Như mọi lần, thấy ba lững khững bước
ra khỏi cửa khi trời chạng vạng, đoán trước được “hậu quả”, tôi bèn lủi khỏi
nhà, mặc cho bé Út thu dọn tàn cuộc. Đúng
như tôi đoán, nó điện thoại càu nhàu, em lau bốn năm lần nước rửa chén mà chưa
bay mùi trên nền nhà. Ngồi tưởng tượng nó vắt khăn ấp lên trán ba rồi khệ nệ
bưng nguyên cái thau “thành tích” của ba tạt ra sau hè. Làm chị hai, tôi thấy mình
sao hèn quá!
Mỗi
lần ba say, là một lần tôi trốn. Thường, tôi rúc mình vào quán cà phê quen, sau
đó gọi đại ly nước rồi ngồi cho đến khi chị nhân viên ngáp hình chữ O, ánh mặt
ngần ngại như nhắn gửi “Gặp chục khách như em, chắc chị… quy tiên sớm”. Tôi
tính tiền, dắt xe ra khỏi quán.
Bé Út ngủ rồi, tôi rón rén mở cửa. Chui được
vào trong mùng thì đã gần mười một giờ. Đêm nay, trăng treo ngay trên đầu cửa
sổ. Trăng sáng vằng vặc, len lỏi vào gian buồng nhỏ khiến tôi nhớ lại một đêm
trăng mấy năm về trước, ba tôi và chú Năm Thành ngồi trước hàng ba uống rượu.
Chú Năm tu hết một ly đầy, rồi như cố ý, chú đặt cái ly xuống nền nhà thật
mạnh. Nhìn thẳng vào mặt ba tôi, mắng đắng:
- Anh tiếc chi cái thứ đàn bà hư đốn, hai đứa
nhỏ nó đẻ, nó còn không biết nhớ mà về thăm lấy một lần. Anh còn nhớ làm gì! Nó
theo trai chắc rồi.
Nói dứt câu, chú nheo cặp mày
rậm nhìn con Út đang ngồi nghịch cát ngoài sân. Tôi nép sau cánh cửa buồng, đếm
được đúng ba cái lắc đầu của chú. Nói đoạn, chú Năm xổ hai ống quần, đứng dậy
rồi nhắm hướng nhà mà đi thẳng.
Ba tôi còn ngồi lâu trước mâm rượu.
Ông vừa uống, vừa ngước cổ nhìn trăng. Ông uống rượu mà như muốn nuốt hết bao
nhiêu nỗi niềm. Từ đó, tôi không bao giờ nhắc má trước mặt ba nữa.
Nhưng
con em tôi lại khác. Nó ngày một lớn. Mà càng lớn lại càng biết rõ mình thiếu
hụt cái gì. Vào bữa cơm, thấy tivi chiếu phim mẹ đang vào bếp, nó thắc mắc chứ,
má đâu rồi hai!? Thấy tôi xỏ chỉ, nấu nước, vo gạo lăn xăn cả ngày, nó lượn lờ
trước mặt, trề môi “Cả lớp em hát cơm con ăn thì tay mẹ nấu, nước con uống tay
mẹ đun… sao em thấy toàn Hai làm không hà?”. Nghe nó nói, tôi ứa nước mắt. Tôi
thương nó một mà xót ba tới mười. Một lần nó nhắc “má” như có một mũi dao nhọn
đâm vào ngực trái của ba tôi. Những lần như vậy, ba cố nuốt cho hết chén cơm
rồi bỏ đũa hoặc lảng đi chỗ khác.
Sinh nhật tròn mười hai tuổi của bé
Út, tôi quyết định bóp bụng nói cho nó hay. Dù biết làm vậy là tàn nhẫn với một
đứa trẻ, nhưng tôi không đành lòng nhìn thấy ba đau đớn tấp rượu giải sầu mỗi
ngày. Bé em tôi ngồi im, lâu lắm! Hình như nó còn thở dài. Trời ơi con nít con
nôi biết gì mà than ngắn thở dài. Vậy là, đứa mang tiếng chui đầu ra trước,
đành đoạn cướp đi tuổi thơ của em mình.
Nó thôi nhắc má, kể cả trong mơ. Bé Út
giống tôi ngày xưa, bị đầu độc bởi hai tiếng “theo trai”. Tôi bị hai chữ đó ám
ảnh mà hận má. Rồi cũng chính tôi “học” chú Năm, gieo hai tiếng cay nghiệt đó
vào đầu nó, rồi nhìn hai chữ ghê gớm đâm chồi lớn lên từng ngày. Tôi biết làm
vậy là ác với má. Vũ trụ có đảo lộn thì má vẫn là người mang thai chín tháng mười
ngày, sinh ra hai chị em tôi.
Tôi nằm nhớ lại mà không để ý mặt trời đã
lên tự bao giờ, chắc ba đã đi làm. Tôi an tâm vén cửa mùng ngồi dậy. Chưa kịp
xếp xong cái mùng thì đã nghe tiếng bé Út hốt hoảng đẩy cửa:
- Hai ơi, nội… nội
yếu lắm rồi…
- Chạy đi kêu ba,
nhanh lên!
Trước khi nội tắt thở, bà nắm tay hai
chị em tôi rất lâu. Thều thào từng tiếng một, nội mót chút hơi sức cuối cùng kể
lại sự thật câu chuyện đã giấu nhẹm từ lâu. Ngày xưa, ba tôi được cho ăn học
đàng hoàng, đậu cao và sau về làm cán bộ huyện. Nhưng không hiểu Nguyệt lão se
sợi tơ tình kiểu nào mà ba lại tha thiết yêu má – một cô gái bần nông lại ít
học. Luôn kỳ vọng vào con trai nên bà nội tôi nhất định phản đối. Nội đòi đoạn
tuyệt mẹ con nếu ba làm trái ý, nội bỏ ăn mấy ngày liền. Ba tôi khóc nhiều
nhưng rồi quyết định tiến tới. Ngày rước dâu, nội nhất quyết không cho má đi
cửa chính mà dắt tay vào cửa sau như má tôi trót dại chửa trước vậy. Cuộc đời
má truân chuyên từ đó. Nhưng bà nội không phải là người rẽ thúy chia quyên, mà
căn cốt là do ba không biết giữ…
Đám cưới xong, để cho yên ba má tôi
xin ra riêng và cất nhà ở thị xã. Ba tôi là cán bộ, đương nhiên chuyện khách khứa
tiệc tùng như cơm bữa. Khốn nỗi, ông không thể nào dắt theo “phu nhân” vì sợ
mất mặt. Trong khi, sếp trên lính dưới không tay trái thì tay phải đều được một
cô khoát tay. Ba thường về nhà muộn khi cơm canh đã nguội lạnh nằm bơ vơ dưới
cái lồng bàn. Hai đứa nhỏ đã xem hết chương trình tivi đến lúc còn mỗi tiếng xè
xè, hột mè chạy đầy màn hình. Má ngoái đầu ra cồng hóng tiếng xe máy loạng
xoạng của chồng trở về.
Má suốt ngày xớ rớ ở nhà, cục mịch ít
nói lại không khéo vỗ về chồng. Ngoài việc chăm sóc con, nghe chồng chửi khi
say, má không biết làm gì hơn. Đến khi đẻ bé Út thì ba tôi hay gắt gỏng, viện
đủ cớ chửi bới vợ. Nào là đàn bà đái không qua ngọn cỏ, chỉ biết đẻ mà đẻ cũng
không nên. Ra ngoài xem vợ người cười đùa tiếp chuyện, biết cả cái ly càng mỏng
uống rượu tây càng ngon, sắc vóc sang trọng, đài các lại rành rẽ chuyện thiên
hạ, đối đáp khuôn thước khéo léo thấy mà… thèm. Đến cơ quan, đồng nghiệp xỏ xiên
“Trên dây phơi bốn năm cái váy, cái quần đùi cô đơn”, “Làm ông ngoại muôn năm
nghe sếp”. Về bên nội, họ hàng xầm xì, có một thằng con trai mà tiệt dòng dõi,
coi có được hay không?
Má bỏ đi khi bắt được ba đang chung
đụng với một người phụ nữ ở nhà nội. Má không mang theo thứ gì, kể cả… một trong
hai đứa con. Từ đó, ba đâm ra bần thần, ít nói. Ông làm bạn tri kỉ với rượu. Dần
dà, ba bỏ bê việc cơ quan. Người đàn bà kia không thể nào thay thế được má. Ba
đem hai chị em tôi về nhà nội, với lời hứa không bao giờ được nói sự thật cho
hai đứa hay thì nhà nội sẽ chu cấp phụ nuôi hai đứa bé. Ba tôi như người ngậm
bồ hòn, ú ớ cho qua ngày. Tới nay đã mười mấy năm mà vết thương vẫn chưa liền
lại. Chú Năm trách nhầm má, hàng họ láng giềng nghi oan cho má. Ba tôi lại không
có can đảm trái ý bà nội, phân trần cho chị em tôi tỏ tường, để đến hôm nay cả
hai đứa tôi nước mắt ngắn dài vì đã nghi oan cho má.
Đám tang nội xong, ba tôi bỏ
rượu. Ba nói ba muốn đi tìm má. Tôi cản, biển người mênh mông biết má ở đâu mà
ba tìm. Nhưng sớm nay, ba sai bé Út ra chợ chọn cho ba cái xách, ba xếp mấy bộ
quần áo để sẵn dưới đuôi giường. Ba gọi tôi lại, đưa xấp tiền dành dụm :
- Con à, ba có lỗi
với má con. Mười mấy năm ba không dám nhận sai với hai đứa. Bữa nay ba phải đi
tìm, tìm cho được má con về…”
Tôi
thấy sau màng nước ầng ậng là những tia hi vọng sáng bừng phát ra từ đôi mắt
của ba.
P.T.H.D (Đại học Đà Nẵng)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét