Nước non vững bền
Cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đến thăm đình Trà Cổ từng nói: “Đình Trà Cổ như anh lính biên phòng bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Cho nên phải giữ lấy đình, coi như là bảo vệ người giữ biên cương cho đất nước”. Chính vì thế, đình Trà Cổ không chỉ là nơi thờ tự của người dân địa phương mà còn là biểu tượng của tinh thần coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững chủ quyền của người Việt Nam.
Cột mốc văn hóa Việt
Sau nhiều nỗ lực cải tạo đất hoang, dựng cơ nghiệp trên đất mới, những cư dân đầu tiên của Trà Cổ đã nhanh chóng xây dựng đình Trà Cổ để thờ tự Thành hoàng, các bậc tiền nhân. Vào thế kỷ XV, ngôi đình được xây dựng công phu, mang đậm phong cách kiến trúc Việt Nam. Căn cứ theo thần tích, sắc phong - những cứ liệu lịch sử, đình Trà Cổ được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 (1461). Đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc trưng thời Lê, đó là các trang trí rồng, phượng trên cốn, cột, đầu bẩy. Đặc biệt, đình Trà Cổ là một trong số ít các ngôi đình ở Việt Nam giữ được sàn ván - kiểu kiến trúc đình phổ biến thời Lê, tựa như Đình Bảng của Bắc Ninh. Ván đình cao cách mặt nền 0,4m, bưng kín bằng những bức chạm trổ.
|
Đình làng Trà Cổ với kiến trúc độc đáo thời Lê được xem là “cột mốc” văn hóa Việt đối với Trung Quốc |
Đình Trà Cổ gồm tiền đường có 5 gian, 2 chái, hậu cung có 3 gian. Bên trong đình có 48 cột cái và cột quân bằng gỗ lim đặt trên tảng kê bằng đá xanh. Các cột được giằng đan bởi những xà ngang dọc, ở các đầu xà gồ đều chạm đầu rồng. Hai đầu hồi là hai bức hoành phi sơn son thếp vàng ghi tám chữ: “Nam sơn tịnh thọ” (Nước Nam bền vững), “Địa cửu thiên trường” (Đất vững trời dài). Đề tài trang trí trên các cấu kiện gỗ của đình rất phong phú và đa dạng với các hình rồng chầu mặt trời, rồng hóa mây, cá chép hóa rồng, hình hoa lá, mây xoắn... Điều đặc biệt là mỗi chi tiết gỗ đều có những nét chạm trổ riêng, không trùng lặp. Tất cả được những người thợ xưa thể hiện rất công phu, tài nghệ, mang đậm nét văn hóa cổ truyền của người Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hưu, thủ từ trông coi đình cho biết: “Ngôi đình này về mặt tâm linh là để nhớ ơn tổ tiên đã khai phá ra mảnh đất Trà Cổ. Ngoài ra, đây còn là cột mốc, chủ quyền Việt Nam bên cạnh nền văn hóa của Trung Quốc. Đình bao đời nay là nhân chứng, vật chứng không thể chối cãi được”. Quả vậy, đình Trà Cổ không chỉ thể hiện nét văn hóa Việt, niềm tự hào chủ quyền lãnh thổ mà còn là một biểu tượng văn hóa không hề bị lai căng, pha tạp. Điều đó cho thấy, ngay từ thời xưa, các bậc tiền nhân đã ý thức rất rõ vấn đề chủ quyền đất nước, bản sắc văn hóa dân tộc. Và đến nay, truyền thống ấy được các thế hệ người dân Việt Nam gìn giữ, noi theo.
Độc đáo tục nuôi “ông voi”
Cũng ngay tại đình làng Trà Cổ, chúng tôi được nghe về một tục lệ cổ xưa rất độc đáo: Tục nuôi lợn chầu thần. Đây là phong tục của người dân địa phương nhằm tưởng nhớ công lao khai khẩn của 12 ngư dân đầu tiên ra đất này khai hoang, mở cõi. Lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức vào ngày 30-5 và 1-6 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, ngay từ trước đó đã diễn ra nhiều hoạt động nghi thức trịnh trọng. Thường là ngày 25- 5, dân làng sẽ cắt cử một nhóm bô lão và thanh niên trai tráng gióng thuyền rước bài vị tiên công từ Trà Cổ đi về Đồ Sơn rồi quay ngược trở lại Trà Cổ để tưởng nhớ đến công lao khai hoang, lập đất của tiền nhân.
Tuy nhiên, để có được mấy ngày lễ thì dân làng phải chuẩn bị cả năm trời. Trong đó, việc quan trọng nhất là nuôi đủ 12 “ông voi”. Cũng giống như nhiều địa phương khác ở miền Bắc, thường nuôi lợn để chầu thần, tuy nhiên người Trà Cổ dùng từ “ông voi” để thể hiện sự kính trọng của mình. Mỗi năm dân làng tụ họp bình bầu rồi chọn ra 12 người có đạo đức, ít điều tiếng gọi là những ông đám. Mỗi ông đám nhận nuôi một “ông voi”.
Chiều ngày 30-5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che nắng rước “ông voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ từng “ông voi”. “Ông voi” nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ giành giải nhất. Ngay sau phần chấm giải, các “ông voi” trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thịt khao họ hàng. Riêng “ông voi” đạt giải nhất thì được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của “ông voi” này. Lễ trao thưởng cho cai đám có “ông voi” giải nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội hôm sau.
Nói thì ngắn gọn, nhưng việc nuôi “ông voi” trong vòng một năm cũng lắm công phu. Những ông đám được chọn, theo lệ phải làm lễ cúng gia tiên trước khi rước “ông voi” về nhà. Lợn nuôi để cúng thần tuyệt đối không được gọi là lợn nữa mà là “ông voi”, được cho ăn no, ngủ kỹ sạch sẽ vô cùng, ngủ còn được mắc màn riêng, đến khi ốm đau được gọi ngay bác sĩ thú y đến chăm sóc… Đặc biệt, thời xưa tục lệ khắt khe, các ông đám được chọn còn không được phép ngủ với vợ trong vòng một năm. Nay đã nới lỏng đôi chút nhưng ông đám vẫn phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo khác như độ tuổi chỉ từ 25 - 35, không được ăn thịt chó, mèo và cãi vã với mọi người…
Sáng 1-6 âm lịch là chính hội, làng tổ chức đám rước thần. 12 cai đám mới được bầu cho lễ hội năm sau đảm nhiệm phần khiêng kiệu và cầm lọng đi hai bên. Đám rước đi từ đình ra miếu Đôi, làm lễ cáo yết Thành hoàng rồi quay trở lại đình. Dọc hai bên đường đám rước đi qua, các gia đình bày các mâm quả, sản vật biển như tôm, cua… thắp hương thành kính để tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh và tổ tiên năm qua đã phù hộ cho mạnh khỏe, cuộc sống ấm no, đi khơi đánh bắt được nhiều tôm cá. Các nghi lễ tế thần được tiếp diễn trong các ngày hội còn lại. Trong những ngày hội thường có một số trò chơi được tổ chức như cướp cờ, kéo co, đi cà kheo...
Kiến trúc độc đáo, đậm đà bản sắc cộng với lễ hội đình Trà Cổ cùng tục thi “ông voi” ở vùng viễn biên bên cạnh một láng giềng luôn có tư tưởng bành trướng, như một lời khẳng định nước non vững bền, cho thấy sức sống bền bỉ, trường tồn muôn đời của văn hóa Việt. Đó cũng là sự khẳng định đanh thép và mạnh mẽ về chủ quyền đất nước, sức mạnh không gì so sánh được của dân tộc Việt Nam.
Bến Vân Đồn - nhớ chiến công xưa
Bến cảng Vân Đồn một chiều biển lặng. Từng con sóng bạc đầu vỗ nhẹ vào các vách núi sừng sững, tung lên những bọt trắng li ti. Biển dịu êm. Xa xa, đoàn thuyền đánh cá đang về. Tiếng còi tàu hú vang. Dòng người trên bờ đã đứng chật cầu tàu. Họ đến để đón người thân từ khơi xa trở về trong niềm vui khoang đầy cá tươi. Vân Đồn, mảnh đất lừng danh về một trận chiến xưa đang bừng lên nhịp sống sầm uất “trên bến, dưới thuyền”...
Vùng đất oanh liệt
Thương cảng Vân Đồn, thuộc huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Từ xưa, vùng đất này được xem là đất tiền tiêu, là cửa ngõ của Tổ quốc về đường biển. Bởi thế, cha ông ta chưa bao giờ dám lãng quên việc canh phòng trên mảnh đất biên cương này. Thời Trần đặt Bình Hải Quân canh giữ và rất coi trọng vai trò quân sự. Thời Lê, Vân Đồn đổi từ Trấn thành Châu và sai tướng canh giữ, đặt ra các luật lệ khắt khe. Thời nhà Nguyễn đã cho xây dựng nhiều hệ thống đồn canh giữ đất nước về hướng biển.
|
Nhộn nhịp thương cảng Vân Đồn hôm nay
|
Chúng tôi đến Vân Đồn trong ngày biển lặng, du khách qua lại tấp nập. Bên quán nước ven đường, biết chúng tôi là phóng viên, ông Nguyễn Văn Cường, một cựu chiến binh tự hào nói rằng: “Đất Vân Đồn này hiểm lắm! Lịch sử cho thấy, quân xâm lược phương Bắc khi tiến vào nước ta đều phải qua Vân Đồn, nên ở đây có nhiều trận đánh nổi tiếng”. Khu vực Vân Đồn, Bình Liêu, Tiên Yên có vị trí chiến lược rất quan trọng. Từ các địa danh này, theo đường số 4 là đi được từ Quảng Ninh đến Cao Bằng…
Từ bến cảng Vân Đồn, chúng tôi mua vé tàu cao tốc đi đảo Quan Lạn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) để thăm mảnh đất lịch sử gắn liền với công tích của người anh hùng dân tộc Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, Trần Khánh Dư lập được nhiều công trạng, được vua phong Phiêu kỵ tướng quân rồi tiếp tục phong Thượng vị hầu áo tía. Sau vì có lỗi nên bị bãi chức, ông lui về quê cũ ở Chí Linh làm nghề bán than. Ông có làm bài thơ về hoàn cảnh của mình: “Một gánh càn khôn quảy tách ngàn/ Hỏi rằng chi đó, dạ rằng than/ Nghĩ nghề lem luốc toan nghề khác/ Chỉ sợ trời kia lắm kẻ hàn”. Đó là những vần thơ cảm hoài và thể hiện ý chí của kẻ trượng phu. Trong dịp hội nghị ở Bình Than, bàn việc đánh quân Nguyên Mông, ông chở thuyền than đi ngang qua, vua Trần Nhân Tông trông thấy, thương tình và trọng cái tài của ông nên cho phục chức.
Trên đảo Quan Lạn từ lâu đã có đền thờ tướng quân Trần Khánh Dư. Dân làng nơi đây coi Ngài như vị Thành hoàng bảo vệ và phù hộ cho cuộc sống được yên ổn, mùa màng bội thu. Đền rất linh thiêng. Hàng năm, đến ngày 17-6 dân làng đều tổ chức lễ hội đua thuyền mừng tướng quân chiến thắng trở về, đồng thời cầu cho nghề đi biển của ngư dân được cá tôm đầy khoang.
Trận thủy chiến lừng danh
Vào cuối thế kỷ XIII, đất Vân Đồn càng trở nên nổi tiếng với chiến thắng lừng danh trên dòng sông Mang, tiêu diệt toàn bộ đoàn quân chở lương do tướng địch Trương Văn Hổ chỉ huy. Chiến thắng này đã làm rạng rỡ tên tuổi tướng quân Trần Khánh Dư và là yếu tố quyết định mang đến thắng lợi của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3. Thượng hoàng Trần Thánh Tông khi nghe tin Trần Khánh Dư đốt tàu lương địch ở Vân Đồn đã vui vẻ nói: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo và khí giới, nay bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chắc?”.
Năm 1288, 50 vạn quân Nguyên Mông ồ ạt chia làm 3 hướng xâm lược nước ta lần thứ ba. Về đường thủy do tên bại tướng lần trước là Ô Mã Nhi cùng Phàn Tiếp đem 500 chiến thuyền tiến vào biển nước ta. Theo sau đoàn thuyền Ô Mã Nhi là 100 thuyền chở 70 vạn hộc lương, hậu cần chủ yếu của quân xâm lược Mông Cổ do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy. Nắm được điểm yếu của kẻ địch là lương thực, chủ soái của ta Trần Hưng Đạo đã quyết định giao cho phó tướng Trần Khánh Dư chủ trương quyết chiến từ đầu ở chiến trường ven biển. Sau vài ngày tiến quân không gặp phải sự chống cự của ta nên địch càng chủ quan, hung hăng. Khi tới cửa An Bang (tức Quảng Yên ngày nay), Ô Mã Nhi gặp thủy quân ta, đôi bên giao chiến, quân ta không cản nổi giặc và bị thiệt hại. Nghe tin, thượng hoàng Trần Thánh Tông đã sai trung sứ xiềng Trần Khánh Dư đem về kinh đô trị tội, Khánh Dư bảo với sứ rằng: “Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin hoãn cho vài ba ngày để tôi lập công chuộc tội rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn”. Trung sứ đồng ý. Mục đích xin hoãn 3 ngày của tướng Trần Khánh Dư là để chuẩn bị đánh vào thuyền lương của tướng giặc Trương Văn Hổ.
Đúng như dự đoán, sau khi đoàn binh của Ô Mã Nhi đi qua, các thuyền lương của địch chậm chạp theo sau tiến về cửa Lục và lọt vào trận địa mai phục của ta. Vịnh cửa Lục kín đáo, có dòng sông Mang, có giếng nước ngọt, là sự hấp dẫn lạ thường đối với thuyền đi biển. Trương Văn Hổ đã cho cả đoàn thuyền của mình vào nghỉ trong vịnh. Bất thần, quân ta từ 4 hướng đổ ra, dùng tên lửa cùng các loại vũ khí xông vào chém giết và đốt sạch thuyền lương quân địch. Trương Văn Hổ bỏ chạy thục mạng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khánh Dư đánh, giặc bị thua, bắt được lương thực, khí giới của giặc không xiết kể, bắt sống rất nhiều…”.
Lương thực địch đã bị ta tiêu diệt, không một hạt thóc nào tới miệng những tên quân chiến đấu trên bộ đang mỏi mắt chờ đợi. Nghĩ tướng giặc là Thoát Hoan chưa biết sự tình, Thượng hoàng Trần Thánh Tông liền thả bọn tù binh ở Vân Đồn cho về báo. Sau khi nghe tù binh thuật lại thuyền lương đã bị tiêu diệt, Thoát Hoan như sét đánh ngang tai, buộc phải nghĩ đến kế rút lui để bảo toàn tính mạng.
Chúng tôi được anh Hoàng Trung Tín, người khá am hiểu về vùng đất nơi đây dẫn đến tận nơi diễn ra trận đánh năm xưa, cách trung tâm Quan Lạn 10km. Chiến trường xưa khi thủy triều xuống là một bãi bồi bằng phẳng. Ở giữa hai dãy núi có dòng sông Mang kỳ lạ chảy qua. Giữa khu đất lại có giếng nước ngọt mà dân làng thường gọi là giếng thần, không bao giờ cạn. Phía trên đồi có cây đa hơn ngàn năm tuổi, hình dáng rất ly kỳ, cạnh gốc đa có miếu thờ vua Lý Anh Tông… Tất cả tạo nên một cảm giác rất đỗi linh thiêng. Khi thủy triều lên, vùng đất này mênh mông sóng nước và rất hấp dẫn để thuyền đi biển ghé vào nghỉ ngơi. Chính sự hấp dẫn đến mê hoặc đó đã khiến cho đạo quân chở hơn 70 vạn hộc lương của Trương Văn Hổ bị quân ta vùi chôn vĩnh viễn. Chúng tôi chỉ được ghé thăm vùng đất này chừng một giờ đồng hồ rồi phải đi bộ về ngay trước khi thủy triều lên. Bãi bồi bao la xen lẫn giữa rừng cây mắm bạt ngàn. Thỉnh thoảng thấy nhiều phụ nữ và trẻ em đi săn bắt Sá Sùng, loại giống như giun đất rất có giá trị về dinh dưỡng mà biển cả đã ban tặng cho người dân Quan Lạn.
Ôi! Đứng ở nơi đây mà cảm hoài về lịch sử hào hùng của cha ông. Việt Nam ta - một dân tộc không bao giờ muốn chiến tranh nhưng đã bao lần phải đổ máu xương để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cho con cháu muôn đời mãi phồn vinh.
Đưa những con tàu ra khơi
Trong tình hình biển Đông đang dậy sóng, tàu kiểm ngư KN-781, được xem là một trong hai tàu kiểm ngư hiện đại nhất khu vực, đã được Công ty đóng tàu Hạ Long bàn giao cho lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Trước thời điểm bàn giao, chúng tôi tìm về công ty đóng tàu Hạ Long để hòa mình vào không khí khẩn trương sản xuất, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, sớm đưa các tàu kiểm ngư vào sử dụng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng…
Tự hào KN-781
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, Công ty đóng tàu Hạ Long (thuộc Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy - SBIC) từng nổi lên như một thương hiệu uy tín cho các bạn hàng trong khu vực. Tại đây, thời kỳ cực thịnh có đến hơn 7.000 công nhân làm việc cùng một thời điểm, đóng được hàng ngàn con tàu lớn nhỏ. Đến thời điểm hiện tại, công ty có khoảng 1.000 cán bộ, công nhân viên. Nhưng đây chính là lực lượng tinh nhuệ, giàu kinh nghiệm và gắn bó với công ty lâu dài.
Anh Nguyễn Thế Anh, cán bộ văn phòng công ty vui vẻ cho chúng tôi biết, trong năm vừa qua, công ty đã đóng rất nhiều tàu công suất lớn, đáng chú ý có 2 tàu vận tài 53 ngàn tấn... Đặc biệt, công ty đã đóng xong, đang hoàn thiện 2 tàu kiểm ngư cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Theo sự hướng dẫn của nhân viên công ty, chúng tôi được phép tham quan 2 tàu kiểm ngư đang neo đậu trong âu tàu. Giữa hàng chục tàu hàng, tàu du lịch, tàu khách hàng đang sửa chữa…, tàu KN-781 nổi bật hơn cả với màu sơn trắng sáng với lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió chiều. Rồi đây, tàu sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đặc biệt quan trọng cho lực lượng Kiểm ngư Việt Nam thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Tàu KN-781 đã được Công ty đóng tàu Hạ Long bàn giao cho lực lượng Kiểm ngư Việt Nam
|
Tàu KN-781 được coi là một trong hai tàu kiểm ngư hiện đại, lớn nhất khu vực với lượng giãn nước lên đến 2.400 tấn, có bãi đáp và kho chứa trực thăng ở đuôi tàu. Tàu có chiều dài lên đến 90,5m, chiều rộng lớn nhất 14m, trọng tải 500 tấn. Khi chạy đủ công suất, tàu đạt tốc độ 21 hải lý/giờ và trong điều kiện bình thường, tàu có tầm hoạt động liên tục đến 5.000 hải lý. Tàu KN-781 khi đi vào hoạt động sẽ giúp lực lượng Kiểm ngư Việt Nam hoạt động dài ngày trên biển, bảo vệ an toàn hàng hải, lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam và tàu bè quốc tế đi lại trên biển Đông.
Cũng tại các phân xưởng đóng vỏ, khoang, điện, cơ khí… của công ty, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, nhiệt tình của cán bộ, công nhân lao động. Mỗi nhóm công nhân phụ trách một công đoạn, không ai bảo ai nhưng tất cả đều hiểu ở thời gian này, mỗi công việc được hoàn thành là góp phần cùng toàn dân bảo vệ biển đảo quê hương. Bởi tàu kiểm ngư cần được hoàn thiện và đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt, giúp lực lượng Kiểm ngư thực thi pháp luật trên biển trước sự hung hãn, ngang ngược của Trung Quốc.
Bản lĩnh Việt Nam
Những ngày lưu lại Quảng Ninh thực hiện loạt ký sự này, chúng tôi may mắn cùng hàng trăm người khác tận mắt chứng kiến uy lực của vòi rồng từ tàu KN-781 khi thực hiện những chuyến hải trình ngắn nhằm kiểm tra kỹ năng “tác chiến thử” trên vùng biển Quảng Ninh. KN- 781 đạp sóng hùng dũng lướt đi trên biển. Vòi rồng của tàu khi phun nước cực đại tựa hai cánh cầu vồng tỏa ra từ thân tàu. Rồi mai đây, trên biển Đông, trước những hành động ngang ngược của các tàu Trung Quốc, tàu KN- 781 sẽ phát huy uy lực mạnh mẽ của mình.
Quan sát tàu KN-781 chạy thử trên biển, không ai có thể nghĩ rằng đây là một con tàu được đóng bằng sự sáng tạo, tìm tòi của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Công ty đóng tàu Hạ Long. Năm 2012, trong muôn vàn khó khăn, công ty quyết định bắt tay với Tập đoàn Damen (Hà Lan). Đây được xem là quyết định lịch sử. Bởi trước đó, dù đóng rất nhiều tàu nhưng chủ yếu là tàu lớn, không còn phù hợp trong xu thế mới nên công ty ngày càng khan hiếm đơn hàng. Nhờ sự bắt tay với Damen, Công ty đóng tàu Hạ Long sớm tìm lối ra, nhận được nhiều đơn hàng quan trọng.
Cũng từ sự hợp tác gắn bó lâu dài với Tập đoàn Damen, Công ty đóng tàu Hạ Long đã thừa hưởng được kinh nghiệm, kỹ thuật hiện đại và dũng cảm nhận đơn đặt hàng đóng tàu kiểm ngư. Được biết, hai tàu kiểm ngư đầu tiên do công ty đảm trách được đóng theo thiết kế chuyển giao của chính Tập đoàn Damen. Tuy nhiên, phần thi công được toàn bộ đội ngũ chuyên gia, công nhân giàu kinh nghiệm Việt Nam đảm nhận.
Ngày 4-6-2014, sau khi tàu KN-781 hạ thủy thành công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Công ty đóng tàu Hạ Long. Tại đây, Thủ tướng bày tỏ sự hài lòng với chất lượng thi công tàu KN- 781. Tàu lớn gấp 4 lần so với các tàu kiểm ngư hiện có với trang thiết bị hiện đại. Chính vì thế, Thủ tướng chỉ định công ty tiếp tục đóng thêm 4 con tàu nữa, nâng tổng số tàu do công ty thi công lên 6 chiếc. Đây là niềm vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao của toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty đóng tàu Hạ Long.
Khi bài viết này được đăng tải, cũng là lúc tàu KN-781 đã được bàn giao chính thức cho lực lượng Kiểm ngư Việt Nam để tiến hành nhiệm vụ trên biển. Nhiều con tàu khác, là phiên bản của KN-781 đang được các công ty đóng tàu Việt Nam hối hả thi công để sớm đưa ra biển khơi, bảo vệ chủ quyền đất nước. Trước sự vi phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc, lực lượng kiểm ngư Việt Nam vẫn đang kiên trì cùng các lực lượng thực thi pháp luật khác đấu tranh, tuyên truyền trên biển. Sự có mặt của những con tàu như KN-781 không chỉ giúp lực lượng kiểm ngư tự tin hơn trong quá trình thi hành nhiệm vụ mà còn thể hiện bản lĩnh, ý chí tuyệt vời của dân tộc Việt Nam trước mộng bành trướng bá quyền của Trung Quốc.
K.V&KG
Kỳ tiếp: Bạch Đằng Giang - hào khí muôn đời
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét