Nguyễn Hữu Duyên
Sau khi đọc bài viết Tết đến và nỗi niềm của kẻ tha hương đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị và bài viết Nghèo đeo bám tôi cả cuộc đời đăng trên VnExpress, một anh bạn ở quê nhắn tin cho tôi nội dung thế này : “ Bạn hãy viết một bài Cái giàu đang đến cho đời bạn sáng một chút, cho anh em vui tí coi nào!” Tôi biết anh bạn xót cho tôi, nhưng thật lòng mà nói, tôi không buồn về cái cảnh nghèo của mình, bởi kẻ giàu người nghèo là chuyện của muôn đời, và tôi cũng không thấy mảng tối của cái nghèo từ nghĩa đen đến nghĩa bóng. Có lẽ anh bạn nghĩ như thế vì cảm thấy nặng nề và thương một người có những tháng năm long đong và lận đận như tôi. Tất nhiên bây giờ tôi không có nhà cửa, vẫn ở nhà thuê, buôn bán vỉa hè trên đất Sài Gòn, nhưng tôi không còn cái cảnh chạy mượn gạo từng ký một, xin từng viên thuốc kháng sinh khi viêm họng, cũng chẳng phải chạy mượn tiền nộp học phí cho con. Mọi cái đã qua. Hai đứa con, một đại học, một cao đẳng- đã ra trường và có việc làm. Có thể nói, đây là niềm hạnh phúc nhất của đời tôi sau 30 năm lập gia đình. Tôi trút bỏ tất cả các áp lực của những người thân từ phía gia đình, cha mẹ, bè bạn trong suốt một thời gian dài, bước vào chặng đường mới không một chút vướng bận.
Người ta thường nói, trên đời này không ai giống ai cả, người thích làm giàu, kẻ thích ngao du sơn thủy, người khát khao cống hiến, say sưa với công danh sự nghiệp, kẻ thì chỉ biết rong chơi ngày tháng…Riêng tôi, chặng đường mới không phải tìm kiếm sự giàu có dù đời tôi lên bờ xuống ruộng cũng vì cái nghèo. Anh bạn ơi, cho tôi gửi lời xin lỗi nhé! Chuyện làm kinh tế tôi vốn không quen và cũng không có năng khiếu, hơn nữa hoàn cảnh thực tế của tôi hiện nay mà nói cái giàu đang đến thì tôi là kẻ lộng ngôn rồi. Khi chuyện học hành của hai đứa con đã xong, tôi lại ao ước được có nhiều thời gian để đọc và viết những điều mình cảm nhận được giòng chảy của cuộc sống đi qua đời mình. Đầu tiên, tôi lên kế hoạch dành dụm và nhờ một người bạn mua lại một máy vi tính đã cũ khoảng hơn một triệu đồng và nối mạng internet. Tôi thích viết hay nói đúng hơn là rất ham mê viết dù biết lĩnh vực này không hề dễ dàng. Và, ở những ngày đầu tiên, khi ngồi trước bàn phím gõ từng con chữ, tôi thấy mình sung sướng đến kỳ lạ, bởi đây là lúc tôi kể lể, tâm tình và sống thật với nhịp đập nhanh chậm của trái tim mình. Mà thời buổi khoa học hiện đại, viết không cần giấy bút, lưu cũng khỏe, không sợ thất lạc, gửi bài cũng không cần ra bưu điện. Tất cả đều được thao tác trên máy vi tính. Đang hưng phấn với chuyện viết lách thì một thằng bạn ở ngoài quê điện vào bảo rằng, đến bây giờ mà tôi còn mê ngủ hay sao mà lo chuyện đâu đâu, không lo chuyện bán buôn. Hơn nữa nó còn nhận xét, tầm nhìn tôi liệu có vượt qua khỏi lũy tre làng, lại ở một chỗ với cái nồi bún riêu thì lấy gì mà viết với lách. Một thằng bạn khác lại góp ý rằng, tôi quá vất vả vì chuyện con cái rồi, nay đã xong về cơ bản thì hãy làm cái công việc mình yêu thích và đam mê. Vả lại, muốn làm được thì phải hết sức cố gắng, bởi không ai sinh ra trên đời này đều có chữ giỏi ở trên lưng cả. Thế là nói gì thì nói, ngoài thời gian phụ vợ bán bún riêu, tôi viết một cách miệt mài, gửi báo nọ báo kia, bởi theo tôi không thể viết để đấy mà phải được đăng báo để nhiều người đọc những suy nghĩ, những chia sẻ giải bày của mình. Ở Sài Gòn, theo tôi, là một vùng đất có truyền thống báo chí, nên nếu có một bài viết được đăng báo thì nói theo kiểu bình dân quê tôi là mừng hết lớn. Nhưng trước hết, tôi lại phải nhận cái vị đắng của sự chờ đợi, cái vị không mấy xa lạ với người viết chỉ là ham thích như tôi, cứ càng tăng dần, tăng dần qua ngày này tháng nọ. Được cái, tôi không nản và luôn tự nhủ bản thân mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Cho đến một ngày, đúng là “ gái có công chồng chẳng phụ”, bài viết của tôi đã được đăng trên VietNamNet, Sài Gòn Tiếp Thị, Tuổi Trẻ và VnExpress. Đó là những giây phút hạnh phúc lan tỏa trong tôi thật khó tả. Và đó cũng là thời điểm tôi suy gẫm về câu chuyện của con gà cứ mỗi sáng sau khi xuống chuồng là hất từng hạt sạn cục đất sang một bên hoặc lục lạo trong đám cỏ rau tìm kiếm thức ăn để sinh tồn. Và, suy cho cùng, con người, động vật, hay cỏ cây cũng đều thế cả. Nhưng Tạo hóa lại ưu ái ban tặng cho con người có được niềm đam mê cháy bỏng với những khát khao thực hiện những hoài bảo, ước mơ của riêng mình, dù điều đó đối với mọi người là hết sức bình thường, như trường hợp của tôi chẳng hạn. Tôi nghĩ, dù gửi 10 bài hay nhiều hơn nữa mà may mắn được báo đăng một bài thì cũng đã là quá tuyệt rồi. Nhiều lúc tôi tự hỏi không hiểu sao mình lại thích viết báo đến khó cưỡng như vậy. Chính vì vậy nên cái vị đắng chờ đợi cứ lại đến với tôi và trở thành quen thuộc. Bây giờ hằng ngày ngoài thời gian phụ quán, tôi vẫn viết, và tôi nhận ra sau bao năm vật lộn với áo cơm mình đã tìm được niềm vui thực sự dù tiền nhuận bút không là bao từ một vài bài viết được đăng. Nói đến nhuận bút, tôi nhớ hôm nhận được điện thoại từ tòa soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị mời tôi lên 25 Ngô Thời Nhiệm, quận 3, nhận 720.000 đồng ( nhuận bút bài Tết đến và nỗi niềm của kẻ tha hương ). Tôi không tin và nghĩ mình nghe nhầm nên mới hỏi lại người gọi điện là một giọng nữ và được chị trả lời : - Đúng rồi, 720.000 đồng, anh ạ! Thực ra trong thâm tâm tôi cứ nghĩ khoảng 300.000 đồng đã là quá thơm rồi, không dè lại nhiều như vậy, có thể nói là không thấp hơn một tuần phụ thợ hồ ở quê tôi. Trên đường về, tôi ghé lại Ngả tư Thủ Đức mua ba ký sầu riêng với số tiền là 120.000 đồng, đãi vợ và hai đứa con. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi làm được một việc là cả nhà cùng vui từ tiền nhuận bút. Và, điều quan trọng là sau đó vợ và hai đứa con tôi đã dành cho tôi cái nhìn đồng thuận hơn khi tôi tranh thủ ngồi trước máy. Với tôi, đó là thành công ngoài sự mong đợi. Và, anh bạn của tôi ơi, như vậy là đời tôi đã sáng rồi. Nếu trước đây, khoảng đầu năm 2006, tôi vào cuộc mưu sinh với cái nồi bún riêu trong tâm thế chẳng đặng đừng, thì bây giờ tôi đã nhận ra giá trị của nó không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế. Tôi trân trọng và biết ơn những cháu sinh viên, các anh chị công nhân và những người thích món bún riêu 52D Ngô Quyền, quận 9, đã giúp cho gia đình tôi rất nhiều trong bao năm qua, từ cái hồi chỉ 3.000 đồng một tô, đến nay đã 14.000 đồng rồi. Cũng như mọi ngày, mỗi khi vắng khách, tôi thường ngồi vào máy để đọc, viết. Có lần tôi đang mãi mê đọc một bài báo, khách vào đông, vợ tôi ra phòng sau ghé vào tai nói nhỏ: - Bây giờ anh phụ bán hay viết ? – Tôi đứng bật dậy, chạy ra lau bàn, trụng rau, bưng bún như một anh phụ quán chuyên nghiệp. Xong việc, tôi lại chạy vào ngồi trước máy. Những lần như vậy, vợ tôi chỉ cười. Bác xe ôm có chỗ đứng để đón khách gần quán bún riêu thì bảo tôi là người hạnh phúc vì vợ chồng được sống và làm bên nhau, được chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Đó là điều đơn giản, nhưng không phải ai muốn cũng được.
Người ta bảo rằng, đời mình, cuộc sống chung quanh mình trải qua từng ngày, từng ngày của bao năm tháng với cuộc đời này là bức tranh thực tế sinh động, là tư liệu quý báu. Nghĩ đến điều ấy, tôi thấy mình tự tin hơn khi gõ từng con chữ. Và, tôi lo nhất là tư liệu thì ngồn ngộn đó, nhưng viết cho ra chữ, ra bài mới là điều đau đầu. Khi bạn bè điện vào Sài Gòn hỏi thăm, tôi thường tâm sự rằng, vấn đề bây giờ là tôi có đủ khả năng và sức khỏe để viết hay không, chứ không phải là không có tư liệu, không có đề tài. Hơn nữa khi truy cập tin tức, bài vở trên mạng, tôi thấy báo chí bây giờ rất phong phú được thể hiện trên các chuyên mục, phản ánh gần như đầy đủ cuộc sống sinh động muôn màu của cộng đồng xã hội. Đất cho người cầm bút rất rộng. Đó là cách nói cho những người chuyên nghiệp, còn riêng tôi thì kiên trì thực hiện phương châm cần cù bù khả năng. Ngày ngày tôi vẫn ngồi trước máy không nhiều thì ít, không đọc thì viết, dù có bữa không viết được chữ nào. Tôi không còn trẻ nữa, và như tôi đã nói, tôi không biết làm kinh tế, nhưng có một điều chắc chắn là tôi rất thích viết và rất hạnh phúc khi có bài được đăng báo. Niềm hạnh phúc đó cũng giống như niềm hạnh phúc mà tôi có được từ nồi bún riêu thân thương của mình đang bước vào năm thứ 6 trên đất Sài Gòn.
Nguyễn Hữu Duyên
Đọc bài viết của anh! Một cảm giác ngậm ngùi.Anh hãy viết vì đó là niềm vui thực sự. Chúc anh thành công.
Trả lờiXóaThăm Hữu Duyên! Đọc tâm sự của Cậu - tôi hiểu thêm! Không có gì để phải io nghĩ đâu - hãy bước đi! Nhé? Đã về đến nhà chưa? Chúc chuyến về thăm quê dzui dzẻ! Hôm nào cafe nghen!?
Trả lờiXóa