Bao quát những cách thức tiếp cận truyện ngắn đương đại Việt Nam là một ý tưởng lớn và khó có thể thực hiện ổn thỏa trong một bài viết với dung lượng rất hạn chế. Bởi lẽ, truyện ngắn đương đại là một thể loại năng động, phát triển nhanh, đã tồn tại trong một thời gian dài từ sau ngày giải phóng (1975) đến nay. Bản thân đối tượng hết sức rộng lớn đã là một thách thức với những ý tưởng muốn thâu tóm và định dạng. Do nhiệm vụ cụ thể của bài viết nên chúng tôi sẽ không bàn đến vấn đề thể loại truyện ngắn đương đại mà tập trung vào việc điểm lại một số cách thức tiếp cận thể loại này trong thời gian qua.
Tiếp cận truyện ngắn đương đại từ thi pháp học
Có thể nói đây là hướng lớn nhất trong việc tiếp cận truyện ngắn đương đại Việt Nam. Do những thành tựu to lớn mà thi pháp học/ tự sự học mang lại cho việc nghiên cứu văn học nên hai hướng tiếp cận này đã được nhiều nhà nghiên cứu chú ý và khai thác.
Truyện ngắn đương đại Việt Nam là một thực thể nghệ thuật có những đặc trưng khác biệt với truyện ngắn thời kỳ chiến tranh. Các vấn đề thuộc về cách thức tổ chức tác phẩm như: Tình huống, cốt truyện, nhân vật, người trần thuật, ngôn ngữ trần thuật, giọng điệu trần thuật, điểm nhìn trần thuật, cách mở đầu, kết thúc, các cách thức và phương tiện khác kiến tạo thế giới nghệ thuật của truyện ngắn đương đại cũng đã có những khám phá cụ thể từ góc độ thi pháp học/tự sự học. Số lượng các khóa luận tốt nghiệp, các luận văn thạc sĩ, các báo cáo khoa học tại các trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu về truyện ngắn đương đại theo hướng này rất nhiều, đã hình thành một “đại lộ” trong tiếp cận truyện ngắn đương đại. Nhìn chung, đây là các công trình khoa học mang tính trường quy, áp dụng thi pháp học/ tự sự học trong nghiên cứu nên hết sức bài bản, lớp lang. Chính vì thế, vấn đề được bàn luận, giải quyết khá thấu đáo với hệ thống chương mục, luận điểm và luận cứ rành mạch, logic. Chẳng hạn, trong luận văn của Nguyễn Mạnh Hà, tác giả đã phân tích và làm nổi bật tư duy tiểu thuyết trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Những luận điểm chủ yếu cho thấy sự khảo sát và phân tích của Nguyễn Mạnh Hà khá kỹ lưỡng: Những biểu hiện của tư duy tiểu thuyết trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Một thế giới hiện thực trần trụi mang đậm chất văn xuôi, Rút ngắn khoảng cách trần thuật, Giọng điệu và ngôn ngữ, Tính chất đa thanh trong tổ chức văn bản,…). Trong luận văn Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, tác giả Vũ Thị Hải Yến đã tiến hành khảo sát trên các phương diện: người kể chuyện, kết cấu và cốt truyện, ngôn ngữ và giọng điệu,… Đây cũng là những phương diện chính yếu trong nghiên cứu thi pháp học/ tự sự học, đối với loại hình tác phẩm tự sự. Ở cấp độ bài báo khoa học, công trình của La Khắc Hòa, Cao Kim Lan, Phùng Gia Thế,… (Cùng nhiều nghiên cứu khác về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp), Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Đăng Điệp, Thụy Khuê, Phạm Xuân Thạch,… cho thấy thi pháp học/ tự sự học đã dành được sự quan tâm của giới nghiên cứu khi tìm đường đến với truyện ngắn đương đại. Phải nói rằng chính tính chất phổ quát của hai hệ thống lý thuyết này đã tạo nên khả năng tiếp cận và kiến giải không chỉ truyện ngắn mà các hình thái nghệ thuật khác (không riêng trong Văn học).
Trong một số trao đổi cùng với chúng tôi, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Chu Văn Sơn bày tỏ quan niệm về truyện ngắn và điểm chú ý cơ bản trong tiếp cận truyện ngắn của ông là từ tình huống truyện. Theo ông đối với truyện ngắn hiện đại, ngoài những yếu tố như cốt truyện, lối trần thuật, ngôn ngữ... thì tình huống được xem là hạt nhân thể loại của truyện ngắn. Đây cũng là một hướng nghiên cứu rất đáng chú ý trong bối cảnh thể loại truyện ngắn ở ta dù đã có nhiều cách tân những năm gần đây nhưng vẫn còn nặng lối tự sự truyền thống, tập trung vào sự, chuyện,…
Trong những chú ý của mình chúng tôi nhận thấy truyện ngắn đương đại đã có sự dịch chuyển từ “sự” như là trung tâm sang diễn ngôn tự sự như là cách biểu đạt sự bằng “thoại ngữ”. Nghĩa là chuyển từ narrative (Câu chuyện được kể, hiểu như là sản phẩm của hành vi kể) sang narration (kể chuyện, sự kể lại – hành vi kể, quá trình làm nảy sinh câu chuyện, có thể hiểu là cách thức . Như thế, truyện ngắn đương đại đã chú ý nhiều đến” truyện” hơn là tập trung chú ý đến “chuyện”. Hướng nghiên cứu này còn khá ít người chú ý. Khảo sát lại những nghiên cứu về truyện ngắn trên tinh thần chú ý đến cách trần thuật, kể chuyện hơn là câu chuyện (Lê Thời Tân gọi là giải tự sự học), chúng tôi bắt gặp quan điểm của TS- nhà văn Charles Waugh trong buổi thuyết trình tại Khoa Sáng tác và LL-PBVH- ĐH Văn hóa HN năm 2007 – Lược thuật của PGS.TS. Văn Giá. Theo quan điểm này, một trong những điều làm nên đặc trưng của truyện ngắn hiện đại chính là: “nội dung truyện ngắn không phụ thuộc hoàn toàn vào cốt truyện, mà là những gì lớn hơn cốt truyện”. Cấu trúc mới là điểm quan trọng nhất của truyện ngắn hiện đại. Cấu trúc được hiểu như là cách thức tổ chức mọi phương diện từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật để tạo nên tác phẩm – một chỉnh thể nghệ thuật. Sự phá vỡ một kiểu cấu trúc này để hướng tới một kiểu cấu trúc khác, tập trung vào hành vi kể chính là một chiều hướng vận động của truyện ngắn đương đại (Những tác phẩm đầu đổi mới với sự thay đổi trước hết trong ngôn ngữ trần thuật, điểm nhìn trần thuật, giọng điệu của Nguyễn Huy Thiệp – Tướng về hưu, Không có vua; Phạm Thị Hoài – Man Nương, một số truyện ngắn của Trần Thùy Mai, gần đây là Phan Việt - Những ngày ở Việt Nam, Nguyễn Ngọc Thuần – Những dự định của nàng vào thứ bảy tuần này, Phan Triều Hải – Đi mãi trên đường,…).
Truyện ngắn đương đại có những chuyển dịch rõ nét về đề tài, chủ đề. Tình yêu, tình dục, hôn nhân, giới tính, chiến tranh, tâm linh, vô thức, sự phản tỉnh trong ý thức hệ, các giá trị của cuộc sống con người trong bối cảnh sống mới chính là những vấn đề quan trọng trong chú ý thẩm mĩ của các nhà văn. Khuynh hướng chiếm lĩnh và thể hiện cuộc sống trong truyện ngắn đương đại gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần con người thời hậu chiến, thời đổi mới, kinh tế thị trường, hội nhập, toàn cầu hóa và các hoàn cảnh sinh hoạt đa dạng khác. Thi pháp học/tự sự học không bỏ qua vấn đề to lớn này trong thể loại truyện ngắn. Có nhiều bài nghiên cứu, báo cáo, luận văn, luận án đi theo hướng triển khai này. Có thể thấy, các bài viết, các công trình nghiên cứu đã đi vào các vấn đề nội dung tư tưởng của truyện ngắn hiện đại. Nhiều vấn đề đã được mổ xẻ từ góc nhìn khá mới mẻ (nữ quyền luận, đồng tính luận, hậu thực dân, hậu hiện đại,…) của các nhà nghiên cứu. Sự dồn nén đến mức điển hình trong một lát cắt, một khoảnh khắc của cuộc sống đã được soi ngắm từ những hệ thống lý thuyết mới đem đến một sự hình dung mới mẻ về truyện ngắn đương đại Việt Nam. Những truyện ngắn ngay từ sau đổi mới của Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, Không có vua, Muối của rừng, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Vàng lửa,…), Phạm Thị Hoài (Man Nương), Nguyễn Thị Thu Huệ (Hậu thiên đường), Đỗ Hoàng Diệu (Bóng đè), Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận),… cần phải có nhãn quan mới trên cơ sở lý thuyết thi pháp học/ tự sự học, lý thuyết về thông diễn, giải cấu trúc luận gắn với tinh thần hậu thuộc địa, hậu hiện đại trong một bối cảnh đan xen tiền hiện đại và hiện đại… mới có thể tiếp cận được các thông điệp thẩm mĩ, tư tưởng được ẩn giấu trong cấu trúc tác phẩm. Dĩ nhiên, chúng ta muốn nói đến những truyện ngắn viết về các đề tài trên như là những thực hành nghệ thuật, những ứng xử văn hóa thẩm mĩ của người đương thời. Tác phẩm trở thành một hệ thống ký hiệu, biểu tượng trùng phức vừa gắn với kinh nghiệm cộng đồng vừa là sự thoát hiện của kinh nghiệm, siêu nghiệm cá nhân. Chính vì thế cần phải có một cách đọc, cách diễn giải mới để thích nghi được phẩm tính riêng biệt của thể loại này trong sinh thái văn hóa mới. Sự đọc trên một cơ sở lý thuyết khả dụng với các phương pháp, thao tác mạch lạc tạo nên quyền lực của các diễn ngôn phê bình, nghiên cứu văn học nói chung và truyện ngắn đương đại nói riêng. Tuy nhiên, chính vì sức phổ biến và khả năng ảnh hưởng lớn của thi pháp học/tự sự học trong nghiên cứu loại hình tác phẩm tự sự lại tạo thành một “đại tự sự”. Biểu hiện rất rõ là nhiều luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ và các bài viết với đề tài Thế giới nghệ thuật, Không gian nghệ thuật, Thời gian nghệ thuật, Nghệ thuật trần thuật, Ngôn ngữ trần thuật,… trong một tác phẩm hay một nhóm tác phẩm nào đó. Sức hút của “đại tự sự” này tạo nên đại lộ của nghiên cứu nhưng cũng gây nên áp lực trong việc khám phá những hướng đi mới trong việc tiếp cận truyện ngắn đương đại. Sự áp dụng một mô hình lý thuyết có sẵn, từ trên xuống đã tạo nên một lối nghiên cứu “đẽo chân cho vừa giày” khá phổ biến trong nghiên cứu văn học. Bàn về vấn đề này La Khắc Hòa trong bài viết Dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài đã lưu ý từ đầu như là một đề dẫn về con đường nghiên cứu của ông. Từ thực tế tác phẩm với những biểu hiện cụ thể trong thế giới nghệ thuật, La Khắc Hòa rút ra những dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại – một hướng đi từ dưới lên, từ trong ra (mà một số người gọi là nghiên cứu nội quan). Chẳng hạn, nghiên cứu về nhân sinh, thế sự trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, nhà nghiên cứu đi đến kết luận: “Nếu Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của những câu chuyện về cái vô nghĩa của thế sự nhân sinh, thì Phạm Thị Hoài là cây bút của những bức tranh về một nhân loại vô hồn”. Đó là kết quả của sự khảo sát từ thực tiễn tác phẩm. Mọi con đường tiếp cận truyện ngắn không thể thoát ly khỏi việc nghiên cứu văn bản - nền tảng đầu tiên của mọi cuộc thám trình.
Tiếp cận truyện ngắn đương đại từ góc độ phân tâm học
Sự xuất hiện những yếu tố vô thức, tâm linh, những trạng thái tâm lý, tình cảm mới mẻ, đặc biệt đến mức dị biệt (Freud gọi là lệch lạc), sự trỗi dậy của các dấu ấn tâm tính tộc loại, sự hồi sinh của các “nguyên sơ tượng” (G. Jung), các vật chất nguyên thủy (G. Bachelard),… trong một số sáng tác văn học đương đại cần phải có một phương pháp tiếp cận và giải mã tương thích. Trên tinh thần đó, hướng nghiên cứu phân tâm học đã được tái sinh (phân tâm học đã xuất hiện ở ta từ trước thời điểm 1975 và đổi mới, là một chủ điểm quan trọng của triết học Miền Nam trước giải phóng, được áp dụng trong nghiên cứu văn học đô thị Miền Nam) và cho thấy tính khả thi của nó trong việc diễn giải không chỉ truyện ngắn mà các thể loại văn học khác. Trong bối cảnh của truyện ngắn đương đại, hướng nghiên cứu này có thể được nhận diện từ một số bài viết của Hồ Thế Hà. Trong các nghiên cứu này, ta thấy Hồ Thế Hà chú ý đến những phức cảm (Oedipus), loạn luân, giấc mơ, sự thác loạn, những ẩn ức tình dục, những yếu tố vô thức,…trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Không có vua, Cún), Nguyễn Thị Thu Huệ (Thiếu phụ chưa chồng), Phạm Hoa (Đùa của tạo hóa), Phạm Thị Hoài (Năm ngày), Trần Thùy Mai (Chị Hai ơi!), Nguyễn Bản (Tầm tã mưa rơi), Đỗ Hoàng Diệu (Bóng đè), Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận),… Từ hướng nghiên cứu của mình, Hồ Thế Hà đã đi đến kết luận: “Và quan trọng hơn là tạo ra tính hiện đại cho truyện ngắn 1975 - 2005 với các kiểu thể hiện theo “dòng ý thức”, “cách viết tự động”, lắp ghép kiểu điện ảnh, và phần nào vận dụng đến yếu tố trực giác, ấn tượng, huyền ảo, tâm linh, vô thức, tiềm thức để khắc hoạ tính cách và tâm lý nhân vật vi tế và đa dạng hơn, phù hợp với cấu trúc nội tâm và con người hiện đại. Đó là điều đáng ghi nhận của văn học nói chung và truyện ngắn sau 1975 nói riêng.
Có thể thấy, tiếp cận truyện ngắn đương đại từ phân tâm học có những ưu điểm riêng mà những phương pháp khác gần như đã vấp phải rào cản. Chân trời của sự thông diễn cứ được vén mở nhờ những phương pháp khác nhau trong “cộng đồng diễn giải”. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu phân tâm học trên thể loại truyện ngắn đương đại nhìn chung vẫn còn khá mờ nhạt.
Một số hướng tiếp cận khác
Tính chất đa dạng của tiếp nhận văn học, sự sôi động của đời sống lý thuyết trong nghiên cứu văn học những năm vừa qua đã đem đến những cách thức tiếp cận khác đối với truyện ngắn đương đại. Có thể điểm đến hướng tiếp từ lý thuyết liên văn bản, khám phá dấu ấn văn hóa dân gian, mô thức tự sự dân gian, trào tiếu dân gian, huyền thoại dân gian,… trong truyện ngắn đương đại. Trong hướng nghiên cứu này có thể kể đến Hoàng Cẩm Giang (Sự xâm nhập và tái sinh của một số mô thức tự sự dân gian trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay), Vũ Thị Mỹ Hạnh (Văn hóa dân gian trong văn xuôi đương đại Việt Nam), Đoàn Dương (Chất trào tiếu dân gian đương đại – đọc Một ngày nát vụn của Văn Giá), Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Nguyễn Huy Thiệp - hợp lưu giữa nguồn mạch dân gian và tinh thần hiện đại),… Trong một số hướng nghiên cứu này, ta cũng có thể thấy được ý hướng của các nhà nghiên cứu trong việc chỉ ra đời sống cộng sinh, tái sinh trong cơ chế liên/xuyên văn hóa của văn học. Hướng mở trong quan niệm về “liên văn bản” khởi đi từ M. Bakhtin đến J. Kristeva, R. Barthes,… chính là một tương lai rộng rãi cho nghiên cứu văn học, văn hóa. Có thể vẫn nhận ra những dấu ấn của thi pháp học/tự sự học trong những hướng nghiên cứu này. Đúng hơn, những hướng nghiên cứu này là những mạch chảy khác, những vận động có phần khác biệt nhưng không thể tách rời với những lý thuyết phổ quát làm nên đại lộ đã khá đông đúc ở trên.
Còn có những hướng tiếp cận khác, đông đảo hơn nhưng cũng thật khó quy về một hệ thống khu biệt chính là những cách đọc truyền thống. Xin được hiểu khái niệm này hết sức tương đối bởi những cách tiếp cận mà tôi đề cập ở đây không dựa trên những cơ sở lý thuyết cụ thể. Đó có thể là những diễn giải về một ấn tượng khi đọc truyện ngắn, những khen chê, cổ xúy, phủ bác về các vấn đề của truyện ngắn (tình yêu, tình dục, sự loạn luân, giải thiêng, hư cấu lịch sử, đồng tính luyến ái, cái ác, cái xấu,…). Ngay cả những bài viết có đụng đến thuật ngữ thuộc về đặc trưng của truyện ngắn cũng không làm nên một diễn giải có căn cứ lý thuyết khoa học. Phần lớn những bài viết này đều là cảm tính cá nhân (đã được hấp thu quan niệm của cộng đồng, dân tộc). Nhiều ý kiến tranh luận về lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, sex trong truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư,… là biểu hiện của lối tiếp cận này. Do sự bề bộn của những ý kiến kiểu như thế nên chúng tôi chưa thể giới thiệu và khái quát trong khuôn khổ bài viết này.
Nguyễn Thanh Tâm
(Văn Nghệ Trẻ)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét