Họ và tên đầy đủ của mẹ là Trần Thị
Bảy, người phụ nữ ở một làng quê yên bình nằm dọc theo nhánh phía bắc của sông
Côn thuộc xã Nhơn Khánh (An Nhơn, Bình Định) – một xã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý :
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và,
mẹ cũng là một trong 3 người phụ nữ của xã vinh dự được phong tặng danh hiệu Bà
mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ có
3 người thân, chồng và hai đứa con là liệt sĩ. Tuy vậy, bất cứ ai khi tiếp xúc
với mẹ đều nhận thấy rằng mẹ không bao giờ nhắc đến sự hy sinh của gia đình mẹ
trong chiến tranh. Và những lúc như vậy, mẹ thường hay kể chuyện về thời con
gái, cái thời trồng dâu nuôi tằm, hát hò giã gạo, chuyện yêu nhau của những đôi
trai gái bên chiếc gàu sòng vào những đêm trăng đầy lãng mạn... Có một lần tôi
vô tình chạm vào nỗi đau của mẹ khi nhắc đến những người thân của mẹ đã hy
sinh. Đôi mắt mẹ ngầu đỏ. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt mẹ. Dường như mẹ không còn
nước mắt để khóc vì 3 vành khăn tang đã lấy hết nước mắt của mẹ từ lâu lắm rồi.
Năm 1972, tin từ Đội công tác của xã báo về, chồng bà, ông Đoàn Tỵ đã hy sinh.
Rồi, mùa hè năm 1974, Đoàn Thị Thanh, con bé Phó ngày nào của mẹ, người nữ xã
đội trưởng Nhơn Khánh đã vĩnh viễn nằm xuống và trẻ mãi ở cái tuổi hai mươi
mốt. Mẹ buộc lên đầu chiếc khăn tang thứ hai. Chưa hết, nỗi đau còn bám đuổi
lấy mẹ. Đêm giao thừa cuối cùng của cuộc chiến tranh, Đoàn Sĩ Đức, đứa con trai trưởng và
duy nhất của mẹ đã hy sinh trên cánh đồng Quan Quang, nơi mà thuở ấu thơ, anh
và bè bạn cùng trang lứa thường rủ nhau đi bắt ốc mò cua…
Hòa bình lập lại, nhà mẹ không còn đàn ông. Ba vành khăn
tang. Nhà dột cột xiêu.
Chuyện áo cơm học hành của 4 đứa con, đứa con gái lớn lại bị câm điếc. Đôi vai
mẹ trĩu nặng, bởi người đàn ông của mẹ mãi mãi không về và một mình mẹ phải
gánh vác tất cả. Thêm nữa, là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, du kích, bộ đội
- bao lần bị địch bắt, tra tấn, tù đày nên nhìn mẹ già hơn trước tuổi rất
nhiều. Có lần tôi nhìn thấy mẹ dựa vào bụi rào chè trước nhà hướng mắt về phía
nam - phía ấy ba người thân của mẹ đã hy sinh, như tìm kiếm một điều gì đó rất
thiêng liêng. Có lẽ mãi trong lòng mẹ, họ vẫn sống như ngày nào cùng mẹ quây
quần bên mâm cơm đạm bạc và đầm ấm của gia đình.
Với
mẹ, riêng tôi vẫn còn nợ một lời hứa. Có lần mẹ
nói với tôi: “Cháu hãy giúp bà nói với Đảng ủy, Ủy ban xã một tiếng hổ trợ bà
ít đồng để sửa lại cái trần nhà đã mục nát rồi”. Tôi im lặng một hồi, rồi nói:
“Bà nói không hay hơn sao?” Mẹ chậm rãi: “Bà nói, anh em không thích và cho bà
là công thần, đòi hỏi.” Rồi mẹ đổi giọng một cách trịnh trọng: “Em cứ nói giùm
“qua”, “qua” sẽ tưởng cho em”.
Tôi lặng người, nắm lấy bàn tay của
mẹ, đôi bàn tay gân guốc, gầy guộc, nhưng thật ấm áp. Tôi muốn nói với mẹ rất
nhiều điều. Mẹ phải được như vậy! Tôi tin là mình sẽ nói được cho mẹ, và tôi
hứa.
Thời gian trôi qua, chuyện tôi hứa với
mẹ ngày nào trôi theo dòng nước. Ít năm sau, tôi trở lại thăm mẹ vào một dịp
tết. Lúc ấy, mẹ đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng,
được Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Nhơn nhận phụng dưỡng đến
cuối đời, đồng thời xã cũng đã hổ trợ cho mẹ sửa lại nhà. Nhưng món me dầm chua
ngọt do mẹ tự tay làm khi tết đến xuân về thì không có nữa, bởi vì sức khỏe của
mẹ đã yếu lắm rồi. Khi ra về, tôi tự hỏi, sao mẹ không trách mắng tôi? Chỉ có
một nụ cười hiền hòa. Tôi chợt nhận ra một điều thật đơn giản: Mẹ là người nhân
hậu và vị tha.
Bao năm tôi xa quê, khi trở về thì
được tin mẹ đã qua đời năm 2007. Vẫn biết tử sinh là quy luật muôn đời của trời
đất, thế nhưng trong sâu thẳm của lòng mình, tôi vẫn thấy xót xa, nuối tiếc và
thật khó diễn tả bằng lời, bằng những con chữ a, b, c ráp lại…
Bây giờ 3 đứa con gái của mẹ đã lập
gia đình, có cuộc sống ổn định, và một đứa con rể của mẹ hiện đang làm chủ tịch
Ủy ban nhân dân xã Nhơn Khánh. Riêng chỉ có người con gái tật nguyền thì lo
việc thờ cúng của gia đình, và người con gái tật nguyền ấy vẫn mong chờ nhận
được chế độ tuất của con liệt sĩ.
Nhân kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng
quê hương An Nhơn (30/3/1975 – 30/3/2012), tôi – kẻ xa quê, ghi lại những giòng
này như một nén hương muộn xin được tạ lỗi với mẹ Việt Nam anh hùng
Trần Thị Bảy.
Có lần mẹ nói với tôi: “Cháu hãy giúp bà nói với Đảng ủy, Ủy ban xã một tiếng hổ trợ bà ít đồng để sửa lại cái trần nhà đã mục nát rồi”. Tôi im lặng một hồi, rồi nói: “Bà nói không hay hơn sao?” Mẹ chậm rãi: “Bà nói, anh em không thích và cho bà là công thần, đòi hỏi.” Rồi mẹ đổi giọng một cách trịnh trọng: “Em cứ nói giùm “qua”, “qua” sẽ tưởng cho em”.
Trả lờiXóa==========================================
để sửa lại cái trần nhà đã mục nát rồi”.
...................................
“Em cứ nói giùm “qua”, “qua” sẽ tưởng cho em”.
Sao lại như thế này!
Chào anh Phương,
Trả lờiXóaChuyện qua đã lâu rồi nhưng em vẫn thấy lòng mình áy náy vì không thực hiện được lời hứa với mẹ Trần Thị Bảy.
Cảm ơn anh đã đọc và chia sẻ! Chúc anh khỏe, vui!