Phiên chợ Cây Da trùng
ngày chủ nhật, tôi đi sớm, nơi để bàn sửa khóa là hè nhà cô học trò cũ, tôi chủ
nhiệm năm lớp 10 và 11.
Những năm tháng khó khăn, mỗi người phải tự cứu
mình, vợ chồng tôi là giáo viên, ở tập thể trường, nuôi heo bằng sự tận dụng
các thực phẩm thừa, trường xin được đám đất thổ phía sau để trồng rau, gia đình
tôi cũng được phân mấy mươi mét vuông, trồng rau muống và rau lang, việc nuôi
heo có phần đỡ hơn,
Thường những ngày chủ nhật, không lao động, hay các
buổi rảnh, tôi và anh Đức cũng giáo viên của trường, rủ vài người bạn, làm xị
rượu với dĩa dưa chua, nói với nhau đủ chuyện, trên trời, dưới đất, thời sự
đông tây. Lúc đó ít có nhà có ti-vi, tôi nhớ trong xóm có cái ti-vi trắng đen,
thường mỗi đêm khu tập thể rủ nhau đến xem, đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, nhất là
những khi có phim hay, chủ nhà hào phóng mở cửa lớn, người ngồi, đứng lớp trong
lớp ngoài.
Để có củi chụm, tháng hai lần rủ nhau vào Long Mỹ
chặt củi, nhiều lần ngang qua Phú Tài, ghé vào nhà các anh dạy trong đó cùng
nhau lai rai tới chiều, sau đó mỗi anh cho một ít củi, hai đứa chia nhau chở
về. Cuộc sống bấy giờ là những góp nhặt, như sự góp nhặt của những buổi ngồi
sửa khóa.
- Chú ơi làm dùm tôi hai chìa.
- Tí nữa ra lấy.
- Chú ơi, sửa cho tôi ổ khóa này, và làm cho hai chìa.
- Ồ, đây là ổ khóa Mỹ, sét quá!
- Hôm qua mua của mấy đứa đào sắt vụn.
- Sáng mốt đến lấy.
- Chú ơi, cho tôi lấy ổ khóa khi nãy.
- Ba đồng.
- Thấy chú quen quen.
- Tạng tôi giống nhiều người.
- Ôi, thầy Hoàng! Em là Vân, học lớp 11A2 thầy hướng dẫn.
Tôi ngẩng đầu lên, nhìn, cô gái khoảng 23, khá xinh, hơi nhớ nhớ.
- Cô học ở . . .
- Em học ở Đào Duy Từ, năm 74, thầy làm giáo sư hướng dẫn.
- À, Vân. Em phụ trách văn nghệ lớp?
- Thầy còn dạy không?
-Thầy dạy ở trường Phước Vân, nay chủ nhật đi sửa khóa, làm thêm để cải thiện
đấy mà!
- Bây giờ cô làm gì?
- Em cũng đi dạy, em dạy cấp I.
Cô gái đưa tờ 5 đồng, tôi lục hộc tìm tiền thối lại, khi ngẩng lên thì cô đã đi
rồi!
Mặt trời lên chợ càng lúc càng đông, không còn người
đưa sửa khóa, chỉ có người đến nhận khóa sửa, Một bà khoảng 45 nhờ tôi đến nhà
mở dùm khóa tủ, nghe nói chùm chìa khóa để ở đâu, khi rối việc quên mất.
Tôi bỏ một số dụng cụ cần thiết vào túi, rồi đạp xe
đi theo về hướng Vân Canh, khoảng một cây số, rẽ lên Phước An khoảng 200 mét
thì đến nhà. Căn nhà ngói cũ, trong khu vườn rộng, bao quanh là hàng rào chè,
một con chó xô ra sủa inh ỏi, tôi dựng xe vào hàng rào, tháo lấy túi xách theo
người đàn bà, qua sân, vào phòng khách, nhà đang có giỗ hay tiệc, hai bàn chữ U
kê sát nhau, ly, chén đũa để sẵn, một ông lớn tuổi từ phòng trên xuống,
- Con đã dẫn chú thợ sửa khóa về đây, ba.
Ông cụ khoảng trên 70, dáng gầy, nhanh nhẹn, mặc bộ
pi-ja-ma xanh nhạt, để râu. Tôi theo ông cụ lên phòng trên, phòng thờ, hơi tối,
ông chỉ cánh cửa tủ nói:
- Tôi để thẩu rượu ngâm trong này, sáng nay rối
không tìm được chìa khóa, nhờ chú mở dùm.
Nhìn ổ khóa loại viro rất dễ mở, lấy que tăm, tôi dò
tìm bi, một lúc mở được, ông cụ khen tôi giỏi quá, đến mở cửa bưng ra cái thẩu
thủy tinh lớn, loại này có người gọi là keo, lễ mễ để lên bàn, vừa lấy khăn
lau, sang ra chai vừa nói:
- Chú biết không! Thẩu rượu này được ngâm lâu lắm, tôi
ngửi mùi rượu thơm quá, quay sang tôi, ông cụ hỏi:
- Mà chú có biết uống rượu không?
-
Dạ có biết chút ít.
Ông
cụ cười,nói:
- Đàn ông cũng nên biết uống rượu, nhưng biết chút ít
thôi!
Bên ngoài có nhiều người đến, tôi nhìn xuống phòng khách,
nhiều người đã vào, một cậu lễ mễ bưng vào mấy két bia. Sang quá, bây giờ mà có
bia uống, chắc gia đình có tiền, ông cụ hỏi vọng xuống đã đủ chưa cháu, tôi
nghe, thưa ông đã đến đủ rồi.
Ông cụ hỏi tôi bao nhiêu, tôi nói 5 đồng,vừa lúc cậu trai
đi lên, tôi nghe có tiếng thưa thầy, tôi nhìn lên, à chú Thưởng, cậu học sinh
tôi chủ nhiệm 3 năm, giỏi hóa. Ông cụ ngạc nhiên, nhìn tôi dò xét. Thưởng quay
sang ông cụ nói, ông ơi đây là thầy Hoàng, chủ nhiệm con 3 năm và dạy hóa, mà
con thường nói với ông đấy! Rồi quay sang tôi, Thưởng giới thiệu, đây là ông
nội của em. Không rõ Thưởng đã nói gì với ông nội của em, nhưng khi nghe giới
thiệu, thì tôi đọc được thái độ trọng thị của ông đối với tôi! Ông nhất quyết
giữ tôi ở lại, và nói có ngày hôm nay là nhờ tôi, tôi chưa biết chuyện gì đây.
Quanh hai bàn chữ U ghép, các ghế dựa được xếp khít nhau, đầu bàn có hai ghế,
ông cụ vừa khẩn khoản vừa ép tôi ngồi vào ghế bên phải, tôi cũng khẩn khoản từ
chối, vì mặc tuềnh toàng, tôi cũng lơ mơ hiểu sự việc, tôi được ông cụ quí là
do vừa thầy dạy hóa, vừa chủ nhiệm cháu nội ông những 3 năm! Phía bên kia có
một người khách lớn tuổi, thấy được cả nhóm tôn trọng, hẳn là người có chức vụ
cao. Sau khi ổn định, ông cụ rót rượu vào 3 ly một trước mặt tôi, một của
người ngồi đối diện, và trước mặt ông, các ly khác được Thưởng rót . Ông trân
trọng giới thiệu với đoàn khách tôi là thầy chủ nhiệm 3 năm ở cấp III và là
thầy dạy hóa của cháu Thưởng, sự thành công của Thưởng phần nhiều nhờ công ơn
của thầy, sau đó ông giới thiệu người ngồi trước mặt tôi là giám đốc bệnh viện
mà Thưởng vừa được nhận vào, Thưởng tiếp tục giới thiệu các cô, chú, anh, chị
còn lại. Ông cụ nói:
- Người xưa nói: Quân, sư, phụ. Ngày nay không còn vua, thì sư là trên cả. Mời
thầy ngồi ở đây. - Ông chỉ chiếc ghế đầu dãy bàn. Tôi đứng dậy xin thưa với ông
cụ và các bạn:
- Cháu xin phép được nói điều cháu nghĩ, ở đây thâm tình như một nhà, giáo dục
và y tế là bạn khổ với nhau, tôi nói chân thành, có gì chưa đúng cứ nói. Tôi
nghĩ giờ không còn vua, nhưng quân ở đây tôi nghĩ là chính quyền, vậy tôi xin
đưa ra thứ tự như thế này: phụ, sư, quân. Vì theo tôi nghĩ không có phụ thì
không có con người, mà không có con người thì không có gì cả, vậy phụ là trên
hết, sau đó là sư, nhờ có sư chỉ, dạy con người cụ thể đó mới có tri thức, kỷ
năng làm việc, sư bao gồm cả dạy chữ, dạy nghề, biết phân biệt đúng sai, tốt
xấu, sau cùng là quân tức chính quyền sử dụng con người cụ thể đó đã có tri
thức, kỷ năng phục vụ con người và xã hội. Như vậy theo tôi phụ là quan trọng
nhất, mời má em Thưởng lên, mời bác ngồi vào chiếc ghế này, tôi chỉ chiếc ghế
đầu bàn, bác lại là lớn tuổi nhất, ghế đầu dãy bên phải tôi xin mời bác sĩ giám
đốc bệnh viện, và qua nhiều người nói tôi ngồi vào ghế đầu dãy bên trái. Ông cụ
từ tốn nói
- Mời thầy,mời bác sĩ giám đốc và các cháu ly rượu mừng cho cháu tôi!
Mọi người nâng ly, tôi nhìn ly rượu loại ly
chai nhỏ, trong suốt, có chân, vành viền màu vàng, loại ly thường thấy ở các nhà
có nét xưa, màu rượu vàng lục nhạt, màu của da rắn lục, rượu có mùi thơm nhẹ,
tôi đưa ly rượu lên môi, đưa lưỡi nếm chậm, vị cay, nồng lan tỏa khắp miệng,
mùi thơm nhẹ len vào mũi, rượu ngon. Ông cụ mời mọi người dùng tiệc rồi chậm
rãi, rõ ràng kể về loại rượu này:
- Quê tôi ở Bàu Đá, trước đây nhà tôi dành hẳn 3 công
ruộng cấy lúa thơm để nấu rượu dùng cả năm. Nấu rượu ở quê tôi kỹ lắm, từ việc
chọn gạo, nấu cơm, nước nấu cơm và đổ vào cơm rượu để ủ, lấy từ giếng bộng đất
nung, hoặc đá ong, không được dùng giếng bộng xi măng. Men, chỉ dùng men của
quê mình, thường là men Trường Định, Bả Canh. Khi nấu rượu thì dùng nồi đồng,
nắp bằng đất nung hay bằng đồng, ống dẫn bằng thân tre, rượu ra từng giọt, một
mẻ nấu lâu lắm, nếu đun nhanh thì hơi nước theo qua, rượu lạt.
Ông
cụ ngắm chai rượu công phu, nói tiếp:
-
Nhà tôi, khi sinh con trai, thì phải chuẩn
bị rượu để ngâm, rượu là phải rượu Bàu Đá, loại ngon, các vật ngâm gồm: ba con
bìm bịp, ba con rắn lục, ba con cá ngựa, ba củ sâm. Tất cả ngâm vào cái thẩu
lớn, với 5 lít rượu, đem chôn hoặc cất kỹ vào tủ, đến khi nào thằng bé ra
trường có việc làm thì lấy ra đãi, nếu không thì lúc nó cưới vợ đem ra đãi,
chúng tôi gọi là rượu nên người, sau thấy tên gọi dài nên nói gọn lại là rượu
người, đó là loại rượu chúng ta đang uống đây, 25 năm rồi đấy.
Có
nhiều tiếng thì thầm. Một cô nói:
- Thưa ông, vậy khi sinh con gái có được ông cho ngâm loại rượu
quí đó không ạ! - Ông cụ cười:
- Tục nhà tôi chỉ ngâm rượu khi sinh con trai.
Một
chú nói:
- Con gái, gọi là gái rượu, là để uống rượu nhà người ta
chớ. - Nhóm đàn ông cười.
- Như vậy là nhà ta trọng nam, khinh nữ. Cháu, thì cháu
phản đối. - Một cô khác lên tiếng, có nhiều tiếng xì xì
- Chuyện nhà thằng Thưởng, mắc mớ gì bà, muốn làm dâu nhà
này chắc. - Nhiều tiếng cười, cô gái đỏ mặt.
- Thưa ông, sao cháu thấy ông ngâm mỗi thứ là 3?
- À, phải đủ động vật, thực vật, trên cạn dưới nước nữa.
Con số 3 chỉ trời đất và người, lại nữa là số lẻ số dương, với người Tây, số 3
là số nhiều hơn số nhiều một bậc. Có chú nghe ông cụ giải thích thấy thích quá,
tiếc khi nãy uống vội chưa thấy cái hay, cái ngon của rượu, xin thêm ly nữa,
tôi thấy ông cụ vừa cười vừa nói:
- Uống rượu nên uống 1 hoặc 3 ly không nên uống 2 ly.
- Chắc ông muốn nói số lẻ là số dương hả ông, vậy mình làm luôn 5, 7 ly.
- Thưa ông, cháu thấy trong cửa hàng có rượu tắc kè, là lấy con tắc kè ngâm
rượu, rượu ngũ gia bì, lấy cây ngũ gia bì ngâm rượu, ở đây ông gọi là rượu
người. Cháu thấy gọn, mà nghe nó ghê ghê. - Cả bàn cười.
Ông cụ xin phép đi nghỉ. Chắc để cho bàn tiệc tự
nhiên hơn, tôi cũng xin về vì hơi trưa.
Dựng xe, sắp lại đồ nghề vào bàn sửa khóa, bưng vào cất trong hè, thấy má của
em Thưởng đến, không biết có việc gì đây. Chị đến gần lấy trong túi áo ra bì
thư, đưa hai tay, nói:
- Ba tôi xin gởi tiền, thầy ạ.
- À - tiền mở khóa. Chắc cụ nhà nghiêm lắm?
- Dạ không, ba tôi sống nếp người xưa.
Trời đã trưa, tôi nhìn bầu trời, thấy trong xanh và mát.
Một truyện ngắn xúc động về người thầy trong những ngày tháng khó khăn.
Trả lờiXóaCảm ơn anh Duyên. Người viết bài vui nhất là có nhiều người đọc, anh đã đưa bài của tôi lên trang mạng của anh. Chúc anh khỏe, vui
Trả lờiXóa