- Chủ đề của diễn đàn lần này là “Thế giới tại khu vực” - thế giới toàn cầu trong khu vực của anh thế nào. Có khoảng 100 đại biểu từ các quốc gia tham dự. Mỗi nhà văn nói về các vấn đề của đất nước mình. Tôi có tham luận nói về thế hệ trẻ Việt Nam trong chiến tranh và thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay.
- Bà có thể nói qua về tham luận của mình tại diễn đàn?
- Tôi có nhấn mạnh thế hệ trẻ hiện nay thường ngả theo xu hướng tiêu dùng, chạy theo công nghệ phục vụ cá nhân như điện thoại, iphone, ipad… ít nghĩ đến cái chung. Chiến tranh con người sống trong thiếu thốn nhưng quan tâm đến cái đẹp, quan tâm đến tương lai, chú trọng đến vẻ đẹp tâm hồn. Bây giờ người ta không còn được như thế…
- Các đại biểu dự hội nghị nhận xét thế nào về quan điểm của bà?
- Có một số người người nói thanh niên thời đại này nó thế, đó là hệ quả của xã hội công nghệ. Nhiều người nói về đất nước họ cũng thế. Đó là hệ quả tất yếu thôi.
- Cảm nhận chung của bà khi tham dự diễn đàn?
- Gặp gỡ cho vui thôi. Nhưng hầu như nhà văn nào cũng có những tâm sự riêng, những bức xúc về các vấn đề xã hội họ đang sống. Thỉnh thoảng nói chuyện được với nhau, tôi thấy các nhà văn đều có những nghĩ ngợi sâu xa và những tuyệt vọng nhưng họ đều muốn làm một cái gì đó cho tổ quốc mình. Họ nghĩ rằng viết cũng là một công việc.
- Bà có gặp lại bạn văn nào?
- Tôi có gặp lại GS người Hàn Quốc Kim Jae Yong. Năm 2007 tôi sang Hàn Quốc dự Hội nghị này và đã gặp ông. Năm 2008 trong chuyến sang nhận giải tôi không gặp nhưng cũng có nói chuyện với ông.
- Có vẻ như bà rất có duyên với Hàn Quốc khi năm 2008 bà cũng đã nhận giải thưởng Byeong Ju Lee trị giá 10.000 USD từ quốc gia này?
- Tôi không ngờ mình lại có những gắn bó với đất nước Hàn Quốc qua ba lần tới đất nước này, được đối xử rất tốt và có những người bạn có thể chia sẻ những điều riêng tư nhất.
- Hai tuần ở Hàn Quốc bà làm những gì?
- Tôi dự diễn đàn văn học Á-Phi-Mỹ Latin ở thành phố Incheon, sau đó bay ra đảo Jeju dự diễn đàn văn học Hòa bình cùng nhà văn người Ghana và 2 nhà văn Hàn Quốc. Trở lại Seoul tôi có mấy cuộc gặp gỡ nói về văn học Việt Nam, một vài cuộc gặp các giáo sư đại học, đến thăm một vài tạp chí… Nói chung ngày nào cũng đi và cũng có gặp gỡ.
|
Nhà văn Lê Minh Khuê (thứ hai từ trái qua) cùng các đồng nghiệp dự Diễn đàn văn học Á - Phi - Mỹ Latin. |
- 4 năm trở lại Hàn Quốc cảm giác của bà thế nào?
- Cũng không khác gì nhiều. Hàn Quốc vẫn giữ được nhịp sống tự chủ. Khắp nơi sạch sẽ, người ta chăm chút cây cối nhất là vào mùa hoa anh đào nở rộ. Nói cho cùng ai yêu thiên nhiên, yêu môi trường sống của mình là những người biết hưởng thụ và là người lương thiện.
- Sách của bà đã được dịch và in bằng tiếng một số thứ tiếng, nhuận bút từ việc in sách ở nước ngoài như thế nào?
- Tất nhiên là khá hơn trong nước nhưng cũng không nhiều trừ khi nhà xuất bản tái bản nhiều lần.
Không kỳ vọng gì ở văn chương
- Là một trong 3 nữ nhà văn được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt này, bà cảm thấy thế nào?
- Cũng bình thường thôi. Cũng là một sự ghi dấu, tôi cũng chả gọi đó là công lao đâu, nhưng mình làm việc trong lĩnh vực này và người ta nhìn thấy… Chỉ có điều còn nhiều người cũng xứng đáng. Những người nằm gai nếm mật trong chiến tranh. Tôi không nghĩ mình được cái này mà hơn ai, trong văn chương cũng thế. Bình thường thôi…
- Bà thích tác phẩm nào của mình viết trong chiến tranh?
- Thực ra đề tài chiến tranh khó viết lắm. Có nhiều tiểu thuyết chỉ miêu tả trận đánh viết cũng đã khó, còn để gọi là tác phẩm văn học viết về chiến tranh lại càng khó. Tôi rất ít khi viết là vì thế. Truyện “Những ngôi sao xa xôi” tôi viết năm 19 tuổi, một thời gian dài tôi không thích truyện ấy, nhưng sau này đọc lại thì lại thấy ưng. Nó tiêu biểu cho một thế hệ trong chiến tranh. Rất dũng cảm. Bây giờ có thể người ta nhìn khác, nhưng ngày ấy họ sống thế.
- Từ ngày trẻ, bà cứ đều đều viết và đều đều ra tác phẩm. Đó có thể hiểu là sức bền hay… sức ì?
- Sức ì mà… Sức ì của tôi mạnh lắm. Tôi kệ, ai muốn làm gì thì làm. Mình thích gì mình viết. Thực ra văn chương là do mình thích thì mình viết thôi. Anh biết đấy, thời buổi này ai người ta đọc văn… Chín mươi triệu dân mấy người đọc văn. Tôi vẫn nói viết ra cái gì có chục người đọc là thích rồi. Tôi đi ở Hàn Quốc, trên xe buýt, mỗi người chăm chú vào một chiếc điện thoại, không ai nhìn ai. Thời đại nó thế, ở mình cũng thế. Người đọc sách hiếm. Sách best-seller có thể hàng mấy chục nghìn người đọc, đọc để chơi thôi. Sách văn chương đôi khi chỉ nghìn cuốn, rất ít người đọc. Một ca sĩ giải trí đến đâu khán giả cũng ồ ạt, nhưng ca sĩ hát thính phòng lại khác. Anh theo loại hình nào thì anh phải chấp nhận sức lan tỏa của nó. Nhưng tôi vẫn tin vào văn học đích thực, ít người đọc nhưng đã đọc là chia sẻ thực sự. Chỉ cần mười người tâm huyết với mình, tôi vẫn viết.
- Thấp hơn thế thì sao?
- Tôi vẫn viết, không còn ai đọc tôi vẫn viết. Mình thích thì mình viết thôi.
- Bà không kỳ vọng gì ở văn chương?
- Tôi chả kỳ vọng gì ở văn chương
- Thế ngày còn trẻ bà có kỳ vọng?
- Không bao giờ kỳ vọng. Tôi không kỳ vọng quá vào điều gì.
Lễ trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật sẽ diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 27/5. Lĩnh vực Văn học có 38 tác phẩm, cụm tác phẩm được trao giải. Lê Minh Khuê là một trong ba nữ nhà văn được nhận giải thưởng (cùng với nhà văn Nguyễn Thị Như Trang và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát) với cụm tác phẩm:Cao điểm mùa hạ; Những ngôi sao xa xôi; Một chiều xa thành phố. Mỗi Giải thưởng Nhà nước trị giá 120 triệu đồng. Lê Minh Khuê là cây bút truyện ngắn tiêu biểu của Việt Nam thuộc lứa các tác giả thế hệ chống Mỹ. Tác phẩm của bà đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hàn Quốc và phát hành tại một số quốc gia. |
Nguyễn Xuân Thủy thực hiện
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét