1. “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”/ “Phía Tây không có gì lạ”
Tôi đọc tiểu thuyết “All Quiet on the Western Front” của Erich Maria Remarque lâu lắm rồi, bản tiếng Việt của dịch giả Tâm Nguyên, bản dịch trước 1975. Sau này tôi có đọc lại, đọc một bản dịch khác của Vũ Hương Giang lấy tựa đề là “Phía Tây không có gì lạ”.
Tôi có nghe mấy ý kiến cho rằng “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” nghe có vẻ văn chương hơn. Mới đây tôi đọc lại tác phẩm và xem phim cùng tên, theo cái nhìn của tôi “Phía Tây không có gì lạ” không biết có kém bay bướm hay không, nhưng đúng với nội dung câu chuyện được nhà văn miêu tả.
Đó là mặt trận phía Tây trong suốt hai năm, hai phe, phe nào cũng có lúc chiếm được rồi lại để mất, giằng co từng tấc đất ở miền Tây mà chẳng có gì lạ.
Kết thúc tác phẩm là cái chết của Paul Bäumer vào một ngày tháng 10 năm 1918, một ngày mà tình hình tĩnh lặng trên suốt mặt trận, tới mức các báo cáo quân sự từ mặt trận phía Tây chỉ chứa gọn một câu "Ở phía Tây, không có gì lạ".
Cho nên tôi nghĩ lấy đó làm tựa đề cho cuốn tiểu thuyết thì hợp lý hơn.
*
2. Thân phận người lính bên nào, thời nào cũng khổ
Mười năm sau khi cuốn tiểu thuyết “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” của Remarque được xuất bản, Thế chiến II bắt đầu, thậm chí còn điên rồ và tàn khốc hơn Thế chiến thứ I. Và những ngày này, gần 100 năm sau, có vẻ như một lần nữa nhân loại vẫn chưa học được bài học của mình.
Mặt trận Ucraina không yên tĩnh, ta lại vẫn thấy, cũng những người trẻ hôm nay, không khác là mấy với những người trẻ mà Erich Maria Remarque miêu tả vẫn đang bị đẩy ra mặt trận.
Dĩ nhiên ngoài mặt trận luôn luôn gặp các nguy hiểm, đời sống trong các hầm hố trong dơ bẩn, thiếu nước sạch, chất đầy các xác chết, chuột bọ. Người lính thường xuyên thiếu thức ăn, thiếu giấc ngủ, thiếu quần áo và sự chăm sóc y tế.
Đói ăn là điều không tránh khỏi trong các mặt trận, và điều đầu tiên mà các chiến binh làm khi xông vào chiến hào của địch là chạy vào kho và nhét mọi thứ ăn được vào miệng, đôi khi phải trả giá bằng mạng sống của mình. Sau đó, họ lê bước khắp cánh đồng để thu thập thẻ bài những đồng đội đã bỏ mình.
Chiến tranh, nói cho cùng bao giờ cũng nghiệt ngã. Trong đó những đứa trẻ tuổi mười bảy bị ném thẳng vào họng pháo, dưới gầm tăng.
Ở đó bùn đất khắp nơi: trong túi, trong mũ cối, trên mặt, trong miệng, những vụ nổ làm cho bùn trộn lẫn máu, và không có gì để rửa sạch bụi bẩn này. Dù là lính chính quy, lính đánh thuê hay lính đứng ở phía chính nghĩa đều phải tham gia tàn sát lẫn nhau, phá hủy lòng nhân đạo. Họ đều bị đau khổ bởi vì các chiến hữu đã ngã gục ngoài chiến địa và các chiến binh đang còn sống phải tiếp tục hành xác.
*
3. Nhân danh chủ nghĩa
Người ta đã nhân danh chủ nghĩa quốc gia để phát động Thế Chiến Thứ Nhất, chủ trương đòi hỏi mọi người dân phải trung thành với đất nước. Viết tác phẩm này tác giả Erich Maria Remarque đã chỉ trích, coi đây là sự đạo đức giả, một công cụ được dùng để kiểm soát dân chúng.
Trong truyện, chủ nghĩa quốc gia đã thuyết phục Paul và các bạn bè của anh ta tham gia quân đội, nhưng các kinh nghiệm ngoài mặt trận đã dạy cho họ rằng chủ nghĩa quốc gia là một quan niệm ảo tưởng, là giấc mơ dùng để lừa dối giới trẻ.
Những người ái quốc như Kantorek, như Himmelstoss thì vô dụng ngoài mặt trận. Và các binh lính thiện chiến không phải là chiến đấu cho sự vinh quang của quốc gia mà vì sự sống còn của chính họ. Paul và các bạn bè của anh ta đã cay đắng nhận ra sự thực rằng kẻ thù chính là những người đã đem quân đội ra để làm đà thăng tiến quyền lực và vinh quang cho chính họ.
*
4. Người lính tự vấn
Paul đâm chết được một lính Pháp và đã chứng kiến cảnh hấp hối thật đau đớn của anh lính này. Đây là kẻ địch đầu tiên bị chính tay Paul tiêu diệt. Song, anh cảm thấy đau xót và xin cái xác người ấy tha lỗi cho anh:
"Này anh bạn, mình có muốn giết cậu đâu. Tại sao người ta không nói cho bọn mình biết rằng chính các cậu, các cậu cũng chỉ là những con chó khốn khổ như bọn mình.
Rằng các bà mẹ của các cậu cũng đau khổ như mẹ chúng mình, rằng chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau?
Bạn ơi, hãy tha thứ cho mình; tại sao cậu lại có thể là kẻ thù của mình? Nếu chúng ta bỏ những vũ khí và bộ quân phục này đi, thì cậu rất có thể là người anh em của mình."
Cho là mình sắp được trở về quê nhà, Paul có cảm nghĩ: "Nếu bây giờ, chúng tôi trở lại gia đình, chúng tôi mệt mỏi, rã rời, trống rỗng, không còn gốc rễ và không còn hy vọng."
Trong phần cuối của tác phẩm, Paul có lời tự sự: "Cuộc sống đã bắt tôi phải qua những năm tháng ấy, vẫn đang còn tồn tại trong hai bàn tay và cặp mắt của tôi có làm chủ được cuộc sống ấy không... Tôi không biết..."
*
5. Vài biểu tượng đáng nhớ
Cuốn tiểu thuyết “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” còn dùng các biểu tượng, đó là đôi giày lính của Kemmerich. Đây là vật tượng trưng cho một thứ rẻ tiền của đời sống con người trong chiến tranh.
Đôi giày lính được chuyền từ người này qua người khác mỗi khi có một người lính bị chết trận và đôi giầy này đã được coi là có giá trị cao hơn mạng sống của con người. Hoặc hình ảnh khác, sự nên thơ đến từ cách mà những người lính chuyền tay nhau hít hà chiếc khăn tay thêu hoa của một thiếu nữ, và ngôn từ thô ráp của người vợ hiền gửi thư tay ra chiến trận cho chồng. Hoặc một nụ hôn của chàng lính trẻ lên tấm áp phích có ảnh vẽ một cô đào hát nóng bỏng giữa chiến hào pháo địch đang uy hiếp.
Có thể nói, từ những vật tầm thường, chúng như trở thành một thứ tín ngưỡng, một vị thánh cứu chuộc lấy sự lầm than và hoen gỉ, chết mòn nơi những con người bất lực bị đem ra làm tốt thí, bị đặt vào cơn bĩ cực nhân danh đại cuộc.
N.P
*
Tóm tắt cốt truyện
Nhân vật chính và cũng là người tường thuật câu chuyện theo ngôi thứ nhất là Paul Bäumer, một người lính Đức mới 19 tuổi. Anh và những người bạn học cùng lớp của mình đã bị thuyết phục bởi vị giáo sư của họ là Kantorek, nên gia nhập quân đội Đức để ra mặt trận. Họ được đưa ra mặt trận phía Tây, nơi đang diễn ra những trận đánh ác liệt giữa Đức với liên quân Anh-Pháp.
Tác phẩm đã miêu tả một cách chân thật cuộc sống chiến đấu gian khổ và tàn khốc của những người lính này trong những chiến hào đẫm máu. Người lính thường xuyên đối mặt với những trận pháo kích cường độ cao, hơi độc và cả xe tăng của đối phương.
Có một lần khi được giao canh gác tù binh Nga, Paul đã nhận ra rằng những người lính Nga này cũng là con người như mình mà thôi, và anh cảm thấy không thể nào coi họ như kẻ thù được. Có một lần khác, Paul cùng với các đồng đội xung phong đi trinh sát trong lúc nhà vua Đức sắp đến thị sát mặt trận, và anh đã bị lạc trong đêm trường hỗn loạn, mãi mới tập hợp lại được. Quân Đức đã đánh tan một cuộc tấn công của đối phương. Paul cảm thấy mình đáng lên án vì đã giết chết một người lính cũng chỉ giống như mình mà thôi.
Nhiều người bạn của Paul lần lượt ngã xuống còn bản thân anh thì ngày càng tỏ ra chán ghét chiến tranh, vì những nỗi kinh hoàng mà nó mang lại, cướp đi tuổi trẻ và những người đồng đội của anh. Rốt cuộc, cuộc chiến tranh mà giáo sư Kantoreck đã nồng nhiệt kêu gọi nhóm bạn của Paul tham gia chiến đấu, không mang lại cho họ một niềm vinh quang nào. Tàn cuộc, anh trở thành người duy nhất còn sống sót trong bảy người học sinh đã lên đường chiến đấu của Giáo sư Kantorek. Khi ấy, người ta chỉ còn nghĩ đến ngưng chiến và hòa bình mà thôi, và bản thân Paul cũng tin là hai bên sẽ sắp đình chiến.
Kết thúc tác phẩm là cái chết của Paul Bäumer vào một ngày tháng 10 năm 1918, một ngày mà tình hình trên suốt Mặt trận yên ả đến lạ kỳ, tới mức các báo cáo quân sự từ mặt trận phía Tây chỉ chứa gọn một câu "Ở phía Tây, không có gì lạ".
Tác phẩm kết thúc bằng gương mặt yên bình của Bäumer khi chết và lúc người ta lật người anh lên, anh vẫn toát ra vẻ bình thản chứ không hề có một biểu hiện đau đớn gì cả. Có vẻ như anh hài lòng vì sự kết thúc đã đến.
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét