng nhau, nhưng Rodolphe đã chán cô ấy và chấm dứt mối quan hệ. Emma bị sốc, phát sốt não và nằm liệt giường hơn một tháng. Sau đó, cô gặp Léon, một người quen trước đây, và cuộc sống của cô ngày càng trở nên hỗn loạn. Cô ấy chấp nhận những đam mê, hạnh phúc, bỏ qua bản thân thực tại vật chất, được tượng trưng bằng tiền bạc.
Cô không có khả năng phân biệt giữa lý tưởng lãng mạn và những thực tế khắc nghiệt trong cuộc sống, ngay cả khi sự quan tâm của cô dành cho Léon giảm dần. Các khoản nợ vượt quá tầm kiểm soát, cô cầu xin tiền nhưng tất cả đều từ chối, kể cả Léon và Rodolphe và đưa cô đến chết một cái chết đau đớn.
Charles đau buồn, mù quáng không biết về chuyện của Emma, vẫn dành cho người vợ đã khuất của mình ngay cả khi anh ta phải vật lộn để trả nợ cho cô. Sau khi phát hiện ra những bức thư tình của Rodolphe và Léon, anh ngày càng trở nên chán nản và đổ lỗi cho việc của Emma là do số phận. Ngay sau đó anh ta chết, để lại cô con gái Berthe cuối cùng làm việc tại quê nhà trong cảnh nghèo khó.
*
Tính hai mặt của vấn đề
Dưới mắt tôi, Emma Bovary là nhân vật hai mặt, một mặt đáng thương và một mặt đáng chê trách. Trước hết, Emma Bovary là con người đáng thương, ở chỗ mà khi chung quanh nàng, trong cái xã hội tư sản tỉnh nhỏ mốc meo và nhờ nhờ một màu xám, hầu hết mọi người đều tự dối mình và dối người khác, cam tâm sống một cuộc đời thấp hèn, nghèo nàn, ngột ngạt. Thì chỉ duy có nàng dám cưỡng lại nó, chống lại nó, phản kháng nó, để vươn tới một cuộc sống rộng rãi, phong phú, đẹp đẽ hơn. Song sống giữa cái xã hội tư sản giả dối sớm chịu sự giáo dục của nhà tu và chuyên môn đọc những tiểu thuyết lãng mạn, thử hỏi Emma Bovary có thể ước mơ được cái gì và ước mơ đó có thể thực hiện được hay không?
Có lẽ cuộc đời chỉ cười với Emma Bovary có một lần, đó là cái lần nàng đi theo chồng được mời đến lâu đài của một hầu tước. Ở đó nàng đã say sưa trong một cuộc khiêu vũ điên cuồng để rồi sau đó trở về với cuộc sống thực tại, nàng còn giữ mãi dư âm như qua một cơn choáng váng sẽ không bao giờ còn trở lại nữa. Nhưng chỉ thế cũng đã làm cho Emma Bovary ngây ngất, hơn nữa, chỉ thế mà Emma Bovary cũng sẽ không bao giờ đạt tới.
Thành ra cả cuộc đời nàng chỉ là một cuộc đuổi theo, như một chiếc bóng, giấc mơ khoảnh khắc, hão huyền. Song, nàng càng muốn trốn khỏi cái tầm thường của cuộc đời, nàng càng muốn vươn lên trên bùn nhơ của cuộc sống thì cái tầm thường càng siết chặt lấy nàng, nàng càng bị ngập sâu xuống bùn nhơ.
Đó là tất cả tấn bi kịch của cuộc đời Emma Bovary!
*
Miêu tả tâm lý tài tình
Bà Bovary xuất thân là một thiếu nữ nông thôn được học trong tu viện và đọc rất nhiều tiểu thuyết tình cảm. Bị ảnh hưởng bởi văn chương lãng mạn, nàng những mong được làm vai nữ chính trong đó. Nghĩa là được yêu thương bởi một người chồng tài năng, giàu có, hào hoa phong nhã, chí lớn, danh vọng đầy mình, luôn cùng nàng nói về những chủ đề bay bổng diễm lệ. Thế nhưng, nàng vỡ mộng vì lỡ được gả cho Charles- người thầy thuốc thô lỗ, vụng về, thiếu hiểu biết, không có thú vui xa hoa trụy lạc. Nàng ngoại tình với hai người đàn ông (Léon và Rodolphe) – tình nhân trong mộng, không lao động nhưng phung phí đến cạn kiệt tài sản của chồng.
Diễn biến của hai cuộc ngoại tình ấy thật sự hấp dẫn, khi đọc tiểu thuyết, tôi không khỏi ấn tượng với anh chàng Rodolphe với kế hoạch quyến rũ, biết nắm bắt tâm lý phụ nữ rồi ruồng bỏ người tình một cách tinh vi. Tôi nói kế hoạch ấy, đến hôm nay “chàng sở khanh” nào muốn vẫn có thể áp dụng được, chàng dễ dàng nêu lý do để ngoại tình và tâm lý người trong cuộc có lẽ đều giống nhau qua các thời đại.
Tác phẩm có giá trị lâu dài và trở thành kinh điển một phần cũng vì thế.
Sau Rodolphe là nhân vật Léon - một luật sư trẻ trung, phong nhã, cũng đại diện cho một loại đàn ông dễ dàng quyến rũ phụ nữ trong xã hội. Anh ta vừa có sự nhút nhát đầu đời nhưng lại cũng vừa sẵn sàng bày tỏ ra cái tình cảm mãnh liệt dành cho người phụ nữ. Sống cạnh một người chồng cục mịch khô khan, bà Bovary – vốn có một trái tim rạo rực luôn khao khát yêu đương – bị hấp dẫn bởi Léon âu cũng là một điều dễ hiểu. Sự tài tình trong việc xây dựng nhân vật của tác giả nằm ở đó.
*
Đọc xong tác phẩm, đọng lại trong tôi, ngoài giấc mơ tan vỡ của người phụ nữ xinh đẹp còn là những cảnh những tình lưu lại trong tâm tôi, như cửa hàng bán tranh nghệ thuật, những buổi tiệc nhộn nhịp. Là những bộ trang phục cầu kỳ lộng lẫy, những điệu nhảy phóng khoáng, những đồng cỏ trải dài ngập nắng, những đêm trăng đẹp, là những khu chợ nhiều âm thanh, những buổi tranh luận của giới trí thức… tất cả đều đáng học hỏi khi tôi tập viết văn miêu tả.
N.P
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét