LTS: Việt Nam ta, dải dất hình chữ S nằm bên bờ biển Đông sóng vỗ từ ngàn xưa đã in sâu vào tiềm thức của người dân với biết bao tình cảm thiêng liêng. Suốt chiều dài lịch sử, biển Đông đã bao lần sóng gió, đau thương, gian khổ nhưng rất đỗi oai hùng, rạng rỡ. Chiến thắng Bạch Đằng Giang, bến Vân Đồn… là hào khí muôn đời của con dân đất Việt và là vết hằn không thể nào quên của các thế lực ngoại xâm phương Bắc. Hôm nay, biển Đông lại một lần nữa dậy sóng, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Như bao lần trước, khi chủ quyền đất nước bị đe dọa cũng là lúc hàng triệu trái tim Việt Nam đều hướng ra biển, sục sôi khí phách dân tộc. Hòa chung trong tinh thần yêu nước ấy, báo Bình Dương trân trọng giới thiệu ký sự “Tổ quốc bên bờ sóng”.
Nam quốc sơn hà
Trước khi bắt đầu hành trình từ cột mốc rừng dương Trà Cổ, đến rừng đước Cà Mau, chúng tôi ngược lên Kinh Bắc, vùng đất đã đi vào trang sử chói lọi của dân tộc với chiến công lẫy lừng gắn liền tên tuổi người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt bên dòng Như Nguyệt. Năm xưa, bên dòng sông hiền hòa ấy, giữa lúc cuộc chiến đang quyết liệt bỗng vang lên trong đêm khuya vắng vẻ những câu thơ đanh thép: Nam quốc sơn hà Nam đế cư… khiến quân thù khiếp đảm. Nam quốc sơn hà từ đó trở thành lời thề lịch sử, là tuyên ngôn bất hủ và chân lý ngàn đời của Việt Nam bất khuất: Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời…
Vọng mãi chiến công
Chiều trên thành phố Bắc Ninh nắng chói chang. Nhà báo Văn Phong - Báo Bắc Ninh vui vẻ đưa chúng tôi đi thăm lại di tích Phòng tuyến Như Nguyệt, thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong. Đã 937 năm trôi qua, lịch sử bao lần biến thiên thay đổi nhưng ký ức của trận đánh vang dội vẫn còn đọng mãi trong tâm khảm của bao lớp người nơi đây. Con sông xưa, bến đò Như Nguyệt vẫn còn đó, thơ mộng và hiền hòa. Phòng tuyến bên bờ sông nay đã được đắp cao thành đê chắn lũ nhưng vẫn không làm mất dấu tích lịch sử. Trên đê, thỉnh thoảng bắt gặp rất nhiều lô cốt của người Pháp để lại. Văn Phong giải thích, Bắc Ninh vốn là đất binh gia, xưa gọi là trấn Kinh Bắc, là cửa ngõ của thủ đô nên trong lịch sử mỗi khi đất nước có chính biến, thường có quân xâm lược chiếm đóng.
|
Bến đò và phòng tuyến Như Nguyệt - nơi diễn ra c uộc quyết chiến tiêu diệt quân Tống năm xưa
|
|
Phóng viên Báo Bình Dương bên bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” tại đền Xà
|
Năm 1077, nhằm trả thù thất bại lần xâm lược trước đó, nhà Tống sai tướng Quách Quỳ tung toàn bộ quân chủ lực gồm mấy chục vạn, ào ào tiến vào Đại Việt nhằm thôn tính nước ta nhanh gọn. Sau 10 ngày tiến công như vũ bão, tuy bị chặn đánh nhiều nơi nhưng chúng vẫn vượt qua thượng du, tràn xuống bờ Bắc sông Cầu (tức sông Như Nguyệt) chuẩn bị tiến đánh phá hoại tông miếu nhà Lý và tiến về Thăng Long. Về đường thủy, Dương Tùng Tiên, tên tướng chỉ huy thủy quân Tống cũng theo đường biển tiến vào. Nhưng khi chúng vừa tràn vào vùng biển, lập tức bị thủy quân Đại Việt, dưới sự chỉ huy của tướng Lý Kế Nguyên tấn công dữ dội. Bị bất ngờ, tướng giặc cùng các thuộc hạ phải bỏ chạy, đạo thủy binh bị ta tiêu diệt. Thắng lợi trên của ta đã đẩy đạo quân bộ của Quách Quỳ vào thế cô lập. Trước mắt y, giờ đây quân Đại Việt không phải ở trong một thành quách cô lập mà là cả một chiến tuyến vững chắc dọc sông Như Nguyệt. Để thăm dò, Quách Quỳ sai thuộc hạ lợi dụng đêm tối vượt sông ở bến đò Như Nguyệt, nhưng chúng đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân ta. Chúng phải vội vã cắt đứt cầu phao vì sợ quân ta tràn sang bờ Bắc, để lại số quân không có đường rút và bị ta tiêu diệt hoàn toàn.
Thất bại này càng làm cho quân Tống khiếp sợ. Tuy vậy, chúng vẫn ngoan cố tiếp tục làm bè vượt sông. Đợt vượt sông thứ hai của địch diễn ra trên toàn tuyến sông, liên tiếp lớp này đến lớp khác. Nhưng trước chiến lũy kiên cố và sức chiến đấu dũng mãnh của quân ta, cánh quân đổ bộ của địch đều bị tiêu diệt hoặc đầu hàng. Liên tục bị đánh bại, Quách Quỳ phải co về phòng ngự. Y ra lệnh: “Nếu ai bàn đến đánh sẽ chém!”. Nhận thấy tình thế chiến lược đã xuất hiện, Lý Thường Kiệt lập tức chớp thời cơ phản công. Sau nhiều trận đánh tập kích bất ngờ, ông đã huy động 10 vạn quân bao gồm cả tượng binh đồng loạt vượt sông trong đêm tối. Mờ sáng, ta bao vây trại quân địch và gây bất ngờ cho chúng. Tướng địch là Triệu Tiết phải mở đường máu rút chạy về với Quách Quỳ, số quân còn lại đã bị ta diệt hết. Thừa thắng, Lý Thường Kiệt cho quân tiến lên bao vây Quách Quỳ. Trận đánh đã diễn ra vô cùng ác liệt. Trước khí thế xung thiên của quân dân Đại Việt, quân Tống lâm vào thế quẫn bách, tiến lùi đều khó, mười phần chết tám.
Chiến tranh để hòa bình
Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng quân Tống vẫn chần chừ chưa chịu rút lui vì sợ mất thể diện của “Thiên triều”. Nắm chắc tình thế đó, Lý Thường Kiệt chủ động đặt vấn đề điều đình nhằm mở lối thoát cho quân địch, sớm kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi cho dân tộc. Để “không nhọc tướng tá, khỏi tổn xương máu mà bảo toàn được tôn miếu”. Quách Quỳ như người sắp chết đuối lại vớ được cọc, vội vàng nhận “giảng hòa” rút quân về nước trong cảnh giẫm xéo lên nhau.
Chiến thắng Như Nguyệt là trận đánh mang đầy đủ tư tưởng quân sự của dân tộc Việt Nam. Đó là lấy ít thắng nhiều, lấy chiến tranh để bảo vệ hòa bình. Trong thời khắc trận đánh diễn ra ác liệt, bài thơ “Nam quốc sơn hà” đã vang lên trong ngôi đền Xà cạnh bờ sông khiến lòng quân thêm hăng say diệt giặc. Chỉ bằng 4 câu thơ nhưng đã nêu cao chính nghĩa của cuộc kháng chiến cũng như khẳng định rõ địa phận ranh giới quốc gia, đã trở thành tuyên ngôn độc lập đầu tiên đầy tự hào của dân tộc Việt Nam.
Việt Nam là một dân tộc trận mạc, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, nhưng cũng là một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình. Khi quân Tống về đến biên giới, chúng kiểm lại quân số chỉ còn hơn 24.000 lính. Như vậy là gần 30 vạn tên đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, để cho nước Tống đỡ “mất mặt”, để cho chiến tranh không tiếp diễn, vua nhà Lý và chủ tướng Lý Thường Kiệt vẫn cử sứ thần của ta mang quốc thư sang Trung Quốc bàn việc nghị hòa, tạo sự hòa hiếu về sau. Đó chính là chủ trương đúng đắn của vua tôi nhà Lý, thể hiện tinh thần cương quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền nhưng luôn mong muốn hòa bình. Tư tưởng giữ nước ấy của bậc tiền nhân đã mãi mãi truyền lại cho mọi người dân Việt Nam. Tư tưởng trong “Nam quốc sơn hà” là chân lý tất yếu, phổ biến, đồng thời là động cơ, mục đích của cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Lịch sử chiến tranh của dân tộc ta không chỉ đánh bằng “vũ” mà còn đánh bằng “văn”, bằng “mưu phạt tâm công” - một đường lối quân sự được kế thừa và phát huy mãi về sau. Hôm nay, biển Đông lại đang dậy sóng, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn đang kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình. Đó chính là thể hiện sự kế thừa truyền thống đấu tranh giữ nước quý báu từ cha ông.
Chiều muộn, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, chúng tôi chứng kiến nhiều bạn trẻ mặc áo màu cờ Tổ quốc đỏ rực, đứng đông đúc cùng nhau tổ chức các hoạt động ủng hộ biển đảo thiêng liêng. Tạm biệt vùng đất Kinh Bắc, chúng tôi tiếp tục hành trình lên Bắc Giang để viết về một trận đánh cũng mang đậm tư tưởng chiến tranh và hòa bình của Việt Nam. Bản tin thời sự tối trên truyền hình cho biết, Trung Quốc tiếp tục đưa thêm tàu vào vùng biển nước ta. Cả dân tộc vẫn đang một lòng hướng về phía biển.
“Tắt muôn đời chiến tranh”
Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, có một trận đánh đã làm ngỡ ngàng những nhà viết sử mọi thời đại. Đó là chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, trận đánh góp phần kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo. Bình Ngô đại cáo có câu: Lạng Sơn, Lạng Giang thây phơi đầy đường/ Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước… chính là nói về trận đánh oanh liệt này.
|
Cánh đồng Xương Giang hôm nay, nơi trước đây diễn ra trận đánh tiêu diệt toàn bộ viện binh của nhà Minh
|
Bạt vía quân thù
Chúng tôi đến Bắc Giang trong thời điểm Trung Quốc tiếp tục đưa thêm giàn khoan ra biển Đông. Biết chúng tôi đang thực hiện loạt bài viết về chủ quyền lãnh thổ đất nước, anh Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang rất vui. Anh cho biết, Bảo tàng Bắc Giang cũng đang chuẩn bị cho dự án trưng bày các hiện vật về chủ quyền biển đảo. “Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng ta. Cả nước đang nhìn về phía biển…”, anh Khoa khẳng định!
Là người nghiên cứu về lịch sử, anh Khoa đồng tình với chúng tôi khi biết chúng tôi đang viết về truyền thống đánh giặc phương Bắc của cha ông, đặc biệt là vào thời điểm này. Anh cho rằng, viết về chiến tranh không phải để đào sâu hay đay nghiến lịch sử mà để nêu cao tinh thần quật cường, chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, để chiến tranh tàn ác, chết chóc không có nguy cơ lặp lại...
|
Bia đá khắc ghi vết tích còn lại của thành Xương Giang
|
Bắc Giang thường được coi là đất biên thùy, phên dậu của nước Việt, có vị trí địa lý cực kỳ hiểm yếu về mặt quân sự. Từ đây đi lên khoảng 100km là giáp biên giới Việt - Trung và xuôi về khoảng 50km là thủ đô Hà Nội. Giao thông để nối các địa danh này chỉ có một tuyến đường độc đạo, xưa gọi là đường thiên lý. Đường thủy thì chỉ có sông Thương. Trong lịch sử, khi xâm lược nước ta, các thế lực phương Bắc thường hành binh qua con đường thiên lý này.
Năm 1427, nhà Minh sau 20 năm đô hộ tàn khốc Đại Việt đang đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn trước quân khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo. Tuy nhiên, chúng vẫn không chịu bãi binh, cứ bám riết với dã tâm sẽ đè bẹp quân khởi nghĩa. Để cứu nguy cho chủ soái Vương Thông đang bị quân ta bao vây ở thành Đông Quan (Hà Nội), nhà Minh điều 15 vạn viện binh, chia làm hai đạo tiến vào nước ta. Một đạo do Liễu Thăng chỉ huy gồm 10 vạn quân từ Quảng Tây tiến sang, đạo thứ hai do Mộc Thạch cầm đầu tiến từ Vân Nam xuống. Nhận được tin báo, bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn quyết định vây chặt thành Đông Quan, chuẩn bị tiêu diệt quân tiếp viện, đồng thời ra quyết tâm hạ cho được thành Xương Giang (thuộc phường Xương Giang, TP.Bắc Giang ngày nay) nằm trên trục đường thiên lý nhằm mục đích không để quân viện binh của địch và quân ở trong thành hội sư.
Ngày 10-10-1427, quân địch tiến tới núi Mã Yên (Lạng Sơn), Liễu Thăng cho quân vượt qua cánh đồng lầy nằm giữa hai mỏm núi. Đang lúc địch bị sa lầy thì phục binh của ta từ bốn hướng xông ra đánh quyết liệt. Toàn bộ quân tiên phong địch bị tiêu diệt, chủ tướng Liễu Thăng bị chém rụng đầu ở núi Mã Yên. Bình Ngô đại cáo viết “Đánh một trận, sạch không kinh ngạc/ Đánh hai trận, tan tác chim muông…” là vậy. Mặc dù thất bại nặng nề, nhưng lực lượng địch vẫn còn đông, lúc này Thôi Tụ lãnh quyền chỉ huy thay thế Liễu Thăng, tiếp tục tiến về Xương Giang, hy vọng sẽ hội với quân Minh ở trong thành. Tuy nhiên, khi gần đến Xương Giang, Thôi Tụ mới ngã ngửa khi biết thành Xương Giang đã bị ta phá tan tành. Quân Minh đành co lại giữa cánh đồng Xương Giang phòng thủ trong tuyệt vọng, run sợ. Riêng đạo quân do Mộc Thạch chỉ huy, sau khi nghe tin Liễu Thăng bị chém đầu đã bỏ chạy về nước.
Ngày 3-11-1427, Lê Lợi ra lệnh tổng công kích quân địch tại cánh đồng Xương Giang. Trận đánh diễn ra quyết liệt. Toàn bộ quân Minh đều bị ta tiêu diệt. Thôi Tụ, Hoàng Phúc bị bắt sống. Bình Ngô đại cáo lại viết: Gió mạnh thổi, lá khô trút sạch.../ Đô đốc Thôi Tụ quỳ gối chịu tội/ Thượng thư Hoàng Phúc trói tay nộp mình.
Sau trận đánh này, Vương Thông đang cố thủ ở thành Đông Quan kinh hồn, bạt vía phải xin đầu hàng, nhà Minh buộc phải bãi binh xin rút quân xâm lược về và thừa nhận chủ quyền độc lập của Đại Việt. “Tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh được cấp mấy ngàn ngựa, đã về nước mà còn ngực đập chân run”, Bình Ngô đại cáo.
“Sửa hòa hiếu cho hai nước”
Trong 20 năm đô hộ nước ta, nhà Minh đã đề ra chính sách cai trị rất tàn khốc. Sử còn ghi lại: “…Thiết lập các nha môn thu thuế, khai mỏ, mò vét ngọc trai; xây dựng thành lũy trấn giữ các nơi hiểm yếu, tăng cường trấn áp các vệ, sở; lùng bắt người Việt có tài đưa về Trung Quốc đào tạo quan lại tay sai; hạn chế học hành, đốt sách vở của Đại Việt. Bắt dân thay đổi phong tục”. Thật là sự cai trị bạo ngược và thâm độc! Bởi thế, sau chiến thắng Xương Giang, nhân dân và tướng sĩ của ta xin được giết hết kẻ địch để trả thù những tội ác mà chúng gây ra với nhân dân ta trong thời gian đô hộ. Nhưng Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã trả lời rằng: “Phục thù báo oán đó là thường tình của người ta, không thích giết người đó là bản tâm của kẻ nhân giã và người ta đã hàng mà lại giết thì không còn gì không lành hơn nữa. Để hả mối giận một sớm mà mang tiếng giết hàng muôn đời thì sao bằng sức sống vạn người mà hết mối chiến tranh cho hậu thế. Khiến sử sách ghi chép, nghìn thuở lưu thơm, như thế chẳng là lớn lao sao”. Nói rồi, Lê Lợi liền cho 500 chiến thuyền, cấp cho lương thảo để hơn 30 vạn quân giặc rút về nước. Từ đây, Đại Việt ta dứt mối can qua, khôi phục sơn hà, yên hưởng thái bình.
Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang thêm một lần nữa khẳng định tư tưởng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đỉnh cao của nghệ thuật quân sự “vây thành diệt viện”, cha ông ta luôn nêu cao đạo lý, nhân đạo với kẻ thù, “không nói đến việc đánh thành mà lại khéo léo nói đến việc đánh vào lòng người”, đánh bằng ngoại giao “phạt mưu phạt giao”, “mưu phạt tâm công”… đã được Nguyễn Trãi nêu rõ: Sửa hòa hiếu cho hai nước/ Tắt muôn đời chiến tranh/ Chỉ cần vẹn đất cốt sao an ninh.
Thế nhưng, đạo lý sáng ngời chính nghĩa của dân tộc Việt Nam luôn đứng trước những thách thức vô lý. Từ đầu tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã bất chấp đạo lý, luật pháp quốc tế ngang nhiên xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta. Họ đã quên đi truyền thống hòa hiếu, hữu nghị của cha ông ta thuở trước. Nhưng hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp mà càng làm cho con dân nước Việt xích lại gần nhau chung một lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của cha ông, như lời vua Trần Nhân Tông dặn dò: “Ta phải gìn giữ cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy một tấc đất, một phần núi, một khúc sông của tiền nhân để lại”. Lời răn để lại cho hậu thế của bậc tiền nhân hôm nay đọc lại càng thấy sâu sắc. Đó cũng là lời cảnh báo đối với các thế lực mang dã tâm bành trướng lãnh thổ. Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình. Đã nhiều lần Việt Nam làm mọi cách để chiến tranh không xảy ra, “cốt vẹn đất yên dân”, nhưng nếu buộc phải đứng lên thì cũng sẵn sàng cùng muôn dân đập tan mọi cuộc xâm lược, quyết tâm bảo vệ sơn hà xã tắc.
Tạm biệt Kinh Bắc, vùng đất văn hiến ngàn năm, xuôi về hướng đông, chúng tôi xúc động đặt chân lên mảnh đất thiêng nơi địa đầu Tổ quốc.
Đất thiêng Trà Cổ
Chúng tôi vốc từng nắm cát biển nơi địa đầu Sa Vĩ. Muối mặn, gió và sóng biển như quyện với muôn lời thì thầm từ ngàn xưa vọng về. Sa Vĩ, cái doi cát dài thoai thoải tựa một bức tranh thủy mặc trên đất thiêng Trà Cổ - nơi đặt nét bút đầu tiên vẽ nên non sông gấm vóc. Biển ta dài và đẹp quá, như muốn ôm chúng tôi vào lòng…
Bình minh Sa Vĩ
Đối với những phóng viên từ miền Nam ra đất Bắc như chúng tôi, chuyện được đặt chân đến mũi Sa Vĩ là một trải nghiệm thật đặc biệt. Bởi thế, xe vừa cập bến Ka Long (TP.Móng Cái, Quảng Ninh), những cực nhọc suốt chặng đường dài hơn 2.000km từ Bình Dương liền được dẹp sang một bên. Nhà báo Mai Thanh Phong (Kiến Giang) quả quyết: “Không cần nghỉ ngơi, phải ra ngay Sa Vĩ để đón ánh bình minh nơi địa đầu Tổ quốc!”.
|
Đông đảo khách du lịch tìm về mũi Sa Vĩ để thêm tự hào về chủ quyền đất nước thiêng liêng
|
Từ TP.Móng Cái đi khoảng 7km nữa thì đến trung tâm phường Trà Cổ, đi thêm hơn 1 km nữa giữa những làn gió biển xanh mát, qua những mái đình Trà Cổ, nhà thờ… chúng tôi đặt chân đến Sa Vĩ. Ôi Sa Vĩ xa xôi mà hóa ra gần gũi đến lạ! Cát trắng trải dài ngút tầm mắt rồi biến mất dưới làn nước xanh trong của biển trời bao la. Những hàng dương rì rào biển mặn đứng hiên ngang trong gió ban mai vùng biên viễn. Bức phù điêu cách điệu hình chiếc lá dương ba mũi tượng trưng cho điểm đầu Đông Bắc Tổ quốc với hai câu thơ của Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương. Đến Cà Mau rừng đước…” trở thành hình tượng khơi gợi lên những cảm xúc thiêng liêng cho bất cứ người con dân đất Việt nào đặt chân đến nơi đây.
|
Phóng viên Báo Bình Dương tại bức phù điêu tượng trưng cho điểm đầu Đông Bắc của Tổ quốc
|
Thì ra, không chỉ chúng tôi háo hức đón bình minh trên mũi Sa Vĩ, hàng trăm du khách gần xa từ các tỉnh Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Long An… cũng tìm về nơi đây để thêm yêu quê hương, xứ sở mặc cho ngoài khơi xa biển Đông đang cuộn lên muôn cơn sóng dữ. Tấm biển “Vành đai biên giới” được viết bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, tiếng Trung như lời nhắc nhở đanh thép về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Xa xa, giữa cửa biển là những cột mốc biên giới Việt - Trung nằm trầm ngâm trong sóng nước. Anh Vi Măng, một khách du lịch đến từ Lạng Sơn tranh thủ nhờ chúng tôi chụp vài tấm hình làm kỷ niệm cho biết: “Đến với Trà Cổ không chỉ là để đi chơi, tắm biển hay thưởng thức thiên nhiên, sản vật ở đây mà còn là đến với niềm tự hào trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Tôi đã đến đây nhiều lần rồi nhưng nay tôi phải dẫn vợ và các con đến thăm lần nữa để hiểu hết giá trị từng tấc đất của bao thế hệ cha ông giữ gìn, truyền lại cho các đời sau…”.
Quả vậy, Sa Vĩ không đơn thuần là một địa danh mà đã là định danh cho văn hóa Việt, cho đất Việt từ ngàn năm nay. Đến với Sa Vĩ, chúng tôi cảm nhận từng con người lẫn tạo vật nơi đây đều có một cái gì đó rất đậm chất “lính” nơi địa đầu đất nước. Cái dải cát trải dài xa thẳm ấy trải qua bao nắng gió, bão bùng và những biến động suốt chiều dài lịch sử ngàn năm đất nước vẫn hiên ngang, vững vàng không lay chuyển.
“...vui thú non tiêu”
Phường Trà Cổ nằm trên địa bàn TP.Móng Cái, có bờ biển uốn lượn dài 17km. Biển ở đây gần như chưa có bàn tay nhân tạo của con người nên nước rất trong xanh, bờ cát trắng trải dài theo bờ biển. Những câu chuyện lưu truyền về sự phát tích, lịch sử hình thành của vùng đất này như góp thêm vào tinh thần khai khẩn đất hoang, bám đất, bám biển không ngừng nghỉ của ngư dân Việt từ xa xưa đến nay.
Người dân Trà Cổ đời này qua đời khác lưu truyền nhau câu ca để nhớ về gốc gác xa xưa của mình: “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Gốc gác ấy bắt đầu cách đây khoảng hơn 500 năm. Trong một lần đi biển đánh bắt cá, 12 gia đình ngư dân ở Đồ Sơn (Hải Phòng) bị giông tố cuốn ra biển rồi trôi dạt đến mảnh đất Trà Cổ. Thời ấy, nơi đây là mảnh đất chưa ai biết đến, lau sậy rậm rạp và hoang sơ nên con người khó có thể sống nổi. Cơn bạo nạn đi qua, 6 gia đình không chịu được sóng gió đã quay về quê cũ. Họ lắc đầu bảo nhau: “Ở đây ăn bổng lộc gì. Lộc sung thì chát, lộc si thì già”. Đó là họ căn cứ vào thực tế ở miền đất này khi ấy còn nhiều gian khó. Tuy nhiên, còn 6 gia đình vẫn quyết bám trụ ở lại khẩn hoang, tạo dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Họ động viên nhau: “Ở đây vui thú non tiên. Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”. Ngày qua ngày, từ đời này qua đời khác, cư dân sống ở vùng đất Trà Cổ ngày càng đông đúc hơn, họ lập đền thờ Thành hoàng, lấy tên gốc của hai làng quê mình đã ra đi trước kia ở Đồ Sơn là Trà Phương và Cổ Trai để ghép lại đặt tên đất mới là Trà Cổ. Cái tên Trà Cổ có từ khi ấy và trở thành nơi địa đầu Tổ quốc cho đến ngày nay.
Trà Cổ bây giờ là một địa điểm du lịch nổi tiếng cả nước, hàng năm thu hút vài chục ngàn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Sức hút của Trà Cổ không chỉ đến từ mũi Sa Vĩ, là một trong những nơi đánh dấu điểm đầu của bản đồ đất nước mà còn vì thiên nhiên, tạo vật nơi đây mang nhiều nét đẹp thơ mộng. Ông Lê Chiến Trung, Chủ tịch UBND phường Trà Cổ tự hào: “Từ khi có con đường vượt sông Trà Cổ nối liền với TP.Móng Cái, phường chúng tôi giờ đã là “đất vàng” du lịch rồi! Khách đến du lịch tại đây không chỉ thưởng thức các món sản vật từ biển cả như ghẹ, cua, tôm, cá… mà còn đắm mình trong một không gian văn hóa đậm nét truyền thống. Theo quy hoạch định hướng phát triển du lịch Quảng Ninh cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.Móng Cái, phường Trà Cổ được xác định là một trung tâm du lịch với nhiều tiềm năng biển, du lịch. Bãi biển Trà Cổ cùng bia tưởng niệm Bác Hồ, mũi Sa Vĩ, đình Trà Cổ, nhà thờ… hợp thành một quần thể du lịch khép kín, gắn kết giữa thiên nhiên với con người và văn hóa, hấp dẫn du khách gần xa.
Nói về Trà Cổ không thể không nhắc đến lễ hội Trà Cổ với tục thi “Ông Voi”. Nét kiến trúc độc đáo của đình Trà Cổ và lễ hội này chính là biểu tượng cho sức sống bất diệt của văn hóa Việt trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, ngay cạnh nền văn hóa Trung Quốc nhưng không hề bị xâm thực. Chúng tôi sẽ giới thiệu nét đẹp văn hóa này ngay trong bài sau, khi phóng viên Báo Bình Dương có chuyến viếng thăm đình Trà Cổ. (còn tiếp)
K.V & K.G
Nguồn: Báo Bình Dương
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét