“Ba ơi! Lẹ lên, con trễ giờ học rồi”
Đó là câu dường như thường xuyên xuyên cất lên vào mỗi buổi sáng mà ba chở tôi đi học. Ba lật đật chạy vào tắm rửa, thay đồ sau khi hì hụi với một mớ công việc ngoài sân, để rồi khi dắt xe ra ngoài cửa, như sực nhớ ra điều gì, ông lại hớt hải chạy vô: “Chết! Quên xích mấy con chó lại”. Mẹ tôi cằn nhằn: “Ổng dậy từ hồi bốn, năm giờ sáng đó mà không biết làm gì mà con nhỏ vẫn hối là trễ giờ học”. Lúc đó, ba chỉ cười cười: “Trễ đâu mà trễ, chạy có chút xíu là tới trường nó rồi, mười lăm phút chớ nhiêu”. Tôi thở dài, lắc đầu nghĩ cũng may là mình trừ hao bớt giờ, chứ mà theo đúng đồng hồ của trường chắc tôi lui cui chui vô bàn chót không biết bao nhiêu lần.
Ba là thế, làm gì cũng chậm, nhiều lúc hẹn người ta đi đâu, đợi ông sốt cả ruột liền: “Alô! Tới chưa vậy?”. “Rồi rồi, tới liền, đang chạy ngoài đường nè”, ba vừa trả lời vừa hấp tấp thay đồ, đầu tóc vẫn còn rối tung cả lên. Chúng tôi cười mệt nghỉ vì biết người đó chắc sẽ còn tốn thêm mấy cuốc điện thoại dài dài nữa.
Ba tôi - một người đàn ông bình thường, rất bình thường. Ông không phải là tỉ phú với hàng ngàn núi tiền chất cao đến nghẹt thở, cũng không phải là người nông dân chân lấm tay bùn, mộc mạc, giản dị như trong những bài thơ, câu ca mà ta thường nghe đến. Đối với nhiều người, họ luôn ca ngợi người đàn ông giỏi nhất là ba mình, nhưng tôi thì không thế. Ông khô khan, hay gắt gỏng, làm gì cũng chậm và khá gia trưởng. “Tại sao lúc nào xin phép ba cho con đi chơi xa ba cũng không cho?”, “Sao mà mình không thể gần gũi, tâm sự với ba như bao người khác vậy?”, “Con muốn làm theo những gì con thích, con mười chín tuổi rồi chứ có phải con nít mới lên ba đâu”,… Biết bao ấm ức, trách móc cứ chồng chất lên trong tôi mỗi ngày, nhiều lúc tôi gần như hét lên: “Tại sao mình lại sinh ra trong gia đình này chứ? Lúc nào cũng phải ru rú trong nhà, đi ra ngoài phải có người chở, đi đâu xa với bạn cũng không được, không được la cà chốn đông người,… chẳng lẽ mình cứ phải lủi thủi ở nhà hoài hay sao?”. Những lần tôi gần như nổi khùng nổi điên đó là lúc ba cứ mãi lặp đi lặp lại cái điệp khúc: “Người lớn nói mà không nghe, người ta đi trước, từng trải hết rồi, ngoài xã hội nó phức tạp lắm, ra ngoài đó mày mà ngơ ngơ chắc người khác bắt mày đi luôn” hay là lúc ba đuối lí vì chúng tôi phản ứng dữ dội quá, ba liền nạt ngang: “Tao nói mà tụi mày cứ cãi sang sảng lại thế hả? Con cái vậy tao đẻ hột gà, hột vịt có khi còn sướng hơn”. Lúc đó, tôi chỉ biết nín thinh, nước mắt chực trào ra, nghe nghẹn đắng ở cổ họng.
Ba là thế, luôn muốn người khác phải nghe theo ý mình, nhất là trong gia đình. Ba muốn xây cái hồ cá, mẹ góp ý nên xây gạch men cho nó sạch sẽ, ba không nói không rằng, không ừ hử gì hết. Mấy ngày sau, ba gọi thợ tới xây, khi hoàn tất, cả nhà chưng hửng nhìn cái hồ xi măng nằm lù lù trong vườn chứ không phải là một hồ nước tráng lệ với hòn non bộ nước chảy róc rách, tượng đá bày trí tuyệt mĩ như bao hồ cá đẹp lung linh trong trí tưởng tượng của chúng tôi. Mẹ chỉ biết lắc đầu nói cái ông này lạ thiệt, gia đình góp ý không nghe, ra ngoài bạn bè nói thì cứ răm rắp, thiệt hết biết.
Ba là thế, nghe ai: “Alô! Tới nhậu mày” là lấy xe đi liền, mẹ nấu một bữa ăn thịnh soạn với biết bao là món ngon, thế mà ba vẫn đi nhậu đến tối mịt mới về, tắm rửa rồi nằm lăn ra ngủ ngáy o… o… Nhìn mẹ rơm rớm nước mắt cầm đồ ăn đổ đi hết mà tôi thấy xót lòng, nghĩ sao ba vô tâm quá, mẹ bỏ hết cả buổi chiều để làm các món mà ba thích, vậy mà ba lại chọn thứ nước đắng nghét sùi bọt, uống hết ly này đến ly khác, chẳng biết ba có thương mẹ không nữa.
Ba là thế, dù không phải là nông dân, nhưng ba đã lớn lên cùng với ruộng đồng, mái nhà tranh, gánh nước đến oằn vai, lội ao bùn hì hục vớt cho được con cá đem bán lấy tiền sống qua ngày. Vì thế, cái hồ mà ba xây không cầu kì, đơn giản với lá sen và mấy bụi lục bình trôi. Và cũng vì thế, ba thích đi chân trần, đi làm về là cứ độc một cái quần mà ra vườn, mẹ sốt sắng: “Mang dép vô, đi chân không vậy đạp trúng miển chai, vi khuẩn chui vô người hết rồi sao”, ba chỉ đáp gọn lỏn: “Đi dép khó chịu lắm”. Có lẽ kí ức về tuổi thơ đã khắc sâu vào tâm tưởng ông, hòa quyện với dòng máu chảy len lỏi từng ngóc ngách đến một nơi cất giữ những quá khứ xa xăm – trái tim.
Đến một ngày, khi ăn hủ tiếu cùng ba, tôi chợt sững người khi quan sát kĩ người đàn ông ngồi đối diện mình. Mắt ông đã mờ đục hẳn đi, tóc bạc từng sợi cứ ngày một nhiều lên, nếp nhăn trên trán xô lại với nhau mỗi khi ông ngẫm nghĩ một điều gì đó. Và từ lúc nào, ở đuôi mắt đã xuất hiện vết chân chim gần như che hết nét tinh anh, cứng cỏi trong đôi mắt. Tôi lạnh người đi, lòng tê tái với ý nghĩ đến một lúc nào đó, ba sẽ cho tôi thực hiện điều mình muốn “Ra ngoài xã hội bằng chính đôi chân của mình mà không có ba bên cạnh”. Ôi! Đến lúc đó tôi lại chẳng muốn rời khỏi vòng tay ba để bay đến chân trời mới nữa. “Ba ơi! Có phải đối với ba, con mỏng manh, yếu đuối và luôn ngờ nghệch phải không ba? Từ khi con nhận thức được người đàn ông đầu tiên tồn tại trong cuộc sống của con chính là ba cho tới bây giờ lúc con đang dần trưởng thành, ba vẫn từng bước cầm tay con thật chặt dẫn con đi để con không bị đau vì ngã. Con vẫn nhớ như in ba đã cõng con lên vai, cho con nhìn thấy thế giới trên đôi vai vững chắc của ba. Con vẫn nhớ những lần ba dầm mưa dãi nắng đưa đón con đi học, dù con vẫn cứ luôn miệng cằn nhằn: “Sao ba đón con trễ thế? Con đứng mỏi cả chân” nhưng con đâu biết rằng trước đó ba đã mệt đến rã người vì chạy hộc tốc từ chỗ công tác đến trường không được nghỉ ngơi một phút nào. Con khóc ròng khi ba cứ muốn con luôn ở nhà, không được bay nhảy như giới trẻ ngoài kia bởi vì con không biết là ba đang cố gắng che chở cho con, sợ con bị tổn thương khi va chạm với “lưỡi dao” của xã hội. Có lần ba nói: “Lỡ chúng mày ra ngoài đường bị gì thì tao làm sao”, câu nói đó đến giờ con vẫn nhớ mồn một trong đầu, con luôn bé nhỏ, ngây ngô và mong manh trước cuộc đời, chỉ cần một vết cắt nhỏ thôi là con đã rơi nước mắt, có phải chính vì thế mà ba luôn muốn giữ con thật chặt phải không ba? Nhiều lúc con ích kỉ, cứ mãi trách móc, nghĩ ba thật cổ hủ, khó khăn, nhưng đến khi con nhìn thấy những sợi tóc bạc vì phơi sương gió của ba ngày càng nhiều, con mới nhận ra rằng ba đang dốc hết sức, hi vọng được bảo vệ con đến khi nào còn hơi thở, còn tồn tại trên thế gian này. Nhìn ba ngày một già đi vì phải lo toan, chống chọi với khó khăn từng ngày mà con đau rát lòng, con biết bây giờ trên vai ba là cả một gánh nặng, ba phải chăm lo, chạy từng miếng cơm manh áo vì cả nhà đều sống dựa cả vào ba. Con thương ba nhiều hơn khi mỗi lần ba gắt gỏng vì con biết áp lực từ mọi phía cứ trút lên ba, khiến cho đôi vai ba ngày càng trĩu xuống, con căm ghét những điều đó, nó làm cho ba cực khổ, đang rút dần sức lực của ba. Nếu những thứ làm ba khổ là một tờ giấy, con sẽ xé nát thành trăm mảnh, đốt nó ra thành tro, nếu những thứ làm ba đau là những thanh gỗ sắt, con sẽ vồ lấy chúng mà bẻ, mà đập cho tan tành, nếu những thứ làm ba mệt mỏi là vật mềm dẻo, con sẽ bóp cho nát, giẫm đạp lên nó cho tới khi nào không còn nguyên vẹn nữa thôi. Ba ơi! Con ước gì mình không phải là đứa con gái yếu đuối, con ước gì mình thông minh, mạnh mẽ hơn để chia sẻ bớt gánh nặng phần nào cho ba, con ước gì mình được nếm những giọt mồ hôi của ba để cảm nhận được nó đắng và cay mặn đến mức nào, con ước gì trái tim ba nằm trong lồng ngực của con, để con có thể thấy được nhịp đập của tình yêu thương mà ba dành cho chúng con cả cuộc đời này. Nhưng để hiểu được hết nỗi lòng của ba thì thật khó phải không ba? Chỉ khi nào con lập gia đình, sinh con đẻ cái thì mới thấu hiểu hết được tình cảm của ba mẹ. Nhưng, dù thế nào đi chăng nữa, dù sau này con có lớn khôn, có vỗ cánh bay đi đến những miền xa xôi thì trái tim con vẫn luôn nằm trong vòng tay của ba, con vẫn là đứa bé gái nhỏ nhắn khóc oe oe khi được ba ôm vào lòng, vẫn từng bước đi chập chững theo ba như ngày xưa, ba ơi!”.
Ba tôi - một người rất bình thường, khô khan và hay gắt gỏng. Có thể ông không hoàn hảo như những người cha khác, nhưng đối với chúng tôi, ông đã yêu thương một cách trọn vẹn.
Giang Đình (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét